Tin tức

Sau phẫu thuật nâng ngực 8 ngày, người phụ nữ bất ngờ phát hiện mắc bệnh lý hiếm gặp

Ngày 26/06/2023
Phẫu thuật nâng ngực được 8 ngày, nữ bệnh nhân 39 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám do đau dọc mặt trong cánh tay trái, thì chị bất ngờ phát hiện nguyên nhân do bệnh lý hiếm gặp.

Ngã ngửa vì phát hiện bệnh hiếm gặp ở người khỏe mạnh

Đó là trường hợp của chị N.T.C, ở Hà Nội. Sau 8 ngày đi phẫu thuật nâng ngực, thì một tuần nay xuất hiện đau ở gần nếp gấp khuỷu trái, sau đó đau lên gần nách trái. Và chị cho biết thêm, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có truyền tĩnh mạch tay trái gần vị trí đau.

Qua lo lắng và khó chịu do bất thường gây nên, chị C., quyết định đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám.

Dựa vào tiền sử và thăm khám ấn đau dọc mặt trong cánh tay trái đến nách, sưng nhẹ, nóng nên có nghi ngờ tắc tĩnh mạch. Vì vậy, bác sĩ chỉ định chị C., làm xét nghiệm máu, siêu âm mạch máu chi trên và siêu âm mạch chi trên trái.

Kết quả xét nghiệm máu chưa phát hiện bất thường nào, tuy nhiên, kết quả siêu âm mạch máu chi trên có hình ảnh bất thường. Cụ thể, siêu âm mạch máu chi trên phải có biến đổi giải phẫu tĩnh mạch cánh tay nhỏ, tĩnh mạch nền lớn đổ thẳng vào tĩnh mạch nách. Siêu âm mạch máu chi trên trái: Biến đổi giải phẫu, tĩnh mạch cánh tay nhỏ, tĩnh mạch nền lớn, đổ thẳng vào tĩnh mạch nách tại hố nách. Đoạn đầu vị trí đổ vào có huyết khối bán phần, ấn xẹp không hoàn toàn. Huyết khối toàn bộ tĩnh mạch nền, ấn không xẹp chạy xuống dọc mặt trong cánh tay và mặt trước cẳng tay đến vị trí 1/3 dưới cẳng tay. Giãn tĩnh mạch đầu bù trừ và các tĩnh mạch nông dưới da. Các tĩnh mạch xiên vị trí quanh khuỷu tay giãn lớn, huyết khối bán phần. Vì vậy, chẩn đoán xác định bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch nền do biến chứng truyền tĩnh mạch.

Người phụ nữ bất ngờ phát hiện bị bệnh huyết khối do biến chứng truyền tĩnh mạch khi phẫu thuật nâng ngực. Ảnh minh họa

Phân tích ca bệnh này, ThS.BSNT Đào Danh Vĩnh - Giám đốc điều hành Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh MEDLATEC chia sẻ: Đây là bệnh lý hiếm gặp, chỉ chiếm 5% so với bệnh tĩnh mạch chi dưới và thường gặp ở các trường hợp có can thiệp. Ở bệnh nhân này có can thiệp là đặt đường tiêm truyền trước đó. Yếu tố thứ 2 đặc biệt ở ca bệnh này là có biến thể giải phẫu hai bên, tức tĩnh mạch cánh tay nhỏ và đổ thấp hơn so với bình thường, đó chính là yếu tố “thuận lợi” khiến bệnh nhân dễ bị bệnh huyết khối. Nếu sau này cánh tay còn lại (tay phải) khi tiêm truyền thì bệnh nhân cũng cần lưu ý, vì nếu không tiếp tục sẽ bị tắc huyết khối”.

Tôi vô cùng bất ngờ, lo lắng với chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch do tiêm truyền trong phẫu thuật. Nhưng thật may mắn tôi được bác sĩ tìm đúng bệnh, nên sau 5 ngày uống thuốc theo đơn của bác sĩ tôi không còn cảm nhận các dấu hiệu đau trước đó nữa” - Chị C., chia sẻ.

