Tin tức
Trị ho bằng thuốc long đờm có hiệu quả không? Cần lưu ý gì khi dùng?
- 19/07/2021 | Nếu sử dụng thuốc long đờm cho trẻ, bố mẹ nhất định phải biết
- 21/05/2020 | Một số loại thuốc long đờm phổ biến và lưu ý khi sử dụng
- 26/07/2022 | Các cách long đờm cho bé an toàn và đơn giản bố mẹ có thể tham khảo
1. Thuốc long đờm có tác dụng như thế nào?
Phản xạ ho là một trong những biểu hiện đặc trưng ở những bệnh lý đường hô hấp. Triệu chứng ho thường rất đa dạng, bao gồm ho gió, ho khan, ho có đờm,... Trong đó tình trạng ho có đờm là những cơn ho khi phát tác thường kèm theo bật ra đờm hoặc chất nhầy ở cổ họng. Khi đó thuốc long đờm là phương pháp hỗ trợ điều trị loại ho này.
Thuốc long đờm thường được chỉ định trong những trường hợp bị ho có đờm
Thuốc long đờm (hay thuốc loãng đờm, tiêu nhầy) giúp làm thay đổi cấu trúc dịch nhầy, giảm độ đặc quánh và độ nhớt của đờm để dễ dàng tống xuất chúng ra khỏi cổ họng của bệnh nhân.
2. Một số loại thuốc trị ho long đờm được sử dụng nhiều nhất hiện nay
Dựa trên tác dụng của từng loại mà thuốc long đờm được phân thành 2 nhóm như sau:
1.1. Nhóm các thuốc tiêu đờm
Đây là nhóm những loại thuốc có tác dụng phá hủy cấu trúc hóa học liên kết trong dịch nhầy và đờm nhưng không làm tăng khối lượng hoặc thể tích của đờm, thay vào đó sẽ giúp đờm giảm đi độ đặc quánh và độ nhớt. Vì vậy mỗi lần bệnh nhân ho sẽ dễ khạc đờm ra khỏi cổ họng hơn. Một số hoạt chất của thuốc tiêu đờm đó là bromhexin, ambroxol, carbocysteine, acetylcystein,...
1.2. Nhóm thuốc loãng đờm
Thuốc loãng đờm có công dụng chính là tăng khả năng tiết dịch trong đường hô hấp khiến các chất tiết giảm bớt độ nhớt và gia tăng về thể tích. Bên cạnh đó thuốc còn giúp kích thích hoạt động của hệ thống lông mao ở mũi hỗ trợ cho việc nhanh chóng đẩy các chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Những hoạt chất chứa trong thuốc loãng đờm bao gồm ipecacuanha, guaifenesin, muối iod, muối amoni, terpin hydrate, natri benzoat,...
Thuốc long đờm bao gồm 2 loại là thuốc loãng đờm và thuốc tiêu đờm
3. Các biến chứng có thể gặp phải khi lạm dụng thuốc long đờm
Nếu người bệnh tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có thể sẽ càng làm nghiêm trọng thêm các bệnh lý về đường hô hấp. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng ho có đờm tái phát nhiều lần khó điều trị dứt điểm.
Dưới đây là một số biến chứng bệnh nhân có nguy cơ gặp phải nếu dùng thuốc long đờm không đúng cách:
-
Đối với các thuốc chứa muối iod: nếu dùng kéo dài một số loại thuốc long đờm chứa kali iodid và natri iodid có thể làm tích tụ iod trong cơ thể, vì vậy không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai, trẻ em, người bị bướu giáp,...;
-
Kích thích các tế bào xuất tiết: một số loại thuốc long đờm chiết xuất theo dạng tinh dầu bay hơi như guaiacol, eucalyptol, terpin có công dụng sát khuẩn mạnh. Tuy nhiên loại thuốc này chống chỉ định cho trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi;
-
Các loại thuốc loãng đờm: những thuốc này có các tác dụng phụ bao gồm gây đau dạ dày, buồn nôn và nôn nên cần thận trọng khi dùng cho những người có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng;
-
Một số tác dụng không mong muốn khác có thể xuất hiện khi bệnh nhân lạm dụng thuốc long đờm đó là chóng mặt, ù tai, nhức đầu, buồn ngủ, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa,...
