Tin tức
Siêu âm ổ bụng là gì? Khi nào cần thực hiện?
1. Siêu âm ổ bụng là gì?
Siêu âm ổ bụng là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng được áp dụng rất phổ biến trong y học hiện nay. Siêu âm thu lại hình ảnh ổ bụng ở thời gian thực, giúp bác sỹ quan sát cấu trúc bên trong của các cơ quan nội tạng và phát hiện bất thường nếu có.
Siêu âm ổ bụng là kỹ thuật áp dụng phổ biến hiện nay
Siêu âm ổ bụng hiện nay được sử dụng trong kiểm tra sức khỏe định kỳ và chẩn đoán xác định bệnh lý cụ thể như:
- Bệnh lý về gan: Xơ gan, Viêm gan, gan nhiễm mỡ, các loại u gan lành tính và ác tính, áp xe gan,…
- Bất thường của hệ sinh dục tại các cơ quan: u nang buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ứ mủ vòi trứng, ung thư buồng trứng, viêm tiền liệt tuyến,...
- Bất thường của hệ tiêu hóa như: Lồng ruột, các khối u tiêu hóa, viêm ruột thừa, viêm ruột non, xoắn ruột,…
- Bất thường của đường mật: u đường mật, sỏi mật, viêm túi mật, polyp túi mật, dị dạng đường mật,…
Siêu âm ổ bụng có thể phát hiện u xơ tử cung
- Bất thường của tuyến tụy: Chấn thương, sỏi, viêm tụy cấp tính, viêm tụy mạn tính, bất thường tụy bẩm sinh, các loại u tụy,...
- Bất thường của hệ tiết niệu: chấn thương, u đường bài xuất, tắc nghẽn, dị dạng, tắc nghẽn đường bài xuất như sỏi niệu quản, viêm bàng quang, viêm thận, ung thư thận, ung thư bàng quang, sỏi bàng quang, sỏi thận,...
- Bệnh lý lách: áp xe lách, lympho lách, lách to, các u lách,…
- Các bệnh lý sau phúc mạc: xơ hóa sau phúc mạc, u sau phúc mạc.
Ngoài ra, siêu âm ổ bụng có thể đánh giá lượng dịch trong bụng, ở màng ngoài tim hoặc khoang màng phổi. Hình ảnh siêu âm cũng có giá trị phát hiện các bệnh lý dịch ổ bụng, phình động mạch chủ.
Giống như các phương pháp siêu âm khác, siêu âm ổ bụng sử dụng đầu dò phát sóng siêu âm và ghi nhận, phát ra dạng hình ảnh nên nhanh chóng, hiệu quả, an toàn với sức khỏe con người. Hiện chưa có ghi nhận nào về trường hợp siêu âm ổ bụng gây hại đến sức khỏe người bệnh.
Siêu âm ổ bụng là phương pháp an toàn với mọi lứa tuổi
Do đó, mọi bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể áp dụng được hình thức chẩn đoán hình ảnh này. Nhưng một số trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng da và mô mềm vùng bụng, không thể nằm yên thì nên hạn chế siêu âm, hãy báo cho bác sỹ biết điều này.
2. Khi nào nên siêu âm ổ bụng?
Siêu âm ổ bụng nhanh chóng, giá trị chẩn đoán cao phát hiện nhiều bệnh lý, lại không gây hại cho sức khỏe con người nên là phương pháp nằm trong hoạt động thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần, với người lớn tuổi thì khoảng 6 tháng một lần. Siêu âm ổ bụng định kỳ sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện bệnh nếu mắc phải.
Ngoài ra, nếu bạn có những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ có khối u trong bụng, bệnh lý nội tạng thì cũng nên siêu âm ổ bụng để tìm nguyên nhân. Những dấu hiệu bất thường cần lưu ý là: đau bụng, sờ thấy khối lớn trong bụng, kém tiêu hóa, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa kéo dài, mệt mỏi không rõ lý do, sụt cân nhanh,…
Siêu âm ổ bụng thường thực hiện khi khám sức khỏe định kỳ
Nếu bác sỹ nghi ngờ bạn mắc các bệnh lý nội tạng, tiêu hóa, siêu âm ổ bụng là kỹ thuật ban đầu để chẩn đoán xác định vị trí bất thường. Phương pháp này cũng thực hiện để chẩn đoán hỗ trợ điều trị nếu cần thiết, bác sỹ sẽ chỉ định thực hiện.
3. Một số lưu ý khi siêu âm ổ bụng
Với nhiều bệnh nhân chưa từng thực hiện siêu âm ổ bụng luôn có sự lo lắng trước khi thực hiện kỹ thuật này. Để siêu âm ổ bụng thực hiện nhanh chóng, có kết quả chính xác, bạn cần thực hiện đúng một số lưu ý dưới đây.
Nhịn ăn trước khi siêu âm ổ bụng
Trước khi siêu âm ổ bụng, người bệnh cần nhịn ăn trong khoảng từ 6 - 8h. Do đó, nên thực hiện siêu âm vào buổi sáng khi chưa ăn gì, bởi sau một đêm ngủ dài thì thức ăn trước đó đã tiêu hóa hết, bụng đói mà bạn không cần mất thời gian nhịn trong ngày.
Ngoài ra, để siêu âm dễ dàng thì trước khi siêu âm từ 30 - 60 phút, bạn nên uống nhiều nước, nhịn tiểu để làm căng bàng quang. Khi bàng quang căng, hình ảnh trong tiểu khung như túi tinh, các u vùng tiểu khung, tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt cũng rõ ràng hơn, dễ quan sát và phát hiện bất thường.
Cần uống nhiều nước trước khi siêu âm ổ bụng
Điều này khác với siêu âm đầu dò âm đạo, bạn cần đi tiểu hết để bàng quang không còn nước trước khi siêu âm. Bởi lúc này đầu dò sẽ đưa vào trong âm đạo, chỉ thực hiện ở phụ nữ đã từng quan hệ tình dục.
Siêu âm ổ bụng sử dụng lớp gel đặc biệt
Trước khi tiến hành siêu âm, bạn sẽ được nằm trên giường khám, kéo áo cao ngang ngực, đồng thời để quần dưới thấp xuống ngang xương mu. Sau đó, bác sỹ sẽ bôi một lớp gel ở phần bụng. Đầu dò sẽ được đặt tiếp xúc và vòng quanh vùng ổ bụng, hình ảnh thu được trên màn hình hiển thị liên tục, giúp quan sát ổ bụng và nội tạng từ nhiều vị trí.
Để siêu âm ổ bụng chính xác, phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường dù là nhỏ nhất, bạn nên thực hiện ở địa chỉ uy tín, với bác sỹ giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao. Hệ thống máy siêu âm hiện đại, công nghệ cao sẽ cung cấp hình ảnh rõ ràng, dễ dàng phát hiện bệnh.
Như vậy, kỹ thuật chẩn đoán siêu âm ổ bụng rất đơn giản, nhanh chóng, an toàn với người bệnh, giúp phát hiện nhiều bệnh lý sớm. Do đó, nên thực hiện siêu âm ổ bụng định kỳ, 6 tháng - 1 năm/lần để có thể phát hiện sớm bệnh lý vùng bụng và nội tạng nếu chẳng may mắc phải bạn nhé.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!