Tin tức

Thuốc trị trầm cảm: phân loại, tác dụng và hiệu quả khi dùng

Ngày 13/11/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Trầm cảm tuy là một bệnh lý tâm thần nhưng lại có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe người bệnh, chỉ đứng sau các bệnh về tim mạch (theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới WHO). Việc phát hiện và điều trị bệnh từ sớm sẽ giúp người bệnh hạn chế những hậu quả về sau. Thuốc trị trầm cảm ra đời được sử dụng nhằm mục đích hỗ trợ điều trị tình trạng này. Để hiểu rõ hơn về công dụng của các thuốc trị trầm cảm, mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu qua những thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Những biện pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất 

1.1. Tâm lý trị liệu

Là hình thức điều trị trầm cảm bằng cách trò chuyện giữa chuyên gia hay bác sĩ tâm lý. Các chuyên gia sẽ biết cách khơi gợi những cuộc nói chuyện cởi mở hơn với người bệnh để từ đó hiểu được các vấn đề về sức khỏe tinh thần, hoàn cảnh mà bệnh nhân đang gặp phải. Điều này giúp người bệnh được khơi thông cảm xúc và có cách đối phó tốt hơn đối với những trạng thái gây căng thẳng hàng ngày.

Tâm lý trị liệu có rất nhiều dạng thức, nhưng phổ biến nhất đó là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). Mỗi liệu trình điều trị tâm lý có thể kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm tùy thuộc vào khả năng tiến triển của người bệnh.

1.2. Thuốc trị trầm cảm

Các loại thuốc trị trầm cảm có khả năng tác động đến những chất hóa học được sản sinh ra trong não (những yếu tố có thể gây trầm cảm). Mặc dù cũng tiềm ẩn ít nhiều tác dụng phụ nhưng điều này có khả năng cải thiện dần theo thời gian. Một số loại thuốc trị trầm cảm cần phải kể đến đó là:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI): so với những loại thuốc trị trầm cảm khác thì SSRI được cho là khá an toàn, ít gây ra tác dụng phụ. Các thuốc thuộc nhóm này bao gồm escitalopram (Lexapro), citalopram (Celexa), fluoxetine (Prozac), sertraline (Zoloft), paroxetine (Paxil, Pexeva), vilazodone (Viibryd).
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs): gồm các thuốc như nortriptyline (Pamelor), doxepin, imipramine (Tofranil), amitriptyline, desipramine (Norpramin), trimipramine (Surmontil), protriptyline (Vivactil). Tuy thuốc có hiệu quả cao nhưng lại gây ra nhiều tác dụng phụ nên ít khi được chỉ định. Trừ trường hợp bệnh nhân đã từng điều trị bằng SSRI nhưng không có hiệu quả.
  • Thuốc trị trầm cảm không điển hình: mirtazapine (Remeron), bupropion (Aplenzin, Wellbutrin XL, Forfivo XL, Wellbutrin SR), trazodone, nefazodone và vortioxetine (Trintellix).
  • Những loại thuốc khác:

           + Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs): venlafaxine (Effexor XR), duloxetine (Cymbalta), levomilnacipran (Fetzima), desvenlafaxine (Khedezla và Pristiq);

           + Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs): phenelzine (Nardil), tranylcypromine (Parnate) và isocarboxazid (Marplan). Khi dùng các thuốc này người bệnh cũng cần phải tuân theo chế độ ăn khá nghiêm ngặt bởi vì việc sử dụng rượu vang, pho mát, thảo dược hay dưa chua kết hợp cùng với thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc trị trầm cảm hiện là một trong những phương pháp thường được chỉ định điều trị tình trạng này

Thuốc trị trầm cảm hiện là một trong những phương pháp thường được chỉ định điều trị tình trạng này

1.3. Các liệu pháp điều trị trầm cảm khác

Bên cạnh tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc trị trầm cảm thì cũng có một số liệu pháp khác giúp cải thiện chứng bệnh này. Ví dụ như:

Liệu pháp kích thích não bộ:

Liệu pháp này gồm có các phương pháp như:

  • Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS); 
  • Sốc điện (ECT);
  • Kích thích dây thần kinh phế quản (VNS).

Đây đều là những kỹ thuật không xâm lấn giúp tạo nên những sóng điện tử có khả năng đi qua xương sọ, không gây đau cho bệnh nhân. Những sóng điện tử này có tác dụng kích thích hoạt động của các tế bào thần kinh, cải thiện chức năng não bộ và đem lại hiệu quả điều trị tích cực.

