Tin tức
Viêm tai giữa: nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
- 10/11/2021 | Viêm tai giữa mạn tính: nguyên nhân và phương pháp điều trị
- 10/09/2021 | Giải đáp băn khoăn: Viêm tai giữa ứ dịch có tự khỏi không
- 03/11/2021 | Cẩm nang bỏ túi dành cho cha mẹ: cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ
1. Viêm tai giữa và nguyên nhân gây bệnh
Tai được chia thành 3 phần gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong, trong đó viêm tai giữa là bệnh nhiễm trùng ở tai phổ biến nhất. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm toàn bộ trên hệ thống hòm nhĩ và xương chũm, tạo dịch trong hòm nhĩ. Dịch này có thể là vô trùng hoặc nhiễm trùng, nếu dịch nhiễm trùng tích tụ nhiều trong tai giữa có thể gây lây lan nhiễm trùng sang các cơ quan xung quanh.
Tai giữa là khu vực dễ mắc viêm nhiễm nhất, đặc biệt ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm tai giữa là do vi trùng hoặc siêu vi xâm nhập gây nhiễm trùng mũi họng, ngoài ra còn do tắc vòi nhĩ, viêm mũi xoang mủ, u ở vòm họng, biến chứng do viêm nhiễm đường hô hấp, trào ngược dạ dày,…. Các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: thời tiết lạnh, không khí ô nhiễm, cấu trúc tai bất thường,…
Viêm tai giữa có thể gặp phải ở nhiều đối tượng, song trẻ em là thường gặp nhất và tiến triển bệnh cũng thường nặng nhất do:
1.1. Cấu trúc tai trẻ phát triển chưa hoàn thiện
Ở trẻ nhỏ từ 1 - 2 tuổi, tai trong của trẻ được kết nối với mặt sau của cổ họng thông qua ống thính giác. Ống thính giác là nơi thoát tạp chất và chất lỏng từ trong tai ra ngoài, nhưng ở trẻ nhỏ ống thính giác thường ngắn hơn ở người lớn nên dễ tắc hơn. Khi đó, chất thải không thoát ra ngoài được mà tích tụ dẫn đến nhiễm trùng.
Trẻ nhỏ dễ bị viêm tai giữa do hệ miễn dịch còn yếu
1.2. Hệ miễn dịch của trẻ còn yếu
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ từ 1 - 2 tuổi nằm trong độ tuổi “khoảng trống miễn dịch” nên khả năng chống lại sự xâm nhập gây bệnh của vi khuẩn, virus cũng kém hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành.
1.3. Biến chứng từ các bệnh lý tai mũi họng
Khi thời tiết thay đổi, trẻ rất dễ mắc phải các bệnh lý tai mũi họng như: viêm VA, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan,… Các bệnh lý này dễ biến chứng gây viêm tai giữa ở trẻ.
Khi bị viêm tai giữa, triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường là tình trạng đau tai, có thể thấy xuất hiện nước chảy từ trong tai ra ngoài. Khi nhiễm trùng nặng hơn, nước này chuyển màu xanh hoặc vàng, có thể lẫn máu là dịch nhiễm trùng. Ngoài ra còn 1 số triệu chứng ít gặp hơn như: chóng mặt, ù tai, chán ăn, sốt cao, sưng đau trong tai, trẻ quấy khóc và khó ngủ,…
Khi có các triệu chứng nghi ngờ trên, bác sĩ thường dùng đèn soi tai có kính phóng đại để kiểm tra trong tai. Một số trường hợp có thể cần chẩn đoán bằng nội soi tai, kỹ thuật hình ảnh,… để tìm nguyên nhân và định hướng điều trị hiệu quả hơn.
