Tin tức

Viêm khớp dạng thấp gây đau nhức phải làm sao để chấm dứt?

Ngày 09/11/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Viêm khớp dạng thấp chiếm tỷ lệ khá lớn trong số những bệnh liên quan tới xương khớp. Đây là hiện tượng ở người có nhiều khớp gặp tình trạng viêm, sưng, đau, cứng khiến khớp khó cử động được bình thường. Vậy viêm khớp dạng thấp gây đau nhức phải làm sao để hết? Các chuyên gia từ MEDLATEC sẽ chia sẻ một số biện pháp điều trị và cách giúp bạn giảm đau do viêm khớp gây nên qua bài viết sau.

1. Nguyên nhân hình thành bệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp thường có triệu chứng ở những khớp nhỏ như khớp ở cổ tay, bàn tay, ngón tay, khớp đầu gối, khớp vai, khớp khuỷu,... Triệu chứng viêm sưng ở các khu vực như màng hoạt dịch, đầu xương dưới sụn, sụn khớp sẽ khiến khớp trở nên đau buốt và nhức mỏi dai dẳng.

Bất cứ ai ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào cũng có nguy cơ mắc phải bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên đối tượng mắc nhiều nhất là nữ giới trong độ tuổi trung niên trở lên. Tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp mắc bệnh về xương khớp thì có khoảng 20 bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có nguyên nhân xuất phát từ hệ miễn dịch. KHi cơ thể tự sản sinh ra các kháng thể chống lại chính những lớp màng bao quanh khớp dẫn đến tình trạng viêm làm dày synovium, dần dần sẽ dẫn đến sự phá hủy sụn và ổ khớp. Ngoài ra, các thành phần quanh khớp như dây chằng, gân,... cũng có thể bị ảnh hưởng như suy yếu, biến dạng hay mất sự liên kết.

Hiện nay, nguyên nhân cụ thể gây viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được chứng minh. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng nghĩ đến nhiều yếu tố tác động hình thành viêm khớp dạng thấp như di truyền, nhiễm vi khuẩn, virus,...

2. Khi bị viêm khớp dạng thấp bệnh nhân có biểu hiện gì? 

Các biểu hiện thường gặp ở người bị viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Bệnh nhân có thể bị sốt, cân nặng giảm bất thường;

  • Mệt mỏi thường xuyên, suy nhược, thiếu máu;

  • Viêm (hoặc không viêm), đau và sưng đỏ, nóng ran vùng khớp;

Viêm khớp dạng thấp gây đau nhức phải làm sao

Viêm khớp dạng thấp có thể khiến bệnh nhân bị sốt

  • Buổi sáng khi vừa thức dậy thường bị cứng khớp. Tình trạng này có thể kéo dài hơn 1 tiếng và bắt đầu từ những khớp nhỏ ở cổ tay, ngón tay, khớp gối và bàn tay,... có thể ảnh hưởng tới nhiều vị trí cùng một lúc;

  • Cần lưu ý tới triệu chứng điển hình của viêm đa khớp dạng thấp đó là cơn đau xảy ra ở các bộ phận đối xứng. Chẳng hạn như nếu bệnh nhân bị viêm đa khớp dạng thấp bên tay phải thì bên tay trái cũng bị, tương tự như những vị trí khác cũng thế.

3. Những biến chứng nghiêm trọng ít ai biết tới của viêm khớp dạng thấp

Nếu không được phát hiện và có phương án xử lý kịp thời, đúng cách, viêm khớp dạng thấp có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, cụ thể đó là:

  • Ảnh hưởng lớn tới hệ thống cơ xương khớp: cứng khớp, dính khớp, teo cơ, loãng xương, nặng nhất là bị tàn phế. Điều này khiến tay hoặc chân bệnh nhân bị co quắp, biến dạng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày;

  • Ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể: mắt, phổi, tim, da, hệ thần kinh, thận,... gây suy giảm chất lượng cuộc sống;

Viêm khớp dạng thấp có thể khiến các khớp xương bị biến dạng

Viêm khớp dạng thấp có thể khiến các khớp xương bị biến dạng

  • Các biến chứng do tác dụng phụ của thuốc corticoid: tụ mỡ vùng lưng và mặt, mệt mỏi do thiếu máu, mỏng da, tổn thương thận và gan, phụ thuộc vào thuốc,...;

  • Một tình trạng đáng lo ngại khác là có đến 25% bệnh nhân nữ bị viêm đa khớp dạng thấp gặp khó khăn trong việc thụ thai. Có những trường hợp trở nên trầm cảm hoặc mắc chứng rối loạn tâm thần vì bệnh tật.

