Tin tức
Trẻ bị tay chân miệng nên kiêng những gì?
- 09/07/2025 | Các cấp độ của bệnh tay chân miệng ở trẻ cha mẹ cần cảnh giác
- 01/04/2024 | Phòng tránh bệnh tay chân miệng bằng cách nào?
- 01/11/2023 | Những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng cha mẹ cần lưu ý
1. Tay chân miệng: Bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ và thông tin cơ bản cha mẹ nên biết
Bệnh chân tay miệng (hay còn có tên khoa học viết tắt là HFMD) là bệnh lý do một số loại virus có hại gây ra, tiêu biểu nhất là virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 ở dạng cấp tính. Bệnh có thể dễ dàng lây lan thông qua việc tiếp xúc gần với người bệnh (cụ thể là tiếp xúc với phần dịch từ những nốt bọng nước, chất thải, nước bọt hoặc dịch từ tai mũi họng).
Bệnh Tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ em dưới 10 tuổi tuy nhiên cũng đã có khá nhiều trường hợp người trưởng thành mắc phải căn bệnh này. Hiện nay, ở Việt Nam và một số nước khu vực Đông Nam Á đang phải hứng chịu vô số ca nhiễm căn bệnh này. Đặc biệt, ở nước ta tỉ lệ trẻ em từ 3 tháng tuổi cho tới 1 năm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
Bệnh chân tay miệng có khả năng lây lan rất cao thông qua việc tiếp xúc gần với người mắc
Phần lớn những trẻ mắc bệnh có thể khỏi bệnh sau một vài ngày. Tuy nhiên, một số trẻ bị bệnh lại có thể chuyển biến nhanh, gặp phải những biến chứng nguy hiểm chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được xử trí kịp thời, có thể gây tử vong.
Sau khi bị nhiễm virus, trẻ thường trải qua thời gian ủ bệnh khoảng 3 đến 7 ngày và gần như chưa có triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên, đến giai đoạn khởi phát, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:
- Sốt cao.
- Đau họng, đau rát ở quanh miệng.
- Có thể kèm theo buồn nôn và tiêu chảy.
- Trên da của trẻ có nổi những bọng nước và sau đó chúng dễ trở thành những vết loét khiến trẻ bị đau và bỏ ăn.
Nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nặng. Cha mẹ vẫn nên thường xuyên quan sát và theo dõi trẻ. Nếu có biểu hiện bất thường thì cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
2. Trẻ bị tay chân miệng cần kiêng gì?
Nếu chăm sóc trẻ đúng cách, trẻ sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng. Nhiều bà mẹ cho rằng con bị tay chân miệng thì cần kiêng tắm, kiêng gió,... Tuy nhiên, đây là những quan niệm sai lầm việc kiêng tắm hay ủ trẻ quá kín sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ để lại sẹo tại những nốt ban trên da. Những nốt ban được để thoáng khí sẽ nhanh lành hơn và đồng thời hạn chế nguy cơ hình thành sẹo trên da.
Dưới đây là một số vấn đề mẹ nên kiêng cho trẻ khi mắc Bệnh Tay chân miệng:
Kiêng cho trẻ đến nơi đông người
Căn bệnh này có thể lây lan nhanh chóng, thậm chí có thể tạo thành dịch. Chính vì thế, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên kiêng để trẻ đến những nơi đông người hoặc tiếp xúc với trẻ khác để hạn chế nguy cơ lây bệnh. Bên cạnh đó, sau khi chăm sóc cho trẻ, phụ huynh cũng cần rửa sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn để tránh bị lây nhiễm bệnh.
Cha mẹ không nên cho con đến trường mà nên ở nhà ít nhất 10 ngày để tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Mẹ cũng nên báo với các thầy cô về tình trạng của con mình để nhà trường tiến hành vệ sinh khử khuẩn, hạn chế nguy cơ lây lan sang trẻ khác.
Không nên cho trẻ tới trường khi trẻ đang bị bệnh
Kiêng gãi hay chạm vào vết ban
Mặc dù những nốt ban khi vỡ ra có thể gây ngứa và đau nhưng mẹ cần nhắc nhở trẻ không được chạm tay vào những nốt ban này để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Các bậc phụ huynh nên cắt móng tay và móng chân cho trẻ. Tránh cho trẻ sử dụng thìa, dĩa sắc nhọn, những dụng cụ này có thể tác động lên các vết loét trong miệng của bé và khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Khi trẻ ngủ có thể đeo bao tay cho trẻ. Trường hợp những nốt ban đã vỡ ra, mẹ nên sử dụng loại thuốc bôi ngăn nhiễm trùng do bác sĩ kê đơn, tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho con khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Kiêng ăn một số thực phẩm
Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm có chứa nhiều dinh dưỡng, ăn những thực phẩm mềm loãng và dễ hấp thu. Bên cạnh đó cần kiêng những loại thực phẩm sau:
- Arginine là một loại axit amin có thể khiến virus phát triển mạnh mẽ hơn, do đó cần kiêng các loại thực phẩm chứa nhiều arginine như đậu phộng, nho khô,...
- Tránh ăn những loại thực phẩm quá cứng, quá mặn, cay nóng vì những thực phẩm này có thể khiến vết loét nghiêm trọng hơn và khó lành hơn.
- Không nên ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa để hạn chế tình trạng tiết nhiều dầu trên da khiết vết loét trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn nữa những loại thực phẩm này cũng rất khó tiêu hóa, không tốt cho trẻ bị bệnh.
- Tuy rằng vitamin C rất tốt cho hệ miễn dịch nhưng có thể khiến trẻ bị xót miệng nên bố mẹ không nên cho trẻ ăn những loại trái cây có vị chua như chanh, cam,..
Có cần kiêng tắm khi trẻ bị chân tay miệng không?
Không nên cho trẻ kiêng tắm khi đang mắc tay chân miệng bởi rất có thể bệnh không những không giảm thiểu mà còn có thể dẫn tới việc trẻ mắc thêm các bệnh viêm nhiễm do các virus vi khuẩn gây ra, gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ,... Các phụ huynh hoàn toàn có thể cho các con tắm một cách bình thường với nước ấm và phòng kín gió.
Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý không dùng muối để tắm cho trẻ. Muối có tính kháng khuẩn, do đó nhiều phụ huynh đã sử dụng nước muối để tắm cho bé. Tuy nhiên, nếu chưa có chỉ định của bác sĩ thì không nên tự ý tắm nước muối, nước chanh hay dùng thuốc chống viêm cho trẻ.
Không nên cho trẻ kiêng tắm khi bị bệnh chân tay miệng
Ngoài những điều cần kiêng trên, cha mẹ cũng nên chú ý việc sử dụng thuốc cho trẻ. Lưu ý, không cho trẻ uống aspirin. Mẹ nên sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ mà không nên tự ý sử dụng aspirin để hạ sốt nhằm tránh gây ra hội chứng Reye, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ và khiến bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trên đây là một số thông tin để các bậc phụ huynh hiểu rõ trẻ bị tay chân miệng cần kiêng những gì. Chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh nên thường xuyên quan sát và theo dõi trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường như sốt, nổi ban đỏ, đau miệng, bỏ ăn,,... thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
Cho trẻ đi khám nếu có biểu hiện bất thường
Khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC là nơi quy tụ nhiều bác sĩ chuyên môn cao có nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị bệnh lý cho trẻ em. Bên cạnh đó, MEDLATEC cũng đầu tư rất quy mô về trang thiết bị máy móc khám chữa bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo cho trẻ.
Để được đặt lịch khám sớm cho trẻ tại MEDLATEC, các bậc phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
