Tin tức

Trẻ bao tuổi thì uống thuốc tẩy giun và những điều cha mẹ cần lưu ý

Ngày 05/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm giun. Tuy nhiên, rất nhiều bậc phụ huynh còn băn khoăn về việc dùng thuốc tẩy giun khi trẻ còn quá nhỏ thì có an toàn hay không. Dưới đây sẽ là giải đáp thắc mắc trẻ bao tuổi thì uống thuốc tẩy giun và một số lưu ý dành cho các bậc cha mẹ về cách phòng ngừa giun sán ở trẻ.

1. Trẻ bao tuổi thì uống thuốc tẩy giun?

Nhiễm giun sán là một bệnh lý thường gặp ở người. Bệnh lây truyền qua đất. Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ nhiễm giun sán khi trứng giun có trong phân người, theo đường phân từ đó làm ô nhiễm đất ở những khu vực kém vệ sinh. Thói quen chơi đùa , đi chân đất hoặc tình trạng ăn đồ ăn sống, tái cũng là yếu tố góp phần tăng tỷ lệ nhiễm giun sán ở trẻ. Hơn nữa, đường ruột của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện nên rất yếu ớt và là môi trường rất thuận loại để những loại giun sán có cơ hội phát triển, sinh sôi. 

Một số loại giun, sán có thể sống ký sinh trong đường ruột của con người.

Một số loại giun, sán có thể sống ký sinh trong đường ruột của con người.

Một trong những vấn đề khiến rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm đó là “trẻ bao tuổi thì uống thuốc tẩy giun”. Về vấn đề này, các bác sĩ chuyên khoa giải đáp như sau: 

WHO khuyến nghị, có thể tẩy giun hằng năm đối với trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi trở lên. Theo Bộ Y tế, trẻ từ 12 tháng tuổi cũng có thể được tẩy giun do Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ nhiễm giun sán nhiều. Loại thuốc này không nằm trong thuốc cần kê đơn nên bố mẹ có thể mua được ở ngoài hiệu thuốc, tẩy giun mà ko cần khám bác sĩ. Tuy nhiên nếu trường hợp nghi ngờ nhiễm giun sán đặc biệt tiền sử trong gia đình đang có người điều trị sán thì cần cho trẻ nhỏ đến khám và đánh giá kiểm tra do phác đồ điều trị sán khác biệt so với tẩy giun thông thường. 

Nếu trẻ nhỏ hơn độ tuổi này, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám để chẩn đoán trẻ có đang bị nhiễm giun sán hay không. Đối với những trẻ bị nhiễm giun, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc tẩy giun phù hợp với trẻ, chăm sóc và theo dõi trẻ, hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cho trẻ.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần đối với trẻ không có triệu chứng bất thường, bắt đầu từ 12 tháng tuổi để phòng ngừa những hậu quả nguy hiểm do nhiễm giun sán gây ra và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. 

2. Lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun cho trẻ

Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc tẩy giun trên thị trường. Mỗi loại thuốc lại phù hợp với từng đối tượng trẻ khác nhau, độ tuổi khác nhau, mức độ bệnh khác nhau. Do đó, trước cho trẻ sử dụng thuốc tẩy giun, các bậc cha mẹ nên nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn để cho con uống đúng loại thuốc và uống đúng cách, từ đó đảm bảo trẻ nhận được lợi ích tốt nhất từ loại thuốc này, đồng thời hạn chế nguy cơ tác dụng phụ.

Về thời gian uống thuốc: Tùy từng thuốc và từng loại giun người bệnh nhiễm, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Nếu tẩy giun thông thường thường uống sau ăn với 1 liều duy nhất. Tốt nhất, cha mẹ nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ điều trị và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất được in trên bao bì thuốc. 

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi trẻ dùng thuốc tẩy giun, bao gồm: 

- Buồn nôn, nôn. 

Trẻ có biểu hiện buồn nôn sau khi uống thuốc tẩy giun

Trẻ có biểu hiện buồn nôn sau khi uống thuốc tẩy giun

- Chóng mặt, đau đầu. 

