Tin tức

Rối loạn tiền đình - Cách nhận biết bệnh sớm và hướng điều trị

Ngày 16/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến khả năng thăng bằng và gây nhiều triệu chứng khó chịu. Hiểu đúng về nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết cũng như việc điều trị, phòng ngừa giúp bạn chủ động đối phó với bệnh lý này, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.

1. Tổng quan về rối loạn tiền đình

Tiền đình là một phần thiết yếu của hệ thần kinh. Cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự thăng bằng cho cơ thể khi chúng ta hoạt động, đồng thời phối hợp nhịp nhàng các cử động của đầu, mắt và thân mình.

rối loạn tiền đình xảy ra khi chức năng truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của hệ thống tiền đình không hoạt động như bình thường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường liên quan đến tổn thương dây thần kinh số 8 hoặc các cấu trúc tiền đình trong tai trong và não.

Hậu quả là hệ thống tiền đình sẽ mất đi khả năng kiểm soát thăng bằng vốn có, gây nên các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, cảm giác loạng choạng mất phương hướng và ù tai. Những đợt rối loạn này có thể tái diễn nhiều lần, gây khó chịu đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc của người bệnh.

Rối loạn tiền đình làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống

Rối loạn tiền đình làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống

2. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình

Bệnh lý này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, được phân loại chủ yếu thành hai nhóm:

  • Rối loạn tiền đình ngoại biên: Thường liên quan đến các vấn đề tại tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm các bệnh lý như tiểu đường, suy giáp, tăng ure huyết, viêm dây thần kinh tiền đình, chấn thương hoặc dị dạng cấu trúc tai trong, viêm tai giữa cấp và mạn tính, hay đơn giản là hiện tượng say tàu xe.
  • Rối loạn tiền đình trung ương: Phát sinh do hệ thần kinh trung ương có tổn thương, đặc biệt là tại não. Một số nguyên nhân điển hình là hạ huyết áp tư thế, nhồi máu hoặc khối u ở tiểu não, và các bệnh lý nhiễm trùng thần kinh như giang mai thần kinh.

Ngoài ra, còn một số yếu tố khác có thể kể đến như:

  • Tuổi tác: Những người từ 40 tuổi trở lên, có xu hướng đối mặt với căn bệnh này cao hơn so với người trẻ tuổi. 
  • Những người đã từng trải qua các đợt chóng mặt trong quá khứ cũng có nguy cơ tái phát và tiến triển thành rối loạn tiền đình cao hơn, dễ gặp phải các triệu chứng như hoa mắt, choáng váng và mất thăng bằng trong tương lai.

Nhiều nguyên nhân được cho là có thể gây rối loạn tiền đình

Nhiều nguyên nhân được cho là có thể gây rối loạn tiền đình

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý

Người bị rối loạn tiền đình có thể trải qua các biểu hiện sau:

  • Cảm giác chóng mặt dữ dội, thế giới xung quanh dường như đang quay cuồng.
  • Cảm thấy mất ổn định, chệnh choạng, khó giữ thăng bằng, gặp trở ngại khi chuyển từ ngồi sang đứng hoặc ngược lại, dáng đi không vững, dễ bị ngã.
  • Thị lực bị ảnh hưởng, nhìn mờ, mỏi mắt, gặp khó khăn khi di chuyển trong điều kiện thiếu sáng.
  • Thính giác bị rối loạn, có thể cảm thấy đau trong tai, nghe thấy tiếng ù (tiếng chuông, tiếng vo ve...), khả năng nghe giảm sút hoặc trở nên nhạy cảm quá mức với tiếng động lớn.
  • Tâm trạng lo lắng thái quá, dễ bị sao nhãng, gặp khó khăn trong việc tập trung.

4. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị rối loạn tiền đình

Để xác định chính xác tình trạng rối loạn tiền đình và có hướng can thiệp hiệu quả, các bác sĩ thường áp dụng những phương pháp chẩn đoán và điều trị như sau:

4.1. Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán rối loạn tiền đình, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm đơn giản như:

  • Điện hoặc Video nhãn đồ (ENG/VNG): Đo chuyển động của mắt để kiểm tra hoạt động của tiền đình và thần kinh.
  • Nghiệm pháp ghế xoay: Kiểm tra sự phản ứng của mắt và tai khi ngồi trên ghế có thể xoay.
  • Đo âm ốc tai (OAE): Kiểm tra chức năng của phần tai trong bằng cách đo phản hồi với âm thanh nhỏ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp ảnh chi tiết bộ não để tìm các nguyên nhân gây chóng mặt kiểu trung ương (như khối u hay dấu hiệu đột quỵ).

Chẩn đoán bệnh lý với nhiều phương pháp xét nghiệm đơn giản

Chẩn đoán bệnh lý với nhiều phương pháp xét nghiệm đơn giản

4.2. Phương pháp điều trị

Để kiểm soát và cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình, có một số phương pháp chính đơn giản như sau:

  • Uống thuốc: Theo kê đơn và chỉ dẫn từ bác sĩ. 
  • Tập các bài tập phục hồi tiền đình: Thực hiện các bài tập chuyên biệt giúp cơ thể và não bộ phối hợp tốt hơn.
  • Tập thể dục: Duy trì hoạt động thể chất đều đặn để tăng cường sức khỏe và giúp lưu thông máu tốt hơn.
  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, đảm bảo cơ thể được nghỉ đủ để phục hồi. 
  • Ăn uống lành mạnh: Chú trọng chế độ ăn đủ chất, ăn nhiều rau củ và hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ.
  • Phẫu thuật: Được xem xét trong trường hợp như u tiểu não, u dây thần kinh số VIII,...

5. Hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh

Bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc rối loạn tiền đình như:

  • Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu: Hạn chế việc ngồi một chỗ hoặc làm việc trước máy tính trong thời gian dài.
  • Không sử dụng thiết bị điện tử khi di chuyển: Tránh đọc sách báo, dùng điện thoại hoặc máy tính khi đang ngồi trên các phương tiện giao thông đang chạy như ô tô.
  • Quản lý căng thẳng: Cố gắng kiểm soát và giảm thiểu tình trạng căng thẳng, áp lực, lo lắng kéo dài trong cuộc sống và công việc.
  • Di chuyển nhẹ nhàng: Tránh đứng lên, ngồi xuống hay xoay đầu, xoay cổ một cách đột ngột và quá nhanh.
  • Duy trì lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh: Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học, ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và đúng giờ, uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. Nên hạn chế hoặc tránh sử dụng cà phê và các chất kích thích khác.
  • Tập thể dục thường xuyên: Duy trì việc luyện tập thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe, chú trọng các bài tập nhẹ nhàng cho vùng cổ và đầu.

Thói quen sống lành mạnh, nghỉ ngơi phù hợp giúp phòng ngừa bệnh lý

Thói quen sống lành mạnh, nghỉ ngơi phù hợp, dinh dưỡng cân bằng giúp phòng ngừa bệnh lý

Rối loạn tiền đình có thể kiểm soát tốt nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, việc thăm khám sớm là rất quan trọng để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra. Một địa chỉ y tế uy tín bạn có thể yên tâm thăm khám là chuyên khoa Thần kinh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