Tin tức

Viêm mũi trẻ em: triệu chứng, cách điều trị, phòng ngừa

Ngày 30/11/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Viêm mũi là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được điều trị đúng cách thì bệnh có thể biến chứng nặng như viêm phổi, viêm xoang, viêm tai,... Cha mẹ nên tìm hiểu về viêm mũi trẻ em để chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe cho con, nhất là trong những thời điểm nguy cơ mắc bệnh cao như giao mùa, thay đổi thời tiết. 

1. Triệu chứng điển hình của viêm mũi trẻ em

Viêm mũi là bệnh đường hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ, nguyên nhân có thể do nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh hoặc tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng. Với những trẻ bị viêm mũi dị ứng, cơ địa nhạy cảm sẽ khiến trẻ dễ tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với yếu tố gây bệnh.

Khi bị viêm mũi, niêm mạc bên trong mũi bị kích thích dẫn đến sưng viêm, tấy đỏ, tăng tiết dịch đường hô hấp. Do đó, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng chảy nước mũi trong hoặc nước mũi nhầy, màu vàng hoặc xanh kèm theo ngạt mũi, ho,... Ngoài các triệu chứng ở mũi, viêm mũi cũng gây triệu chứng tương tự như bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp khác như:

  • Sốt là triệu chứng thường gặp, thường trẻ bị viêm mũi sẽ sốt nhẹ đến vừa, trường hợp bội nhiễm có thể sốt cao đến 39 - 40 độ C trong nhiều ngày.

  • Trẻ quấy khóc, cơ thể mệt mỏi, kém ăn, bứt rứt.

  • Trẻ nôn mửa, tiêu chảy,...

Triệu chứng của viêm mũi thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác, phổ biến là cảm cúm hay hen phế quản. Cha mẹ cần hiểu để phân biệt trẻ mắc bệnh gì, từ đó có thể chăm sóc và xử trí điều trị bệnh cho trẻ tốt hơn.

Cần phân biệt trẻ bị viêm mũi với các bệnh lý hô hấp khác

Cần phân biệt trẻ bị viêm mũi với các bệnh lý hô hấp khác

Bệnh viêm mũi trẻ em đặc trưng với các triệu chứng chảy nước mũi, tắc và ngứa mũi, hắt hơi thường xuyên. Đôi khi niêm mạc mũi bị tổn thương do xì mũi nhiều hoặc khô rát, viêm nhiễm có thể gây đau nhức, chảy máu. Trẻ bị viêm mũi cũng có thể đi kèm triệu chứng khác song thường nhẹ và không điển hình.

Ở trẻ bị cúm, triệu chứng chảy nước mũi, khô rát mũi cũng xuất hiện song sẽ đi kèm với nhiều triệu chứng toàn thân khác như: đau đầu, đau cơ, đau xương, ho nhiều, sốt cao,... Còn ở trẻ bị hen phế quản,t triệu chứng điển hình là trẻ bị khó nhẹ từ đêm đến gần sáng. Nguy hiểm hơn, trẻ khó thở có thể thiếu oxy gây tím tái cơ thể và cần cấp cứu kịp thời, đây là bệnh lý nghiêm trọng hơn so với viêm mũi thông thường.

2. Xử trí thế nào khi trẻ bị viêm mũi?

Trẻ bị viêm mũi cần được chăm sóc, điều trị để giảm triệu chứng và giảm tổn thương niêm mạc mũi, trẻ cũng bớt khó chịu và dần hồi phục sức khỏe.

2.1. Chăm sóc khi trẻ bị viêm mũi

Hầu hết trẻ bị viêm mũi không quá nguy hiểm đến sức khỏe, cha mẹ nên tự chăm sóc cho trẻ tại nhà và có thể đưa trẻ đi khám nếu triệu chứng bệnh nặng. Những biện pháp chăm sóc sau sẽ giúp đẩy lùi viêm mũi cho trẻ:

Rửa mũi thường xuyên để làm sạch, giảm viêm mũi cho trẻ

Rửa mũi thường xuyên để làm sạch, giảm viêm mũi cho trẻ

Rửa mũi cho trẻ

Nên dùng nước muối sinh lý nhỏ để rửa mũi cho trẻ từ 3 - 4 lần mỗi ngày để làm loãng dịch mũi, giảm sưng viêm khó chịu. Sau khi nhỏ nước muối, trẻ sẽ dễ dàng xì mũi hơn, nếu vẫn không xì mũi được thì cần phải hút mũi cho trẻ.

