Tin tức
Viêm tuyến nước bọt: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa
- 17/05/2021 | Bệnh hiếm gặp: Ung thư tuyến nước bọt và các dấu hiệu nhận biết
- 04/12/2021 | Điểm danh nguyên nhân và triệu chứng viêm tuyến nước bọt
- 03/06/2022 | Bệnh viêm tuyến nước bọt có để lại biến chứng nặng hay không?
- 13/10/2022 | Các thông tin cơ bản về u tuyến nước bọt mà bạn nên biết!
- 25/10/2022 | Bệnh u tuyến nước bọt mang tai - những vấn đề không thể bỏ qua
1. Viêm tuyến nước bọt là gì?
Tuyến nước bọt là tuyến ngoại tiết, có chức năng tiết ra nước bọt, giúp bôi trơn khoang miệng, hỗ trợ tiêu hoá thức ăn và giữ ẩm niêm mạc và ức chế vi khuẩn gây hại nhờ chứa các enzym và kháng thể tự nhiên. Trong cơ thể, có ba cặp tuyến nước bọt chính gồm: tuyến mang tai, tuyến hàm dưới và tuyến dưới lưỡi. Với mỗi tuyến, đều có vị trí và đặc điểm bài tiết khác nhau.
Viêm tuyến nước bọt là tình trạng tuyến nước bọt bị viêm nhiễm, thường xảy ra ở vị trí tuyến mang tai và tuyến dưới hàm, do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập hoặc tắc nghẽn ống tuyến gây ra. Bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng các trường hợp do virus, đặc biệt là quai bị, có xu hướng gia tăng vào mùa đông – xuân, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi khác nhau, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, nói chuyện và vệ sinh răng miệng.
2. Triệu chứng Viêm tuyến nước bọt
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ viêm, triệu chứng viêm tuyến nước bọt có thể sẽ khác nhau. Tuy nhiên, chúng thường sẽ bao gồm những biểu hiện điển hình như:
- Sưng, đau tại vùng tuyến nước bọt bị viêm (thường là tuyến mang tai và tuyến dưới hàm).
- Đau tăng khi ăn, nhai hoặc nuốt.
- Sốt (từ 38 - 39 độ C), mệt mỏi, cảm giác ớn lạnh.
- Khô miệng, giảm tiết nước bọt, gặp trong viêm mạn tính hoặc bệnh nền đi kèm (như hội chứng Sjögren).
- Hơi thở có mùi hôi, có thể xuất hiện tình trạng chảy mủ ra từ miệng.
- Trường hợp nặng hơn, có thể hình thành áp xe ngay tại vị trí viêm, gây sưng đau dữ dội, có thể kèm theo sốt cao và khó cử động hàm.
Việc nhận biết sớm các triệu chứng kể trên có ý nghĩa quan trọng trong điều trị và kiểm soát bệnh hiệu quả, giúp ngăn ngừa những biến chứng như áp xe, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai, tiết nước bọt và sức khỏe toàn thân.
Sưng và đau tại vùng tuyến nước bọt bị viêm là triệu chứng điển hình của bệnh viêm tuyến nước bọt
3. Nguyên nhân gây bệnh
Viêm tuyến nước bọt do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, bao gồm: nhiễm khuẩn, virus xâm nhập, tắc ống tuyến nước bọt, suy giảm hệ miễn dịch và các bệnh lý liên quan. Dưới đây là thông tin chi tiết:
- Nhiễm khuẩn: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng viêm tuyến nước bọt. Staphylococcus aureus và Streptococcus là hai loại vi khuẩn dễ gây viêm khi răng miệng không được vệ sinh đúng cách hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
- Virus xâm nhập: Virus quai bị là tác nhân gây nhiễm trùng tuyến nước bọt, thường gặp ở trẻ em. Một số loại virus ít gặp khác như: Herpes, Cytomegalovirus, HIV...
- Tắc ống tuyến nước bọt: Do sỏi tuyến nước bọt là phổ biến nhất làm ứ đọng nước bọt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ra sưng đau khi ăn uống và các triệu chứng thường tái đi tái lại.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, suy giảm hệ miễn dịch cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng tuyến nước bọt. Người lớn tuổi, bệnh nhân tiểu đường, ung thư, đang hóa trị, người nhiễm HIV.
- Các bệnh lý liên quan: Bệnh u hạt, suy dinh dưỡng, hội chứng Sjogren,… có thể làm suy giảm chức năng tiết nước bọt và gây nên bệnh viêm tuyến nước bọt.
Vi khuẩn Staphylococcus aureus và Streptococcus dễ gây viêm tuyến nước bọt khi răng miệng vệ sinh không đúng cách và hệ miễn dịch suy yếu
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp một trong những triệu chứng sau:
- Sưng đau vùng hàm, mang tai hoặc dưới cằm.
- Sốt, ớn lạnh, khó nhai hoặc nuốt.
- Khô miệng kéo dài dù đã uống đủ nước.
- Miệng có mùi hôi và tiết dịch bất thường.
- Xuất hiện hạch dưới cằm hay hạch dưới hàm.
5. Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Nên đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa vệ sinh răng miệng sau ăn và súc miệng thường xuyên. Lưu ý, không nên đánh răng quá nhiều lần trong ngày, vì sẽ làm ảnh hưởng đến răng và nướu, gây phản tác dụng.
- Uống đủ nước: Duy trì thói quen uống nước mỗi ngày (trung bình 1,5 - 2 lít nước/ngày), giúp kích thích tuyến nước bọt và làm sạch khoang miệng tự nhiên.
- Tiêm vắc xin MMR (sởi – quai bị – rubella) cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả.
- Tăng cường sức đề kháng: Dinh dưỡng hợp lý, cân bằng kết hợp chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập luyện thể dục 20 - 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn có sức đề kháng khoẻ mạnh, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh.
- Hạn chế uống rượu bia và hút thuốc lá: Các chất kích thích trong rượu bia và thuốc lá có thể làm khô miệng và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến nước bọt.
- Điều trị các bệnh về răng: Nếu bạn đang mắc các bệnh về răng như: sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,.. cần điều trị tận gốc chúng để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và gia tăng nguy cơ mắc viêm tuyến nước bọt.
- Khám sức khỏe định kỳ: Nên khám sức khỏe định kỳ 6 - 12 tháng/lần, để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có hướng điều trị kịp thời, đặc biệt là người già và người mắc bệnh lý nền như tiểu đường, ung thư,...
Bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường và có hướng điều trị kịp thời
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm tuyến nước bọt. Đây là bệnh lý phổ biến hiện nay, thường gặp vào mùa đông xuân và có thể gặp ở mọi độ tuổi khác nhau. Nếu bạn gặp các triệu chứng nghi ngờ viêm tuyến nước bọt như đau vùng hàm, khô miệng kéo dài và sốt không rõ nguyên nhân, hãy đến thăm khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan, bạn có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