Huyết khối tĩnh mạch chi trên là gì?

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay (chi trên) là bệnh lý hiếm gặp gây ra suy giảm khả năng hồi lưu của tĩnh mạch cánh tay do huyết khối.

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay nguyên phát thường không có nguyên nhân cụ thể, hay gặp trong các bệnh cảnh tăng đông máu toàn thân.

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay thứ phát là hậu quả của các bệnh lý tại chỗ, hoặc toàn thân, hoặc do biến chứng của can thiệp y khoa.

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay được chia thành hai dạng:

  • Huyết khối tĩnh mạch nông cánh tay: Tĩnh mạch nông cánh tay là hội tụ của tĩnh mạch nền, tĩnh mạch đầu và tĩnh mạch giữa cẳng tay tại vùng khuỷu trước, và cuối cùng đổ vào tĩnh mạch nách.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu cánh tay: Hai tĩnh mạch sâu thường đi kèm với động mạch cánh tay, đến hõm nách thì nhập lại thành tĩnh mạch nách.

Các huyết khối tĩnh mạch nông thường ít xảy ra hơn tĩnh mạch sâu và nếu có cũng sẽ tự giới hạn và mất đi. Hầu hết các trường hợp huyết khối tĩnh mạch nông cánh tay thường đi kèm với huyết khối tĩnh mạch sâu.

Phân tích hình ảnh biến đổi giải phẫu bất thường của bệnh nhân là trên hình ảnh siêu âm, ThS.BS Nguyễn Trí Kiên - Chuyên khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Thông thường tĩnh mạch nền sẽ đi lên, trước khi vào hố nách sẽ đổ vào tĩnh mạch cách tay, sau đó đi lên vào tĩnh mạch nách, lên trên nữa là tĩnh mạch dưới đòn. Còn ở bệnh nhân này đặc biệt là tĩnh mạch nền đi lên rất cao vượt qua hố nách, gần như đổ sát vào vị trí xuất phát của tĩnh mạch đầu ở phía dưới cả của tĩnh mạch xương đòn.

Nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch chi trên

BS Kiên chia sẻ có nhiều nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch chi trên được chia thành các nhóm cụ thể sau:

  • Nhóm huyết khối tiên phát: Dị tật bẩm sinh tại đường ra lồng ngực; Hội chứng lối thoát ngực (Thoracic Outlet Syndrome - TOS); Hội chứng Paget-Schroetter (khi gắng sức) gây chèn ép hoặc tổn thương lặp đi lặp lại đối với tĩnh mạch nách.
  • Nhóm huyết khối thứ phát:

+ Huyết khối thứ phát ở tĩnh mạch sâu: Biến chứng của quá trình phẫu thuật; Biến chứng đặt catheter tĩnh mạch trung tâm; Biến chứng đặt máy tạo nhịp, lọc máu nhân tạo,…

+ Huyết khối thứ phát tĩnh mạch nông: Biến chứng tiêm truyền (trường hợp chị C., là một ví dụ), tiêm chích ma túy.

Huyết khối tĩnh mạch chi trên - Bệnh hiếm gặp được chẩn đoán và điều trị thế nào?

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh nói chung và chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch nói riêng, chuyên gia Đào Danh Vĩnh chia sẻ, bên cạnh thực hiện làm các xét nghiệm thì tiêu chuẩn “vàng”, cũng như là kỹ thuật đầu tay trong chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác dấu hiệu huyết khối cấp tính đó chính là siêu âm. Kỹ thuật này thực hiện đơn giản, nhưng mang lại giá trị chẩn đoán chính xác. Có 2 nhóm dấu hiệu huyết khối trên siêu âm gồm:

  • Dấu hiệu gián tiếp;
  • Dấu hiệu trực tiếp, gồm 3 tiêu chuẩn:
  • Nhìn thấy cục huyết khối;
  • Không thấy tín hiệu dòng chảy;
  • Ép đầu dò không xẹp.

