Tin tức

Tổng hợp các dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng không được chủ quan

Ngày 09/09/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Trầm cảm ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và thể chất của người bệnh. Đặc biệt, trầm cảm nặng có thể dẫn đến nguy cơ tự sát và gây nguy hiểm cho người khác. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng là rất quan trọng để can thiệp và điều trị kịp thời.

1. Tổng quan về trầm cảm

Trước khi tổng hợp các dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng, chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược về trầm cảm.

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần đang ngày càng trở nên phổ biến. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho thấy phụ nữ dễ bị trầm cảm hơn nam giới với tỷ lệ mắc là 2:1. Khi bị trầm cảm, người bệnh sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, buồn chán, cáu gắt, khó chịu. Cùng với đó là tình trạng ăn không ngon, ngủ không yên, nghiêm trọng hơn là trong đầu luôn có ý nghĩ tự sát.

Cần lưu ý là nếu các cảm xúc tiêu cực trên chỉ kéo dài trong vài giờ hay 1 - 2 ngày rồi hết thì không gọi là trầm cảm. Trầm cảm là khi trạng thái tinh thần không ổn định kéo dài từ 2 tuần trở lên với các biểu hiện ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, công việc, học tập của người bệnh.

Phụ nữ dễ bị trầm cảm hơn nam giới với tỷ lệ cao gấp 2 lần

Phụ nữ dễ bị trầm cảm hơn nam giới với tỷ lệ cao gấp 2 lần

Ai có nguy cơ bị trầm cảm?

Trầm cảm có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Nhưng nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì sẽ có nguy cơ cao hơn.

  • Người bị sang chấn tâm lý do phá sản, mất người thân, đổ vỡ tình cảm, thất nghiệp, nợ nần,…
  • Phụ nữ vừa mới sinh con bị rối loạn nội tiết tố cộng với sự thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Học sinh, sinh viên bị áp lực học hành, thi cử do nhận sự kỳ vọng quá lớn từ thầy cô, bạn bè.
  • Người bị chấn thương nghiêm trọng, phải phẫu thuật cắt bỏ một bộ phận nào đó trên cơ thể.
  • Người có thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích trong thời gian dài.
  • Người sống nội tâm, khép kín, ít có các mối quan hệ xã hội và thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng phó trước những khó khăn, thử thách.
  • Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm hoặc mắc các bệnh hay hội chứng về thần kinh. 

Đổ vỡ tình cảm, cú sốc ly hôn có thể gây ra trầm cảm

Đổ vỡ tình cảm, cú sốc ly hôn có thể gây ra trầm cảm

2. Các dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng

Dưới đây là các dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng không được chủ quan, thay vào đó là đến gặp các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Mất hứng thú trong cuộc sống

Khi bị trầm cảm nặng, người bệnh sẽ mất hứng thú trong cuộc sống, hay nói cách khác là không còn tìm thấy bất kỳ niềm vui nào. Họ dần từ bỏ những thói quen và sở thích trước đây, thay vào đó là ngồi tư lự một mình và “đắm chìm” trong nỗi buồn vô hình.

Lo lắng, hoảng sợ, bất an

Người bị trầm cảm nặng thường dễ rơi vào tình trạng lo lắng, hoảng sợ, bất an. Đi kèm theo đó là các triệu chứng như tim đập nhanh, đau tức ngực, khó thở, khóc lóc, la hét, đập phá,… Tình trạng này kéo dài có thể khiến người bệnh bị suy nhược tinh thần và thể chất nghiêm trọng. 

Luôn có cảm giác tội lỗi 

Đây cũng là dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng không được bỏ qua. Nếu chẳng may gây ra lỗi lầm, dù là nhỏ nhặt, người bệnh cũng không ngừng trách móc bản thân, từ đó sinh ra cảm giác mặc cảm, tự ti và cảm thấy mình là “tội đồ”, không xứng đáng với tất cả mọi người.

Bị trầm cảm nặng khiến người bệnh luôn cảm thấy mặc cảm, đầy tội lỗi

Bị trầm cảm nặng khiến người bệnh luôn cảm thấy mặc cảm, đầy tội lỗi

Giảm tập trung, thiếu quyết đoán

Do trong đầu luôn có suy nghĩ tiêu cực nên người bị trầm cảm nặng sẽ trở nên chậm chạp hơn, thiếu quyết đoán và giảm tập trung. Nếu bình thường, họ có thể giải quyết công việc một cách nhanh chóng và chuẩn xác thì khi mắc bệnh, họ lại cảm thấy khó khăn trong việc đưa ra quyết định, đôi khi lúng túng không biết phải nên làm gì.

Rối loạn vận động

Người bị trầm cảm nặng sẽ có 2 xu hướng vận động. Thứ nhất là trở nên chậm chạp, ù lì, không còn nhanh nhẹn, linh hoạt như thường ngày. Thứ hai là không thể ngồi yên một chỗ mà liên tục đi tới đi lui với trạng thái như bất an, lo lắng điều gì đó. Đây được gọi là rối loạn tâm thần vận động. 

Ăn không ngon, ngủ không sâu

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ăn không ngon, ngủ không sâu, và trầm cảm nặng là một trong số đó. Cụ thể, khi bị trầm cảm nặng, người bệnh có xu hướng chán ăn, nếu thèm ăn thì cũng chỉ thích ăn đồ ngọt như bánh kẹo, socola, kem,… Đối với giấc ngủ, do luôn có cảm giác lo âu nên người bệnh sẽ rất khó vào giấc, hay thức dậy nửa đêm và đặc biệt là dậy rất sớm vào buổi sáng.

Do có nỗi sợ vô hình nên người bị trầm cảm cảm thấy khó ngủ, ngủ không ngon

Do có nỗi sợ vô hình nên người bị trầm cảm cảm thấy khó ngủ, ngủ không ngon 

Sức lực cạn kiệt

Nhắc đến các dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng, không thể bỏ qua dấu hiệu này. Vì trạng thái tinh thần không tốt, lại ăn không ngon ngủ không yên nên việc cạn kiệt sức lực ở người bị trầm cảm nặng là khó tránh khỏi. Cho dù họ không làm việc gì cả thì vẫn cảm thấy cơ thể không còn một chút năng lượng nào. 

Luôn nghĩ đến cái chết

Có thể nói đây chính là một trong những dấu hiệu điển hình và nguy hiểm nhất của bệnh trầm cảm. Theo đó, người bệnh luôn có cảm giác tuyệt vọng về mọi thứ và chỉ nghĩ đến cái chết, thậm chí, họ còn lên kế hoạch tự sát một cách tỉ mỉ. Có nhiều trường hợp, họ vừa muốn tự sát, vừa muốn gây nguy hiểm cho người khác. Trường hợp này thường gặp ở mẹ vừa mới sinh con, khi bị trầm cảm luôn có ý định hại mình và hại con.

Hi vọng qua bài viết trên, bạn có thể nhận biết các dấu hiệu bệnh trầm cảm nặng. Nếu bản thân hay người thân xuất hiện những dấu hiệu này thì cần trò chuyện với gia đình và bạn bè nhiều hơn, đồng thời đến gặp bác sĩ và chuyên gia tâm lý nhanh chóng.

Bạn có thể đến Chuyên khoa Thần kinh của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được thăm khám và điều trị. Quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để chủ động đặt lịch khám ngay hôm nay. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.