Tin tức
Sốt xuất huyết có đau họng không? Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý đúng cách
- 11/01/2025 | Các phương pháp giúp giảm rụng tóc sau sốt xuất huyết?
- 24/01/2025 | Sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu: Gợi ý 5 loại thực phẩm cần bổ sung
- 06/02/2025 | Sốt xuất huyết có được uống kháng sinh không, dùng thuốc gì để điều trị?
- 23/06/2025 | Sốt xuất huyết uống nước dừa được không? Lời khuyên từ bác sĩ
- 27/06/2025 | Sốt xuất huyết lây qua đường nước bọt không? Giải đáp chi tiết từ bác sĩ
1. Sốt xuất huyết có đau họng không?
Sốt xuất huyết có gây đau họng, nhưng không phải triệu chứng điển hình của bệnh. Tuy nhiên, ở một số trường hợp bệnh cụ thể, người bệnh có thể cảm thấy đau rát họng, khàn tiếng hoặc khó nuốt, đặc biệt là trong giai đoạn khởi phát bệnh. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân như:
- Sốt cao trong thời gian dài, dẫn đến mất nước và làm khô niêm mạc vùng họng.
- Giảm sức đề kháng khiến cơ thể dễ bị bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp, gây nên tình trạng đau rát họng.
- Không khí khô hoặc việc sử dụng điều hòa thường xuyên có thể khiến cổ họng bị khô, dẫn đến cảm giác khó chịu hoặc kích ứng.
Vì vậy, trong trường hợp cảm thấy đau họng kèm các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết, người bệnh cần được theo dõi kỹ lưỡng để tránh nhầm lẫn với cảm cúm, viêm họng thông thường.
Sốt xuất huyết có thể kèm đau họng trong một số trường hợp
2. Dấu hiệu đặc trưng của sốt xuất huyết
Việc nhận biết sớm các triệu chứng sốt xuất huyết có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Để phân biệt đau họng có liên quan đến sốt xuất huyết không, cần chú ý đến những triệu chứng như:
- Sốt cao đột ngột (39 - 40 độ C) và kéo dài trong khoảng 2 - 7 ngày.
- Người bệnh có thể gặp tình trạng đau đầu nghiêm trọng, đặc biệt tập trung ở vùng trán và quanh hốc mắt.
- Đau mỏi cơ, khớp.
- Buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi.
- Xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc chấm xuất huyết dưới da, kèm theo các biểu hiện như chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Số ít người bệnh có thể gặp tình trạng tiêu chảy nhẹ.
3. Khi nào đau họng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm?
Trường hợp đau họng nhẹ và thuyên giảm sau vài ngày, tình trạng này không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu đi kèm các triệu chứng dưới đây thì người bệnh cần đặc biệt chú ý:
- Đau họng dữ dội, khó nuốt, khàn tiếng kéo dài.
- Sốt cao không có dấu hiệu giảm dù đã sử dụng hạ sốt đúng cách.
- Nổi hạch ở cổ, khó thở, ho nhiều hoặc khạc đờm có mủ.
- Xuất hiện các dấu hiệu mất nước nặng như môi khô, da nhăn, tiểu ít.
- Toàn thân mệt mỏi, chảy máu bất thường.
Nếu đau họng đi kèm một trong các dấu hiệu này, có thể người bệnh đã bị bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp hoặc đang bước vào giai đoạn nặng của sốt xuất huyết. Để bảo đảm sức khỏe, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhà để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không được chủ quan trước những triệu chứng kể trên và tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bởi sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết nội tạng, tràn dịch màng phổi, bụng, suy gan, suy thận cấp,…
Người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ nếu đau họng kèm sốt cao không có dấu hiệu giảm
4. Cách xử lý đau họng khi bị sốt xuất huyết
Sau khi đã trả lời được thắc mắc “sốt xuất huyết có đau họng không”, việc tìm hiểu cách chăm sóc cũng là điều cần thiết hơn cả. Nếu người bệnh sốt xuất huyết bị đau họng nhẹ, bạn có thể chăm sóc đơn giản tại nhà bằng một số cách sau:
- Uống nhiều nước (ưu tiên sử dụng nước ấm và bù điện giải): Uống nước ấm giúp làm dịu cảm giác đau rát và hỗ trợ điều hoà thân nhiệt. Trong khi đó, việc bổ sung oresol, trái cây tươi… giúp bù nước và điện giải. Tránh uống nước lạnh hoặc nước có ga vì có thể gây kích ứng cổ họng nặng hơn.
- Súc họng bằng nước muối sinh lý: Khi đau rát họng, người bệnh nên súc họng 2 - 3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý 0,9% giúp làm sạch vùng họng, giảm viêm và hạn chế vi khuẩn phát triển.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Người bệnh sốt xuất huyết cần được nghỉ ngơi đầy đủ, tránh nói nhiều hoặc hò hét. Chú ý giữ ấm vùng cổ, đặc biệt là khi nằm máy lạnh.
- Chế độ ăn uống hợp lý, cân đối: Ưu tiên các loại thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, sữa, để không gây tổn thương cổ họng. Tránh đồ ăn cay nóng, cứng, nhiều dầu mỡ vì có thể gây kích ứng cổ họng.
- Không tự ý dùng thuốc: Người bệnh cần lưu ý tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh hoặc kháng viêm khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, vì có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh và gây tác dụng phụ.
- Theo dõi các dấu hiệu bất thường: Nếu đau họng kèm các triệu chứng như: khó thở, sốt cao không có dấu hiệu thuyên giảm, chảy máu cam, chảy máu chân răng, lừ đừ, buồn nôn,… thì không nên chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu của biến chứng sốt xuất huyết hoặc bội nhiễm vi khuẩn cần được thăm khám và điều trị kịp thời.
Người bệnh cần uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm và điện giải để bù dịch và làm dịu các cơn đau rát họng
Bài viết trên đây đã giúp giải đáp chi tiết thắc mắc sốt xuất huyết có đau họng không. Đau họng không phải là dấu hiệu đặc trưng của bệnh, nhưng vẫn có thể xuất hiện trong một số trường hợp. Việc nhận biết đúng nguyên nhân và chăm sóc đúng cách sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh và tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
