Tin tức
Tổn thương dây thần kinh giữa điều trị bằng cách nào
Tổn thương dây thần kinh giữa điều trị bằng cách nào?
Thần kinh giữa là dây thần kinh bắt nguồn từ đám rối thần kinh cánh tay và phân bố ở khắp hai bên bàn tay, chi phối các hoạt động gấp ngón tay và cổ tay. Ngoài ra, đây cũng là nơi chứa nhiều sợi giao cảm nên bất cứ tổn thương nào xảy ra với dây thần kinh giữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cảm giác và chức năng vận động của tay.
1. Dây thần kinh giữa: vị trí và vai trò
1.1. Vị trí dây thần kinh giữa
Thần kinh giữa bắt đầu từ bó ngoài và bó trong của đám rối thần kinh cánh tay sau đó đi dần xuống dưới cánh tay và chạy dọc theo động mạch của cánh tay đến với cẳng tay, cuối cùng nằm vào giữa các cơ gấp ngón tay. Khi đi đến cổ tay, dây thần kinh giữa sẽ đi bên trong ống cổ tay để xuống gan tay rồi chia thành các nhánh.
Vị
Mô phỏng vị trí của dây thần kinh giữa
1.2. Vai trò của dây thần kinh giữa
Nhiệm vụ của dây thần kinh giữa là chi phối động tác gấp của cổ tay, ngón tay, cẳng tay và bàn tay. Không những thế, đây còn là dây thần kinh chi phối cảm giác ở tay. Tại gan tay, dây thần kinh giữa chi phối cảm giác của ngón số 1, 2 và 3 cùng với 1/2 ngoài của ngón số 4. Tại mu bàn tay, dây thần kinh giữa chi phối cảm giác của đốt tận cùng các ngón trên.
Ngoài nhiệm vụ nêu trên, dây thần kinh giữa còn chứa hỗn hợp nhiều sợi giao cảm. Vì thế khi dây thần kinh giữa bị tổn thương sẽ gây nên cảm giác đau nhói ở bàn tay.
2. Hệ lụy của tổn thương dây thần kinh giữa và đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Do đảm nhận những vai trò như trên nên tổn thương dây thần kinh giữa sẽ kéo theo khá nhiều hệ lụy. Điển hình nhất là tình trạng cổ tay bị chèn ép trong hội chứng ống cổ tay. Đây cũng là bệnh lý gây chèn ép thần kinh ngoại biên phổ biến gặp nhất.
Người có nguy cơ cao đối với với hội chứng ống cổ tay do tổn thương dây thần kinh giữa là:
- Người cao tuổi.
- Người bị béo phì.
- Bệnh nhân đái tháo đường.
- Bị loãng xương.
- Người làm công việc phải thường xuyên vận động cổ tay.
- Bị suy thận.
- Chức năng tuyến giáp bị rối loạn.
Dây thần kinh giữa bị chèn ép là nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay nếu được phát hiện sớm và đáp ứng điều trị bảo tồn tốt thì không cần phẫu thuật. Ngược lại, người bệnh sẽ phải phẫu thuật và luyện tập hồi phục chức năng sau phẫu thuật tích cực thì mới sớm khôi phục được chức năng hoạt động của bàn tay.
Nếu nhánh gian cốt trước dây thần kinh giữa bị chèn ép ở vùng cẳng tay có thể trở thành nguyên nhân gây hội chứng thần kinh gian cốt. Ngoài ra, tổn thương cũng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của dây thần kinh giữa nếu như các vùng của cẳng và cánh tay bị vết thương do đạn bắn, hung khí,...
3. Phương pháp điều trị tổn thương dây thần kinh giữa
Phương pháp điều trị tổn thương dây thần kinh giữa sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên mức độ và vị trí tổn thương. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng gồm: vật lý trị liệu, dùng thuốc và phẫu thuật.
3.1. Phục hồi tổn thương thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay
Nếu được phát hiện sớm để điều trị ngay thì rất nhiều trường hợp bị hội chứng ống cổ tay đáp ứng bảo tồn tốt. Người bệnh cần dùng máng nâng đỡ cổ tay khi thực hiện các hoạt động cần đến sự vận động của cổ tay và khi ngủ, tay để ở tư thế trung tính.
Bên cạnh đó người bệnh cũng cần dùng thuốc chống viêm, thuốc giảm đau đường uống. Trong số bệnh nhân điều trị bằng phương pháp bảo tồn thì có đến 90% trường hợp có đáp ứng tốt sau điều trị 4 - 6 tuần. Sau khi đã đạt được hiệu quả bảo tồn người bệnh vẫn cần duy trì điều trị thêm tối thiểu 2 tháng.
Đeo máng là lựa chọn cho điều trị bảo tồn phục hồi tổn thương trong hội chứng ống cổ tay
Trường hợp đã điều trị bằng phương pháp trên nhưng không đáp ứng thì người bệnh sẽ được chuyển sang phương pháp tiêm steroid ống cổ tay. Các triệu chứng của bệnh thường thuyên giảm ngay sau mũi tiêm đầu, số ít bệnh nhân phải tiêm đến mũi thứ 3, khoảng cách giữa các mũi tiêm là 3 - 6 tuần.
Trong thời gian điều trị người bệnh không làm việc nặng và cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
3.2. Phục hồi thần kinh giữa bị tổn thương do vết thương vùng cánh tay, cẳng tay
Mỗi giai đoạn phục hồi người bệnh sẽ cần thực hiện những hướng dẫn riêng của bác sĩ điều trị:
- Giai đoạn cấp:
+ Bất động hoàn toàn tay bị tổn thương, khoảng thời gian bất động phụ thuộc nhiều vào phương pháp phẫu thuật và tình trạng thương tổn mà người bệnh mắc phải.
+ Vận động với tần suất và cường độ phù hợp với phương pháp phẫu thuật và mức độ thương tổn.
Người bệnh cần tuân thủ mọi chỉ dẫn của bác sĩ để bảo vệ an toàn cho vùng tay bị tổn thương dây thần kinh giữa để tránh gặp phải biến chứng mất cảm giác hoàn toàn ở vùng tay bị tổn thương.
- Giai đoạn hồi phục:
+ Lặp lại các hình thức vận động theo chiều hướng tăng dần nhưng đảm bảo vừa sức với hoạt động của cổ tay.
+ Giảm tăng cảm giác bằng cách tiếp xúc với các vật liệu làm từ các nhiều chất liệu để cải thiện cảm giác ở vùng bị tổn thương.
+ Tăng cường rèn luyện cảm giác bằng cách sờ vào đồ vật để nhận biết cảm giác.
Cách phục hồi chức năng sau phẫu thuật hội chứng ống cổ tay:
- Tuần đầu tiên: thực hành động tác gấp duỗi cổ tay một cách nhẹ nhàng và gấp duỗi tối đa các ngón tay có sự hỗ trợ của máng nẹp cổ tay.
- Tuần thứ hai: người bệnh đã được cắt chỉ nên có thể duy trì bài tập cơ mạnh hơn và thực hiện được các hoạt động sinh hoạt thông thường bằng tay.
- Tuần thứ ba, thứ tư: đẩy mạnh tập cơ và thực hiện các hoạt động tay mạnh hơn đồng thời có thể trở về các hoạt động sinh hoạt, làm việc như bình thường.
Hy vọng nội dung bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm thông tin về bệnh tổn thương dây thần kinh giữa. Nếu còn thắc mắc nào khác, quý khách có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được giải đáp chính xác từ tổng đài viên Hệ thống Y tế MEDLATEC.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!