Tin tức

Sốt xuất huyết có được uống kháng sinh không, dùng thuốc gì để điều trị?

Ngày 05/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu điều trị muộn và không đúng cách. Đây là lý do nhiều người đặt ra câu hỏi: sốt xuất huyết có được uống kháng sinh không. Cụ thể câu trả lời cho vấn đề này như thế nào, bạn có thể tìm hiểu trong những chia sẻ sau đây.

1. Người bị sốt xuất huyết có được uống kháng sinh không?

1.1. Kháng sinh có tác dụng trong điều trị sốt xuất huyết không?

Kháng sinh là thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm amidan, nhiễm trùng đường tiểu,… Tuy nhiên, sốt xuất huyết lại là bệnh do virus Dengue gây ra, không phải do vi khuẩn. Vì vậy, kháng sinh không có tác dụng đối với virus và không thể giúp điều trị sốt xuất huyết.

Các chủng virus Dengue gây nên bệnh sốt xuất huyết

Các chủng virus Dengue gây nên bệnh sốt xuất huyết

1.2. Vì sao không dùng kháng sinh để điều trị sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết có được uống kháng sinh không cần xem xét trên phương diện công dụng của nhóm thuốc này. Như đã đề cập ở trên, sốt xuất huyết do virus gây ra, vì vậy kháng sinh không thể tiêu diệt virus và không giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Sử dụng kháng sinh không đúng cách trước tiên sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như dị ứng, rối loạn tiêu hóa,... Bên cạnh đó, sử dụng kháng sinh khi bị sốt xuất huyết vừa không mang lại hiệu quả mà còn có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc, tổn thương gan, thận, khiến cho việc điều trị các bệnh khác sau này trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên có một số trường hợp bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết và vẫn được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh. Việc điều trị kháng sinh này không nhằm mục đích điều trị bệnh sốt xuất huyết mà điều trị bệnh lý nhiễm trùng đi kèm có thể gặp như viêm họng, amydal cấp,....

2. Sốt xuất huyết có thể điều trị bằng thuốc gì?

Sốt xuất huyết không có thuốc đặc trị, nhưng bệnh có thể được điều trị để giảm triệu chứng và tăng khả năng chống lại virus của cơ thể bằng cách:

2.1. Dùng thuốc hạ sốt

Paracetamol là thuốc hạ sốt thông dụng được sử dụng để giảm đau và hạ sốt. Người bị sốt xuất huyết nên hạ sốt để giảm cảm giác khó chịu như đau đầu, đau mỏi cơ bắp,... bằng Paracetamol theo liều hướng dẫn của bác sĩ.

Thuốc hạ sốt thuộc nhóm chống viêm không steroid như ibuprofen, aspirin được khuyến cáo không dùng để điều trị sốt xuất huyết vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Có thể dùng Paracetamol để hạ sốt cho người bị sốt xuất huyết

Có thể dùng Paracetamol để hạ sốt cho người bị sốt xuất huyết

2.2. Bổ sung chất điện giải

Sốt xuất huyết khiến người bệnh sốt cao, nôn nhiều. Vì thế, người bệnh dễ bị mất nước và điện giải. Vì thế, người bệnh cần được bổ sung đủ nước và các chất điện giải như Na+, K+, Cl- để duy trì sự cân bằng trong cơ thể.

Sử dụng dung dịch bù nước và điện giải giúp cơ thể người bệnh hồi phục tốt hơn và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chọn nước trái cây, nước dừa, nước lọc,... để bổ sung đủ nước cho cơ thể.

2.3. Theo dõi sức khỏe

Theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nhất là trong những ngày đầu vô cùng quan trọng. Những điều cần theo dõi bao gồm:

- Tình trạng sốt: Bệnh nhân cần được điều chỉnh thuốc hạ sốt đúng cách.

- Huyết áp và tim mạch: Sốt xuất huyết có thể dẫn đến mất nước, cô đặc máu và gây hạ huyết áp, đặc biệt là khi có biến chứng sốc. Việc theo dõi huyết áp và tim mạch sẽ giúp phát hiện sớm suy tuần hoàn.