- Rối loạn tiêu hóa

Thông thường, những tác dụng phụ này sẽ nhanh chóng được cải thiện sau vài ngày và trẻ thường có cảm giác ăn ngon miệng hơn, khỏe mạnh hơn sau khi tẩy giun. Tuy nhiên, nếu trẻ bị mẩn ngứa, mề đay, phát ban hay những triệu chứng bất thường khác sau khi tẩy giun, đặc biệt là những phản ứng dị ứng nghiêm trọng thì các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt.

3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Ngoài cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ, cha mẹ cũng nên quan sát biểu hiện của con và đưa trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân trong các trường hợp sau:

- Trẻ thường bị đau bụng, nhất là vùng quanh rốn. 

Nếu trẻ có biểu hiện đau bụng, quấy khóc, mẹ nên đưa trẻ đi khám

Nếu trẻ có biểu hiện đau bụng, quấy khóc, mẹ nên đưa trẻ đi khám

- Bụng ỏng. 

- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, phân có lúc lỏng nhưng có lúc rắn. 

- Trẻ ăn kém và dễ bị sụt cân, thiếu dinh dưỡng. 

- Trẻ bị thiếu máu. Da xanh xao và thường xuyên mệt mỏi

- Khó ngủ và hay quấy khóc. 

- Ngứa hậu môn vào ban đêm. 

- Sức đề kháng kém.

- Thiếu linh hoạt. 

- Những bé gái bị nhiễm giun sán thưởng mẩn ngứa và đỏ quanh vùng âm đạo. 

Nếu quan sát thấy con có những biểu hiện nêu trên, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe để xác định nguyên nhân gây ra những bất thường đó có phải do nhiễm giun sán hay không. Nếu là do nhiễm giun sán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị kịp thời cho trẻ. Tình trạng này cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu kéo dài, những biểu hiện của trẻ càng nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ ấu trùng giun di chuyển vào cơ quan nội tạng gây biến chứng , khó khăn trong điều trị, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. 

4. Phải làm sao để phòng ngừa giun sán cho trẻ?

Trẻ nhỏ chưa có ý thức về vấn đề vệ sinh cá nhân, đồng thời có một số thói quen như mút tay, sờ vào tất cả đồ vật xung quanh, lê la sàn nhà,... nên rất dễ bị nuốt phải trứng giun như giun tóc, giun đũa, giun kim,... Đặc biệt là những trẻ sống ở vùng nông thôn, điều kiện y tế kém,... thì nguy cơ bị nhiễm giun sán càng cao hơn. Tình trạng nhiễm giun sán không được điều trị sớm có thể gây ra những vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng cho trẻ. Để hạn chế nguy cơ nhiễm giun sán ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý: 

- Tẩy giun định kỳ cho trẻ. 

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ. Hướng dẫn trẻ cách rửa tay với xà phòng sát khuẩn, đặc biệt là thời điểm trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Mẹ nên thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, không nên để trẻ đi đại tiện bừa bãi, cởi truồng hay mặc quần thủng. 

- Khi chăm sóc trẻ và nấu đồ ăn cho trẻ, mẹ cũng cần rửa tay sạch sẽ và đeo găng tay. 

- Đảm bảo cho trẻ ăn đồ ăn đã được nấu chín, uống nước đã đun sôi. Mẹ cũng cần rửa bằng nước muối và gọt vỏ trái cây trước khi cho trẻ ăn. 

- Thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ. Đây là đồ vật mà trẻ hay tiếp xúc. Nếu đồ chơi bẩn và không được vệ sinh đều đặn thì nguy cơ nhiễm giun sán của trẻ là rất cao. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên thường xuyên giặt quần áo, chăn màn cho trẻ và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, khu vực vui chơi của trẻ cũng cần đảm bảo luôn sạch sẽ.

- Nếu trẻ sống ở vùng nông thôn, trồng nhiều rau màu, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ chơi đùa gần khu vực nuôi trồng và đặc biệt cần phải xử lý phân đúng cách, cách xa nơi ở và giếng nước. 

Cha mẹ nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế uy tín

Cha mẹ nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế uy tín

Hi vọng thông qua bài viết trên, các bậc cha mẹ đã tìm ra được lời giải đáp cho thắc mắc trẻ bao tuổi thì uống thuốc tẩy giun và những lưu ý để phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun sán ở trẻ. Nếu cần được tư vấn thêm hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cho con tại Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các bậc phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cụ thể.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