Tin tức

Phổi người: Cấu tạo, chức năng và các bệnh thường gặp ở phổi

Ngày 17/12/2022
Phổi người là một bộ phận có cấu tạo phức tạp và đảm nhiệm chức năng quan trọng, chuyên cung cấp oxy cho các tế bào trong cơ thể để vận hành mọi hoạt động sống. Mặc dù chúng ta thường hay nghe nhiều đến cơ  quan này nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cấu tạo, cơ chế hoạt động cũng như các bệnh lý có thể mắc phải tại phổi.

1. Tìm hiểu về cấu tạo của phổi người

1.1. Hình thể ngoài của phổi người có đặc điểm gì?

Xét trên phương diện giải phẫu học, phổi người là một cơ quan có dạng xốp, đàn hồi, được treo bằng dây chằng và cuống phổi trong khoang màng phổi. Tùy vào lượng khí được chứa bên trong mà thể tích của phổi sẽ thay đổi theo. Trung bình 2 lá phổi người có thể chứa tới 4500 - 5000ml khí. Ở trẻ nhỏ phổi sẽ có màu hồng, tuy nhiên người trưởng thành phổi sẽ có màu xám hoặc xanh biếc.

Trẻ sơ sinh sở hữu lá phổi nặng khoảng 50 - 60g và 30 triệu phế nang. Ở người lớn lá phổi có khối lượng là từ 300 - 475g và số lượng phế nang nhiều gấp 10 lần trẻ nhỏ - khoảng 300 triệu.

Cơ thể mỗi người gồm có 2 lá phổi. Phổi bên phải có 3 thùy đều được gọi là thùy phải, chia thành thùy phải trên - giữa - dưới. Trong khi đó phổi bên trái có 2 thùy được gọi là thùy trái, bao gồm thùy trái trên - dưới.

Cấu tạo sơ lược về phổi người

Cấu tạo sơ lược về phổi người

Mỗi phổi sẽ được giới hạn bởi một đỉnh, một đáy và giữa 3 mặt của phổi sẽ có các bờ ngăn cách. Đặc điểm cụ thể của bề mặt phổi được mô tả như sau:

  • Đỉnh phổi tròn, nhô qua nền lỗ trên lồng ngực. Vắt ngang ngay đỉnh màng phổi là động mạch dưới đòn, còn hạch giao cảm cổ ngực nằm ngay phía sau đỉnh màng phổi;

  • Mặt đáy hay mặt hoành của phổi lõm vào, úp khớp lên vòm trên của cơ hoành. Bởi vì vị trí của gan với phổi chỉ cách nhau một cơ hoành nên trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị mủ áp xe gan dễ có xu hướng đi qua cơ hoành để lan lên phổi và gây viêm nhiễm tại đây;

  • Mặt trước hay còn gọi là mặt sườn của phổi khá nhẵn mịn, lồi lên, áp vào lồng ngực;

  • Mặt trong hay còn gọi là mặt trung thất áp vào tim. Chỗ này của phổi sẽ lõm sâu vì có ấn tim;

  • Rốn phổi nằm ngay trên ấn tim. Mỗi lá phổi có 2 rốn phổi nằm chia đều bên trái và bên phải. Đây là cửa ngõ vào ra của các thành phần cấu tạo nên phổi như động mạch phổi, phế quản chính, động mạch và tĩnh mạch phế quản, 2 tĩnh mạch phổi, hạch bạch huyết và các dây thần kinh. Đồng thời đây cũng là vị trí để màng phổi tạng và màng phổi thành kết nối với nhau. Ngoài ra rốn phổi còn có nhiệm vụ cố định rễ phổi bằng cách bám phổi vào khí quản, tim và các tổ chức xung quanh;

  • Màng phổi là một lớp được gọi là bao thanh mạc bọc kín phổi, bao gồm màng phổi thành và màng phổi tạng. Ở trạng thái thông thường hai màng này sẽ áp sát vào nhau, chỉ đến khi bệnh nhân bị tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi thì chúng mới tách xa nhau.

1.2. Hình thể trong của phổi có cấu tạo ra sao?

Bên trong lá phổi có rất nhiều bộ phận cấu thành nên, bao gồm tĩnh mạch và động mạch phổi, tĩnh mạch và động mạch phế quản, các nhánh phân chia của phế quản chính, các sợi thần kinh của đám rối phổi, hạch bạch huyết, mô liên kết các thành phần và mô bao quanh ngoài phổi.

Phế quản chính ở trong phổi có đặc điểm phân chia như sau:

Ở đoạn khí quản tại vị trí đốt sống ngực IV sẽ rẽ ra thành phế quản chính trái và phải. Trong đó phế quản chính trái sẽ dài hơn, nhỏ hơn và thẳng hơn so với phế quản chính phải. Phế quản chính thuộc bên nào sẽ đi qua rốn phổi của bên đó, chúng vẫn giữ 1 trục thân chính đi trong phổi và từ đây sẽ phân ra thành phế quản thùy, dần dần các phế quản thùy lại chia ra những nhánh nhỏ hơn thành tiểu phế quản, tiểu phế quản tiểu thùy dẫn đến các phế nang. Những phế nang này thường được bao quanh bởi mạng lưới các mao mạch.

