Tin tức

Phân biệt các loại viêm tai và những thắc mắc thường gặp

Ngày 16/05/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tai là một trong những cơ quan thông nối trực tiếp với không khí bên ngoài nên hoàn toàn có thể bị tấn công do các tác nhân ngoài môi trường. Viêm tai có nhiều loại, được phân chia theo từng bộ phận trong tai gồm viêm tai ngoài, viêm tai giữa và viêm tai trong. Triệu chứng bệnh ban đầu thường khó nhận biết, dẫn đến nhiều trường hợp phát hiện và can thiệp điều trị chậm trễ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài là bệnh ít trầm trọng nhất so với viêm tai giữa hay viêm tai trong, đây là tình trạng lớp da mỏng ở khoang tai bị nhiễm trùng. Tác nhân gây bệnh thường là vi khuẩn, một số trường hợp hiếm gặp là do nấm.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh viêm tai

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh viêm tai

Triệu chứng do viêm tai ngoài khá rõ ràng, đặc biệt là thể bệnh cấp tính bao gồm:

  • Đau ở tai, đặc biệt đau nhiều khi có động tác kéo dái tai, ấn vào tai.

  • Ngứa trong tai.

  • Mủ chảy ra từ trong tai, có thể chỉ chảy dịch trong.

  • Sốt nhẹ.

  • Mất thính lực tạm thời.

  • Kiểm tra thấy có cục u hoặc mụn nhọt trong khoang tai gây đau dữ dội, việc tác động có thể làm mụn vỡ ra và dẫn đến chảy máu, mủ,...

Tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập và tấn công vào tai ngoài thường do những nguyên nhân như: bơi lội ở vùng nước không đảm bảo vệ sinh, có vật lạ hoặc vi trùng mắc kẹt trong tai, bông lấy tai hoặc vật nhỏ khác làm tổn thương da ống tai ngoài,...

Viêm tai ngoài mạn tính có thể do dị ứng với dị vật trong tai hoặc người người có làn da nhạy cảm, mắc bệnh về da mạn tính như chàm, vảy nến,...

Viêm tai ngoài thường gặp sau khi bơi lội

Viêm tai ngoài thường gặp sau khi bơi lội

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm tai ngoài, song trẻ em, những người thường xuyên đi bơi lội và những người có làn da nhạy cảm là dễ mắc bệnh nhất. Thông qua kiểm tra tai, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh, trường hợp nghiêm trọng có thể phải test mẫu mủ trong tai để tìm ra vi khuẩn hay nấm gây bệnh.

Trong hầu hết trường hợp, viêm tai ngoài có thể điều trị được bằng kháng sinh trong vòng 10 - 14 ngày. Ngoài ra, có thể điều trị với thuốc uống kháng sinh, corticosteroid giảm ngứa và viêm, thuốc giảm đau,... tùy từng tình trạng bệnh.

2. Viêm tai giữa là bệnh thường gặp

Viêm tai giữa là bệnh khá phổ biến, thường do vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi. Bệnh đặc biệt thường gặp ở trẻ em do cấu tạo hệ tai - mũi - họng chưa hoàn thiện. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có các dấu hiệu đặc trưng như: quấy khóc, sốt cao 39 - 40 độ C, ăn kém, nôn trớ, co giật,... Một số triệu chứng khác ít gặp hơn như: rối loạn tiêu hóa, trằn trọc khó ngủ, khó giữ thăng bằng, đau trong tai khiến trẻ lắc đầu liên tục,...

Viêm tai giữa cấp tính có thể tiến triển nặng chỉ sau 2 - 3 ngày, khi đó màng tai bị thủng, dịch mủ sẽ chảy ra ngoài qua lỗ tai. Nếu cha mẹ không phát hiện và đưa trẻ đi khám kịp thời, bệnh sẽ chuyển biến nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm tai giữa có thể biến chứng từ các bệnh mũi họng

Viêm tai giữa có thể biến chứng từ các bệnh mũi họng

Người lớn cũng có thể bị viêm tai giữa với các triệu chứng điển hình như: đau trong tai, cảm giác nhói và giật ở tai, đôi khi cơn đau kéo lên vùng đầu hoặc khiến tai tê cứng. Ngoài ra, chức năng nghe của tai cũng bị ảnh hưởng, người bệnh có cảm giác ù tai, nghe không rõ, cảm thấy trong tai ọc ọc như chứa nước,...

Dù là trẻ nhỏ hay người lớn mắc bệnh viêm tai giữa đều không nên chủ quan, điều trị không tốt sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thính lực và sức khỏe. Bệnh có thể tiến triển thành bệnh mạn tính không thể phục hồi như: xẹp nhĩ, xơ nhĩ, viêm tai dính,...

Điều trị bệnh sẽ tùy theo tình trạng viêm và tổn thương, thông thường giai đoạn đầu chủ yếu sử dụng kháng sinh, thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm viêm và thuốc sát trùng. Các triệu chứng toàn thân khác sẽ tùy theo mức độ mà dùng thuốc điều trị hoặc nghỉ ngơi thích hợp.

Nếu viêm tai giữa đã tiến triển đến giai đoạn muộn, màng nhĩ bị thủng thì bệnh nhân cần điều trị tại cơ sở y tế, đồng thời theo dõi sát sao tình trạng thủng lỗ màng nhĩ. Nếu không đáp ứng điều trị với thuốc kháng sinh, có thể phải chuyển qua điều trị bằng đặt ống thông nhĩ Diablo hoặc nạo viêm amidan.

 Viêm tai giữa nặng có thể gây thủng màng nhĩ

Viêm tai giữa nặng có thể gây thủng màng nhĩ

3. Bệnh viêm tai trong nguy hiểm thế nào?

So với viêm tai ngoài và viêm tai giữa, viêm tai trong hiếm gặp hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cân bằng và thính giác của người bệnh. Theo tác nhân gây bệnh, viêm tai trong được chia thành 2 nhóm sau:

Viêm tai trong do virus

Virus là tác nhân chính gây viêm tai trong, có thể là biến chứng từ bệnh cảm lạnh hoặc cúm lâu ngày làm nhiễm trùng lan vào tai trong. Nếu do nguyên nhân này, triệu chứng bệnh thường đến đột ngột, khiến người bệnh chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa.

Viêm tai trong vi khuẩn

Nhiễm trùng vi khuẩn gây viêm tai trong thường do biến chứng từ viêm tai giữa mạn tính, khi dịch mủ nhiễm trùng tích tụ lâu trong tai và ảnh hưởng đến khu vực tai trong. So với tác nhân là virus. Viêm tai trong do vi khuẩn ít nghiêm trọng hơn, cũng ít ảnh hưởng hơn đến thính lực.

Các triệu chứng người bệnh thường gặp bao gồm: tiết dịch mủ, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt nhẹ, ù tai, mất thính lực, rung giật nhãn cầu,...

 Viêm tai nếu được điều trị sớm thường không nguy hiểm

Viêm tai nếu được điều trị sớm thường không nguy hiểm

Viêm tai nói chung là bệnh lý không hiếm gặp, nếu phát hiện và điều trị sớm có thể giảm đáng kể nguy cơ tổn thương tai trong vĩnh viễn. Đặc biệt với trẻ nhỏ từ 1 - 2 tuổi là những đối tượng dễ mắc bệnh và gặp biến chứng nguy hiểm nhất, cha mẹ cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu bệnh xuất hiện ở trẻ.

Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.