Tin tức

Tràn dịch màng tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 23/12/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Tràn dịch màng tim là tình trạng tích tụ dịch trong khoang màng ngoài tim, gây áp lực lên tim và ảnh hưởng đến khả năng bơm máu. Việc chậm trễ trong việc điều trị có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường đối với tim mạch. Chính vì vậy, Phát hiện và điều trị bệnh kịp thời là cách tốt nhất để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

1. Nguyên nhân gây tràn dịch màng tim

Tràn dịch màng tim là tình trạng khi có sự tích tụ dịch trong khoang màng tim, là một khoang ảo được tạo thành từ lá thành và lá tạng của ngoại tâm mạc. Màng tim, hay còn gọi là bao tim, có nhiệm vụ bảo vệ và giữ cho trái tim di chuyển một cách linh hoạt trong quá trình đập. Lượng dịch nhỏ có mặt trong khoang màng tim đóng vai trò như một lớp đệm, bảo vệ tim khỏi những tổn thương do ma sát. Tuy nhiên, khi lượng dịch này tăng bất thường, sẽ gây áp lực lên tim, dẫn đến tình trạng tràn dịch màng tim. 

Tràn dịch màng tim có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Viêm màng tim (Pericarditis): Viêm do nhiễm trùng hoặc do phản ứng viêm tự miễn;
  • Chấn thương: Chấn thương tim do tai nạn hoặc phẫu thuật;
  • Ung thư: Ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, vú hoặc lymphoma, có thể lan đến màng tim;
  • Bệnh lý tim mạch: Suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh lý động mạch vành;
  • Bệnh lý thận, gan, hoặc rối loạn chuyển hóa: Gây ra tình trạng tăng lượng dịch trong cơ thể và dẫn đến tràn dịch màng tim.

2. Triệu chứng tràn dịch màng tim 

Khi lượng dịch tăng là thời điểm các triệu chứng của tràn dịch màng tim mới bắt đầu xuất hiện và trở nên rõ rệt hơn, đặc biệt khi lượng dịch tăng nhanh hoặc quá nhiều, gây áp lực lên tim. Một số biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Đau tức ngực âm ỉ: Cơn đau có thể thay đổi khi người bệnh thay đổi tư thế;

Đau ngực là một trong những triệu chứng phổ biến của tình trạng tràn dịch màng tim

Đau ngực là một trong những triệu chứng phổ biến của tình trạng tràn dịch màng tim 

  • Khó thở kéo dài, đặc biệt khi hoạt động thể chất hoặc lao động quá sức;
  • Rối loạn nhịp tim, cảm giác hồi hộp và đánh trống ngực bất thường;
  • Mệt mỏi: Người bệnh cảm thấy suy kiệt sức lực, khó tập trung và dễ chóng mặt do thiếu oxy cung cấp cho não;
  • Triệu chứng hô hấp: Khó thở, thở nhanh, ho khan, kèm theo tiếng rít hay râm ran khi nghe phổi.

3. Chẩn đoán và điều trị tràn dịch màng tim

Chẩn đoán tràn dịch màng tim

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về triệu chứng và thăm khám các cơ quan để đánh giá tình trạng bệnh:

  • Hỏi bệnh: Khai thác tiền sử và các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới tràn dịch màng ngoài tim;
  • Nghe tim: Phát hiện các âm thanh bất thường có thể do ma sát màng ngoài tim hoặc rối loạn nhịp tim;
  • Nghe phổi: Để đánh giá tình trạng viêm nhiễm, tràn dịch hoặc tổn thương do chấn thương ở phổi. 

Cận lâm sàng 

  • Điện tâm đồ: Các rối loạn ở nhịp tim và phì đại cơ tim được xác định rõ;
  • Siêu âm tim: Đánh giá lượng dịch màng ngoài tim và chức năng tim;

Kỹ thuật siêu âm tim có thể được chỉ định trong chẩn đoán tràn dịch màng tim

Kỹ thuật siêu âm tim có thể được chỉ định trong chẩn đoán tràn dịch màng tim 

  • X-quang ngực: Phát hiện tràn dịch màng tim và tổn thương phổi;
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra chức năng thận, đánh giá tình trạng viêm nhiễm, bệnh lý tự miễn hoặc một số xét nghiệm định hướng tìm nguyên nhân gây bệnh. 

Điều trị tràn dịch màng tim

Phương pháp điều trị tràn dịch màng tim được cá nhân hóa dựa trên nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng, các biến chứng tiềm ẩn và tình trạng sức khỏe tổng thể của từng bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị tràn dịch màng tim phổ biến được áp dụng như sau:

  • Chọc hút dịch màng tim: Được chỉ định khi có dấu hiệu ép tim hoặc rối loạn huyết động. Phương pháp này không chỉ giúp giảm áp lực lên tim mà còn hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây tràn dịch;
  • Thuốc lợi tiểu: Tăng cường bài tiết nước tiểu giúp loại bỏ lượng dịch dư thừa ra khỏi cơ thể, từ đó giảm áp lực lên tim;
  • Kháng sinh: Được chỉ định trong trường hợp tràn dịch màng tim do nhiễm trùng, đặc biệt là viêm màng tim do vi khuẩn hoặc lao;
  • Điều trị nguyên nhân cơ bản: Nếu tràn dịch do các bệnh lý như bệnh tự miễn, suy tim, ung thư hoặc suy thận, việc điều trị các bệnh lý nền là rất quan trọng để kiểm soát tình trạng và ngăn ngừa tái phát.

4. Phòng ngừa tràn dịch màng tim

Những biện pháp đơn giản sau đây sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tràn dịch màng tim cũng như bảo vệ hiệu quả sức khỏe tim mạch: 

  • Bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn: Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày và tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm;
  • Tăng cường sức khỏe: Thường xuyên tập thể dục và bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể;
  • Hạn chế rượu bia: Kiểm soát lượng rượu bia tiêu thụ để bảo vệ chức năng gan;
  • Chú ý an toàn lao động và giao thông: Tuân thủ các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông hoặc làm việc để giảm thiểu nguy cơ chấn thương lồng ngực;
  • Tuân thủ điều trị bệnh mạn tính: Duy trì phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát các bệnh lý nền;

Tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị các bệnh lý mạn tính để phòng ngừa tình trạng tràn dịch màng tim

Tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị các bệnh lý mạn tính để phòng ngừa tình trạng tràn dịch màng tim 

  • Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện các bất thường của cơ thể và có hướng xử trí phù hợp, hiệu quả. 

Nắm bắt những thông tin về tình trạng tràn dịch màng tim được trình bày trên đây là một cách hiểu về bệnh, từ đó có hướng phòng ngừa hiệu quả. Mọi nhu cầu tư vấn hoặc thăm khám khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ tràn dịch màng tim nói riêng và bệnh lý tim mạch nói chung, bạn đọc hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ kịp thời. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