- Sự thay đổi lượng nước tiểu: Khi bệnh nhân bị mất nước, lượng nước tiểu có thể giảm xuống nên người bệnh đi tiểu ít. Theo dõi lượng nước tiểu sẽ giúp đánh giá mức độ mất nước và tình trạng phục hồi của bệnh nhân.

Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để biết sốt xuất huyết có được uống kháng sinh không và điều trị bằng thuốc gì

Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để biết sốt xuất huyết có được uống kháng sinh không và điều trị bằng thuốc gì

2.4. Trường hợp có biến chứng

Trong trường hợp, sốt xuất huyết gây ra biến chứng nghiêm trọng như sốc sốt xuất huyết (hạ huyết áp, giảm thể tích máu), xuất huyết (chảy máu trong cơ thể), hoặc tổn thương các cơ quan nội tạng, người bệnh cần nhập viện để được điều trị tích cực bằng các biện pháp như:

- Truyền dịch

Truyền dịch giúp phục hồi thể tích máu, duy trì huyết áp ổn định và phòng ngừa tình trạng sốc. Dịch truyền cho người bệnh thường là dung dịch NaCl hoặc dung dịch Ringer’s Lactate.

- Truyền máu

Nếu bệnh nhân sốt xuất huyết bị chảy máu nặng hoặc giảm tiểu cầu nghiêm trọng thì cần được truyền máu. Mục tiêu của việc truyền máu là bù đắp lại cho cơ thể lượng máu mất do xuất huyết hoặc bổ sung tiểu cầu để hạn chế tối đa nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng.

Bệnh nhân có dấu hiệu biến chứng do sốt xuất huyết được truyền dịch và theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa

Bệnh nhân có dấu hiệu biến chứng do sốt xuất huyết được truyền dịch và theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa

3. Các biện pháp có tác dụng hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết

Bên cạnh việc tìm hiểu để biết sốt xuất huyết có được uống kháng sinh không và thực hiện điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cũng nên tiến hành một số phương pháp sau để nhanh chóng hồi phục và giảm thiểu các biến chứng của sốt xuất huyết:

- Nghỉ ngơi đầy đủ

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết cần nghỉ ngơi để cơ thể có thể phục hồi và có khả năng chống lại virus. Nghỉ ngơi giúp người bệnh được tăng cường sức đề kháng và giảm thiểu tác động của bệnh lên các hệ cơ quan bên trong cơ thể.

- Theo dõi tình trạng sức khỏe

Theo dõi thường xuyên sức khỏe của người sốt xuất huyết là cần thiết để kịp thời phát hiện dấu hiệu biến chứng như sốc hoặc chảy máu.

- Đảm bảo dinh dưỡng 

Dinh dưỡng rất cần thiết với tốc độ hồi phục của bệnh nhân sốt xuất huyết. Vì thế, họ cần được bổ sung đủ protein, vitamin và khoáng chất để duy trì sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.

4. Những lưu ý trong quá trình điều trị sốt xuất huyết

Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết, người bệnh cũng cần: 

- Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Việc làm này có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn và khiến bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn.

- Không sử dụng thuốc chứa thành phần Aspirin và Ibuprofen để tránh nguy cơ chảy máu dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. 

- Trường hợp sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ có thể được chăm sóc tại nhà nhưng cần thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh tiến triển nghiêm trọng thì cần nhập viện ngay.

Nói tóm lại, với câu hỏi, sốt xuất huyết có được uống kháng sinh không, câu trả lời là người bệnh không được dùng kháng sinh vì không có tác dụng và có thể gây kháng thuốc khiến việc điều trị các vấn đề sức khỏe sau này gặp khó khăn. Việc dùng kháng sinh cần có chỉ định từ bác sĩ khi có các nhiễm khuẩn đi kèm trong quá trình điều trị sốt xuất huyết. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ chính xác và hiệu quả nhất.

Nếu nghi ngờ sốt xuất huyết nhưng chưa biết cách chẩn đoán chính xác, quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn cụ thể về dịch vụ sốt xuất huyết tại nhà.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