Tin tức
Sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh: phòng ngừa và xử trí thế nào cho đúng?
- 28/02/2022 | Tại sao bị sốc phản vệ? xử trí cấp cứu sốc phản vệ như thế nào?
- 23/05/2022 | Cách xử lý khi trẻ bị sốc phản vệ nhanh và kịp thời
- 24/02/2023 | Sốc phản vệ là gì? Tìm hiểu nguyên nhân gây sốc phản vệ
- 02/07/2022 | Sốc phản vệ ở trẻ: cách xử trí và các biện pháp phòng ngừa
- 30/04/2024 | Hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị sốc phản vệ
1. Thế nào là sốc phản vệ ở trẻ
sơ sinh?
Đây là hiện tượng dị ứng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn, dẫn tới phản ứng thái quá đối với sự xâm nhập dù là vô hại của một dị nguyên vào cơ thể.
Lúc này, histamin và một số hóa chất khác được giải phóng, có thể dẫn tới các triệu chứng nguy hiểm như: hạ huyết áp, suy hô hấp thậm chí là trụy tim, đe dọa tới tính mạng của trẻ.
Nguy hiểm hơn nữa là hiện tượng này thường diễn ra trong thời gian rất nhanh, thậm chí ngay tức thì tùy từng nguyên nhân, chẳng hạn với vết đốt của côn trùng, có thể chỉ trong vài phút, với thức ăn có thể trong khoảng 30 phút. Khi việc xử lý không kịp thời, có thể khiến trẻ tử vong.
Do thời gian diễn ra nhanh nên hiện tượng này có thể đe dọa tính mạng trẻ
Hiện tượng có thể gặp trong bất kỳ độ tuổi nào, riêng với trẻ em, phổ biến là trên 6 tháng do lúc này, trong quá trình vận động, vui chơi, trẻ có thể tiếp xúc với nhiều nguy cơ gây sốc hơn. Mặc dù vậy, đối tượng trẻ dưới 6 tháng cũng không hiếm gặp.
Đây là các dấu hiệu có thể để nhận biết hiện tượng sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh:
● Sưng ở lưỡi, họng, môi hoặc trên mặt.
● Gặp các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, chẳng hạn khò khè, khó thở,...
● Nhịp tim rối loạn, mạch có thể trở nên yếu hoặc đập nhanh hơn.
● Xuất hiện các nốt ban hoặc mề đay.
● Da đỏ bừng hoặc nhợt nhạt, đổ mồ hôi.
● Buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, bụng có thể bị đau quặn.
● Trẻ khóc nhiều, nước dãi chảy đột ngột, buồn ngủ bất thường, chóng mặt và có thể mất ý thức, ngất xỉu.
2. Nguyên nhân nào có thể dẫn tới sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh?
Có thể nói, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có rất nhiều, trong đó có thể kể đến như:
● Thức ăn: rất phổ biến, đặc biệt là các loại như: đậu phộng, hạt điều, tôm, ốc, sữa, trứng, cá thu, cá ngừ,... các chất tạo màu hoặc bảo quản trong thực phẩm cũng có thể là nguyên nhân
● Một số loại thuốc, thuộc nhóm kháng sinh, chẳng hạn penicillin, chloramphenicol, vancomycin,... hoặc nhóm chống viêm như salicylate, mofen,... thuốc novocain, đặc biệt là vắc xin,...
● Do bị côn trùng đốt, nhất là các loại có độc như: kiến, nhện, bọ cạp, ong mật, ong vò vẽ, ong bắp cày,...
● Cao su y tế.
Đồ ăn được xem là nguyên nhân thường gặp có thể gây sốc phản vệ
Đặc biệt, với những trẻ có tiền sử gia đình hoặc bản thân từng bị sốc phản vệ, đang bị bệnh suyễn, cơ địa dễ dị ứng là đối tượng có nguy cơ gặp phải cao hơn so với trẻ khác.
3. Cha mẹ nên xử lý thế nào nếu con sốc phản vệ?
Khi con có dấu hiệu bị sốc phản vệ, cha mẹ có biện pháp xử lý càng nhanh thì càng tránh được rủi ro. Điều đầu tiên cần làm là gọi cấp cứu, sau đó, thực hiện các bước gồm:
● Đặt trẻ nằm với tư thế đầu thấp còn chân kê cao. Nếu trẻ bị nôn mửa thì nên để con nằm nghiêng.
