Tin tức
Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai: Những vấn đề mẹ bầu nên lưu tâm
- 24/09/2024 | Xét nghiệm NIPT tại nhà đồng hành cùng hành trình mang thai của mẹ bầu
- 06/03/2025 | Thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ khi mang thai: Làm sao để phòng ngừa?
- 01/04/2025 | Cảnh báo 6 dấu hiệu nội tiết kém khi mang thai mẹ bầu không nên bỏ qua
1. Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai: Mục đích và thời điểm cần thực hiện
1.1. Mục đích của xét nghiệm nước tiểu khi mang thai
Xét nghiệm nước tiểu trong thai kỳ khi được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu:
1.1.1. Phát hiện nhiễm trùng đường tiểu
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu do thay đổi nội tiết tố và sự chèn ép của thai nhi lên bàng quang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh trong nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện sớm nguy cơ nhiễm trùng đường niệu hoặc bệnh lý về thận, cầu thận để kịp thời điều trị, tránh gây nên các biến chứng nguy hiểm cho mẹ cũng như cho thai kỳ.
Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai giúp mẹ bầu phát hiện nhiễm trùng tiết niệu và nguy cơ tiền sản giật
1.1.2. Theo dõi nguy cơ tiền sản giật
Trong thai kỳ, tiền sản giật được xem là biến chứng vô cùng nguy hiểm đến mẹ bầu và thai nhi. 3 dấu hiệu cận lâm sàng cảnh báo tiền sản giật là tăng huyết áp, phù chân và protein niệu.
Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai giúp phát hiện protein trong nước tiểu để bác sĩ có biện pháp kiểm soát hiệu quả tình trạng này.
1.1.3. Phát hiện tiểu đường thai kỳ
Khi mang thai, do sự rối loạn sản sinh insulin không đủ để ổn định đường huyết từ đó gây nên tiểu đường thai kỳ. Xét nghiệm nước tiểu có thể tìm thấy sự hiện diện của glucose, nhờ đó mà bác sĩ có thêm căn cứ để chẩn đoán sớm bệnh lý này.
1.1.4. Đánh giá bệnh lý về thận
Kết quả xét nghiệm nước tiểu khi mang thai của mẹ bầu sẽ giúp bác sĩ phát hiện các bệnh lý về thận như: viêm cầu thận, viêm bể thận,... để từ đó có phương pháp điều trị sớm.
1.1.5. Bệnh lý gan - mật
Tổn thương gan - mật có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai kỳ. Thông qua các thành phần trong nước tiểu, bác sĩ gián tiếp phát hiện các bệnh lý về gan - mật.
1.1.6. Phát hiện bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền đường tình dục có thời gian ủ bệnh lâu trước khi khởi phát triệu chứng, dễ lây lan và gây nguy hiểm cho thai nhi. Xét nghiệm nước tiểu cũng giúp phát hiện được các bệnh lý truyền nhiễm qua đường tình dục như: lậu, Chlamydia,... để có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con.
1.2. Thời điểm nào mẹ bầu cần xét nghiệm nước tiểu?
Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai sẽ được thực hiện vào các lần khám thai định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ, tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ bầu. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể được yêu cầu xét nghiệm nước tiểu khi có các dấu hiệu bất thường như:
- Tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu có mùi lạ hoặc có màu đục.
- Tăng huyết áp bất thường.
- Phù chân, mặt, tay đi kèm với tình trạng mệt mỏi.
- Buồn nôn hoặc nôn nhiều.
Vào các mốc khám thai cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu tiến hành xét nghiệm nước tiểu
2. Quy trình tiến hành xét nghiệm nước tiểu cho mẹ bầu
2.1. Chuẩn bị trước khi lấy mẫu
Trước khi bước vào quy trình lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu, mẹ bầu cần:
- Một số trường hợp cần nhịn đói trước khi làm xét nghiệm nước tiểu.
- Hạn chế ăn thực phẩm có màu hoặc đậm mùi.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ sau đó dùng khăn mềm sạch thấm khô.
- Uống nước vừa đủ.
- Không sử dụng kháng sinh, thuốc lợi tiểu trước xét nghiệm nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Thông báo với bác sĩ nếu đang dùng thuốc hoặc có dấu hiệu sức khỏe bất thường.
2.2. Cách lấy mẫu nước tiểu để tiến hành xét nghiệm
Mẹ bầu sẽ được nhân viên y tế cấp cốc vô trùng có ghi đầy đủ thông tin bệnh nhân để đựng mẫu nước tiểu và hướng dẫn thao tác lấy nước tiểu đúng cách như sau:
- Đi tiểu tiện và bỏ qua phần nước tiểu đầu, lấy khoảng 30 - 50 ml nước tiểu giữa dòng để đựng vào cốc vô trùng.
- Không lấy nước tiểu cuối dòng.
- Đậy kín nắp cốc và đặt đúng nơi quy định đã được nhân viên y tế hướng dẫn.
2.3. Tiến hành xét nghiệm
Mẫu xét nghiệm sẽ được bảo quản đúng quy cách và gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra nhằm xác định các thông số cần thiết cho mục đích xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi tới phòng khám ban đầu để bác sĩ Sản khoa đánh giá, đưa ra hướng xử lý phù hợp nếu có dấu hiệu bất thường. Trong trường hợp cần theo dõi thêm, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm lại hoặc thực hiện thêm các kiểm tra khác.
Xét nghiệm nước tiểu thai kỳ tại địa chỉ uy tín với máy móc hiện đại giúp đem lại kết quả chính xác cho mẹ bầu
3. Mẹ bầu cần làm gì khi xét nghiệm nước tiểu có kết quả bất thường?
Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu khi mang thai cho thấy bất thường, mẹ bầu không nên quá lo lắng mà cần:
- Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được giải thích cụ thể, nắm bắt chính xác thông tin về tình trạng sức khỏe của mình.
- Thực hiện các xét nghiệm bổ sung nếu được bác sĩ chỉ định.
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị, chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Khám thai đúng lịch hẹn để theo dõi chỉ số nước tiểu và tiến hành các kiểm tra cần thiết theo yêu cầu từ bác sĩ.
Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai là một công cụ chẩn đoán đơn giản nhưng mang lại nhiều thông tin quan trọng đối với quá trình theo dõi thai kỳ. Mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm theo chỉ dẫn của bác sĩ để bảo vệ tốt cho thai kỳ.
Lựa chọn địa chỉ uy tín để làm xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp đảm bảo kết quả chính xác. Hệ thống Y tế MEDLATEC sở hữu Trung tâm Xét nghiệm tiêu chuẩn ISO 15189:2022 và chứng chỉ CAP - là địa chỉ uy tín mẹ bầu hoàn toàn có thể tin tưởng để xét nghiệm nước tiểu trong thai kỳ. Quý khách hàng cần tư vấn, đặt lịch xét nghiệm hãy liên hệ trực tiếp Hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp thông tin và hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
