Tin tức

Thoát vị bẹn nghẹt: nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị

Ngày 13/08/2021
Thoát bị bẹn nghẹt là biến chứng phức tạp và nguy hiểm của các bệnh về thoát vị bẹn. Nếu không can thiệp sớm và điều trị hiệu quả có thể gây nên những ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Dưới đây là những thông tin mà MEDLATEC cung cấp để mỗi người có thể nhận biết sớm và điều trị kịp thời thoát vị bẹn nghẹt.

1. Thoát vị bẹn nghẹt là gì?

Vì cổ túi thoát vị bị tắc nghẽn nên xảy ra tình trạng các tạng trong túi thoát vị xoắn, đè ép nhau, không di chuyển về vị trí lúc đầu, dẫn đến bệnh lý thoát vị bẹn nghẹt. Tình trạng này chính là biến chứng ở mức độ nặng và hay xảy ra khi bị các bệnh về thoát vị, bao gồm các loại: thoát vị rốn, thoát vị đường trắng, thoát vị bịt và đa số là ở thoát vị bẹn, thoát vị đùi.

Thoát vị bẹn nghẹt cần được phát hiện và chữa trị kịp thời

Thoát vị bẹn nghẹt cần được phát hiện và chữa trị kịp thời

Thoát vị bẹn nghẹt nếu sau 6 - 12 giờ không được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời gây ra hoại tử tạng và xuất hiện các tình trạng nguy hiểm như viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc. Do người bệnh xuất hiện các biến chứng phức tạp như: các tạng ở ruột, các bộ phận xung quanh bị hoại tử và những rối loạn các cơ quan khắp cơ thể.

Các triệu chứng của người bị thoát vị bẹn nghẹt

Để nhận biết bệnh thoát vị bẹn nghẹt cần quan sát và chú ý đến những triệu chứng sau:

Triệu chứng cơ năng

  • Đau nhói, đau dữ dội và đột ngột ở vùng thoát vị. Không chỉ vậy còn xuất hiện triệu chứng đau lan dần xuống vùng bìu và đau bụng.

  • Khối phồng của thoát vị bẹn nghẹt khác với thoát vị bẹn ở chỗ có cảm giác đau, cố định một chỗ và không tự mất đi.

Khối phồng của thoát vị bẹn nghẹt không biến mất

Khối phồng của thoát vị bẹn nghẹt không biến mất

  • Người bệnh còn có hiện tượng nôn mửa và bí trung đại tiện.

Triệu chứng thực thể

  • Ở vùng bẹn, bìu của bệnh nhân xuất hiện khối phồng, vì vậy khiến người bệnh có cảm giác khó chịu..

  • Dùng tay sờ cảm giác căng chắc, khi ấn vào thì gây đau, đặc biệt là phía cổ túi thoát vị.

  • Khối phồng thoát vị giữ nguyên kích thước khi ho và rặn; khối phồng giữ nguyên vị trí, không dịch chuyển khi dùng tay đẩy, ấn.

  • Dùng tay nắn khối thoát vị không xuất hiện âm thanh vì lý do là trong túi thoát vị có dịch.

  • Vùng da khu vực thoát vị có màu sẫm hoặc đỏ hơn so với màu da xung quanh.

  • Cơ thể người bệnh mệt mỏi do sốt, có triệu chứng táo bón, phân có lẫn máu, nhịp tim tăng, mệt mỏi, suy nhược cơ thể,… 

Bệnh lý khiến người bệnh sốt, đau và mệt mỏi

Bệnh lý khiến người bệnh sốt, đau và mệt mỏi

2. Nguyên nhân gây bệnh thoát vị bẹn nghẹt

Dưới đây là những nguyên nhân gây bệnh thoát bị bẹn nghẹt.

  • Người bệnh khi khiêng, vác các vật nặng hoặc bị ho nhiều,... sẽ khiến cho áp lực ổ bụng tăng lên, từ đó tạo điều kiện để các tạng chui qua chỗ bị thoát vị dẫn đến nghẹt.

  • Tình trạng nghẹt xảy ra khi các tạng khó di chuyển.

