Tin tức
Tư vấn: chụp X-quang phổi có vết mờ nguy hiểm không?
- 19/07/2020 | Ho ra máu cần phải làm gì, có nên chụp CT phổi không?
- 19/07/2020 | Chụp CT phổi - giải pháp tầm soát ung thư phổi hiệu quả
- 12/10/2020 | Đột biến gen EGFR ở bệnh nhân ung thư phổi
1. Vết mờ trên X-quang phổi là gì?
X-quang là kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng quan trọng giúp tìm kiếm, đánh giá các bệnh lý ở phổi. Như vậy, khi bạn có triệu chứng mắc bệnh lý phổi, chụp X-quang có thể được chỉ định như: khó thở, đau tức ngực, thở gấp,…
Vết mờ ở phổi khi chụp X-quang cho thấy tổn thương hoặc khối u trong phổi
Vết mờ ở phổi là kết quả thường gặp khi chụp X-quang, đây thường là những tổn thương do bệnh lý cụ thể. Nốt mờ phổi thường có kích thước từ 1 - 10mm, có thể nhỏ lẻ hoặc kết thành đám kích thước 1 - 3cm hoặc đám kích thước 3 - 10cm.
Phổi có vết mờ là do những tổn thương bất thường, có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau:
Lao phổi: người bị lao phổi khi chụp X-quang thường thấy các đám mờ không thuần nhất và thường ở đỉnh phổi.
Tràn dịch màng phổi: chấn thương vùng sườn phổi hoặc ung thư gây tràn dịch màng phổi.
Viêm phổi do phế cầu khuẩn: Vết mờ có đặc trưng tổn thương là dạng thuần nhất, nằm ở nửa dưới hai phổi,…
U lành tính: U lành tính thể hiện với các khối mờ tròn, ranh giới rõ ràng hoặc không trên ảnh chụp X-quang. Trường hợp này khá hiếm gặp.
Ung thư phổi: Đây là bệnh lý khiến nhiều người lo lắng nhất, đám mờ trên ảnh chụp X-quang chính là khối u phổi.
Vết mờ ác tính ở phổi có thể do ung thư
Dựa trên kết quả chụp X-quang phổi, thăm khám lâm sàng và các kết quả chẩn đoán cận lâm sàng khác, bác sĩ có thể kết luận được vết mờ phổi do nguyên nhân gì. Thông thường, ung thư phổi sẽ gây ra các triệu chứng bất thường như: ho ra máu, ho kéo dài, xẹp phổi, khó thở, đau tức ngực, Tràn dịch màng phổi, viêm phổi tái phát,…
Thực tế ảnh chụp X-quang phổi có vết mờ không thể khẳng định do ung thư hay không, vì thế bệnh nhân được chỉ định thêm các phương pháp khác như: Chụp CT Scan ngực, chụp MRI, PET, nội soi phế quản và sinh thiết mô phổi bất thường.
Trong đó, kết quả sinh thiết mô phổi là tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác bạn có mắc ung thư phổi hay không. Sau khi lấy được mẫu mô phổi, các bác sĩ sẽ kiểm tra và tìm kiếm tế bào ung thư. Nhìn chung sinh thiết phổi không nhất thiết được chỉ định cho bệnh nhân chụp X-quang phổi có vết mờ, chỉ thực hiện khi bệnh nhân có nguy cơ cao.
2. Đặc điểm các loại vết mờ phổi khi chụp X-quang
Dựa trên đặc trưng hình thái của vết mờ phổi trên ảnh chụp X-quang, bác sĩ có thể đánh giá phần nào nguyên nhân và nguy cơ mắc bệnh.
2.1. Đặc trưng vết phổi mờ lành tính
Là các vết phổi mờ có bờ đều, đường kính nhỏ hơn 3cm, trong thời gian dài không phát triển kích thước. Ngoài ra, vết phổi mờ có thể có vôi hóa ở trung tâm khiến nó có hình dạng xếp tầng như bông hoa.
Vết phổi mờ lành tính không nguy hiểm song người bệnh vẫn cần theo dõi định kỳ, kiểm tra vết mờ có tiến triển hay xuất hiện thêm không.
2.2. Đặc trưng vết phổi mờ ác tính
Vết phổi mờ ác tính do ung thư thường có đặc điểm sau: bờ không đều, đường kính trên 3cm, có thể có vôi hóa, đặc biệt trong khoảng thời gian ngắn (1 tháng hoặc dài hơn), vết mờ tăng nhanh về kích thước cũng như số lượng.
Vết phổi mờ X-quang ác tính cần được kiểm tra bằng các xét nghiệm chẩn đoán, đặc biệt là sinh thiết để đánh giá đúng tính chất.
Vết phổi mờ thành từng cụm thường do viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn
2.3. Vết phổi mờ do xơ phổi
Xơ phổi thường gây các vết mờ dạng lưới và dạng chấm, có nguy cơ ung thư chiếm khoảng 6% các trường hợp. Nếu ảnh chụp X-quang thấy các vết mờ nhiều, tạo thành ổ thì nguy cơ cao do viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn lao.
3. Điều trị khi chụp X-quang phổi có vết mờ
Trước hết, bác sĩ sẽ kết luận nguyên nhân dẫn đến kết quả chụp X-quang phổi có vết mờ, kết luận về đặc điểm và nguy cơ gây ung thư, từ đó chỉ định điều trị phù hợp.
3.1. Điều trị nốt mờ phổi không do ung thư
Nếu nốt mờ phổi là lành tính, bạn cần điều trị bệnh lý gây ra tình trạng này, đồng thời kiểm tra thường xuyên để xem xét sự phát triển của chúng. Nốt mờ phổi lành tính hoàn toàn có thể tiến triển thành ác tính như ung thư.
Nếu nốt mờ phổi do bệnh lý hoặc tổn thương, các phương pháp điều trị sẽ được chỉ định. Đặc biệt trường hợp do nhiễm trùng phổi tiến triển thì cần điều trị phục hồi và loại bỏ nguyên nhân để kiểm soát tốt nhất nốt phổi.
Nốt mờ ở phổi lành tính vẫn cần theo dõi kiểm tra định kì
Nhìn chung nếu nốt mờ phổi không thay đổi sau khoảng 2 năm thì nguy cơ ung thư rất thấp, việc tiếp tục chẩn đoán hình ảnh có thể không cần thiết.
3.2. Điều trị nốt mờ phổi do ung thư
Nếu nốt mờ phổi trên ảnh chụp X-quang được kết luận là khối u ung thư ác tính, có thể là ung thư phổi nguyên phát, ung thư hạch hoặc ung thư từ cơ quan khác di căn, cần điều trị sớm và tích cực. Việc lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh. Chụp X-quang có thể vẫn được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi bệnh.
Với nốt ung thư phổi nhỏ, có thể sử dụng phẫu thuật cắt bỏ một phần mô phổi, kết hợp điều trị bổ sung bằng hóa trị, xạ trị hoặc phương pháp khác.
Ung thư phổi cần sớm điều trị phòng ngừa biến chứng nặng
Như vậy, chụp X-quang phổi có vết mờ có thể do ung thư hoặc các bệnh lý, tổn thương khác ở phổi. Vì thế bệnh nhân không nên quá lo lắng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện xét nghiệm bổ sung nếu cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Nếu cần tư vấn thêm với các Chuyên gia, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, hãy liên hệ qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!