Tin tức

Tăng huyết áp kháng trị: nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Ngày 22/08/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng mà huyết áp của bệnh nhân không thể kiểm soát được bằng các phương pháp điều trị thông thường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị tăng huyết áp kháng trị.

1. Như thế nào là tăng huyết áp kháng trị

Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng không cải thiện huyết áp và chỉ số huyết áp vẫn cao hơn so với mục tiêu điều trị dù đã dùng liều tối đa 3 loại thuốc huyết áp như: thuốc chặn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn thụ thể angiotensin.

Điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp cần đạt được huyết áp mục tiêu <140/90 mmHg, riêng bệnh nhân tiểu đường hoặc mắc bệnh thận mạn tính thì cần đạt huyết áp mục tiêu < 130/80 mmHg. Nếu người bệnh đã thực hiện đúng phác đồ điều trị mà vẫn dùng các loại thuốc nêu trên thì được gọi là tăng huyết áp kháng trị.

Theo CDC Hoa Kỳ, có thể phân loại tăng huyết áp dựa trên các chỉ số:

- Tiền tăng huyết áp: chỉ số huyết áp tâm trương 80mmHg, huyết áp tâm thu 120 - 129mmHg.

- Tăng huyết áp giai đoạn 1: chỉ số huyết áp tâm trương 80 - 89mmHg, huyết áp tâm thu 130 - 139mmHg.

- Tăng huyết áp giai đoạn 2: chỉ số huyết áp tâm trương >90mmHg hoặc huyết áp tâm thu >140mmHg.

Sự gia tăng chỉ số huyết áp sau khi dùng thuốc là căn cứ để chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị

Sự gia tăng chỉ số huyết áp sau khi dùng thuốc là căn cứ để chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị

2. Nguyên nhân và triệu chứng tăng huyết áp kháng trị

2.1. Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp kháng trị

Đại đa số trường hợp tăng huyết áp kháng trị không xác định được nguyên nhân. Số ít bệnh nhân mắc bệnh lý này do tiến triển của bệnh lý khác. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết, tăng huyết áp kháng trị thường xuất phát từ tăng aldosteron nguyên phát. Hormone aldosteron tác động tới khả năng điều chỉnh huyết áp nên nó sẽ gửi tín hiệu đến các cơ quan và làm tăng natri trong máu. 

Ngoài ra, tăng huyết áp kháng trị cũng có thể do một số nguyên nhân khác như: rối loạn giấc ngủ, hẹp động mạch thận, dùng nhiều chất kích thích, bia rượu, béo phì, bất thường hormone điều chỉnh huyết áp,...

2.2. Triệu chứng tăng huyết áp kháng trị

Không phải trường hợp tăng huyết áp kháng trị nào cũng xuất hiện triệu chứng. Một số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng cảnh báo như: đau ngực, đau đầu, khó thở, chảy máu mũi. Để biết được triệu chứng gặp phải có phải do tăng huyết áp kháng trị không người bệnh cần thực hiện các kiểm tra tại cơ sở y tế.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám khi kết quả đo huyết áp tại nhà liên tục tăng cao dù đã dùng thuốc hạ huyết áp kết hợp điều chỉnh lối sống. Nếu đã dùng 3 loại thuốc hạ huyết áp trong 6 tháng nhưng huyết áp vẫn cao so với mục tiêu điều trị, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định tăng huyết áp kháng trị.

Tăng huyết áp kháng trị không được kiểm soát tốt có nguy cơ dẫn đến bệnh lý tim mạch, tăng nguy cơ tử vong

Tăng huyết áp kháng trị không được kiểm soát tốt có nguy cơ dẫn đến bệnh lý tim mạch, tăng nguy cơ tử vong

3. Nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp kháng trị

Tăng huyết áp không được kiểm soát có nguy cơ biến chứng suy tim, đột quỵ. Thường xuyên tăng huyết áp khiến thành động mạch bị tổn thương và tích tụ mảng xơ vữa. Chính những mảng này là nguyên nhân tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đột quỵ. Trường hợp tắc nghẽn xảy ra gần tim có thể làm xuất hiện cơn đau tim.

Bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị có nguy cơ gặp phải các biến chứng: nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, mắc bệnh động mạch ngoại vi. 

Để ngăn chặn nguy cơ biến chứng, người bị tăng huyết áp kháng trị cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát tốt chỉ số huyết áp. Khi huyết áp được kiểm soát, nguy cơ mắc bệnh lý khác cũng được giảm thiểu.

4. Phương pháp chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp kháng trị

4.1. Chẩn đoán

Để chẩn đoán xác định tăng huyết áp kháng trị, người bệnh cần thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các biện pháp kiểm tra như: đo huyết áp, điện tim, siêu âm tim, chụp X-quang ngực thẳng, xét nghiệm nước tiểu, soi đáy mắt,... 

Kết quả xét nghiệm sẽ cung cấp thông tin nguyên nhân gây tăng huyết áp kháng trị như hạ kali ở người bị cường Aldosterone nguyên phát, tăng creatinine ở người bị suy thận, tăng Glucose và HbA1C ở bệnh nhân tiểu đường,... Nếu cần thiết, bác sĩ cũng sẽ chỉ định xét nghiệm chuyên sâu để có căn cứ kết luận:

- Chụp CT-Scanner hoặc MRI tiêm cản quang: đánh giá thượng thận và động mạch thận.

- Chụp CT-Scanner sọ não: xác định u nội sọ, xuất huyết hoặc nhồi máu não.

- Đa ký giấc ngủ: xác nhận ngưng thở khi ngủ.

- Định lượng Catecholamine: xác định u tủy thượng thận.

- Định lượng Aldosterone: nghi ngờ cường Aldosterone nguyên phát.

- Định lượng Natri niệu 24 giờ: chẩn đoán quá tải muối.

Bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị cần được chẩn đoán đúng và điều trị tích cực

Bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị cần được chẩn đoán đúng và điều trị tích cực

4.2. Điều trị 

Muốn điều trị tăng huyết áp kháng trị hiệu quả cần tìm ra nguyên nhân để loại bỏ. Người bệnh thường được hướng dẫn điều trị thông qua các biện pháp:

- Không dùng thuốc

+ Chế độ ăn giảm muối, đặc biệt là ở bệnh nhân đã được xác định quá tải muối.

+ Chế độ ăn giảm cân theo chỉ dẫn từ bác sĩ.

+ Tập luyện, vận động thể thao tối thiểu 30 phút/ ngày.

+ Tránh hoặc giảm thiểu việc uống bia rượu.

+ Bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ: ở mức độ nhẹ nên ngủ ở tư thế nằm nghiêng, ở mức độ nặng cần dùng thiết bị hỗ trợ.

- Dùng thuốc

Bác sĩ sẽ cân nhắc đơn thuốc điều trị tăng huyết áp kháng trị có liều dùng phù hợp với từng bệnh nhân. Trường hợp cần thiết có thể giảm liều hoặc dừng dùng thuốc gây tăng huyết áp. 

+ Thuốc lợi tiểu Thiazid: liều dùng khởi đầu 12.5mg/ngày sau đó tăng lên liều 25mg/ngày để duy trì.

+ Thuốc Indapamide: liều dùng khởi đầu 1.25 mg/ngày sau đó tăng lên liều 2.5 mg/ngày và tiến đến 5mg/ ngày. 

Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng phức tạp và nguy hiểm, đòi hỏi sự theo dõi và điều trị chặt chẽ để giảm biến chứng tim mạch và tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. Mong rằng với những chia sẻ này, bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của việc chẩn đoán đúng và điều trị kiểm soát tốt chỉ số huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị để kịp thời thăm khám khi có triệu chứng của bệnh.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.