Tin tức
Soi cặn nước tiểu - Một xét nghiệm cơ bản trong niệu học
- 03/04/2020 | Xét nghiệm 17 - cetosteroid trong nước tiểu dùng để chẩn đoán bệnh gì?
- 06/04/2020 | Xét nghiệm các chất gây nghiện trong nước tiểu
- 29/03/2020 | Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
- 04/04/2020 | Cấy nước tiểu - phương pháp chẩn đoán chính xác nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- 20/02/2020 | Xét nghiệm nước tiểu tại nhà - khi nào nên và chọn địa chỉ nào để thực hiện?
1. Mục đích của xét nghiệm cặn nước tiểu
Một xét nghiệm nước tiểu đầy đủ bao gồm tổng phân tích nước tiểu và soi cặn nước tiểu. Soi cặn nước tiểu là một xét nghiệm cơ bản trong niệu học, nó góp phần trong việc chẩn đoán các bệnh về hệ tiết niệu, gan, tuyến nội tiết, thai nghén, sự bài tiết các chất thuốc đưa vào cơ thể, nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng.
Là một xét nghiệm quan trọng trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe con người. Nó giúp chẩn đoán, theo dõi bệnh lý và phương thức điều trị đồng thời nó cũng cung cấp các thông tin cần thiết cho sức khỏe.
Xét nghiệm soi cặn nước tiểu còn là một xét nghiệm dễ thực hiện, thuận lợi, ít tốn kém. Bệnh phẩm nước tiểu dễ lấy không đòi hỏi kỹ thuật hay thủ thuật đặc biệt, không gây phản ứng nơi bệnh nhân nên xét nghiệm được sử dụng phổ biến.
Hình 1: Mẫu nước tiểu
Xét nghiệm soi cặn nước tiểu nhằm quan sát hình thể và số lượng các thành phần hữu hình có trong nước tiểu như: hồng cầu, bạch cầu, tế bào biểu mô, các loại trụ niệu và các loại tinh thể. Các thành phần này được quan sát trên kính hiển vi quang học.
2. Các thành phần hữu hình trong nước tiểu
Trong nước tiểu người bình thường có các thành phần hữu hình như:
- Hồng cầu: 0 - 5/vi trường.
- Bạch cầu: 0 - 5/vi trường.
- Tế bào biểu mô: một vài tế bào xuất hiện trong vi trường.
- Trụ: không có.
- Tinh thể: không có.
Hình 2: Các thành phần hữu hình quan sát được trong soi cặn nước tiểu
Khi các thành phần này có sự thay đổi có nghĩa là có sự bất thường trong cơ thể như:
2.1. Có hồng cầu niệu (> 5 HC/vi trường)
Tất cả biểu hiện của việc đái máu đại thể hay vi thể ở nam (> 5 HC/vi trường) đều cần được tiến hành thăm dò chuyên khoa tiết niệu.
Ở nữ, có hồng cầu trong nước tiểu là hậu quả của nhiễm bẩn âm đạo (nhất là trong thời kỳ hành kinh). Tuy vậy, nếu việc xuất hiện hồng cầu trong nước tiểu không có nguồn gốc từ các vấn đề phụ khoa thì bắt buộc phải tiến hành thăm dò chuyên khoa tiết niệu.
Các nguyên nhân gây đái máu thường gặp là:
- Do đặt xông tiểu.
- U biểu mô tuyến (adenoma) và ung thư tuyến tiền liệt.
- Viêm bàng quang.
- Polyp bàng quang và ung thư bàng quang.
- Bệnh nhiễm sán máng (schistosomiasis) bàng quang.
- Sỏi thận và sỏi niệu quản.
- Ung thư biểu mô tế bào thận và nang thận.
- Lao thận.
- Viêm cầu thận.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân ít gặp như: hoại tử nhú thận, nhồi máu thận, viêm nội tâm mạc do vi khuẩn, đái máu do gắng sức, bệnh viêm cầu thận mạn, các rối loạn đông máu.
