Tin tức
Những thông tin cần ghi nhớ về bệnh dị ứng thực phẩm
- 11/08/2022 | Xét nghiệm 60 dị nguyên: Phát hiện nguyên nhân dị ứng nhanh chóng, tiện lợi
- 26/02/2022 | Nhận biết loại thực phẩm có thể gây dị ứng và cách xử lý khi dị ứng
- 25/07/2022 | Dị ứng đạm sữa bò là gì và dấu hiệu nhận biết
1. Như thế nào là dị ứng thực phẩm?
Dị ứng thực phẩm là hiện tượng xảy ra khi có một loại đồ ăn nào đó đưa vào cơ thể và hệ miễn dịch nhầm tưởng rằng nó có hại nên lập tức phản ứng lại bằng các dấu hiệu như phát ban, rối loạn tiêu hóa, làm cho đường hô hấp bị sưng,...
2. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết dị ứng thực phẩm
2.1. Nguyên nhân bị dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm chủ yếu phát sinh khi cơ thể quá mẫn cảm với một loại hoạt chất nào đó có trong thực phẩm. Khi ấy, do có loại thức ăn gây dị ứng đi vào cơ thể nên hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra kháng thể IgE để trung hòa dị nguyên. Vào lần kế tiếp ăn loại thực phẩm đó, kháng thể này sẽ cảm nhận và gửi đến hệ miễn dịch tín hiệu để giải phóng histamin vào trong máu. Kết quả là xuất hiện hàng loạt các triệu chứng dị ứng thực phẩm.
Hải sản là đồ ăn dễ gây dị ứng thực phẩm nhất
Các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao nhất gồm:
- Sữa tươi.
- Trứng gà (thường là lòng trắng trứng).
- Lạc,
- Lúa mì (thường dị ứng khi uống rượu).
- Đậu nành.
- Cá.
- Hải sản.
Bên cạnh những thực phẩm trên thì các yếu tố sau sẽ góp phần làm tăng nguy cơ mắc chứng dị ứng thực phẩm:
- Tiền sử từ gia đình.
- Bị mắc các loại dị ứng khác.
- Mắc bệnh hen.
- Tuổi tác.
2.2. Triệu chứng khi bị dị ứng thực phẩm
Triệu chứng dị ứng thực phẩm xảy ra ở mỗi người với mức độ khác nhau. Tùy theo cơ địa của từng người mà lượng thực phẩm cần thiết để kích hoạt phản ứng dị ứng cũng không giống nhau. Các phản ứng dị ứng thực phẩm qua trung gian là kháng thể IgE có khởi phát cấp tính trong khoảng thời gian từ vài giây cho đến một giờ như:
- Phát ban đỏ.
- Cảm thấy ngứa ở nhiều vị trí khác nhau như: mắt, miệng, cổ họng, lưỡi, môi,...
- Bị sưng ở lưỡi, môi, mí mắt,...
- Cảm thấy khó nuốt vì hệ hô hấp bị sưng.
- Ngạt hoặc sổ mũi.
- Giọng bị khàn.
- Khó thở, thở khò khè.
- Thường xuyên buồn nôn và nôn.
- Co thắt dạ dày, đau bụng.
- Sốc phản vệ (nguy cơ cao nhất ở người có tiền sử hen suyễn hoặc bị dị ứng hải sản, lạc).
3. Cách xử trí khi bị dị ứng thực phẩm
3.1. Những việc cần làm khi bị dị ứng thực phẩm
Biết cách xử trí dị ứng thực phẩm là rất cần thiết bởi nếu làm sai cách rất dễ kích thích phản ứng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc trong trường hợp sốc phản vệ sẽ kịp thời cấp cứu để bảo vệ an toàn tính mạng cho người bệnh. Để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm do dị ứng thực phẩm thì cách xử trí trong tình huống này là:
Dừng ăn để tìm loại thực phẩm gây dị ứng là việc cần làm đầu tiên khi xuất hiện triệu chứng của bệnh
- Dừng ngay việc đưa thực phẩm đang ăn vào cơ thể.
