Tin tức

Sa trực tràng ở trẻ: Hướng dẫn cách xử lý và phòng tránh tái phát

Ngày 26/08/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Sa trực tràng khiến trẻ cảm thấy khó chịu và sợ hãi, còn bố mẹ thì không biết nên xử lý như thế nào, đặc biệt là làm sao để phòng tránh tái phát. Theo dõi bài viết sau đây sẽ giúp bạn nắm được nhiều thông tin hữu ích về sa trực tràng ở trẻ.

1. Sa trực tràng ở trẻ và triệu chứng

Trực tràng là bộ phận “kết nối” ruột già với hậu môn, giúp chất thải (phân) đào thải ra ngoài dễ dàng. Tình trạng sa trực tràng là hiện tượng đi xuống của trực tràng qua ống hậu môn. 

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ là phát hiện dấu hiệu của bệnh sa trực tràng ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ dưới 3 tuổi rất dễ mắc phải tình trạng này, vì vậy cha mẹ cần đặc biệt chú ý theo dõi các biểu hiện bất thường ở trẻ. Vậy làm sao để nhận biết trẻ bị sa trực tràng?

Dấu hiệu rõ ràng nhất của sa trực tràng là niêm mạc trực tràng nhô ra ngoài hậu môn. Phần này thường có màu đỏ sẫm và đôi khi có màng nhầy đi kèm. Trong trường hợp nhẹ, niêm mạc có thể tự thu lại sau khi trẻ đi đại tiện.

Các trường hợp nặng hơn bao gồm niêm mạc vẫn lòi ra sau khi trẻ đi đại tiện và cần được đẩy lên, hoặc niêm mạc lòi ra khi trẻ hắt hơi hoặc vận động. Trường hợp nghiêm trọng nhất là niêm mạc liên tục sa ra ngoài khu vực hậu môn. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Sa trực tràng ở trẻ là tình trạng trực tràng bị lòi ra khỏi hậu môn

Sa trực tràng ở trẻ là tình trạng trực tràng bị lòi ra khỏi hậu môn

2. Tại sao trẻ em bị sa trực tràng?

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng sa trực tràng ở trẻ em, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng này thường gặp khi các cơ và dây chằng treo hậu môn - trực tràng yếu đi. Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng xảy ra sa trực tràng bao gồm:

  • Biến đổi trong cấu trúc giải phẫu: Sự thay đổi ở điểm gấp giữa bóng trực tràng và ống hậu môn có thể gây ra sa trực tràng.
  • Thay đổi trong thói quen ruột: Bao gồm các vấn đề như tiêu chảy và táo bón, dù táo bón chỉ liên quan đến 3% các trường hợp sa trực tràng.
  • Nhiễm kí sinh trùng trong đường ruột.
  • Polyp trực tràng.
  • Bất thường thần kinh cơ: Bao gồm các tình trạng như thoát vị tủy màng tủy và lộ bàng quang.
  • Ho mạn tính.
  • Tình trạng thiếu cân, gầy gò dẫn đến giảm lớp mỡ quanh trực tràng.
  • Các phẫu thuật trước đó trên vùng hậu môn trực tràng như phẫu thuật hạ đại tràng.

3. Xử lý trẻ bị sa trực tràng như thế nào?

Theo các bác sĩ thì hầu hết các trường hợp sa trực tràng ở trẻ là lành tính, ít nguy hiểm. Tuy nhiên, có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, sợ hãi và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thể chất và tâm lý.

Ngoài ra, nếu trẻ bị sa trực tràng kèm theo chảy máu, viêm loét hay có nguy cơ vỡ trực tràng thì bố mẹ không được chủ quan. Lúc này, việc đi khám là cần thiết để bác sĩ kiểm tra tình trạng và can thiệp kịp thời.

Trẻ có thể khó chịu, sợ hãi khi bị sa trực tràng

Trẻ có thể khó chịu, sợ hãi khi bị sa trực tràng

Dưới đây là cách xử trí trẻ bị sa trực tràng cấp độ nặng, trực tràng không thể tự co và thu lại vào trong hậu môn. Lưu ý là cần có 2 người thực hiện phối hợp, tay của người thực hiện phải được rửa sạch sẽ và cắt gọn móng tay. 

