Tin tức

SGPT trong xét nghiệm máu là gì và vì sao kết quả xét nghiệm bất thường?

Ngày 20/09/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
SGPT là một trong các chỉ số có mặt trong kết quả xét nghiệm chức năng gan. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng biết chính xác chỉ số SGPT trong xét nghiệm máu là gì. Nếu bạn đang rơi vào trường hợp này và muốn tìm lời giải đáp thì có thể tham khảo những thông tin được cung cấp sau đây để hiểu thêm về kết quả xét nghiệm này.

1. SGPT có vai trò gì trong cơ thể?

SGPT (thường được biết đến nhiều hơn với thuật ngữ ALT) là enzyme tồn tại chủ yếu trong gan. SGPT đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein, giúp chuyển đổi các axit amin. Ngoài gan, SGPT cũng được tìm thấy ở một số cơ quan khác như thận, tim, tủy xương.

Cụ thể, enzyme SGPT tham gia vào các quá trình:

- Chuyển hóa Alanine: SGPT giúp chuyển hóa amino axit mang tên Alanine thành pyruvate và glutamate - dưỡng chất cần có cho quá trình sản xuất năng lượng của cơ thể.

- Giải độc gan: Gan là cơ quan đảm nhận trách nhiệm lọc và loại bỏ các chất độc ra khỏi máu. SGPT tham gia vào quá trình này thông qua cơ chế hỗ trợ các phản ứng hóa học trong tế bào gan.

- Duy trì chức năng gan: Enzyme SGPT giúp duy trì ổn định chức năng gan bằng cách tham gia vào quá trình tái tạo và sửa chữa tế bào gan bị tổn thương.

SGPT là một loại enzyme giúp ổn định chức năng gan

SGPT là một loại enzyme giúp ổn định chức năng gan

2. SGPT trong xét nghiệm máu là gì, khi nào kết quả xét nghiệm bất thường?

2.1. Ý nghĩa chỉ số SGPT trong xét nghiệm máu

Hầu hết các trường hợp nhận kết quả xét nghiệm chức năng gan đều sẽ băn khoăn không biết SGPT trong xét nghiệm máu là gì. Có thể hiểu đơn giản rằng, SGPT là chỉ số men gan giúp đánh giá tổn thương và các vấn đề liên quan đến gan. Chỉ số này nằm trong ngưỡng cho phép thì có thể yên tâm về sự ổn định của chức năng gan.

Nếu chỉ số SGPT trong xét nghiệm máu tăng thì cần cảnh giác đến các vấn đề làm tổn thương gan. Trường hợp này, người bệnh cần được tiến hành các kiểm tra chẩn đoán để đánh giá chính xác nguyên nhân tăng SGPT và kịp thời thực hiện giải pháp điều trị tích cực. 

Chỉ số SGPT tăng càng cao thì mức độ tổn thương ở gan càng nghiêm trọng. Khi đó, bác sĩ sẽ cần tìm ra nguyên nhân tăng SGPT là do tác động của thuốc hay có bệnh lý gây tổn thương tế bào gan.

2.2. Khi nào SGPT trong kết quả xét nghiệm máu bất thường?

2.2.1. Chỉ số SGPT tăng ở mức nhẹ đến trung bình

Chỉ số SGPT ở ngưỡng bình thường khoảng 5 - 37 IU/L. Chỉ số SGPT này được xem tăng nhẹ khi rơi vào khoảng 40 - 80 UI/L hoặc tăng trung bình khi rơi vào khoảng 100 - 150 UI/L.

Lý do làm tăng nhẹ nồng độ SGPT trong xét nghiệm máu là gì? Trường hợp này nguyên nhân có thể xuất phát từ lạm dụng bia rượu hoặc mắc phải các bệnh lý: xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ, khối u gan,... 

Tuy tổn thương gan ở mức này đang được đánh giá là nhẹ nhưng người bệnh vẫn cần thường xuyên theo dõi để kịp thời điều trị ngăn chặn nguy cơ tiến triển nghiêm trọng.