Huyết khối tĩnh mạch có thể gây biến chứng nguy hiểm

Ở bệnh nhân C., có đủ cả 3 tiêu chuẩn như siêu âm không thấy tín hiệu dòng chảy, khi siêu âm bác sĩ không thấy xẹp đầu dò, có cục huyết khối, ngoài ra bệnh nhân này còn có 2 tiêu chuẩn phụ là giãn tĩnh mạch màng hệ và giãn tĩnh mạch huyết khối đó. Như vậy, trường hợp bệnh C., có đủ 5 dấu hiệu trên siêu âm để đủ tiêu chuẩn chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch nền tay trái.

Huyết khối tĩnh mạch chi trên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm, cụ thể là bệnh nhân C., có huyết khối tĩnh mạch nền có nguy cơ đi vào tĩnh mạch nách, phát triển thành huyết khối tĩnh mạch sâu, có thể gây tắc tĩnh mạch phổi.

Về điều trị bệnh huyết khối tĩnh mạch nền, TS.BS Trần Hồng Hà - Chuyên gia Huyết học của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho hay: Đối với huyết khối tĩnh mạch nông thì đại đa số sẽ tự khỏi, bệnh nhân có triệu chứng, hoặc không có triệu chứng. Ở bệnh nhân này có triệu chứng đau, hoặc biến đổi màu da vì tĩnh mạch nông. Hầu hết bệnh nhân sẽ tự khỏi sau 3-4 tuần, nếu bệnh nhân có biểu hiện sẽ được điều trị kháng viêm, giảm đau. Nếu có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu thì có thể dựa vào chiều dài huyết khối (dưới 4-5cm trên siêu âm) thì có thể điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau. Trường hợp lớn hơn 4-5cm trên siêu âm thì có thể điều trị bằng thuốc chống đông để tránh biến chứng thành khối tĩnh mạch sâu.

Ai có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch?

BS Kiên khuyến cáo, những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch cần cảnh giác đi khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sưng, đau cánh tay bất thường như:

Tiêm chích tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch. Ảnh minh họa

  • Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp nội tiết thay thế.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ hậu sản.
  • Hạn chế vận động, bất động lâu.
  • Các bệnh toàn thân như thiếu máu do thiếu sắt, bệnh ác tính, bệnh tăng sinh tủy, mất nước, viêm ruột, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Behcet, bệnh lý tuyến giáp, bệnh sarcoidosis thần kinh và béo phì.
  • Tình trạng tăng đông mắc phải hoặc di truyền như hội chứng kháng phospholipid, đột biến gen MTHFR hay tăng phospho máu, yếu tố V Leiden đột biến, đột biến gen Prothrombin, thiếu Protein S hoặc Protein C, thiếu Antithrombin, hội chứng thận hư, bệnh đa hồng cầu nguyên phát và tăng tiểu cầu.
  • Nhiễm trùng vùng cánh tay, hoặc các khu vực lân cận.
  • Tác động cơ học như quá trình phẫu thuật ở chi trên, gãy xương, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt máy lọc máu, máy tạo nhịp tim và tiêm chích.
  • Dị dạng mạch máu.

Trực thuộc Hệ thống Y MEDLATEC, với gần 30 năm kinh nghiệm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC không chỉ là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, giàu kinh nghiệm, mà còn được trang bị đồng bộ hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại như máy siêu âm 3D, 4D, siêu âm doppler, điện tim, siêu âm tim, holter điện tim 24h, MRI, CT, MSCT,... đến hệ thống máy móc xét nghiệm hiện đại bậc nhất thế giới của Mỹ, Đức được quản lý chất lượng theo hai tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012 và CAP.

Với đầy đủ thế mạnh về xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có năng lực phục vụ chính xác, toàn diện nhu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh lý đa khoa từ cơ bản đến chuyên sâu, trong đó có chẩn đoán và điều trị chính xác các bệnh lý tim mạch.

Thông tin liên hệ đặt lịch khám, hoặc giải đáp dịch vụ y tế tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56 (hỗ trợ 24/24h).

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.