Tin tức

Thuốc ngủ và nguyên tắc cần ghi nhớ khi sử dụng

Ngày 05/01/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Chắc hẳn, hầu như bất kỳ ai cũng từng bị khó ngủ. Thế nhưng, ở một số người thì tình trạng này lại diễn biến nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là trong đời sống hiện đại, áp lực từ công việc, gia đình lại càng dễ khiến chúng ta bị căng thẳng dẫn đến hiện tượng khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Trước tình trạng này, không ít người đã tìm đến sự hỗ trợ của thuốc ngủ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tác động đến hệ thần kinh, gây ngủ cần hết sức thận trọng.

1. Thuốc ngủ là gì? 

Thuốc ngủ các loại thuốc tập trung vào tác dụng gây ngủ. Chúng thường được chỉ định cho người bị rối loạn giấc ngủ như khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, thức giấc nửa đêm,... 

Thuốc ngủ chủ yếu được kê đơn cho đối tượng bị rối loạn giấc ngủ

Thuốc ngủ chủ yếu được kê đơn cho đối tượng bị rối loạn giấc ngủ

Phụ thuộc theo nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn cho bệnh nhân sử dụng loại thuốc ngủ thích hợp. 

2. Công dụng chính của các loại thuốc ngủ

Đúng như tên gọi, tác dụng cơ bản của thuốc ngủ là giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ hơn, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Sau khi sử dụng thuốc, giấc ngủ có thể đến dễ dàng hơn, sâu giấc hơn, giảm bớt hiện tượng trằn trọc trong giấc ngủ. 

Thuốc ngủ giúp an thần, giảm tình trạng lo âu, stress,... đây là một số nguyên nhân khiến cơ thể bị mất ngủ. Mặc dù vậy cũng cần lưu ý rằng thuốc ngủ không phải lúc nào cũng điều trị triệt để chứng mất ngủ, hoặc những vấn đề gây ra bởi tình trạng rối loạn giấc ngủ. Do đó, mọi người nên sử dụng đúng cách tránh lạm dụng thuốc.

3. Thuốc ngủ được phân loại thế nào? 

3.1. Thuốc không kê đơn

Các loại thuốc ngủ không kê đơn thích hợp sử dụng với đối tượng bị mất ngủ cấp tính như khó ngủ do thay đổi thời gian sinh hoạt (di chuyển giữa những khu vực có múi giờ khác nhau), sốc tâm lý, stress,... 

Một số loại thuốc ngủ không kê toa được bày bán rộng rãi trên thị trường phải kể đến là:

  • Thuốc ngủ chứa thành phần kháng Histamin: Hỗ trợ giảm triệu chứng mất ngủ do ảnh hưởng của tình trạng nghẹt mũi, bệnh cúm, bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên. 
  • Melatonin: Thuốc chứa thành phần hormone Melatonin tham gia vào quá trình tạo phản ứng gây buồn ngủ tự nhiên trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dung nạp Melatonin đúng cách sẽ giúp cơ thể dễ ngủ hơn, bớt trằn trọc do thay đổi múi giờ sinh hoạt. 

Thuốc ngủ không kê đơn phù hợp với người bị mất ngủ cấp tính do thay đổi múi giờ

Thuốc ngủ không kê đơn phù hợp với người bị mất ngủ cấp tính do thay đổi múi giờ

3.2. Thuốc kê đơn

Với những loại thuốc này, bạn chỉ có thể dùng khi có đơn của bác sĩ. Ngoài ra khi dùng thuốc, bạn không được tự động điều chỉnh liều dùng mà phải tuân thủ chỉ dẫn. 

Để hạn chế rủi ro, tối ưu hiệu quả giảm mất ngủ thì trước khi được kê đơn dùng thuốc, bệnh nhân cần thực hiện một vài kiểm tra, xác định nguyên nhân. Sau khi khai thác tiền sử bệnh lý, điều tra triệu chứng kết hợp xét nghiệm cần thiết, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp. 

3.3. Thuốc ngủ từ thảo dược

Thuốc ngủ thảo dược là các loại thuốc giúp giảm triệu chứng mất ngủ, chứa thành phần thảo dược từ thiên nhiên. Thành phần thảo dược có khả năng tác động đến hệ thần kinh giúp giảm stress, hỗ trợ điều trị mất ngủ. 

4. Tác dụng phụ thường xuất hiện ở người dùng thuốc ngủ 

Trong thời gian sử dụng thuốc ngủ, bạn sẽ khó tránh khỏi các tác dụng phụ như:

  • Vùng bàn tay, bàn chân, hai bên tay hoặc hai bên chân bị ngứa ran, nóng rát. 
  • Khẩu vị ăn uống thay đổi. 
  • Rối loạn tiêu hóa biểu hiện thông qua triệu chứng như táo bón, tiêu chảy. 
  • Cơ thể đôi khi bị mất khả năng thăng bằng. 
  • Buồn ngủ nhiều, cả vào ban ngày. 
  • Miệng hoặc cổ họng bị khô. 
  • Đau đầu, chóng mặt. 
  • Cơ thể mất tập trung. 
  • Suy giảm trí nhớ. 
  • Chân tay bị run. 
  • Ợ hơi, đau dạ dày.

