Tin tức

Trẻ bị tay chân miệng: bệnh thường gặp nhưng cha mẹ đã biết cách chữa?

Ngày 01/03/2024
Vũ Thị Thu Hương

Trẻ bị tay chân miệng

Trẻ bị tay chân miệng: Triệu chứng và phương pháp điều trị

 

Trẻ bị tay chân miệng là nỗi lo lắng của rất nhiều bậc phụ huynh bởi vì căn bệnh này thường gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu ở trẻ. Đặc biệt tính đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị hiệu quả bệnh tay chân miệng. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, tay chân miệng có thể tiến triển thành những biến chứng nghiêm trọng, điển hình như viêm cơ tim, viêm màng não và đe dọa đến tính mạng của trẻ.

1. Tìm hiểu nguyên nhân của bệnh tay chân miệng

Trẻ bị tay chân miệng là do nhiễm phải nhóm virus chuyên gây bệnh ở đường ruột. Trong đó, 2 nhóm tác nhân gây bệnh hay gặp là Virus Coxsackievirus (nhóm A16) và Enterovirus type 71 (EV71) là 2 nguyên nhân chính gây bệnh tay chân miệng.

Khi đi vào cơ thể trẻ, chủng virus này sẽ bắt đầu sinh sôi phát triển và tạo ra một loạt các triệu chứng nhiễm trùng lan rộng tại má, niêm mạc miệng, lưỡi, lợi, da vùng lòng bàn chân, bàng tay, mông, đầu gối,... của trẻ. Triệu chứng hay gặp được biểu hiện bởi những nốt mụn nước nhỏ li ti, đường kính mụn nước chỉ khoảng 2 - 10mm. Nếu trẻ chỉ bị nhẹ thì sau khi chăm sóc tại nhà từ 7 - 10 ngày, sức khỏe của trẻ sẽ được hồi phục hoàn toàn.

Nguồn lây chính của bệnh tay chân miệng đó là nước bọt, bỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, cụ thể:

       Lây bệnh trực tiếp: trẻ hít hay chạm phải virus chứa trong các giọt bắn nước bọt hay dịch mủ của các nốt mụn nước từ cơ thể bệnh nhân.

       Lây bệnh gián tiếp: trẻ chạm phải những đồ chơi, vật dụng hay bề mặt đã bị nhiễm virus. Sau đó trẻ lại đưa phần tay đã tiếp xúc với những bề mặt này lên mắt, mũi, miệng hay vùng da có vết thương hở. Virus sẽ theo đó để xâm nhập vào cơ thể trẻ.

Trẻ bị tay chân miệng là do nhiễm phải nhóm virus Enterovirus

2. Dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị mắc bệnh tay chân miệng

Khi bị bệnh tay chân miệng, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

       Trẻ có thể sốt nhẹ, nôn, nếu sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh và tim mạch, hô hấp có thể xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày 5 của bệnh.

       Phát ban dạng phỏng nước: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, tồn tại trong thời gian ngắn, sau đó để lại vết thâm rất hiếm khi loét.

Thông thường những biểu hiện của bệnh tay chân miệng sẽ bắt đầu xuất hiện kể từ sau khi tiếp xúc với virus từ 3 - 7 ngày. Thời gian bệnh kéo dài là trong 7 - 10 ngày. Những nốt mụn nước hay các vết ban thường không gây ngứa ngáy, ít gây đau (ngoại trừ mụn nước mọc trong miệng).

Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường dưới đây thì cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám ngay:

       Giật mình khi ngủ, nôn nhiều.

       Sốt cao không hạ (từ 39 độ C trở lên).

       Mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng.

       Run chi, lừ đừ, hay giật mình, bứt rứt khó ngủ, quấy khóc, nôn trớ nhiều.

       Hôn mê, co giật.

       Vã mồ hôi, da tím tái, chân tay lạnh.

Hãy tập thói quen vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn cho trẻ

3. Bệnh tay chân miệng ở trẻ điều trị ra sao?

Vì nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là do virus nên thuốc kháng sinh không được khuyên dùng trong trường hợp này. Ngoài ra, tính đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị tay chân miệng nên thường sẽ tập trung vào cải thiện triệu chứng của bệnh:

       Giảm đau, hạ sốt: 2 loại thuốc giảm đau hạ sốt thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị tay chân miệng cho trẻ em đó là Ibuprofen và Paracetamol. Đồng thời tuyệt đối không sử dụng aspirin để giảm đau hạ sốt cho trẻ vì thuốc sẽ gây ra biến chứng vô cùng nguy hiểm đó là hội chứng Reye có thể dẫn tới tử vong ở trẻ.

       Giảm ngứa: dùng thuốc kháng histamin sẽ giúp làm dịu cơn ngứa do bệnh gây ra.

       Dùng thuốc giúp giảm triệu chứng đau ở miệng: một loại thuốc dạng gel là Antacid sẽ được dùng thoa lên vết thương. Thuốc này có tác dụng giảm thiểu triệu chứng đau và giúp trẻ ăn nhai dễ dàng hơn.

       Bổ sung đủ nước cho trẻ thông qua sữa, nước lọc, dung dịch oresol bù điện giải hoặc nước ép trái cây. Ở trẻ dưới 1 tuổi, mẹ nên tăng cường cho bé bú sữa mẹ để tăng cường miễn dịch và bù nước cho bé.

4. Cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho bé

4.1. Chăm sóc trẻ

       Cho trẻ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là kháng sinh cho trẻ vì sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng do tác dụng phụ của thuốc.

       Ngăn không để trẻ gãi hay cào cấu vào các nốt mụn nước. Thay vào đó hãy vệ sinh da trẻ sạch sẽ và để mụn nước khô một cách tự nhiên, nếu các nốt mụn bị vỡ thì rất dễ bị nhiễm khuẩn.

       Thức ăn cho trẻ nên được chế biến theo dạng mềm, dễ nuốt như súp, cháo, sữa,... và không để trẻ ăn đồ cay nóng, đồ chua.

       Hàng ngày, tập cho trẻ thói quen súc miệng bằng nước muối sinh lý.

       Trong thời gian dưỡng bệnh nên để trẻ cách ly trong nhà, hạn chế cho trẻ ra những nơi đông người.

4.2. Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

       Trẻ cần được hướng dẫn duy trì thói quen dùng xà phòng diệt khuẩn để rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với những bề mặt ở nơi công cộng như bàn ghế, tay nắm cửa, nút thang máy, sau khi trẻ che miệng để ho hay hắt hơi,...

       Không để trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác như khăn tắm, cốc uống nước, quần áo, bàn chải đánh răng,...

       Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn cho khu vực sống và đồ chơi của trẻ.

Cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh vật dụng của bé để tránh nguy cơ lây bệnh tay chân miệng

Trên đây là một số chia sẻ của MEDLATEC về bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Nếu nhận thấy con em mình đang có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để xác định chính xác tình trạng bệnh và có phương án điều trị kịp thời cho trẻ. Liên hệ ngay với MEDLATEC qua tổng đài 1900565656 để được tổng đài viên hỗ trợ đặt lịch khám ngay hôm nay cha mẹ nhé!

 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.