2. Cách điều trị bệnh viêm tai giữa
Điều trị viêm tai giữa có nhiều cách, nhưng phổ biến nhất vẫn là điều trị nội khoa. Với phần lớn trường hợp nhiễm bệnh do vi khuẩn gây nhiễm trùng, thuốc kháng sinh là lựa chọn điều trị hàng đầu. Việc lựa chọn kháng sinh điều trị cần dựa trên cơ sở y học về các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Dùng kháng sinh bừa bãi, không đúng chủng loại có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn, điều trị khó khăn hơn. Nếu cần thiết, có thể dùng xét nghiệm kháng sinh đồ cấy mủ tai để chỉ định điều trị kháng sinh thích hợp.
Viêm tai giữa điều trị sớm khi không có dấu hiệu bị thủng sẽ sử dụng thuốc nhỏ tai. Nếu có dấu hiệu thủng màng nhĩ, cần nhỏ tai trong 3 - 4 ngày đầu để ngăn chặn các bủng mủ, sau đó rửa tai loại bỏ dịch mủ bằng nước muối sinh lý hoặc oxy già. Các phương pháp điều trị này có thể cần sự can thiệp của bác sĩ điều trị và theo dõi tiến triển bệnh thường xuyên.
Viêm tai giữa chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh
Nhiều trường hợp điều trị viêm tai giữa bằng kháng sinh không thành công hoặc bệnh tái phát thường xuyên, bác sĩ có thể phải chích rạch màng nhĩ, đặt ống thông nhĩ Diablo. Điều quan trọng là cần điều trị nhiễm trùng tai giữa triệt để cùng các nhiễm trùng hô hấp khác liên quan.
Bệnh viêm tai giữa hoàn toàn có thể chữa khỏi triệt để nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu tự điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ trong vài ngày không khỏi, cần đưa trẻ đi khám và điều trị bằng phương pháp khác. Tâm lý chủ quan tự điều trị không hiệu quả khiến viêm tai giữa nặng sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
3. Làm gì để phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ nhỏ?
Trẻ nhỏ rất dễ bị viêm tai giữa do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn toàn cùng hệ miễn dịch còn yếu, vì thế việc chủ động phòng ngừa bệnh ở trẻ là rất quan trọng. Cha mẹ nên chú ý những vấn đề sau để phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ nhỏ, nhất là tại các thời điểm thời tiết chuyển mùa, vi khuẩn dễ phát triển gây bệnh.
-
Giữ ấm cho trẻ khi tiếp xúc với không khí lạnh, phòng ngủ của trẻ cần đảm bảo ấm áp, tránh gió lùa lạnh.
-
Không cho trẻ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, đây là nguyên nhân khiến hệ hô hấp của trẻ nhạy cảm, dễ mắc bệnh dẫn đến viêm tai giữa.
-
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ đang có dấu hiệu viêm tai giữa hoặc cảm lạnh, nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn, virus gây bệnh rất dễ lây lan.
Có thể tiêm phòng vắc xin ngừa phế cầu phòng viêm tai giữa cho trẻ
-
Cho trẻ tiêm phòng vắc xin đầy đủ, nhất là vắc xin ngừa cúm, ngừa phế cầu hàng năm vào thời điểm trước mùa dịch từ 2 - 4 tuần.
Có đến 2/3 trường hợp mắc viêm tai giữa và biến chứng nặng là do nhiễm phế cầu khuẩn, do đó tiêm vắc xin phòng ngừa chủng vi khuẩn này là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Cha mẹ có thể đưa trẻ đi tiêm phòng tại các Trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh viêm tai giữa và nguy cơ biến chứng cao nếu không điều trị đúng cách. Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là cơ sở y tế tuy tín trong thăm khám và điều trị các bệnh lý về tai mũi họng, được nhiều cha mẹ tin tưởng. Chuyên khoa là nơi quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu trong ngành, giúp bệnh nhân tiếp cận với các phương pháp điều trị tối ưu, tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC còn là địa chỉ tiêm chủng tin cậy với nguồn vắc xin chất lượng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng.
Nếu cần tư vấn thêm về bệnh và vắc xin phòng ngừa, hãy liên hệ tới hotline Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!