  • Cho bé nằm ngửa, kê cao phần mông, 2 chân dạng ra. Một người từ từ đưa chân bé lên cao và giữ nguyên tư thế này. 
  • Người còn lại dùng nước ấm để vệ sinh phần trực tràng lòi ra, sau đó dùng bàn tay phải nắm gọn trực tràng, còn ngón cái tay trái đặt vào giữa trực tràng và đẩy nhẹ nhàng trực tràng vào trong hậu môn. 
  • Trong khi đẩy trực tràng thì người giữ chân bé cũng từ từ hạ chân bé xuống thấp, làm sao đó để đến khi trực tràng được đẩy về đúng vị trí cũng là lúc 2 chân bé duỗi thẳng.
  • Để bé ở tư thế nằm ngửa, chân duỗi thẳng trong vài phút. Việc này giúp trực tràng được ổn định trong hậu môn, không bị sa ra ngoài khi trẻ quấy khóc hay vận động ngay sau đó.

4. Phòng tránh tái phát sa trực tràng ở trẻ

Nếu bé có tiền sử sa trực tràng hoặc cơ địa dễ bị sa trực tràng thì bố mẹ nên thực hiện các biện pháp sau để hạn chế, phòng tránh tái phát.

Chế độ ăn giàu chất xơ

Việc này là rất quan trọng nếu nguyên nhân gây sa trực tràng ở trẻ là táo bón. Để trẻ không bị táo bón, rặn mạnh dẫn đến sa trực tràng khi đại tiện thì bạn cần cho bé tăng cường ăn chất xơ, cụ thể là rau xanh và trái cây. Ngoài ra, khuyến khích bé uống nhiều nước để kích thích nhu động ruột và làm mềm phân, giúp phân dễ đào thải ra ngoài.

Bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau và uống nhiều nước

Bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau và uống nhiều nước

Tránh ngồi xổm khi đại tiện

Khi ngồi xổm, hậu môn sẽ mở rộng, trực tràng ở tư thế thẳng đứng, kết hợp với việc rặn mạnh sẽ gây áp lực lớn trực tràng và hậu môn. Đó là lý do bạn cần tránh cho trẻ ngồi xổm khi đại tiện để phòng tránh hiện tượng sa trực tràng.

Hạn chế vận động mạnh

Đối với trẻ hay bị sa trực tràng, nhiều bố mẹ có xu hướng không cho con vận động. Thực tế, vận động mang đến nhiều lợi ích cho trẻ em, trong đó có cải thiện tiêu hóa, phòng ngừa táo bón. Vì vậy, bạn vẫn cho con vận động mỗi ngày, chỉ cần lưu ý là không vận động mạnh và theo dõi con trong khi con vui chơi, chạy nhảy.

Ngâm hậu môn bằng nước muối ấm

Việc này sẽ giúp vùng hậu môn luôn được sạch sẽ, phòng tránh vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, ngâm hậu môn bằng nước muối ấm còn làm giãn cơ thắt hậu môn, giúp việc đại tiện được dễ dàng, trẻ không phải rặn nhiều, tránh được tình trạng sa trực tràng.

Cho bé đi khám và điều trị

Đây không chỉ là cách phòng tránh tái phát sa trực tràng ở trẻ mà còn hạn chế được các biến chứng của sa trực tràng. Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể cho bé dùng thuốc để cải thiện tình trạng. Ngoài ra, bác sĩ cũng cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ chứng sa trực tràng ở trẻ. 

Cho bé đi khám và điều trị nếu bị sa trực tràng tái phát liên tục

Cho bé đi khám và điều trị nếu bị sa trực tràng tái phát liên tục

Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu hơn về chứng sa trực tràng ở trẻ. Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ khám và điều trị các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay gặp phải. Do đó, bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe của bé, bạn hãy đưa bé đến Chuyên khoa để các bác sĩ thăm khám, kiểm tra. Quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được đặt lịch trước.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