Tin tức

Những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau đại tràng

Ngày 05/11/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Đau đại tràng có thể do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là tổn thương viêm đại tràng kết hợp với các yếu tố thúc đẩy khác như: tinh thần căng thẳng, nhiễm khuẩn do ăn uống kém vệ sinh, do lạm dụng thuốc điều trị đặc biệt là thuốc kháng sinh,… 

1. Đau đại tràng là gì?

Đại tràng là cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa, là một hệ thống ống dài thực hiện chức năng tiếp nhận thức ăn đã tiêu hóa từ ruột non chuyển qua, tiếp tục hấp thụ nước và dưỡng chất còn lại. Sản phẩm thải ra từ đại tràng sẽ được chuyển đến trực tràng và hậu môn để thải ra ngoài. Là cơ quan quan trọng nhưng đại tràng cũng rất dễ gặp phải những tổn thương nghiêm trọng, nhất là tình trạng viêm loét.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau đại tràng 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng Đau đại tràng 

Tình trạng đau dọc theo khung đại tràng khá dễ nhận biết, có thể xuất hiện theo đợt cấp tính, đau quặn từng cơn hoặc kéo dài âm ỉ. Người bệnh ngoài đau ở đại tràng thường có nhiều triệu chứng kèm theo do rối loạn chức năng cơ quan này như: rối loạn tiêu hóa, bất thường đại tiện, bất thường về phân. 

Khi bệnh nhân bị đau ở đại tràng, bác sĩ cần xác định chính xác nguyên nhân. Bên cạnh thu thập thông tin về triệu chứng bệnh, bác sĩ có thể cần thêm kết quả xét nghiệm máu, phân, nội soi đại tràng hoặc siêu âm, chụp CT,… để chẩn đoán tìm chính xác nguyên nhân. Nếu đau ở đại tràng có tổn thương thực thể (viêm nhiễm, polyp,…) bệnh nhân cần điều trị khắc phục chúng. 

 Nội soi thường chỉ định trong chẩn đoán đau ở đại tràng

 Nội soi thường chỉ định trong chẩn đoán đau ở đại tràng

Đau đại tràng có thể do bệnh đại tràng co thắt, không gây tổn thương thực thể do sự rối loạn chức năng co bóp của cơ quan này. Đây là bệnh lý dai dẳng, khó chẩn đoán và điều trị.

2. Những nguyên nhân gây đau đại tràng

Tìm ra nguyên nhân gây đau đại tràng giúp việc điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát đạt hiệu quả cao hơn. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân đau ở đại tràng do nhiều nguyên nhân kết hợp, phổ biến như:

2.1. Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột

Thực tế trong đường ruột con người tồn tại đến hơn 100 tỷ vi khuẩn, trong đó có cả vi khuẩn có lợi (gọi tắt là lợi khuẩn) và vi khuẩn có hại (gọi tắt là hại khuẩn). Trong đó, lợi khuẩn giúp thúc đẩy tiêu hóa, bảo vệ chống lại tác nhân có hại. Còn hại khuẩn ngược lại, chúng sẽ khiến quá trình tiêu hóa rối loạn, tấn công gây tổn thương và bệnh lý ở đại tràng.

Tỉ lệ vàng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn đường ruột được nghiên cứu là 85:15. Do nhiều nguyên nhân, có thể là thói quen ăn uống, thực phẩm không đảm bảo, hệ miễn dịch đường ruột yếu, bệnh lý khác của đường tiêu hóa,… mà tỷ lệ lợi khuẩn/hại khuẩn này thay đổi. 

Điều này dẫn tới mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hậu quả là hại khuẩn hoành hành, chúng hoạt động và tiết độc tố làm tổn thương niêm mạc đại tràng. Đây là nguyên nhân chính gây đau ở đại tràng.

Bệnh lý đại tràng khó điều trị dứt điểm

Bệnh lý đại tràng khó điều trị dứt điểm

2.2. Do bệnh lý

Đại tràng là cơ quan dễ bị tổn thương và có thể mắc phải nhiều bệnh lý như: viêm loét đại tràng, polyp đại tràng, bệnh Crohn, bệnh lao, bệnh đại tràng co thắt,… Những bệnh lý này vừa tác động xấu trực tiếp cơ quan này, vừa tạo điều kiện thuận lợi khiến các vi khuẩn có hại gây viêm nhiễm. 