- Lấy thìa bột vitamin C hòa trong một cốc nước sôi để nguội rồi uống và theo dõi trong khoảng 15 phút:
+ Nếu trong 15 phút đó các triệu chứng dị ứng thực phẩm thuyên giảm thì cần nhớ lại để liệt kê tên các thực phẩm đã ăn trong ngày nhằm tìm ra thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng để lần sau không dùng nữa.
+ Nếu triệu chứng dị ứng không giảm thì cần dùng ngay các loại thuốc chống axit như kremil-S, maalox rồi đến ngay cơ sở y tế. Riêng với trường hợp bị sốc phản vệ với các triệu chứng như tay chân lạnh, nghẹt thở, vã mồ hôi, da nhợt nhạt, mất ý thức thì cách xử trí dị ứng thực phẩm là hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực cho người bệnh rồi nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
- Bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm nên đến khám tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ căn cứ vào những triệu chứng lâm sàng kết hợp với điều tra lịch sử dịch tễ và tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng của gia đình cùng các loại thức ăn đã ăn và tần suất dị ứng xuất hiện để có những chẩn đoán ban đầu.
Để có kết luận cuối cùng, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành một số loại xét nghiệm như:
Test da - một loại xét nghiệm giúp sàng lọc tác nhân gây dị ứng thực phẩm
- Test da: đưa trích xuất chất nghi ngờ gây dị ứng ở dạng pha loãng lên vùng da ở tay hoặc lưng sau đó theo dõi phản ứng trên da.
- Xét nghiệm máu: giúp kiểm tra lượng kháng thể IgE có ở trong máu phản ứng như thế nào với các protein có trong một số loại thực phẩm nhất định.
Khi đã có đủ cơ sở để đưa ra kết luận cuối cùng, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị phù hợp (nếu cần) bằng cách tiêm epinephrine hoặc liệu pháp miễn dịch hoặc Anti-ige.
Những bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 3 do dị ứng thực phẩm thường sẽ được cân nhắc sử dụng các loại thuốc như: adrenalin, kháng histamin cùng với glucocorticoid.
3.2. Biện pháp hạn chế nguy cơ tái dị ứng thực phẩm
Để phòng ngừa tình trạng dị ứng thực phẩm tái diễn, bạn nên:
- Khi đã có tiền sử dị ứng với một loại thực phẩm nhất định, hãy ghi nhớ chúng cùng các loại thực phẩm có nguy cơ gây nên hiện tượng dị ứng chéo với chúng.
- Khi đi mua thực phẩm đóng gói cần đọc kỹ thành phần, bao gồm cả hương liệu và chất phụ gia để xem trong đó có loại thực phẩm mà mình có nguy cơ bị dị ứng không.
- Khi đi ăn ở nhà hàng, hãy luôn nhớ hỏi nhân viên phục vụ về thành phần có trong món ăn để hạn chế rủi ro bị dị ứng thực phẩm. Có những người ngay khi bước chân vào nhà hàng, chỉ cần hít phải một loại hương liệu nào đó từng gây dị ứng cho họ là họ đã cảm thấy khó chịu rồi.
Nói tóm lại, không thể chủ quan với dị ứng thực phẩm vì không ai có thể biết được mức độ ảnh hưởng mà nó gây ra với cơ thể của mình là như thế nào. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, khi các triệu chứng mà bạn gặp phải không có chiều hướng thuyên giảm sau bước xử trí ban đầu như đã nói ở trên, hãy đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa.
Mọi vấn đề cần đến sự trợ giúp y tế về xử trí với dị ứng thực phẩm, bạn đọc có thể gọi đến số điện thoại 1900 56 56 56, Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ tư vấn giúp bạn cách xử trí đúng đắn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!