Nếu dùng thuốc ngủ thường xuyên, bạn có thể bị đau dạ dày

Nếu dùng thuốc ngủ thường xuyên, bạn có thể bị đau dạ dày

Hiếm gặp hơn, người dùng thuốc ngủ có thể bị đau tức ngực, khó thở, phù nề toàn thân, buồn nôn, lên cơn co giật, suy hô hấp,... Nếu nhận thấy tác dụng phụ kéo dài, cùng những biểu hiện nghiêm trọng, bạn cần tạm dừng thuốc và đi khám kịp thời.

5. Nguyên tắc cần ghi nhớ trước khi sử dụng thuốc ngủ

Nếu dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn, hiện tượng khó ngủ sẽ phần nào giảm bớt. Ngược lại, nếu dùng không đúng chỉ dẫn, các loại thuốc ngủ dễ gây ra nhiều tác dụng phụ, biến chứng nguy hiểm cho người dùng. Vì lẽ đó trước khi dùng thuốc, bạn hãy ghi nhớ những nguyên tắc quan trọng sau:

  • Nên kết hợp điều chỉnh lối sống để cải thiện chất lượng giấc ngủ thay vì dựa hoàn toàn vào thuốc. 
  • Nếu bị mất ngủ kéo dài, bạn nên đi khám để được tư vấn điều trị, không tự dùng thuốc tại nhà. 
  • Tuyệt đối không thay đổi liều lượng và thời gian dùng thuốc đã được bác sĩ hướng dẫn. 
  • Không nên lạm dụng, dùng thuốc ngủ triền miên nếu chưa được bác sĩ chỉ dẫn chi tiết. 
  • Nhiều loại thuốc thường gây tái diễn tình trạng mất ngủ nếu người dùng dừng sử dụng một cách đột ngột. Vì thế, bạn nên dừng dùng thuốc theo lộ trình hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Nếu cơ thể biểu hiện tác dụng phụ như buồn nôn, da nổi phát ban, nhận thức bị rối loạn, tình trạng mất ngủ tái phát,... bạn hãy đi khám hoặc trao đổi với bác sĩ. 
  • Người mắc bệnh lý về thận, gan; huyết áp thấp; nhịp tim không ổn định; khó thở;.... phải tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên môn, thận trọng khi dùng thuốc. 
  • Phụ nữ mang thai, trẻ em tốt nhất không nên dùng các loại thuốc tác động lên hệ thần kinh, gây buồn ngủ. 
  • Tham khảo tư vấn của bác sĩ về cách dùng thuốc, liệt kê những loại thuốc đang dùng để được hướng dẫn sử dụng đúng cách, tránh tương tác không mong muốn. 

Bạn không nên sử dụng thuốc ngủ triền miên quanh năm nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ

Bạn không nên sử dụng thuốc ngủ triền miên quanh năm nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ

6. Cách cải thiện giấc ngủ để không bị phụ thuộc vào thuốc

Thay vì lạm dụng thuốc ngủ, bạn cần tìm cách cải thiện giấc ngủ thông qua việc thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc. Cụ thể như: 

  • Tạo và duy trì thói quen ngủ vào khung thời gian cố định trong ngày. 
  • Tạo không gian ngủ thư giãn, tắt đèn khi đi ngủ. 
  • Không nên ngủ nhiều vào ban ngày, nếu muốn ngủ trưa thì bạn cũng chỉ nên ngủ khoảng nửa tiếng.
  • Cố gắng duy trì việc tập thể dục trước khi đi ngủ khoảng 2 tiếng. 
  • Giúp tâm trạng bớt căng thẳng và thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc,.... 
  • Không sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ tối thiểu 1 tiếng. 
  • Hạn chế sử dụng đồ uống chứa hàm lượng cao cafein như cà phê, trà hoặc bia, rượu vào thời gian chiều tối. 
  • Ngâm chân bằng nước ấm để cơ thể được thư giãn hơn trước khi đi ngủ. 
  • Có thể sử dụng một số loại trà thảo dược hoặc sữa ấm trước lúc đi ngủ. 
  • Không nên ăn nhiều trước khi đi ngủ khoảng 3 đến 4 tiếng. 
  • Thực hiện bài tập massage giúp cơ thể thả lỏng, thư giãn, dễ ngủ hơn. 
  • Học cách suy nghĩ theo hướng tích cực, không trầm trọng hóa các vấn đề để đầu óc bớt căng thẳng. 

Bạn có thể đọc sách hoặc ghi chép gì đó trước khi đi ngủ

Bạn có thể đọc sách hoặc ghi chép gì đó trước khi đi ngủ 

Nếu như tình trạng mất ngủ diễn ra một cách thường xuyên, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe. Vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nào đó. 

Nhìn chung, thuốc ngủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ giúp cơ thể đi vào giấc ngủ dễ hơn chứ không thể loại bỏ hoàn toàn hiện tượng này nếu bạn không kết hợp với việc thay đổi thói quen, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Thay vì tự ý dùng thuốc ngủ tại nhà, bạn hãy tìm đến Hệ thống Y tế MEDLATEC để được thăm khám kịp thời và được hướng dẫn biện pháp xử trí phù hợp. Nếu cần đặt lịch khám cụ thể, Quý khách vui lòng liên hệ đến tổng đài tư vấn 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