Tin tức
Trước khi tiêm vắc xin cần làm gì và lời khuyên từ bác sĩ tiêm chủng
- 15/03/2022 | Nên tiêm vắc xin cho học sinh loại nào và cần lưu ý gì?
- 28/10/2021 | Nên xét nghiệm kiểm tra sức khỏe sau tiêm vắc xin ở đâu?
- 25/01/2022 | Có nên tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi không?
- 24/02/2022 | Cha mẹ cần chú ý những gì khi cho con tiêm vắc xin sởi?
- 19/05/2023 | Tiêm vắc xin 5 trong 1 cho con và một số lưu ý ba mẹ cần biết
1. Những thông tin quan trọng bác sĩ cần được cung cấp trước khi tiêm chủng
Mỗi người chúng ta trước khi thực hiện tiêm chủng vắc xin thì đều sẽ có hoạt động khám sức khỏe sàng lọc. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì sẽ quyết định xem một người có đủ điều kiện sức khỏe để tiến hành tiêm chủng hay không.
Vì vậy khi khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin, bản thân người được tiêm chủng hoặc người nhà cần phải cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến tình trạng bệnh lý, tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ đã từng gặp phải trước đây và phối hợp với bác sĩ để có kết quả thăm khám chuẩn xác nhất.
Với đối tượng cần được tiêm chủng là trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần thông báo những thông tin như sau với bác sĩ phụ trách tiêm chủng cho bé:
● Cân nặng của trẻ là bao nhiêu (yêu cầu trẻ phải đủ 2,5kg trở lên);
● Trẻ có đang bị ốm sốt hoặc mắc bệnh lý gì hay không? Đặc biệt là những trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh hoặc các bệnh trẻ cần nhập viện điều trị lâu dài từ khi sinh đến bây giờ;
● Trẻ có bú, ăn uống, chơi, ngủ bình thường hay không;
● Trước đây trẻ có từng bị dị ứng với thức ăn hay loại thuốc nào không;
● Trẻ có đang sử dụng thuốc hay bất kỳ biện pháp điều trị y tế nào không;
● Những lần tiêm trước trẻ có dị ứng với vắc xin nào hoặc có gặp bất kỳ biến chứng nào không.
Đối với trường hợp người lớn đi tiêm chủng cũng cần phải thông tin đầy đủ cho bác sĩ về những vấn đề sức khỏe mà mình đã và đang mắc, các phương pháp điều trị hay các loại thuốc đang sử dụng, các loại vắc xin mới tiêm gần đây (trong khoảng thời gian 4 tuần), những phản ứng dị ứng đã từng gặp phải với vắc xin ở các lần tiêm trước đó, bị dị ứng thức ăn hay loại thuốc nào khác,...
Còn nếu đối tượng tiêm chủng là phụ nữ thì cần phải thông tin cho bác sĩ rằng bản thân có đang mang thai hay không hoặc trong kế hoạch thai kỳ trong thời gian tới là bao giờ.
Bệnh nhân cần cung cấp các thông tin cần thiết cho bác sĩ trước khi tiêm chủng
Quy trình khám sàng lọc trước tiêm vắc xin ở các bệnh viện, cơ sở y tế và trung tâm tiêm chủng đều phải được tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Y tế (dựa trên Quyết định số 2470/QĐ-BYT ban hành ngày 14/6/2019), giúp kết luận khái quát tình trạng sức khỏe với các bước như sau:
● Đánh giá tri giác;
● Nghe tim phổi;
● Đo thân nhiệt;
● Quan sát nhịp thở;
● Kiểm tra cân nặng (đối với trẻ sơ sinh);
● Đánh giá những yếu tố liên quan khác.
2. Trước khi tiêm vắc xin cần làm gì?
2.1. Nếu đối tượng tiêm chủng là trẻ nhỏ
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng thì các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều như sau:
● Cung cấp các thông tin cần thiết về thể trạng của bé cho bác sĩ tiêm chủng;
● Trong trường hợp trẻ chưa đạt cân nặng tối thiểu hoặc cơ thể đang có những dấu hiệu bất thường cảnh báo nguy cơ bệnh lý thì tốt nhất hãy trì hoãn lịch tiêm chủng cho tới khi trẻ hết sốt, khỏi bệnh và đủ cân nặng;
● Nếu ở những lần tiêm trước trẻ có những phản ứng nghiêm trọng thì những mũi tiêm sau (nếu có) cũng không nên tiếp tục tiêm;
● Cha mẹ nên mang đủ các giấy tờ cần thiết như sổ/phiếu tiêm chủng, thông báo về các loại thuốc mà trẻ đang dùng, tình trạng sức khỏe để bác sĩ cân nhắc, tư vấn lịch tiêm chủng phù hợp cho bé, tránh tình trạng nhầm lẫn hay bỏ sót các mũi tiêm;
● Sau khi khám sàng lọc cho trẻ, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả thăm khám, lịch sử tiêm chủng để quyết định cho trẻ tiêm mũi theo đúng lịch ngày hôm đó, đồng thời lên lịch tiêm cho mũi tiếp theo.