● Ngừng ngay việc để trẻ tiếp xúc với dị nguyên, nếu là thuốc thì ngừng cho uống.
● Luôn giữ cho đường thở được mở, không quây xung quanh khiến trẻ ngột ngạt, đo huyết áp thường xuyên cho trẻ.
● Nếu có thuốc Adrenalin và người có chuyên môn bên cạnh, có thể tiến hành tiêm bắp cho trẻ. Trường hợp người nhà không thể tiêm, khi nhân viên y tế tới họ sẽ có sẵn thuốc và thực hiện ngay. Thuốc này mang lại tác dụng giúp cơ bắp đường thở được thư giãn, tim đập mạnh hơn, cải thiện trương lực máu để chúng có thể dễ dàng luân chuyển tới các cơ quan.
● Tuyệt đối không để trẻ uống bất kỳ loại thuốc hay nước nào vì có thể khiến cho đường thở bị tắc.
● Khi gặp nhân viên y tế, cần thông báo cụ thể, chi tiết tình trạng của trẻ để việc chẩn đoán và khắc phục được dễ dàng hơn.
Adrenalin có thể được tiêm để khắc phục tình trạng này
4. Sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh có thể được phòng ngừa thế nào?
Việc phòng ngừa hiệu quả nhất là giúp cho trẻ tránh xa các nguy cơ có thể dẫn tới sốc phản vệ:
● Đối với đồ ăn: Khi sử dụng bất kỳ loại thức ăn mới nào cho trẻ, đặc biệt là loại dễ gây dị ứng, nên cho ăn chậm và chỉ một lượng ít. Với những trẻ có tiền sử bị dị ứng với một số đồ ăn nhất định, người chăm sóc, cả giáo viên của trẻ cần được biết và trước khi cho ăn, nên xem bảng thành phần. Nếu là đi ăn bên ngoài, có thể hỏi về thành phần của đồ ăn.
● Đối với thuốc: Khi biết trẻ dị ứng với bất kỳ một loại thuốc nào, cha mẹ cần thông báo với bác sĩ chữa trị.
● Kể cả khi trẻ chưa từng có biểu hiện dị ứng, cha mẹ cũng không nên tự ý mua thuốc và cho con mình sử dụng mà cần tham khảo ý kiến, được hướng dẫn từ bác sĩ.
● Luôn giữ vệ sinh nơi sinh hoạt, vui chơi của trẻ, đặc biệt, không nên để trẻ đi chân đất ra ngoài bởi có thể vô tình dẫm vào côn trùng. Đồng thời, nên mang theo bình xịt song tốt nhất cần đảm bảo tránh xa các loại côn trùng như kiến, ong,...
● Nếu trẻ bị hen suyễn, cần chú ý kiểm soát bệnh để chúng không làm tăng nguy cơ trong trường hợp trẻ dị ứng.
● Khi người trong gia đình có tiền sử dị ứng với bất kỳ loại thức ăn hoặc thuốc nào, nên cẩn thận cho trẻ.
● Cho tới khi trẻ có thể đã nhận thức được, có thể trao đổi, dặn dò về những loại thức ăn bị dị ứng để có thể tự bảo vệ mình.
● Khi tiêm phòng cho con, cha mẹ cần tuân thủ đúng hướng dẫn, để trẻ ở lại nơi tiêm theo dõi trong vòng 30 phút và tiếp tục tự theo dõi tại nhà.
Nên cho trẻ tránh xa côn trùng
Cùng với việc trang bị kiến thức cơ bản về sốc phản vệ, nếu hiện tượng này xảy ra với con mình, cha mẹ cần bình tĩnh thực hiện theo khuyến cáo. Để được tư vấn thêm thông tin về sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh, hoặc cần tìm địa chỉ y tế uy tín để đưa trẻ đi thăm khám, quý khách hãy liên hệ đến MEDLATEC để được hỗ trợ. Tổng đài chăm sóc khách hàng của MEDLATEC: 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!