Tin tức
Tổn thương não vì ký sinh trùng - “thủ phạm” là món ăn khoái khẩu của nhiều người
- 17/01/2025 | Mebendazole - Thuốc điều trị ký sinh trùng đường ruột và lưu ý khi dùng
- 25/02/2025 | Xét nghiệm ký sinh trùng ở đâu? Tham khảo 6 địa chỉ uy tín sau
Ăn gỏi cá, tiết canh, thịt tái… sán làm tổ trong não lúc nào không biết
Bác H.V.C. (51 tuổi, Hà Nội) xuất hiện tình trạng đau đầu khoảng chục ngày nay, cơn đau được mô tả âm ỉ từng cơn. Ngoài ra, bác C. không xuất hiện biểu hiện bất thường nào khác.
Tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thăm khám, khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết, suốt nhiều tháng nay có ăn gỏi cá, tiết canh, nem thính, thịt lợn tái chanh. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết nhằm phục vụ chẩn đoán.
Kết quả chụp X-quang cho thấy các nốt vôi hóa vùng cổ, vai, ngực, bụng, hướng tới tổn thương do ký sinh trùng. Trên hình ảnh chụp MRI não phát hiện tổn thương vùng chẩm hai bên, nốt vôi đồi thị rải rác hai bán cầu đại não, tiểu não.
Hình ảnh tổn thương não được phát hiện trên hình ảnh chụp MRI não
Chẩn đoán xác định, tình trạng của bệnh nhân là tổn thương não do ký sinh trùng (nang sán thần kinh Neurocysticercosis). Bác C. được kê đơn điều trị và theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe.
Sán não - thủ phạm âm thầm hủy hoại sức khỏe
Theo TS.BS Ngô Chí Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm & Y học Nhiệt đới, Hệ thống Y tế MEDLATEC, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là những bệnh ấu trùng sán dây lợn, nhiễm sán lá gan lớn…
Các bệnh về ký sinh trùng diễn biến âm thầm trong cơ thể người, kéo dài nhiều năm có thể tới 10 năm, thậm chí 20 năm với các biểu hiện sẽ khiến nhiều người lầm tưởng sang trường hợp bệnh lý thần kinh, tai biến mạch não. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và có những di chứng khác kèm theo.
Các bệnh lý ký sinh trùng thường diễn biến âm thầm (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở người là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín như: tiết canh, thịt lợn tái chưa nấu chín như nem chua, nem chạo...
Hơn nữa ở một số vùng, tình trạng chăn thả lợn, bò rông vẫn còn nhiều. Trong chất thải của chúng có thể có trứng sán. Khi người hoặc động vật ăn phải rau cỏ, thực phẩm có trứng sán nhiễm vào trứng sẽ phát triển nang trùng sán trong cơ thể.
Tiết canh, gỏi, tái, sống: Những mối nguy tiềm ẩn
Mặc dù đã được các chuyên gia y tế cũng như phương tiện truyền thông cảnh báo nhiều về hệ lụy của việc sử dụng đồ ăn chưa được chế biến chín nhưng tiết canh, gói cá, thịt tái… vẫn là món khoái khẩu của nhiều người dân Việt.
Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ tiết canh lợn, vịt, dê nhà nuôi là sạch, nên "vô tư” ăn mà không hiểu rằng, đây mới là những con vật "bẩn”. Do được nuôi với quy mô nhỏ lẻ nên chúng hầu như không được người nuôi tiêm phòng các loại vắc xin, đặc biệt là "bạ đâu ăn đấy” nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, giun sán rất lớn.
Theo các bác sĩ, ăn tiết canh không mát hay bổ huyết, cũng không có tác dụng chữa bệnh như nhiều người vẫn nghĩ. Một số người thậm chí còn quan niệm tiết canh có màu đỏ nên ăn vào ngày Rằm, mùng 1 sẽ mang lại may mắn. May mắn đâu không thấy, chỉ thấy có những người dù mới ăn một lần đã bị nhiễm bệnh.
Ngoài tiết canh, thịt tái, nhiều người còn có thói quen ăn gỏi cá, rau sống… Đây được cho là nguyên nhân đưa ấu trùng sán di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh. Đã có những người được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác lại là ổ áp-xe ấu trùng giun, sán.
Tiết canh, gỏi cá, thịt tái... là nguồn dẫn ký sinh trùng vào cơ thể người (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
TS.BS Ngô Chí Cương đưa ra cảnh báo, khi mắc ký sinh trùng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm túi mật, áp-xe gan, viêm đường mật cấp tính hoặc tụ máu dưới bao gan…
Phòng bệnh ký sinh trùng như thế nào?
Để phòng tránh các bệnh lây truyền kể trên, chuyên gia Truyền nhiễm MEDLATEC đưa ra khuyến cáo về những việc làm quan trọng cần thực hiện như sau:
- Người dân nên chủ động đến khám, sàng lọc định kỳ với các bệnh ký sinh trùng. Đặc biệt khi có các biểu hiện ngứa ngoài da, rối loạn tiêu hóa;
Người dân cần chủ động thăm khám khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ
- Tránh ăn các món như tiết canh hoặc thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, đặc biệt là các loại rau thủy sinh và thịt chưa qua chế biến đúng cách;
- Rửa tay với xà phòng trong các trường hợp: trước khi chế biến thực phẩm; mỗi khi tiếp xúc từ thực phẩm sống qua thực phẩm chín; trước khi ăn; sau mỗi lần đi vệ sinh;
- Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ nấu ăn, chén bát. Có dụng cụ riêng sử dụng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín;
- Với các khu vực dịch tễ cao, các địa phương, chính quyền nên có các công bố, khuyến cáo cho người dân thăm khám, điều trị sớm.
Hệ thống Y tế MEDLATEC quy tụ đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ đầu ngành cùng năng lực vượt trội trong lĩnh vực chẩn đoán, đặc biệt là xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Hiện MEDLATEC đáp ứng đầy đủ nhu cầu thăm khám, phát hiện sớm, theo dõi kết quả điều trị các bệnh lý đa chuyên khoa, trong đó có các bệnh lý ký sinh trùng (bệnh do amip lỵ, toxoplasma, giun đũa chó mèo, giun đầu gai, giun lươn, giun tròn chuột, sán dây lợn, sán dây chó, sán lá gan bé/ lớn, sán lá phổi…), các bệnh do virus (chân tay miệng, sốt xuất huyết, viêm gan A/ B/ C, HIV, sởi, thủy đậu...), các bệnh do vi khuẩn (lao, tả, giang mai, lậu, chlamydia...), các bệnh do vi nấm.
Mọi nhu cầu kiểm tra, thăm khám các bệnh lý ký sinh trùng nói riêng và sức khỏe tổng quát nói chung, người dân vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