Nhìn chung các bậc cha mẹ nên tuân thủ lịch tiêm chủng cho trẻ theo đúng độ tuổi do Bộ y tế khuyến cáo. Việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin sẽ giúp trẻ có một hệ miễn dịch vững chắc hơn, tránh tình trạng trẻ bị mắc bệnh trước khi kịp tiêm vắc xin phòng ngừa.
2.2. Đối với người lớn trước khi tiêm vắc xin cần làm gì?
Người lớn trước khi tiêm chủng cũng cần phải được sàng lọc sức khỏe, cung cấp các thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe hiện tại, phản ứng của cơ thể khi tiêm các mũi vắc xin trước đó và những liệu pháp đang được dùng để điều trị, các loại vắc xin gần đây đã tiêm.
Ngoài ra trước khi tiêm vắc xin bạn nên ngủ đủ giấc, không nên quá lo lắng vì sẽ khiến tâm trạng hồi hộp, căng thẳng khiến huyết áp và nhịp tim tăng cao không thể tiêm vắc xin. Bên cạnh đó cần tránh uống rượu bia, đồ chứa caffein, đồ có cồn, chất kích thích vì những chất có trong các sản phẩm này đều không tốt cho sức khỏe và có thể làm ảnh hưởng tới hiệu quả của vắc xin.
Ngoài ra, phụ nữ cần cung cấp thông tin bản thân có đang mang thai hay không
3. Những điều cần lưu ý sau tiêm chủng
Sau khi tiêm chủng cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần phải ở lại địa điểm tiêm chủng trong vòng 30 phút để theo dõi các phản ứng của vắc xin. Nếu phát hiện cơ thể có những triệu chứng bất thường như thở ngắt quãng, thở nhanh, nôn trớ, da mẩn đỏ, thở khò khè,... thì cần thông báo ngay với nhân viên y tế. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ thì sau khi tiêm trẻ cần phải được tiếp tục theo dõi trong vòng 24 - 48 giờ tiếp theo, bao gồm theo dõi nhịp thở, thân nhiệt, tri giác, khả năng ăn uống, ngủ, chơi đùa, quan sát vùng da chỗ vết tiêm và da toàn thân xem có bị phát ban, sưng đau hay nổi mẩn đỏ hay không.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh hãy chú ý đến các cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng:
● Nên để trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát;
● Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày;
● Có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt không kê đơn phù hợp với cân nặng của bé (ibuprofen, paracetamol) nếu trẻ bị sốt trên 38 độ C, quấy khóc nhiều;
● Không được chườm nóng, xoa dầu, bôi cao, hoặc đắp bất kỳ loại thuốc nào lên vết tiêm của trẻ, có thể chườm lạnh nếu vết tiêm bị sưng đau. Nếu cha mẹ chườm đắp linh tinh có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng vết tiêm;
● Không sử dụng aspirin hoặc dùng kết hợp nhiều loại thuốc giảm đau, hạ sốt cùng một lúc vì có thể gây ngộ độc paracetamol. Tốt nhất cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào cho trẻ.
Cha mẹ cần có biện pháp chăm sóc trẻ sau tiêm chủng
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã có cho mình những kinh nghiệm trước khi tiêm vắc xin cần làm gì. Việc chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ những điều cần thiết sẽ giúp buổi tiêm chủng diễn ra nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.
Nếu bạn cần được hỗ trợ chi tiết hơn về các thông tin liên quan đến dịch vụ tiêm chủng thì có thể đăng ký lịch tiêm tại Hệ thống Y tế MEDLATEC. MEDLATEC đảm bảo cung cấp đủ các dịch vụ về tiêm chủng, tư vấn và hướng dẫn chi tiết cho người được tiêm về các bệnh truyền nhiễm, phương pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh.
MEDLATEC luôn tuân thủ quy định của Bộ Y tế về quy trình bảo quản vắc xin, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của các loại thuốc nhập khẩu và trang bị cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho hoạt động thăm khám và tiêm chủng.
Để được hỗ trợ, bạn có thể liên hệ ngay với MEDLATEC qua tổng đài: 1900565656.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!