Tin tức
Vancomycin là thuốc gì? Cách dùng và lưu ý khi sử dụng
- 28/11/2024 | Khi dùng thuốc nhỏ tai cho trẻ nhỏ, ba mẹ cần lưu ý điều gì?
- 28/11/2024 | Có nên dùng cây thuốc chữa bệnh rối loạn thần kinh thực vật không?
- 29/11/2024 | Thuốc viêm mũi dị ứng Telfast: Giải pháp hiệu quả cho người bị dị ứng theo mùa
- 29/11/2024 | Thuốc Nemydexan nhỏ mũi: Cách dùng và một số vấn đề cần thận trọng
- 30/11/2024 | Medoral súc họng là thuốc gì và những lưu ý khi dùng
1. Vancomycin là thuốc gì?
Vancomycin là một loại thuốc thuộc nhóm kháng sinh Glycopeptid nhân 3 vòng phổ hẹp. Dạng điều chế và hàm lượng của Vancomycin tương đối đa dạng. Bao gồm:
- Dạng viên nang: Hàm lượng 125mg hoặc 250mg.
- Dạng bột tinh khiết đông khô pha tiêm: Hàm lượng 500mg, 750mg hoặc 1000mg.
- Dạng dung dịch đẳng trương pha trong Glucose 5% truyền tĩnh mạch: Hàm lượng 500mg/100ml, 750mg/100ml hoặc 1000mg/200ml (bảo quản đông lạnh).
Thuốc kháng sinh Vancomycin
Vancomycin có thể gây nhiều phản ứng phụ khi dùng. Vì thế, loại kháng sinh này hiện chỉ được sử dụng trong bệnh viện, chỉ định cho trường hợp đặc biệt.
2. Tác dụng chính của thuốc Vancomycin
Vancomycin có tác dụng diệt khuẩn với hầu hết các vi khuẩn Gram dương ưa khí và kỵ khí, bao gồm: Tụ cầu, đặc biệt là Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis (kể cả các chủng kháng methicillin), Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes và một số chủng Streptococci nhóm B. Tùy tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách dùng và liều dùng cụ thể.
3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng Vancomycin
3.1. Chỉ định
Thuốc kháng sinh Vancomycin được bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp như:
- Người bị nhiễm khuẩn nặng gây ra bởi tụ cầu, vi khuẩn gram (+) không đáp ứng điều trị với những loại kháng sinh thông thường.
- Người bị nhiễm khuẩn do tác nhân tụ cầu kháng Methicillin (MRSA) trong các trường hợp bị áp xe não, viêm màng não hoặc viêm phúc mạc khi thẩm phân màng bụng, nhiễm khuẩn máu.
- Sử dụng độc lập hoặc phối hợp cùng một số loại kháng sinh khác trong điều trị, phòng ngừa tình trạng viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn khi thực hiện phẫu thuật, suy giảm hệ miễn dịch.
- Vancomycin dùng đường uống được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng do Clostridium difficile.
- Phối hợp cùng các loại thuốc khác như Gentamicin, Aminoglycosid khác, hoặc với Rifampicin trong điều trị bệnh than nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hoá.
Người bị nhiễm khuẩn nặng do gram (+) được chỉ định sử dụng Vancomycin
3.2. Chống chỉ định
Vancomycin là một loại kháng sinh có thể gây ra một số phản ứng phụ, dị ứng cho người dùng. Những trường hợp chống chỉ định của loại thuốc này bao gồm người bị dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong thuốc Vancomycin. Ngoài ra, Vancomycin sẽ không được dùng theo đường tiêm bắp để phòng tránh nguy cơ hoại tử tại khu vực tiêm.
4. Cách dùng và liều dùng Vancomycin
4.1. Cách dùng
Tùy theo dạng điều chế, Vancomycin có thể được dùng theo cách thức khác nhau. Cụ thể:
- Dùng theo đường tiêm.
- Dùng theo đường truyền tĩnh mạch.
- Dùng theo đường uống, với dạng điều chế viên nang.
Với dạng viên nang, bệnh nhân sẽ dùng theo đường uống
Cách thức sử dụng cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng bệnh lý, thể trạng sức khỏe thực tế của mỗi người bệnh.
4.2. Liều dùng
4.2.1. Liều dùng áp dụng cho người trưởng thành
Người trưởng thành, chức năng gan thận bình thường có thể dùng 500mg/lần (cách 6 tiếng dùng 1 lần) hoặc 1g/lần (cách 12 tiếng dùng 1 lần). Nếu dựa theo cân nặng, liều dùng Vancomycin tương đương khoảng 15mg/kg. Người bị viêm nội mạc do tác nhân tụ cầu cần dùng thuốc tối thiểu 3 tuần.
Vancomycin có thể dùng theo đường uống hoặc đường tiêm tùy tình trạng bệnh lý, khả năng hấp thụ theo từng dạng. Trong đó:
- Vancomycin dùng theo đường uống: Áp dụng cho người bị viêm ruột do tụ cầu, viêm đại tràng do lạm dụng kháng sinh, viêm đại tràng do bị tấn công của Clostridium Difficile. Liều lượng dùng mỗi ngày vào khoảng 0.5 đến 2g, chia thành 3 đến 4 lần dùng, thời gian dùng thuốc kéo dài trong 7 đến 10 ngày.
