Tin tức
Viêm họng ở trẻ em: triệu chứng và hướng xử trí
- 09/07/2024 | Có cần dùng thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng không? Cách dùng thế nào?
- 01/05/2024 | Viêm họng hạt ở trẻ em: mọi vấn đề cha mẹ nên biết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ
- 01/01/2024 | Viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ nhận biết thế nào? Điều trị ra sao?
1. Viêm họng ở trẻ em - nguyên nhân và triệu chứng
1.1. Viêm họng ở trẻ em là gì?
Viêm là phản ứng sinh lý của cơ thể để bảo vệ trước sự xâm nhập của tác nhân gây hại nhưng viêm với mức độ nghiêm trọng sẽ làm hại đến các hệ cơ quan. Viêm họng cũng như vậy, là hiện tượng xảy ra khi họng chịu sự tấn công của các tác nhân gây hại như: virus, vi khuẩn, chấn thương, dị vật, hóa chất độc hại,... Bệnh lý này có xu hướng sưng lên, gây đau rát, đỏ,... cổ họng làm cho hoạt động hít thở và nuốt gặp khó khăn.
Viêm họng ở trẻ em thường gây nên bởi virus, vi khuẩn
Đối với trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện nên các tác nhân gây hại dễ dàng tấn công và gây viêm họng hơn so với người lớn. Mặt khác, trẻ nhỏ hiếu động nếu vô tình ngậm, nuốt vật lạ và vướng dị vật ở họng và đường thở cũng có thể dẫn đến viêm họng.
1.2. Nguyên nhân viêm họng ở trẻ em
Các nguyên nhân thường gặp gây viêm họng ở trẻ em là:
- Sự tấn công của virus, vi khuẩn.
- Viêm họng do kích thích: căn nguyên từ hiện tượng khô khốc ở vùng họng, ho sặc làm tổn thương và kích thích niêm mạc họng.
- Mắc dị vật ở vùng họng như: mảnh đồ chơi, hạt trái cây, xương cá,...
- Nuốt phải hóa chất có hại.
- Rối loạn hệ miễn dịch do mắc bệnh hệ thống (hiếm gặp).
- Bệnh lý ở cơ quan khác: viêm tai giữa, áp xe nướu răng,...
- Tâm lý: một số trẻ bị căng thẳng, lo lắng, giận dữ,... thường hay nuốt hoặc bị khó nuốt cũng là yếu tố gây viêm họng.
1.3. Triệu chứng viêm họng ở trẻ em
Viêm họng ở trẻ em thường gây nên các triệu chứng:
- Ho kèm ngứa, đau rát họng, có đờm hoặc không.
- Soi cổ họng thấy sưng đỏ.
- Khởi phát thường ít ho nhưng sau 2 - 3 ngày sẽ ho ngày càng nhiều, thường ho vào đêm và buổi gần sáng.
- Ngạt mũi, chảy nước mũi loãng và trong.
- Sốt cao, sốt kéo dài 5 - 7 ngày, sốt đột ngột.
- Nổi hạch ở cổ, bên cạnh hàm.
Một số trẻ còn có hiện tượng nôn, khàn giọng, chán ăn, quấy khóc, mệt mỏi,...
Các triệu chứng gợi ý bệnh viêm họng ở trẻ em
2. Xử trí với bệnh viêm họng ở trẻ em như thế nào?
2.1. Theo dõi tại nhà
Khi thấy trẻ có các triệu chứng viêm họng nêu trên, phụ huynh nên cho con nghỉ học ở nhà để theo dõi sức khỏe và tránh lây lan mầm bệnh cho các trẻ khác. Trẻ cần được theo dõi cẩn thận để phát hiện các triệu chứng bất thường về tiểu tiện, đại tiện, ăn uống, trạng thái vui chơi,...
Các bậc phụ huynh nên có sổ ghi chú các mốc thời gian mà trẻ gặp phải triệu chứng bất thường để có thông tin cung cấp cho bác sĩ và cho trẻ đến khám bác sĩ Tai mũi họng. Trong thời gian trẻ đang được theo dõi sức khỏe ở nhà cần cố gắng cho trẻ ở trong điều kiện môi trường sạch sẽ, thông thoáng và ấm áp.
