Tin tức
Tuổi thọ của người cắt túi mật và lời khuyên từ bác sĩ điều trị
- 01/12/2023 | Bệnh polyp túi mật: Đối tượng nguy cơ và cách điều trị
- 01/09/2023 | Sỏi bùn túi mật có chữa được không? Có nguy hiểm không?
- 28/10/2024 | Sỏi túi mật biến chứng kẹt cổ túi mật, nữ bệnh nhân được phẫu thuật cắt túi mật thành công t...
- 18/02/2025 | Những cách trị sỏi túi mật tại nhà có hiệu quả và đảm bảo an toàn hay không?
1. Túi mật có chức năng gì?
Túi mật là nơi chứa dịch mật do gan tổng hợp và bài tiết ra. Khi chúng ta ăn các loại thực phẩm, gan sẽ bài tiết ra lượng dịch mật nhiều hơn và túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật vào ống mật chủ, tiếp đó, đổ vào tá tràng và xuống ruột non.
Túi mật còn giống như một chiếc van điều phối dẫn mật vào tá tràng rồi xuống ruột non giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn cũng như hấp thu các loại vitamin tan trong dầu một cách tốt nhất.
2. Những ai cần cắt túi mật?
Không phải tất cả người bệnh đều phải cắt túi mật. Phương pháp điều trị này thường được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Sỏi túi mật: Những trường hợp bị sỏi túi mật thường không có biểu hiện rõ ràng, vì thế thường được phát hiện khi bệnh đã tiến triển. Trong những trường hợp, sỏi túi mật gây tắc, viêm túi mật, thậm chí gây nhiễm trùng đường mật, người bệnh cần được phẫu thuật cắt túi mật sớm.
Người bệnh bị đau quặn bụng do sỏi túi mật
- Polyp túi mật: Đây cũng là một trong những lý do khiến bác sĩ đưa ra chỉ định cắt túi mật, nhất là những trường hợp có khối polyp túi mật lớn hơn 10mm và người bệnh hay có cảm giác đau quặn bụng. Những trường hợp có cả sỏi mật và polyp túi mật, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt túi mật sớm.
- Ung thư túi mật: Với những bệnh nhân bị ung thư túi mật, bác sĩ có thể chỉ định điều trị phẫu thuật loại bỏ túi mật và những mô xung quanh hay những hạch lân cận.
3. Tuổi thọ của người cắt túi mật
Người đã cắt túi mật sẽ sống được bao lâu hay tuổi thọ của người cắt túi mật là vấn đề được rất nhiều người bệnh quan tâm. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào cho thấy tuổi thọ của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng sau khi phẫu thuật cắt túi mật.
Trên thực tế, vẫn có nhiều người có thể sống khỏe mạnh sau khi thực hiện cắt bỏ túi mật. Do đó, bệnh nhân không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên quá chủ quan vì cơ thể vẫn gặp phải những khó khăn nhất định sau khi cắt túi mật.
Không ai mong muốn việc phải cắt bỏ túi mật nhưng điều này vẫn được chỉ định thực hiện trong những trường hợp thật sự cần thiết để phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng hơn. Lời khuyên cho người bệnh là cần duy trì áp dụng các biện pháp hỗ trợ, áp dụng lối sống sinh hoạt lành mạnh để bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
4. Cơ thể sẽ ra sao sau khi cắt túi mật?
Sau khi cắt túi mật, người bệnh thường bị đau ở vùng hạ sườn phải. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất bình thường sau mổ và sau một thời gian, triệu chứng này sẽ được cải thiện rõ rệt.
Phẫu thuật cắt túi mật thường được chỉ định nếu cần thiết
Khi túi mật đã được loại bỏ ra khỏi cơ thể, gan vẫn tiếp tục sản xuất dịch mật và lượng dịch mật này sẽ được đổ thẳng đến đường tiêu hóa. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng thừa hoặc thiếu dịch mật, tăng nguy cơ rối loạn đường tiêu hóa. Sau một thời gian, khi cơ thể đã thích nghi với tình trạng này và người bệnh biết cách ăn uống khoa học hơn, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa sẽ dần biến mất và không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của người bệnh.
5. Cần lưu ý gì khi cắt túi mật?
Để tăng chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ của người cắt túi mật, người bệnh cần đặc biệt lưu ý về việc điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen sinh hoạt khoa học, đặc biệt là tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. Cụ thể như sau:
5.1. Lưu ý về chế độ ăn
Như đã nêu trên, các trường hợp bệnh nhân đã cắt túi mật thường gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi,... Do đó, người bệnh có thể cần dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ và kết hợp với thực hiện chế độ ăn lành mạnh để giúp cơ thể cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa, sớm phục hồi sau phẫu thuật và bảo vệ tốt chức năng tiêu hóa.
Dưới đây là một số lưu ý cụ thể:
- Người bệnh nên hạn chế ăn những thực phẩm có chứa nhiều chất béo, những loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ như đồ ăn chế biến sẵn hay các món chiên rán,...
- Nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất xơ.
- Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày.
- Không nên ăn quá no mà nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
- Không nên nhịn ăn hay cố ăn bù cho bữa trước.
5.2. Lưu ý một số vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày
Ngoài việc ăn uống khoa học, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày, bao gồm:
- Tránh hoạt động quá sức.
- Không nên tập thể dục với cường độ cao để tránh làm ảnh hưởng đến vết mổ trong quá trình lành.
- Khi vết mổ đã lành thì có thể luyện tập điều độ để giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
5.3. Tuân thủ lịch tái khám
Bệnh nhân đã được cắt túi mật, cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Thông thường, bệnh nhân cần tái khám trong vòng 6 – 12 tháng sau phẫu thuật. Nếu có bất cứ vấn đề bất thường nào, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn và xử trí đúng cách, kịp thời.
Bệnh nhân nên tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ
Trên đây là những thông tin về tuổi thọ của người cắt túi mật và những lưu ý để cải thiện chất lượng sống cũng như kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật nội soi cắt túi mật có thể mang lại hiệu quả cao, do đó, người bệnh không cần lo lắng quá.
Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu khám sức khỏe với các bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách vui lòng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