Xét về cấu tạo mô học, phế quản do 4 lớp tạo thành, đó là lớp sụn sợi, lớp cơ trơn, lớp dưới niêm mạc và cuối cùng là lớp niêm mạc chứa những tuyến phế quản.

Mô phỏng cấu tạo các bộ phận cấu thành nên phổi

Mô phỏng cấu tạo các bộ phận cấu thành nên phổi

1.3. Cấu tạo hệ thống các dây thần kinh và mạch máu của phổi

  • Các dây thần kinh ở phổi bao gồm đám rối phổi đồng hành cùng phế quản chính. Chúng kết tập thành một mạng lưới bao lấy phế quản, đi vào phổi thông qua rốn phổi để chi phối hoạt động của các cơ, niêm mạc phế quản cho đến hệ thống các phế nang;

  • Từ thân động mạch phổi chính sẽ tách ra thành động mạch phổi trái và phải, sau đó rẽ thành các nhánh thùy, tiếp theo là nhánh phân thùy và cứ thế chia nhỏ dần thành mao mạch nhỏ bao quanh phế nang;

  • Lưới mao mạch xung quanh phế nang có một mối chung là tĩnh mạch quanh các tiểu thùy. Những tĩnh mạch nhỏ bắt nối với nhau thành những tĩnh mạch lớn, kết quả chúng ta có tĩnh mạch phổi dưới và tĩnh mạch phổi trên ở cả phổi trái và phổi phải. Cả hai tĩnh mạch này đều đổ vào tim.

2. Phổi có những chức năng gì?

Sau đây là vai trò chính của phổi:

  • Một trong những chức năng quan trọng nhất của phổi đó chính là trao đổi khí. Nhiệm vụ này do mạng lưới các mao mạch vây quanh phế nang đảm nhiệm. Vì sự chênh lệch về áp suất giữa khí Oxy và CO2 nên phế nang sẽ chuyển Oxy vào máu, sau đó hemoglobin của hồng cầu gắn vào Oxy khiến cho máu có màu đỏ tươi tuần hoàn đi khắp cơ thể và nuôi sống các cơ quan khác. Trong khi đó khí CO2 thì được chuyển ngược lại từ máu vào phế nang và do phế quản thở đưa ra ngoài cơ thể;

  • Bên ngoài phế nang và phế quản có một lớp màng nhầy mỏng và lớp nhung mao mịn bao phủ. Lớp nhầy có công dụng giữ lại hạt phấn, hạt bụi và các chất bẩn xâm nhập. Còn các nhung mao khi chuyển động sẽ giúp “quét dọn" chất bẩn ra khỏi đường hô hấp, đưa sang thực quản để theo nước miếng đi xuống hệ tiêu hóa và bài tiết ra ngoài;

  • Trong lòng phế quản, phế nang được lót một lớp tế bào biểu mô, còn nền mạch là lớp tế bào nội mô giúp ngăn cản sự xâm nhập của nước và phân tử protein tiến vào mô kẽ. Mô kẽ là tổ chức liên kết mao quản và màng phế nang. Mô kẽ được tạo nên từ nhiều tế bào miễn dịch có tác dụng sản sinh ra các kháng thể, giúp tiêu diệt những vi sinh vật và tác nhân gây bệnh;

  • Xác vi khuẩn và xác bạch cầu sẽ được tích tụ lại dưới dạng đờm và tống xuất ra ngoài cơ thể.

Phổi người là một bộ phận có cấu tạo phức tạp và đảm nhiệm chức năng quan trọng

Phổi người là một bộ phận có cấu tạo phức tạp và đảm nhiệm chức năng quan trọng

3. Một số bệnh lý thường gặp ở phổi

Tương tự như những cơ quan khác, phổi người cũng có khi “không khỏe” do mắc phải các bệnh lý như sau:

  • Viêm phổi;

  • Viêm phế quản;

  • Viêm màng phổi;

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD);

  • Bệnh bụi phổi;

  • Phù phổi;

  • Xơ hóa phổi;

  • Ung thư phổi;

  • Thuyên tắc phổi;

  • Hội chứng suy hô hấp;

  • Tăng áp động mạch phổi;

  • Hen phế quản;

  • Bệnh u hạt - Sarcoidosis.

Như vậy có thể nói phổi người là một cơ quan có cấu tạo giải phẫu phức tạp, là một kiệt tác công phu của tạo hóa với chức năng quan trọng, giữ nhiệm vụ duy trì sự sống cho cơ thể. Trong trường hợp phổi gặp phải vấn đề bệnh lý nào đó thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được tích cực điều trị.

Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn điều trị các bệnh lý tại phổi, hãy liên hệ qua tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tổng đài viên sẽ hỗ trợ đặt lịch khám cho bạn với các Chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Chuyên khoa Hô Hấp của MEDLATEC, từ đó giúp chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị phù hợp nhất cho bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