  • Ở túi thoát vị đã có quai ruột, tuy nhiên xuất hiện một quai ruột mới tiếp tục chui vào lỗ thoát vị đó.

  • Có nhiều sự gấp khúc ở quai ruột làm ứ đọng dịch và hơi ở bên trong túi thoát vị, lâu ngày dẫn đến thoát vị bẹn nghẹt.

3. Các phương pháp điều trị bệnh

Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như trên, bạn cần đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời và đúng phương pháp nhằm hạn chế thấp nhất các trình trạng xấu.

Phương pháp điều trị bảo tồn 

Phương pháp bảo tồn hay còn được gọi là phương pháp điều trị không mổ được áp dụng ở đối tượng là trẻ em < 1 tuổi với điều kiện là phải được nhận biết bệnh trước 6 giờ. Bệnh nhân chưa có cảm giác đau nhiều và bệnh chưa dẫn đến các chuyển biến xấu. Các nhóm bệnh nhân trên, được tiến hành theo các phương pháp bảo tồn sau.

  • Người bệnh được tiêm thuốc giảm đau, an thần theo chỉ định của bác sĩ.

  • Chuẩn bị một thau nước ấm, sau đó cho trẻ ngồi vào trong, sao cho vùng có khối thoát vị được ngâm vào nước ấm trong vòng từ 15 đến 20 phút.

  • Dùng tay xoa nhẹ xung quanh và không tác động mạnh đến vùng thoát vị.

  • Khi các tạng thoát khỏi túi thoát vị, người bệnh cần được theo dõi và kiểm tra hàng ngày. Để phòng bệnh viêm phúc mạc, bệnh nhân đeo băng ép, như vậy đồng thời giúp bệnh nhanh hồi phục. 

  • Sau khi thực hiện các biện pháp trên mà vẫn không có kết quả thì trẻ buộc phải phẫu thuật.

Phẫu thuật thoát vị bẹn nghẹt

Người bệnh điều trị bằng phương pháp bảo tồn không có kết quả hoặc được đưa đến cấp cứu trong tình trạng quá đau có xuất hiện biến chứng nặng. Qua chẩn đoán và kết luận, dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật, đây là phương án duy nhất và kịp thời. Với mục đích để giải phóng các tạng thoát vị nghẹt, chữa trị các tạng nếu các tạng bị tổn thương và xử lý và trên hết là phục hồi các nguyên nhân gây bệnh. 

Phương pháp phẫu thuật gồm mổ hở và mổ nội soi là hai phương pháp đang được áp dụng để điều trị bệnh. Tùy vào chẩn đoán về tình trạng và mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định mổ truyền thống hay mổ nội soi. 

So với phương pháp mổ hở truyền thống thì ở phẫu thuật mổ nội soi có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như kích thước vết mổ nhỏ hơn, giúp giảm cơn đau cho người bệnh, tỷ lệ xảy ra biến chứng thấp, thời gian hồi phục bệnh nhanh. Và đặc biệt, phương pháp này có thể đánh giá bẹn bên còn lại và chữa trị nếu xuất hiện thoát vị.

Phẫu thuật thoát vị bẹn nghẹt là phương pháp điều trị tối ưu

Phẫu thuật thoát vị bẹn nghẹt là phương pháp điều trị tối ưu

Một số lưu ý khi chữa trị thoát vị bẹn nghẹt:

  • Trước khi có kết quả chẩn đoán chính xác từ bác sĩ, người bệnh tránh hoạt động mạnh làm các tạng tuột vào ổ bụng.

  • Khi có các triệu chứng bệnh cần đến ngay các Trung tâm y tế gần nhất để kịp thời chẩn đoán và điều trị đúng cách.

  • Bên cạnh đó, cần đánh giá tỷ lệ phục hồi của đoạn ruột.

Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình có những biểu hiện, triệu chứng lạ, nghi ngờ bị thoát vị bẹn nghẹt thì không nên chủ quan, tự điều trị tại nhà. Hãy đến các Trung tâm y tế gần nhất để được khám và chữa trị, tránh các tình huống xấu nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