2.2. Có nhiều bạch cầu niệu (> 5 bạch cầu/vi trường)
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
- Nhiễm bẩn (vi khuẩn lẫn trong nước tiểu trong quá trình lấy mẫu): bởi các vi khuẩn ở niệu đạo, âm đạo hay ở ống tiêu hóa. Trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm bẩn bất thường cần tiến hành lấy một mẫu bệnh phẩm nước tiểu bằng cách đặt xông bàng quang.
- Đặt xông bàng quang lâu ngày: cấy nước tiểu tìm vi khuẩn có thể âm tính hoặc dương tính.
- Nhiễm khuẩn nước tiểu (các vi khuẩn được đào thải trong nước tiểu): trong trường hợp này cấy nước tiểu dương tính (> 100.000 vi khuẩn/ml nước tiểu với việc có thể phát hiện từ 1 - 2 mầm bệnh khác nhau).
- Các mầm bệnh chính gây ra nhiễm khuẩn nước tiểu là: E.Coli, Klebsiella, Proteus, cầu khuẩn ruột (enterocoques),....
- Lao thận: tất cả các đái bạch cầu với cấy nước tiểu âm tính sau nhiều lần cấy cần xem xét khả năng người bệnh bị lao thận, nhất là khi PH nước tiểu acid.
- Khối u bàng quang.
- Viêm thận do lupus.
2.3. Có nhiều tế bào biểu mô
Các nguyên nhân chính thường gặp là:
- Nhiễm bẩn từ niệu đạo hay âm đạo.
- Viêm bàng quang.
- Tổn thương ống thận (viêm đài bể thận, hoại tử ống thận, hoại tử nhú thận, tổn thương do độc tố hay do thuốc).
Khi càng xuất hiện nhiều tế bào biểu mô thì càng khó nhận định kết quả vi khuẩn.
2.4. Có các trụ niệu
Các trụ niệu được hình thành dưới tác động của quá trình đào thải các protein, bạch cầu, hồng cầu hay các mảnh vụn tế bào trong lòng các ống thận. Nhiều loại trụ niệu có thể thấy khi xét nghiệm cặn nước tiểu như:
Bảng 1: Các trụ niệu và các bệnh lý thường gặp
2.5. Có các tinh thể
Sự tích tụ của một số chất trong nước tiểu gây ra sự hình thành các tinh thể. Các tinh thể cũng có thể hình thành khi để nước tiểu trong điều kiện môi trường quá lâu hay do dùng một số thuốc gây nên. Khi nước tiểu có một vài tinh thể sẽ ít có ý nghĩa lâm sàng nhưng khi rất nhiều tinh thể hình thành trong nước tiểu nó có thể báo hiệu nguy cơ hình thành Sỏi thận.
Các loại tinh thể thường gặp trong nước tiểu là:
- Tinh thể oxalat canxi: xuất hiện khi pH acid và dễ tìm thấy trong nước tiểu ở những người dùng một số thực phẩm như: đại hoàng, cải bắp, củ cải, chè, ca cao, hạt bồ đào.
- Tinh thể acid uric: kết tủa ở pH acid và chủ yếu xuất hiện khi nồng độ acid uric máu cao hay hệ số thanh thải acid uric tăng cao.
- Tinh thể phosphat amoniac - magie: xuất hiện khi pH kiềm.
- Tinh thể Cystin: kết tủa ở pH acid.
Hình 3: Hình ảnh các tinh thể trong nước tiểu
Một số thuốc có thể gây hình thành các tinh thể trong nước tiểu khi nước tiểu bị acid như: Acetazolamid, acid aminosalicylic, acid ascorbic, nitrofurantonin, theophyllin, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid.
Xét nghiệm soi cặn nước tiểu là một xét nghiệm đơn giản nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật viên thực hiện xét nghiệm cần phải có kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn cao. Trung tâm xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, nhân viên y tế có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao luôn luôn cố gắng để đưa ra những kết quả xét nghiệm chính xác nhất và nhận được sự tin tưởng của các bác sĩ và khách hàng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!