Hạ sốt

Trẻ sốt nhẹ đến sốt vừa do viêm mũi thì cha mẹ nên có biện pháp giảm sốt cho trẻ như: lau mát, cho trẻ uống nhiều nước, dung dịch oresol bổ sung chất điện giải,... Nếu sốt cao, có thể cần dùng thuốc hạ sốt nhưng nên dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Tránh để trẻ tự ngoáy mũi

Viêm mũi sẽ gây ra cảm giác ngứa, khó chịu ở mũi và không ít trẻ có thói quen dùng ngón tay đưa vào trong mũi. Việc này có thể khiến niêm mạc mũi bị tổn thương nặng hơn, dẫn đến bội nhiễm nguy hiểm. Do đó, cần dạy và theo dõi tránh để trẻ dùng tay ngoáy mũi khi bị viêm mũi.

2.2. Dùng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng

Viêm mũi trẻ em thường do virus hoặc kích ứng bởi điều kiện thời tiết, song vẫn có trường hợp nguyên nhân do dị ứng. Lúc này, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng như: khói thuốc, lông chó mèo, phấn hoa,...

Trẻ bị viêm mũi dị ứng có thể cần điều trị bằng thuốc

Trẻ bị viêm mũi dị ứng có thể cần điều trị bằng thuốc

Cùng với đó, nên đưa trẻ đi khám để được hướng dẫn dùng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ bao gồm:

Thuốc uống

  • Thuốc kháng histamin giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng như: loratadin, cetirizin, clorpheniramin,...

  • Thuốc kháng sinh nếu viêm mũi dị ứng có nhiễm khuẩn.

  • Thuốc cường giao cảm gây co mạch để thông mũi, trị nghẹt mũi.

  • Thuốc Glucocorticoid để điều trị viêm mũi xoang nặng và mạn tính, tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng.

Thuốc nhỏ hoặc xịt tại chỗ

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ sẽ được cải thiện khi dùng các loại thuốc sau:

  • Thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi chứa NaCl giúp thông mũi, làm sạch, ngừa nhiễm khuẩn.

  • Thuốc glucocorticoid xịt mũi làm giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng.

Các loại thuốc uống, thuốc xịt điều trị triệu chứng viêm mũi ở trẻ em và người lớn là khác nhau, do dó cha mẹ tuyệt đối không dùng thuốc của người lớn cho trẻ nhỏ. Tốt nhất nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán bệnh và chỉ định thuốc điều trị hiệu quả.

3. Bác sĩ hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh viêm mũi trẻ em

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị viêm mũi do hệ miễn dịch kém, nhạy cảm với yếu tố thời tiết và vi sinh vật gây bệnh. Do đó, cần có biện pháp phòng ngừa chủ động, bảo vệ trẻ tránh nguy cơ mắc bệnh như sau:

  • Dùng nước biển, nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ hàng ngày, nhất là sau khi ra ngoài.

  • Dùng máy tạo độ ẩm để tạo môi trường trong lành, đủ ẩm cho trẻ.

  • Bôi kem dưỡng ẩm cho vùng da dưới mũi, tránh trẻ lau chùi nước mũi gây trầy xước.

  • Hạn chế nuôi chó mèo, trồng hoa hoặc cho trẻ tiếp xúc với không khí có độ bụi cao.

  • Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ cá nhân xung quanh trẻ như ga, gối, chăn, đệm, rèm, thảm, bọc đệm,...

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày cho trẻ, nhất là sau khi ăn và trước khi đi ngủ.

  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là cổ họng và vùng mũi - miệng khi thời tiết thay đổi, tránh cho trẻ bị nhiễm lạnh.

Giữ ấm cơ thể trẻ khi thay đổi thời tiết để phòng ngừa viêm mũi

Giữ ấm cơ thể trẻ khi thay đổi thời tiết để phòng ngừa viêm mũi

  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là hoa quả tươi và rau xanh chứa nhiều vitamin, khoáng chất củng cố hệ miễn dịch.

Hiện khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cũng đang tư vấn và điều trị cho nhiều bệnh nhi mắc viêm mũi cũng như các bệnh lý liên quan. Nếu cần tư vấn về chăm sóc, điều trị trẻ bị viêm mũi, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