Tin tức
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là gì? Nguyên nhân và phương pháp phòng ngừa
- 13/05/2022 | Hội chứng mất trí nhớ là do nguyên nhân gì? Có thể chữa khỏi không?
- 30/05/2023 | Bệnh mất trí nhớ Alzheimer: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
- 22/07/2021 | Nhận biết sớm bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi để chữa trị hiệu quả
- 26/02/2022 | Vì sao sa sút trí tuệ? Cách điều trị sa sút trí tuệ như thế nào?
- 06/03/2022 | Cảnh báo những dấu hiệu bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
- 21/04/2025 | Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là gì? Nguyên nhân và phương pháp phòng ngừa
1. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là gì?
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là tình trạng suy giảm chức năng nhận thức của não, ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Đó có thể không phải là phần tất yếu của tuổi già, mà là biểu hiện của tổn thương não do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Người bị Sa sút trí tuệ có thể gặp một số các triệu chứng như: quên tên người từng quen biết hoặc hay lẫn lộn kiến thức mới - cũ; cảm xúc không ổn định, hay cáu gắt, bực dọc với những tình huống bình thường; xua đuổi, không muốn tiếp xúc với mọi người,..
Giai đoạn đầu, người bệnh thường hay quên hoặc thay đổi hành vi một cách khó hiểu. Nhưng vẫn có thể nhớ đến các sự kiện trong quá khứ. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn trí nhớ và khả năng phán đoán, suy luận. Số ít trường hợp khác còn mất khả năng định hướng không gian, chẳng hạn như không nhớ được đường về nhà.
2. Phân loại các dạng sa sút trí tuệ phổ biến
Dựa vào đặc trưng về hình thái bệnh, sa sút trí tuệ được phân thành nhiều loại khác nhau. Dưới đây là một số dạng sa sút trí tuệ phổ biến:
- Bệnh Alzheimer: Đây là dạng phổ biến nhất chiếm khoảng 60 - 70% trên tổng số ca mắc sa sút trí tuệ trong cộng đồng. Bệnh tiến triển chậm, bắt đầu bằng việc suy giảm trí nhớ ngắn hạn.
- Chứng mất trí nhớ mạch máu: Xảy ra do tổn thương mạch máu não, thường gặp ở những người có tiền sử đột quỵ hoặc cao huyết áp.
- Chứng mất trí nhớ vùng trán: Đây là bệnh thoái hóa thần kinh não, trong đó thuỳ trán và thuỳ thái dương có xu hướng teo lại, gây ảnh hưởng đến chức năng não bộ. Nó gây ra những thay đổi về hành vi, ngôn ngữ và cảm xúc.
- Chứng mất trí nhớ thể Lewy: Loại sa sút trí tuệ này thường đặc trưng bởi rối loạn nhận thức và ảo giác. Người bệnh sẽ gặp ảo giác thị giác, mất trí nhớ, quá trình suy nghĩ chậm chạp hoặc rất khó tập trung.
Sa sút trí tuệ trong bệnh Alzheimer là dạng phổ biến trong cộng đồng
3. Nguyên nhân sa sút trí tuệ ở cao tuổi
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi do nhiều yếu tố tác động, bao gồm: tuổi tác, di truyền, bệnh nền mạn tính, chấn thương sọ não, trầm cảm và lối sống không lành mạnh. Dưới đây là thông tin chi tiết:
- Tuổi tác: Tuổi càng cao, tốc độ lão hoá diễn ra càng nhanh, gây suy giảm chức năng não bộ, đặc biệt là những người trên 65 tuổi.
- Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh Alzheimer hoặc các dạng sa sút trí tuệ khác, nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn người bình thường.
- Bệnh nền mạn tính: Người mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tăng huyết cao, xơ vữa động mạch hay đột quỵ có thể làm gia tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ.
- Chấn thương sọ não: Người cao tuổi rất dễ bị té ngã, gây chân động não, tụ máu não,... làm ảnh hưởng đến chức năng não bộ và tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.
- Trầm cảm, cô đơn kéo dài: Người cao tuổi thường sống một mình, ít giao tiếp, không chia sẻ cảm xúc được với ai, rất dễ rơi vào trạng thái buồn bã, cô đơn. Lâu dần sẽ hình thành các triệu chứng trầm cảm, làm giảm chức năng não bộ và tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.
- Lối sống không lành mạnh: Ăn uống thiếu chất, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích khác, không vận động thường xuyên cũng là nguyên nhân gây nên sa sút trí tuệ ở người già.
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Người trên 65 tuổi có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn
4. Phòng ngừa sa sút trí tuệ
Suy giảm nhận thức ở người già là quá trình thoái hoá tự nhiên, không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm chậm quá trình lão hoá và phòng ngừa bệnh lý sa sút trí tuệ bằng một số cách dưới đây:
- Thói quen vận động thường xuyên: Nên duy trì tập luyện thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày với các môn thể thao như đi bộ, tập dưỡng sinh,... sẽ giúp lưu thông máu lên não, tinh thần sảng khoái, ăn ngon, ngủ ngon.
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt và hạn chế ăn đồ chế biến sẵn nhiều muối, nhiều dầu mỡ,...
- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan: Gặp gỡ bạn bè, giao lưu hàng xóm, tránh suy nghĩ quá nhiều và luôn giữ tinh thần vui vẻ sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị sa sút trí tuệ.
- Khám sức khỏe định kỳ: Với người cao tuổi, nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có hướng điều trị phù hợp.
Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu sức khỏe bất thường
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin về phân loại, nguyên nhân và cách phòng ngừa sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Đây là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh mà còn làm tăng gánh nặng đối với gia đình hoặc người chăm sóc. Các dấu hiệu điển hình của bệnh bao gồm: hay quên, lẫn lộn thời gian, không gian, thay đổi cảm xúc, hành vi, khó khăn khi nói chuyện, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi liên quan, hãy liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