4. Viêm khớp dạng thấp gây đau nhức phải làm sao để chấm dứt?

Dùng thuốc giảm đau: 

Khi thăm khám, dựa trên tình hình sức khỏe bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể cân nhắc kê những thuốc như sau giúp người bệnh giảm thiểu các triệu chứng đau nhức do viêm khớp dạng thấp:

  • Nhóm thuốc không steroid: cơ chế hoạt động là chặn các protein và enzyme gây viêm, bao gồm thuốc có chứa thành phần ibuprofen, naproxen hay meloxicam;

  • DMARD: dùng trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp;

  • Corticosteroid: ngăn chặn phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, giúp giảm viêm, đặc biệt hiệu quả trong trường hợp viêm đa khớp là do các bệnh tự miễn gây nên;

  • Thuốc ức chế TNF: giúp giảm đau;

  • Các thực phẩm bổ sung củng cố độ bền chắc của sụn.

Những loại thuốc này cần được dùng theo chỉ định dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc thôi vẫn chưa đủ để giải quyết nỗi lo “viêm đa khớp dạng thấp gây đau nhức phải làm sao mới hết”, người bệnh vẫn cần phải tự ý thức thay đổi bản thân để cải thiện tình trạng bệnh một cách nhanh chóng hơn, thông qua những biện pháp như sau:

Duy trì cân nặng lý tưởng: 

Để tránh việc thừa cân, béo phì làm gia tăng áp lực lên các khớp, người bệnh cần đưa chỉ số cân nặng về mức hợp lý, phù hợp với thể trạng của mình theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Khi tình trạng thừa cân không còn là trở ngại lớn, bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong di chuyển, vận động, các khớp nhờ đó mà bớt đau hơn.

Rèn luyện thể lực: 

Bệnh nhân bị viêm đa khớp cần lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng như kéo giãn cơ, đi bộ, bơi lội để duy trì sự linh hoạt của hệ cơ xương khớp. Nên tránh các bài tập với cường độ mạnh như nâng tạ nặng, chạy nhanh,... vì rất dễ làm tổn thương tới các khớp.

Liệu pháp nóng và lạnh:

Đây là cách giảm đau đơn giản, dễ làm mà lại hiệu quả đối với những trường hợp bị viêm đa khớp dạng thấp. Vào mỗi buổi sáng, bệnh nhân có thể ngâm mình trong nước ấm nhằm tăng cường lưu thông máu và hạn chế hiện tượng cứng khớp. Các lựa chọn khác bao gồm chườm túi nhiệt vào mỗi tối để thư giãn các khớp.

Bên cạnh sử dụng tác động của liệu pháp nóng, liệu pháp lạnh cũng là một cách hiệu quả giúp làm giảm đau, viêm và sưng khớp. Bệnh nhân chỉ cần sử dụng một túi nước lạnh hoặc túi đá chườm vào vùng khớp đang bị sưng đau là sẽ đỡ khó chịu hơn rất nhiều.

Tập các động tác nhẹ nhàng mỗi ngày sẽ giúp bệnh nhân hạn chế các cơn đau nhức do viêm khớp dạng thấp gây ra

Tập các động tác nhẹ nhàng mỗi ngày sẽ giúp bệnh nhân hạn chế các cơn đau nhức do viêm khớp dạng thấp gây ra

Bổ sung axit béo trong thực đơn:

Thực tế cho thấy các axit béo omega 3 và axit gamma-linolenic (GLA) có công dụng trong việc kháng viêm rất tốt cho những người bị viêm khớp dạng thấp. Các loại axit béo này được tìm thấy nhiều trong dầu cá, hoa lưu ly, cây gai dầu, cây anh thảo và phúc bồn tử đen. Bên cạnh đó hiện nay cũng có nhiều sản phẩm chức năng chứa những loại dầu này, nhưng trước khi sử dụng người bệnh cần lắng nghe tư vấn từ bác sĩ, không nên tự mua về sử dụng.

Bài viết trên đây đã phần nào giải đáp được thắc mắc: viêm khớp dạng thấp gây đau nhức phải làm sao mà nhiều người đang gặp phải. Để an tâm hơn về tình trạng viêm khớp của mình, quý bạn đọc hãy kết nối với tổ tư vấn 1900565656 của BVĐK MEDLATEC ngay hôm nay để đặt lịch khám với bác sĩ chuyên môn nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.