Nếu người bệnh tự ý dùng thuốc không theo chỉ định có thể sẽ càng khiến bệnh nghiêm trọng hơn
4. Cần lưu ý những gì khi dùng các thuốc long đờm?
-
Do các thuốc ho cho trẻ, thuốc trị long đờm chỉ là những biện pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng ho có đờm, vì vậy bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc mà cần có sự kê đơn từ bác sĩ. Thời gian dùng thuốc trung bình là từ 8 - 10 ngày, không dùng kéo dài quá lâu;
-
Những người đã hoặc đang mắc các bệnh lý khác cũng cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc long đờm. Ví dụ như bệnh nhân bị hen khi sử dụng thuốc long đờm có thể gặp phản ứng co thắt phế quản, hoặc thuốc còn làm tăng tiết axit dạ dày nên người bị viêm loét dạ dày hay trào ngược dạ dày cần chú ý khi dùng thuốc;
-
Đối với trẻ em khi dùng thuốc tiêu đờm, trị ho thì chỉ nên sử dụng với liều dùng thấp nhất, thời gian điều trị ngắn để hạn chế nguy cơ dẫn đến những tác dụng không mong muốn;
-
Có một số loại thuốc long đờm như N- acetylcystein có khả năng gây nên những tác dụng phụ như buồn ngủ, buồn nôn, nôn mửa, dị ứng, nhức đầu nên không được kết hợp thuốc này với loại thuốc giảm tiết dịch phế quản hoặc thuốc chống ho;
-
Không dùng song song thuốc long đờm và thuốc ho vì điều này sẽ khiến dịch nhầy càng tiết ra nhiều hơn và khó khạc ra ngoài. Các thuốc chữa ho kết hợp nhiều thành phần như Arsiba, Atussin, Codepect hay Neo Codion,... bên cạnh tác dụng phụ của thuốc còn có thể tương tác với những loại thuốc khác khi dùng chung;
-
Thuốc tiêu đờm, long đờm chỉ nên dùng cho trẻ em trên 12 tuổi và người lớn, đồng thời không dùng loại thuốc này cho những trường hợp bị ho mạn tính;
-
Đối với trẻ em, tốt nhất chỉ nên dùng thuốc long đờm trong điều kiện điều trị nội trú tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ điều kiện hỗ trợ như vỗ rung hay hút đờm khi cần thiết để trẻ có thể dễ dàng khác đờm ra ngoài.
Cho trẻ em dùng thuốc long đờm cần có sự giám sát y tế từ bác sĩ chuyên khoa
Bên cạnh biện pháp chữa long đờm bằng thuốc, người bệnh có thể kết hợp với các phương pháp khác để cải thiện tình trạng này. Cụ thể như sau:
-
Tăng cường bổ sung đủ nước mỗi ngày giúp làm loãng đờm và dễ ho khạc đờm hơn;
-
Xông hơi: xông hơi giúp đường hô hấp được thông thoáng, phá vỡ cấu trúc đặc quánh của đờm và tạo điều kiện để chất dịch nhầy thoát được ra ngoài. Mỗi lần xông hơi chỉ nên kéo dài từ 15 - 20 phút;
-
Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh uống nước lạnh, nước đá;
-
Tránh xa khói thuốc lá;
-
Tắm bằng nước ấm.
Mong rằng những thông tin trên đây về một số loại thuốc long đờm và những lưu ý khi sử dụng chúng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các thuốc này, đồng thời biết cách dùng sao cho phù hợp. Nhìn chung trước khi điều trị bất kỳ bệnh lý nào bạn hãy tham khảo tư vấn từ bác sĩ để lựa chọn phương pháp xử trí khoa học và hiệu quả nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!