Tin tức

Bệnh polyp túi mật: Đối tượng nguy cơ và cách điều trị

Ngày 10/01/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Polyp túi mật là bệnh lý không hiếm gặp, tuy nhiên không phải ai cũng biết nguyên nhân gây bệnh cũng như các triệu chứng thường gặp. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên chủ động tìm hiểu những thông tin cơ bản liên quan tới căn bệnh này và đi thăm khám ngay khi có dấu hiệu để được điều trị theo phác đồ phù hợp.

1. Bệnh polyp túi mật là gì?

Bệnh polyp túi mật xảy ra khi mô phát triển bất thường và có xu hướng nhô khỏi niêm mạc túi mật. Tình trạng này còn được biết đến với tên gọi khác là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, người thuộc bất cứ độ tuổi và giới tính nào cũng có thể mắc bệnh. Thông thường, u nhú sẽ được phát hiện khi bệnh nhân đi siêu âm ổ bụng. Một số trường hợp phát hiện u nhú trong quá trình điều trị sỏi mật.

U nhú niêm mạc tuyến túi mật được chia thành hai dạng, đó là lành tính và ác tính, trong đó khoảng 95% bệnh nhân có khối u lành tính, hầu như không gây biến chứng nguy hiểm. Khoảng 5% bệnh nhân được chẩn đoán có polyp túi mật ác tính và có thể đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng. Tốt nhất, khi phát hiện u nhú niêm mạc tuyến túi mật, chúng ta nên chủ động theo dõi, điều trị để hạn chế nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư biểu mô túi mật.

Bệnh polyp túi mật là bệnh lý thường gặp

Bệnh polyp túi mật là bệnh lý thường gặp

Tìm hiểu kỹ về polyp túi mật, chúng ta có các loại sau: polyp thể cholesterol, polyp thể viêm, thể u tuyến, hoặc thể phì đại cơ tuyến. Trong đó, polyp thể cholesterol chiếm phần lớn, khoảng 60 - 90% tổng số bệnh nhân. Số lượng khối u phát triển trong cơ thể khá lớn, tuy nhiên kích thước nhỏ, dưới 10mm và hầu như không phát triển thành u nhú ác tính.

Khoảng 10% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán có polyp thể viêm, kích thước cũng tương đối nhỏ, dưới 10mm và ít khi phát triển thành khối u ác tính. Polyp thể viêm xuất hiện do tình trạng viêm mạn tính xảy ra ở mô hạt, mô xơ thứ phát.

Nếu phát hiện có polyp thể u tuyến hoặc thể phì đại cơ tuyến, người bệnh nên thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh bởi vì đây là một dạng tổn thương tiền ung thư.

2. Đối tượng nguy cơ

Polyp có nguy cơ hình thành trong cơ thể khi quá trình phân hủy chất béo diễn ra không suôn sẻ. Trong đó, phần lớn bệnh nhân có polyp túi mật là người ngoài 50 tuổi, những người có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường hoặc sỏi mật.

Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng nêu trên, hãy chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe, đồng thời phát hiện và điều trị sớm u nhú niêm mạc tuyến túi mật (nếu có).

3. Các dấu hiệu cảnh báo bạn đang có polyp túi mật

Trên thực tế, căn bệnh này không có triệu chứng đặc trưng, thậm chí nhiều bệnh nhân không gặp phải bất cứ triệu chứng nào. Một số dấu hiệu người bệnh có thể gặp phải là: đau khu vực hạ vị, thường xuyên cảm thấy buồn nôn, khó chịu,… Ngoài ra, bệnh nhân có thể cảm thấy khó tiêu, xuất hiện tình trạng vàng da.

Bệnh nhân có thể trải qua cơn đau hạ vị

Bệnh nhân có thể trải qua cơn đau hạ vị

Thông thường, u nhú niêm mạc tuyến túi mật được phát hiện khi bệnh nhân đi kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ chỉ định đi siêu âm, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp,… Lời khuyên đó là chúng ta nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm polyp túi mật và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Yếu tố nào giúp xác định polyp túi mật lành tính và ác tính?

Như đã phân tích, đa phần bệnh nhân có u nhú niêm mạc tuyến túi mật thể lành tính, tuy nhiên vẫn có trường hợp hình thành u nhú thể ác tính. Vậy dựa vào yếu tố nào để xác định polyp lành tính hay ác tính?

Bác sĩ thường quan tâm tới kích thước polyp, đây là yếu tố quan trọng giúp xác định thể lành tính và ác tính. Nếu polyp có kích thước từ 1.5cm trở lên, không có cuống thì khả năng đây là u nhú ác tính. Những bạn có polyp kích thước nhỏ dưới 1cm vẫn nên theo dõi định kỳ ừ 1 - 2 lần/ năm để kiểm tra nguy cơ phát triển thành khối u ác tính.

Polyp túi mật có thể phát triển thành ung thư

Polyp túi mật có thể phát triển thành ung thư

Để xác định polyp túi mật lành tính hay ác tính, bác sĩ không chỉ dựa vào kích thước mà còn quan tâm tới các yếu tố như: số lượng polyp, hình dạng, tiền sử mắc bệnh sỏi mật hoặc viêm đường mật xơ cứng nguyên phát,… Trong trường hợp polyp không có cuống và phát triển đơn độc, bác sĩ sẽ quan tâm theo dõi đặc biệt. Đây là những đặc điểm cảnh báo polyp thể ác tính, có nguy cơ gây bệnh ung thư.

5. Điều trị polyp túi mật như thế nào?

Phẫu thuật cắt bỏ polyp là phương pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay, tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng phải phẫu thuật. Bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ polyp túi mật khi chúng có những đặc điểm bất thường, ví dụ như:

  • Đường kính polyp từ 10mm trở lên.
  • Polyp phát triển không có cuống hoặc cuống dài bất thường.
  • Polyp phát triển với tốc độ nhanh.
  • Người bệnh trên 50 tuổi và có tiền sử mắc bệnh sỏi mật.

Polyp lớn sẽ được chỉ định cắt bỏ

Polyp lớn sẽ được chỉ định cắt bỏ

Vậy có những phương pháp phẫu thuật cắt bỏ polyp nào? Hai phương pháp thường dùng hiện nay là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ nghiên cứu và lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh ung thư được chỉ định phẫu thuật mở để loại bỏ hoàn toàn mô, hạch bạch huyết tổn thương ngoài túi mật. Nhược điểm của phương pháp này là: xâm lấn sâu, kỹ thuật thực hiện phức tạp. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ mất ít nhất 6 - 8 tuần để phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật.

Phẫu thuật là phương pháp duy nhất có thể điều trị polyp túi mật

Phẫu thuật là phương pháp duy nhất có thể điều trị polyp túi mật

Những trường hợp còn lại có thể tham khảo và sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi. Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn và hỗ trợ bác sĩ quan sát, thao tác chính xác. Đặc biệt, phẫu thuật nội soi ít gây ra biến chứng hậu phẫu, bệnh nhân chỉ mất từ 2 - 3 tuần để bình phục.

Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh polyp túi mật. Mặc dù, khối u nhú này có tỷ lệ gây nguy hiểm thấp nhưng chúng ta vẫn nên chủ động theo dõi và đi thăm khám ngay khi cảm thấy có dấu hiệu nghi ngờ. Một địa chỉ bạn có thể lựa chọn là chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ chi tiết. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.