Tin tức
Những phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP phổ biến hiện nay
- 04/02/2020 | Các phương pháp xét nghiệm tìm vi khuẩn HP phổ biến hiện nay
- 11/12/2019 | Tìm hiểu về phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp
- 21/06/2019 | Xét nghiệm vi khuẩn HP - những điều bạn chưa biết
- 31/08/2019 | Các loại xét nghiệm vi khuẩn HP và ý nghĩa của xét nghiệm
1. Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn HP (tên tiếng Anh: Helicobacter Pylori) là một dạng xoắn khuẩn gram âm có thể tồn tại và phát triển trong dạ dày, đường ruột, khoang miệng hoặc xoang của con người. Chúng có thể trung hòa độ acid trong dạ dày bằng cách tiết ra enzyme Urease. Khi sinh sống trong lớp nhầy niêm mạc, vi khuẩn HP tạo ra nhiều chất có khả năng phá hủy lớp niêm mạc và khiến dạ dày bị tổn thương, viêm loét.
Vi khuẩn HP là nguyên nhân dẫn đến viêm loét hay ung thư dạ dày
Bên cạnh đó, vi khuẩn HP cũng là một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến việt loét tá tràng, viêm dạ dày mạn tính, u lympho và thậm chí là ung thư dạ dày. Các bệnh lý khác như thiếu máu, thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn,... cũng có liên quan đến nhiễm khuẩn HP.
2. Các trường hợp nên làm xét nghiệm vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP không phải có hại trong mọi trường hợp, chúng có thể sống “hòa bình” trong dạ dày và giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Do đó mà không phải ai mắc bệnh lý dạ dày cũng cần thiết phải làm xét nghiệm vi khuẩn HP.
Chỉ trong một số tình huống nhất định khi có yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa thì người bệnh mới cần làm xét nghiệm này để tránh lãng phí tài chính do chi phí thực hiện tương đối đắt. Cụ thể như:
- Người có tiền sử viêm loét tá tràng, dạ dày, u lympho hoặc đã từng tiến hành điều trị ung thư dạ dày thông qua nội soi.
- Người thường xuyên sử dụng aspirin hay thuốc NSAID trong thời gian dài.
- Trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày.
Người có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng nên làm xét nghiệm vi khuẩn HP
3. Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP phổ biến hiện nay
3.1. Test hơi thở Ure
Xét nghiệm bằng cách test hơi thở ure là một phương pháp có quy trình thực hiện khá đơn giản. Người bệnh chỉ cần thở vào một loại thiết bị được bác sĩ cung cấp sẵn. Có 2 dạng test thở thông dụng là:
- Test thở thẻ: thiết bị mà người bệnh thổi vào có hình dáng giống thẻ ATM.
- Test thở bóng: thiết bị thu hơi thở của người bệnh giống như quả bóng.
Sau đó cả 2 dạng test thở đều được phân tích và đánh giá trên thiết bị chuyên dụng. Kết quả xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính là người đó đã nhiễm HP, ngược lại kết quả âm tính là không nhiễm.
Tuy phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP này thực hiện khá đơn giản và không xâm lấn cơ thể người bệnh nhưng lại cho kết quả rất chính xác. Test thở Ure có thể dùng C13 (Carbon 13) hoặc C14 (Carbon 14). Tùy thuộc vào từng đối tượng mà lựa chọn cho phù hợp, ví dụ như C14 có chi phí thấp hơn nhưng không nên sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi vì có chứa yếu tố phóng xạ.
Test hơi thở ure phát hiện vi khuẩn HP đơn giản, dễ thực hiện
3.2. Xét nghiệm máu
Khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn HP sẽ sản sinh ra các kháng thể HP lưu thông trong máu. Khi đó, thông qua việc xét nghiệm máu có thể phát hiện được một người có nhiễm vi khuẩn HP hay không.
Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm này thường chỉ định để đánh giá bổ sung cùng với các xét nghiệm khác, hoặc sàng lọc trên một nhóm đối tượng lớn. Lý do là vì vi khuẩn HP không chỉ tồn tại trong máu mà còn sống trong đường ruột, xoang, miệng. Nhiều trường hợp, kháng thể HP vẫn còn lưu hành trong máu từ vài tháng đến vài năm kể cả khi đã tiêu diệt HP trong dạ dày nên nếu chỉ dựa vào xét nghiệm máu thì dễ dẫn đến kết quả “dương tính giả”.
3.3. Xét nghiệm phân
Vi khuẩn HP trong dạ dày có thể được đào thải ra ngoài thông qua phân. Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng phân với phản ứng miễn dịch sắc ký (test thử nhanh phát hiện kháng nguyên HP Antigen) có thể phát hiện HP một cách chính xác.
- Ưu điểm: giá thành rẻ, cho kết quả nhanh chóng, có độ chính xác cao.
- Nhược điểm: quá trình lấy mẫu xét nghiệm gặp nhiều bất tiện về vấn đề vệ sinh cho cả kỹ thuật viên lẫn người bệnh.
3.4. Nội soi sinh thiết
Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi nhỏ vào dạ dày của bệnh nhân thông qua ống thực quản. Nhờ sự hỗ trợ của ống nội soi, bác sĩ có thể quan sát được hình thái tổn thương của dạ dày và có những đánh giá sơ bộ ban đầu về tình trạng nhiễm khuẩn HP.
Sau đó, tại vị trí dạ dày tổn thương, bác sĩ sẽ lấy một mảnh sinh thiết để tiến hành nuôi cấy vi khuẩn hoặc làm xét nghiệm Clo Test. Với mẫu sinh thiết thu được, có thể làm 3 loại xét nghiệm khác nhau để tìm ra vi khuẩn HP là xét nghiệm nuôi cấy và kháng sinh đồ HP, xét nghiệm sinh thiết mô bệnh học nhuộm HE hay xét nghiệm nhanh tìm Urease (hay Clotest). Cả ba dạng xét nghiệm kể trên đều có độ đặc hiệu cao. Đặc biệt đối với phương pháp nuôi cấy, bác sĩ có thể dựa vào kết quả kháng sinh đồ để đưa ra liệu pháp điều trị kháng sinh hiệu quả nhất.
- Ưu điểm: chẩn đoán tình trạng nhiễm vi khuẩn HP chính xác, đồng thời đánh giá được vị trí và mức độ tổn thương trong dạ dày.
- Nhược điểm: là phương pháp cần can thiệp nội soi, người bệnh cần nhịn ăn và làm thêm nhiều xét nghiệm khác trước đó như xét nghiệm đông máu cơ bản, xét nghiệm máu chảy,...
Như vậy có thể thấy mỗi phương pháp xét nghiệm đều có những ưu và nhược điểm riêng. Để có được kết quả chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám cũng như nhận được sự tư vấn phù hợp.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có cung cấp đầy đủ các phương pháp xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu. Bệnh viện luôn làm việc với phương châm đặt lợi ích và sức khỏe của khách hàng lên trên hết nên người bệnh có thể hoàn toàn tin tưởng và yên tâm về kết quả xét nghiệm vi khuẩn HP tại đây.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cung cấp dịch vụ xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!