Tăng chỉ số SGPT có thể phản ánh tình trạng gan nhiễm mỡ

Tăng chỉ số SGPT có thể phản ánh tình trạng gan nhiễm mỡ

2.2.2. Chỉ số SGPT cao

Nếu nồng độ SGPT trong máu tăng gấp 100 lần so với bình thường được xem là SGPT tăng cao hoặc rất cao. Đặc biệt, SGPT vượt ngưỡng 5.000 UI/L có thể nguy hiểm tới sự sống.

Vậy nguyên nhân làm tăng chỉ số SGPT trong xét nghiệm máu là gì? Trường hợp này thường xuất phát từ trụy mạch trong thời gian dài, sốc gan, suy gan cấp, viêm gan virus, viêm tụy, viêm túi mật, khối u đường mật,... 

3. Yếu tố có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm SGPT

Ngoài nguyên nhân bệnh lý, một vài yếu tố khác cũng có thể tác động, làm tăng chỉ số SGPT:

- Dùng thuốc điều trị bệnh: Tâm thần, chống co giật, thuốc tránh thai, thuốc thiazid lợi tiểu, acetaminophen, metronidazol,... 

- Sử dụng thực phẩm chức năng.

- Dùng thuốc tiêm mô cơ.

- Chấn thương ở tim hoặc cơ xương.

- Tập luyện gắng sức. 

Trước khi đưa ra kết luận về hiện trạng sức khỏe của người bệnh tăng chỉ số SGPT, bác sĩ cũng cần loại bỏ những yếu tố này để tránh các phán đoán sai lệch. Vì thế, người bệnh cần chú ý cung cấp chính xác thông tin về bệnh lý đang mắc phải, thực phẩm chức năng hoặc các loại thuốc người bệnh đang dùng,... cho bác sĩ trước khi xét nghiệm chức năng gan.

Bác sĩ MEDLATEC giải thích để khách hàng được biết SGPT trong xét nghiệm máu là gì

Bác sĩ MEDLATEC giải thích để khách hàng được biết SGPT trong xét nghiệm máu là gì

4. Khi nào nên thực hiện xét nghiệm SGPT?

Xét nghiệm SGPT là một phần để bác sĩ đánh giá đúng về chức năng gan. Khi đã biết được SGPT trong xét nghiệm máu là gì, người bệnh sẽ hiểu thêm về tình trạng tổn thương gan của mình. 

Trong các trường hợp sau đây, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc thực hiện xét nghiệm SGPT:

- Cảm giác mệt mỏi kéo dài triền miên, cơ thể bị suy nhược bất thường.

- Có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa kéo dài, thường xuyên tái diễn: chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, táo bón,...

- Da nhạt màu, vàng; đại tiện phân nhợt nhạt; nước tiểu màu sẫm.

- Da nổi mẩn ngứa.

Một số trường hợp bác sĩ cũng sẽ chỉ định xét nghiệm SGPT cùng xét nghiệm khác như:

- Mắc bệnh tiểu đường.

- Bị béo phì.

- Bệnh gan nhiễm mỡ.

- Đã có tiếp xúc với người nhiễm virus viêm gan.

- Trong gia đình có người đã từng bị bệnh gan.

- Người nghiện rượu.

Ngoài các trường hợp cần lưu ý ở trên, chỉ số SGPT cũng sẽ được đánh giá trong xét nghiệm máu ở những lần khám sức khỏe định kỳ. 

Hy vọng những thông tin được chia sẻ ở trên đã giải đáp được thắc mắc SGPT trong xét nghiệm máu là gì và giúp bạn biết được tính chất nguy hiểm của tình trạng tăng SGPT. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ kết hợp duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn bảo vệ chức năng gan và ổn định sức khỏe toàn diện.

Quý khách hàng có nhu cầu thực hiện xét nghiệm SGPT tại Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