Xoa bóp:

Các động tác xoa bóp có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng do trầm cảm gây ra. Cụ thể, xoa bóp sẽ giúp giảm tình trạng đau lưng, mệt mỏi, đau xương khớp, đau cơ, giúp người bệnh ngủ ngon và sâu giấc hơn. 

Liệu pháp này không những giúp bệnh nhân cảm thấy thư giãn, thoải mái nhanh chóng mà còn có thể kết hợp với việc dùng thuốc để tăng cường hiệu quả điều trị.

Châm cứu:

Biện pháp này được tiến hành bằng cách dùng các cây kim chuyên dụng đâm vào những vị trí huyệt đạo trên cơ thể. Liệu pháp này giúp giảm thiểu những cơn đau ở lưng, cơ, đầu và cổ, cải thiện triệu chứng rối loạn căng thẳng, viêm khớp tái phát thường xuyên. 

Cụ thể, tác dụng của châm cứu được thể hiện qua việc hỗ trợ giải phóng các hormone tự nhiên trong cơ thể như endorphin - một loại chất dẫn truyền thần kinh, có khả năng giúp giảm đau tự nhiên khá hiệu quả.

Các loại thuốc trị trầm cảm có khả năng tác động đến những chất hóa học được sản sinh ra trong não

Các loại thuốc trị trầm cảm có khả năng tác động đến những chất hóa học được sản sinh ra trong não

Thôi miên:

Đây là một liệu pháp tâm lý học bắt nguồn từ phương Tây. Theo đó, bệnh nhân được đưa vào trạng thái thư giãn, tập trung cao độ để cải thiện những bệnh lý hay vấn đề về tinh thần, ví dụ như:

  • Người thường xuyên có những nỗi ám ảnh lặp đi lặp lại, sợ hãi;
  • Người hay bị lo lắng, hoảng loạn, căng thẳng, đặc biệt là hội chứng PTSD (căng thẳng sau sang chấn);
  • Bệnh nhân có vấn đề về kiểm soát hành vi như giảm cân, cai thuốc lá hay đái dầm,...

Có 4 giai đoạn trong thôi miên đó là: Cảm ứng - Đào sâu - Gợi ý - Xuất hiện.

Phản hồi sinh học:

Đây là phương pháp y học thay thế có tác dụng cải thiện tích cực các vấn đề về tinh thần và sức khỏe thể chất của người bệnh. Để thực hiện liệu pháp này, bác sĩ sẽ dùng một loại dụng cụ giám sát và thiết bị chuyên biệt để kiểm tra chức năng của cơ thể. 

Sau khi có kết quả kiểm tra, những thay đổi sinh lý sẽ được bác sĩ gợi ý và hướng dẫn làm thế nào để tạo ra chúng. Phản hồi sinh học có thể giúp điều trị những triệu chứng sau đây:

  • Thiếu tập trung, mất ngủ;
  • Trầm cảm, lo lắng, rối loạn lo âu sau gặp chấn thương;
  • Các vấn đề thuộc hệ tiêu hóa như táo bón, hội chứng ruột kích thích;
  • Các vấn đề về hô hấp (hen suyễn);
  • Cao huyết áp, tiểu đường;
  • Chứng đau đầu, đau cơ xương khớp;
  • Động kinh.

2. Thuốc trị trầm cảm có thể gây ra những tác dụng phụ gì?

Một số tác dụng phụ do thuốc trị trầm cảm gây ra:

  • Lo lắng;
  • Nhức đầu;
  • Buồn nôn;
  • Đổ nhiều mồ hôi;
  • Kích động;
  • Chóng mặt;
  • Tăng cân;
  • Gặp trở ngại khi quan hệ tình dục;
  • Khô miệng.

Thuốc trị trầm cảm cần phải được dùng theo đơn kê của bác sĩ, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng

Thuốc trị trầm cảm cần phải được dùng theo đơn kê của bác sĩ, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng

Những tác dụng phụ này có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Người bệnh có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sớm giải quyết những triệu chứng này. Ngoài ra, đối với việc dùng thuốc trị trầm cảm thì bệnh nhân cần chú ý là phải dùng theo phác đồ do bác sĩ chỉ định, không được tự ý tăng liều lượng hay ngừng dùng thuốc. Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai và cho con bú khi bị trầm cảm cần phải đi thăm khám và dùng thuốc theo hướng dẫn. Bởi vì những đối tượng này có nguy cơ bị các tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.