2.2. Can thiệp y khoa
Viêm họng ở trẻ em xảy ra với trẻ dưới 3 tháng tuổi kèm theo sốt cần cho trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa thăm khám ngay để được chẩn đoán đúng và điều trị ngăn chặn nguy cơ bệnh trở nặng.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý để phát hiện các tình trạng nguy hiểm cần can thiệp y khoa như: ngủ li bì, bỏ bú, sốt từ 38 độ C trở lên, sốt dai dẳng không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt, khó mở miệng, khó nuốt, chảy nhiều nước dãi, sưng to vùng cổ, thở rít, thở khò khè, khó thở,... Đặc biệt, bất cứ triệu chứng nào kể trên không có chiều hướng cải thiện sau 48 giờ thì trẻ cần được đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay.
Trẻ bị viêm họng kèm theo các biểu hiện bất thường đường thở cần được khám bác sĩ chuyên khoa ngay
Điều trị viêm họng ở trẻ em cần căn cứ trên nguyên nhân gây nên bệnh. Không phải mọi trường hợp bị viêm họng đều cần điều trị kháng sinh. Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm họng là do phản ứng tự bảo vệ của cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân thông thường. Việc điều trị chủ yếu dùng thuốc co mạch để giảm tiết dịch mũi, thuốc hạ sốt,...
Sử dụng kháng sinh điều trị viêm họng ở trẻ em sẽ được bác sĩ chỉ định sau khi đã có sự thăm khám, kiểm tra và cân nhắc kỹ lưỡng.
2.3. Chăm sóc cho trẻ bị viêm họng
Trong thời gian mắc bệnh trẻ cần được giữ ấm, bù nước, ăn đồ mềm:
- Uống nhiều nước ấm: đây là cách để giữ ấm họng, làm dịu cơn đau do viêm họng. Trẻ có thể uống nước chanh pha mật ong, nước ép trái cây, ăn hoa quả để bổ sung vitamin cho cơ thể. Riêng đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì bú sữa mẹ hoàn toàn vừa là nguồn dinh dưỡng tốt vừa giúp cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ.
- Làm mát cổ họng: dùng khăn mát để giúp họng được xoa dịu.
- Dùng máy phun sương tạo độ ẩm: giúp duy trì độ ẩm không khí để trẻ tránh được cảm giác đau rát, khô họng, nhờ đó mà trẻ thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng loại máy này cần vệ sinh và thay nước đều đặn để không tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, lây lan ra xung quanh và khiến bệnh trở nên nghiêm trọng.
- Thuốc giảm đau: một số loại thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen có thể cải thiện tình trạng đau rát, sưng cổ họng nhưng cần được có chỉ định của bác sĩ.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý: nếu trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày cũng có thể cải thiện triệu chứng viêm họng.
- Thuốc xịt họng: có một số loại thuốc xịt họng rất tốt để hỗ trợ điều trị viêm họng ở trẻ em. Thuốc tác động trực tiếp lên vùng bị viêm, giúp cơn đau họng suy giảm nhanh chóng. Các bậc phụ huynh nên ưu tiên chọn thuốc xịt họng chứa thành phần thảo dược tự nhiên như: mật ong, bạc hà, húng chanh,... để an toàn cho sức khỏe của trẻ. Việc dùng thuốc xịt họng sẽ giảm đau rát họng, làm dịu triệu chứng khô họng, viêm họng. Tuy nhiên, đây là loại thuốc không nên tự ý dùng mà cần có sự tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa.
Những thông tin về bệnh viêm họng ở trẻ em trên đây chỉ có tính tham khảo. Nếu phát hiện trẻ bị viêm họng, cha mẹ có thể cho con khám Chuyên khoa Tai mũi họng - Hệ thống Y tế MEDLATEC để được bác sĩ chuyên khoa đầu ngành tư vấn kiểm tra cần thiết, chẩn đoán đúng bệnh và điều trị viêm họng cho trẻ hiệu quả.
Mọi thắc mắc có liên quan đến bệnh viêm họng ở trẻ em hay có nhu cầu đặt lịch khám, quý khách hàng có thể gọi tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!