- Dùng theo đường tiêm: Áp dụng trong trường hợp người bệnh bị viêm màng não hoặc bị nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương.
Trong nhiều trường hợp, Vancomycin thường được pha thêm vào dung dịch thẩm phân trong điều trị cho người bị viêm phúc mạc do tác động của hoạt động thẩm phân màng bụng lưu động thường xuyên.
4.2.2. Liều dùng áp dụng cho trẻ nhỏ
- Trẻ sơ sinh: Có thể dùng theo dạng tiêm với liều lượng trong lần dùng đầu tiên tương đương 15mg/kg, trong lần tiếp theo là 10mg/kg, 2 lần dùng liên tiếp cách nhau tối thiểu 12 giờ với trẻ chưa được 1 tuần tuổi. Còn với trẻ trên 1 tuần tuổi cho đến 1 tháng tuổi, liều dùng tiếp theo có thể vào khoảng 10mg, 2 lần dùng liên tiếp cách nhau 8 tiếng.
- Trẻ trên 1 tháng tuổi: Dùng theo đường tiêm với liều lượng 10 mg/kg, 2 lần dùng liên tiếp cách nhau 6 tiếng. Liều dùng tối đa trong ngày không quá 2g.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể dùng Vancomycin theo đường uống, liều lượng vào khoảng 40mg/kg/ngày, tối đa không quá 2 g/ngày. Mỗi ngày uống 3 đến 4 lần.
Lưu ý:
- Liều lượng sử dụng kháng sinh Vancomycin giới thiệu trong bài viết này không thay thế cho tư vấn của chuyên gia y tế hay bác sĩ chuyên môn.
- Trong mọi trường hợp, bạn không nên tự ý sử dụng Vancomycin theo bất kỳ hình thức nào nếu chưa được bác sĩ kê đơn.
5. Tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc Vancomycin
Tương tự như nhiều loại thuốc khác, Vancomycin vẫn gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng. Trong đó, những tác dụng phụ thường gặp nhất phải kể đến là:
- Tụt huyết áp, mặt hoặc một vài vùng khác trên cơ thể nóng đỏ do sự giải phóng Histamin sau khi truyền thuốc.
- Vùng da mặt, cổ, ngực, tay, chân nổi đỏ hoặc phát ban. Tuy nhiên sau khi ngừng truyền thuốc, triệu chứng này sẽ mất dần.
- Cơ thể ớn lạnh hoặc nên cơn sốt.
- Viêm tĩnh mạch.
- Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng bạch cầu ưa Eosin giảm, bạch cầu trung tính giảm.
Cơ thể ớn lạnh là một trong số những tác dụng phụ hay xuất hiện ở người dùng Vancomycin
Trong một số trường hợp, người dùng thuốc sẽ gặp phải tác dụng phụ hiếm gặp hơn, thuộc hệ thống triệu chứng DRESS (phản ứng dị ứng nặng). Thậm chí, người bệnh còn có nguy cơ bị suy thận, thính giác suy giảm, viêm mạch, viêm đại tràng giả mạc,...
6. Những lưu ý khi sử dụng Vancomycin
Vancomycin là một loại kháng sinh chủ yếu dùng cho bệnh nhân đang điều trị trong viện. Để hạn chế tối đa phản ứng phụ không mong muốn, người dùng thuốc ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau:
- Vancomycin dễ tương tác với một số loại thuốc gây mê, Amphotericin B, Aminoglycosid, Dexamethason,... gia tăng tác dụng phụ. Vì thế, bệnh nhân cần thông báo đầy đủ các loại thuốc đang dùng cho bác sĩ nắm rõ trước khi được kê đơn sử dụng Vancomycin.
- Tuyệt đối không tự ý dùng Vancomycin tại nhà.
- Trường hợp dùng thuốc theo đường uống nhưng quên liều, bạn có thể bù đắp liều vừa quên nếu kịp thời nhớ ra. Trường hợp sắp đến lúc phải uống liều tiếp theo, bạn không cần phải bổ sung liều Vancomycin vừa quên.
- Không uống gộp 2 liều Vancomycin cùng lúc, tránh rủi ro không mong muốn.
- Chú ý theo dõi sự thay đổi của cơ thể, thông báo kịp thời cho bác sĩ để được xử lý.
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cẩn thận trọng khi sử dụng kháng sinh Vancomycin.
Thuốc kháng sinh Vancomycin dễ tương tác với nhiều loại thuốc khác
MEDLATEC hy vọng thông qua chia sẻ chi tiết trên đây, bạn sẽ hiểu hơn về tác dụng cũng như lưu ý khi dùng thuốc Vancomycin. Trong mọi trường hợp, không nên tự ý dùng những loại kháng sinh như Vancomycin nếu chưa thăm khám, tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên môn. Nếu gặp vấn đề nào đó về sức khỏe, bạn hãy tìm đến Hệ thống Y tế MEDLATEC với bề dày kinh nghiệm gần 30 năm để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn điều trị kịp thời. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng gọi vào số 1900 56 56 56 của MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!