Đau đại tràng cũng là triệu chứng chung của các bệnh lý đại tràng này.

2.3. Do thiếu máu cục bộ

Nếu động mạch cung cấp máu nuôi đại tràng gặp vấn đề, có thể là tổn thương hoặc bất thường cấu trúc (xơ vữa động mạch, hẹp xoắn ruột,…), một phần đại tràng sẽ bị thiếu máu. Lúc này, phần đại tràng không được nuôi dưỡng tốt hoạt động kém, dễ bị tổn thương và hình thành ổ viêm và gây đau.

2.4. Lạm dụng kháng sinh

Kháng sinh là công cụ tuyệt vời giúp con người bảo vệ sức khỏe, tiêu diệt các loại hại khuẩn. Tuy nhiên, loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ, nhất là ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Đại tràng cũng là cơ quan chịu ảnh hưởng, kháng sinh vừa tiêu diệt hại khuẩn cũng vô tình tiêu diệt lợi khuẩn, dẫn tới mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. 

Nếu tình trạng này kéo dài, tổn thương niêm mạc đại tràng, hình thành các ổ viêm loét là không tránh khỏi, và người bệnh sẽ có biểu hiện đau ở đại tràng kèm theo các rối loạn tiêu hóa khác.

2.5. Chế độ ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh

Các nghiên cứu đã chỉ ra, nguy cơ mắc viêm đại tràng cao hơn ở những người có chế độ ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh. Tiêu biểu là thói quen ăn quá nhiều thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, ít chất xơ, các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn. Thực tế đa phần các trường hợp nhiễm khuẩn và viêm đại tràng có nguyên nhân do khuẩn hại từ thực phẩm.

 Rượu là tác nhân kích thích dễ gây đau ở đại tràng

 Rượu là tác nhân kích thích dễ gây đau ở đại tràng

Ngoài ra, rượu bia, thức ăn cay nóng, hải sản,… là những tác nhân kích thích khiến tổn thương và bệnh lý đại tràng nặng hơn. Cơn đau đại tràng cũng thường nặng và thường xuyên hơn sau khi chịu tác nhân kích thích này.

Về thói quen sinh hoạt, việc ăn ngủ không đúng giờ giấc, thường xuyên thức đêm, làm việc mệt mỏi, tinh thần căng thẳng,… cũng khiến hệ đường ruột nói chung và đại tràng nói riêng dễ bị rối loạn, mắc bệnh lý. 

3. Làm gì khi bị đau đại tràng?

Khi bị đau ở đại tràng, điều đầu tiên là cần xác định chính xác nguyên nhân gây tình trạng này. Người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa, cung cấp các thông tin triệu chứng và thói quen liên quan. Ngoài ra, hãy thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định để chẩn đoán bệnh.

Nếu nguyên nhân bệnh lý, tổn thương đại tràng, bệnh nhân cần dùng thuốc điều trị triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển bệnh. Bên cạnh đó, cần tuân thủ chính xác theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ như: uống thuốc đúng giờ và đúng liều, hạn chế rượu bia và thực phẩm cay nóng, ngủ nghỉ đúng giờ, giải tỏa căng thẳng,...

Với bệnh viêm đại tràng nói riêng và bệnh lý đại tràng nói chung, cần điều trị sớm và tích cực, theo đúng liệu trình để đẩy lùi bệnh hoàn toàn. Bệnh đại tràng rất khó điều trị dứt điểm, dễ tái phát nhiều lần, tiến triển thành mạn tính. 

 Không tự ý uống thuốc giảm đau khi bị đau đại tràng 

 Không tự ý uống thuốc giảm đau khi bị đau đại tràng 

Rất nhiều bệnh nhân bị đau đại tràng, lại thấy kèm theo triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần nên tự tìm thuốc tiêu chảy, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau,… uống để giảm triệu chứng. Điều này có thể khiến bệnh đại tràng trở nên nặng hơn, khó điều trị hơn, vi khuẩn nhờn thuốc và khó tiêu diệt hoàn toàn.

Để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau đại tràng, hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56. Các chuyên gia, bác sĩ Khoa Tiêu hóa tại MEDLATEC sẽ thăm khám tận tình, kết hợp với xét nghiệm chẩn đoán giúp bạn tìm nguyên nhân, điều trị bệnh hiệu quả và dứt điểm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.