Tin tức
Xét nghiệm sắt huyết thanh là gì và được chỉ định khi nào?
- 09/08/2019 | Xét nghiệm dị ứng là gì và được thực hiện như thế nào?
- 09/08/2019 | Xét nghiệm tiểu đường ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm
- 10/08/2019 | Xét nghiệm điện giải đồ được chỉ định khi nào?
1. Vai trò của sắt huyết thanh là gì?
Dù là khoáng chất cần thiết của cơ thể, song sắt được nạp vào cơ thể duy nhất qua con đường ăn uống. Trong quá trình ăn uống bình thường, sắt đi vào cơ thể nhưng được hấp thụ rất ít, chỉ dưới 10% sắt được hấp thụ.
Sắt vào cơ thể dưới dạng muối hoặc hydroxyt của Fe3+, khi vào cơ thể, hợp chất của sắt bị phân ly thành ion tự do hoặc kết hợp với hợp chất hữu cơ. Sau đó, Fe3+ bị chất khử từ thức ăn khử về dạng Fe2+ dễ hấp thụ hơn.
Khi được hấp thụ vào mạch máu, ion Fe2+ nhanh chóng bị oxy hóa thành Fe3+, gắn với protein đặc hiệu transferrin ở dạng vận chuyển, với sự tham gia của ceruloplasmin hoạt động xúc tác. Các transferrin hầu hết được vận chuyển tới tủy xương, tại đây sẽ tạo ra hemoglobin.
Một phần khác sắt được dự trữ dưới dạng ferritin và hemosiderin ở ruột, gan và tủy xương.
Vai trò đầu tiên và chủ yếu của sắt là tham gia quá trình hô hấp tế bào, tạo nên hemoglobin, myoglobin vận chuyển O2 đến các tế bào trên toàn cơ thể. Ion sắt cũng là thành phần của các enzyme catalase, peroxidase hay cytocrom, flavoprotein nội tế bào, Các protein Fe-S vận chuyển,…
Nhu cầu sắt với mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào lứa tuổi, giới tính, sự phát triển của cơ thể,… Riêng phụ nữ, các quá trình kinh nguyệt, thai nghén và nuôi con bú cũng cần lượng sắt lớn hơn.
Sắt được bổ sung vào cơ thể từ nguồn thực phẩm
Nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết, nồng độ sắt trong máu giảm, dần dần sử dụng cạn kiệt sắt ở dạng dự trữ. Khi đó sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.
Ngược lại, nếu hấp thụ quá nhiều sắt cũng gây hại cho các cơ quan trong cơ thể khi lượng tích lũy lớn như tim, gan, tụy,…Khi tích lũy với lượng lớn có khả năng gây giảm chức năng, suy các cơ quan dẫn đến tình trạng suy đa tạng nguy hiểm cho người bệnh.
2. Xét nghiệm sắt huyết thanh là gì?
Xét nghiệm sắt huyết thanh là xét nghiệm đo hàm lượng sắt có trong huyết thanh của cơ thể người bệnh, cụ thể là lượng sắt (bao gồm sắt tự do, dạng dự trữ Feritin và dạng vận chuyển) kết hợp với transferrin tồn tại trong máu lưu thông và vận chuyển khắp cơ thể.
Do hàm lượng sắt hiện diện trong máu thay đổi liên tục trong 1 ngày, hoặc từ ngày này sang ngày khác nên xét nghiệm sắt huyết thanh thường được đo cùng các xét nghiệm sắt khác như xét nghiệm khả năng gắn sắt tối ưu (TIBC). Từ độ bão hòa Transferrin sẽ phản ánh được lượng sắt được lưu thông trong máu.
Xét nghiệm sắt huyết thanh là cần thiết với những bệnh nhân có biểu hiện, triệu chứng của chứng thiếu – thừa sắt quá mức để chẩn đoán bệnh, đưa ra hướng điều trị tốt nhất.
3. Xét nghiệm sắt huyết thanh sử dụng thế nào?
Xét nghiệm sắt huyết thanh thường được sử dụng cùng các xét nghiệm sau: xét nghiệm khả năng gắn sắt tối ưu (TIBC), xét nghiệm khả năng gắn sắt không bão hòa (UIBC), xét nghiệm transferrin, tính toán độ bão hòa transferrin,… để xác định chính xác lượng sắt được lưu hành trong máu. Nếu cần đánh giá dự trữ sắt hiện tại của con người, thử nghiệm ferritin sẽ được chỉ định cùng xét nghiệm sắt huyết thanh.
Xét nghiệm sắt huyết thanh ở người thiếu máu
Ở người bị thiếu máu, các xét nghiệm này sẽ giúp xác định nguyên nhân gây thiếu sắt, do bệnh lý mạn tính, cấp tính hay yếu tố khác. Ở người bị ngộ độc sắt, xét nghiệm cũng giúp phân tích chính xác. Ngoài ra, xét nghiệm sắt huyết thanh cũng cần thiết trong sàng lọc bệnh tan máu di truyền Thalasseima, bệnh di truyền nhiễm sắc tố sắt mô, bệnh di truyền liên quan đến dự trữ sắt.
4. Khi nào xét nghiệm sắt huyết thanh được chỉ định?
Xét nghiệm sắt huyết thanh thường không được yêu cầu kiểm tra thường xuyên để sàng lọc, phát hiện bệnh mà thường được chỉ định khi có phát hiện bất thường. Khi đó, xét nghiệm này đóng vai trò như thử nghiệm theo dõi khi xét nghiệm hemoglobin, RBC, hematocrit bất thường.
Trong trường hợp nghi ngờ thiếu hụt sắt hay quá tải sắt, tình trạng thiếu máu phát triển thì cũng cần xét nghiệm sắt huyết thanh để đánh giá chính xác.
4.1. Triệu chứng khi thiếu sắt
Thiếu sắt giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng hay nguy hiểm gì, chỉ đến khi thiếu đến mức nhất định, nguồn sắt dự trữ cạn kiệt thì cơ thể mới có dấu hiệu. Một số triệu chứng khi cơ thể bị thiếu sắt tiến triển hay thiếu máu phát triển như:
- Mệt mỏi kéo dài.
- Chóng mặt.
- Ốm yếu.
- Nhức đầu.
Khi thiếu sắt nặng, cơ thể sẽ khó thở, đau ngực, chóng mặt, nhức đầu hay đau chân… Trẻ em bị thiếu sắt sẽ có thể bị nhận thức kém.
Ngoài ra, bệnh nhân thiếu máu, thiếu sắt sẽ thèm ăn 1 số món đặc trưng như: cam thảo, phấn, đất sét,… có cảm giác nóng rát ở lưỡi, loét góc miệng,...
4.2. Triệu chứng khi quá tải sắt
Xét nghiệm sắt huyết thanh được yêu cầu khi sắt quá tải trong cơ thể, triệu chứng ở mỗi người là khác nhau, có thể gồm:
Triệu chứng khi cơ thể quá tải sắt
- Đau khớp.
- Mất ham muốn tình dục.
- Đau bụng.
- Mệt mỏi, yếu.
- Thiếu năng lượng.
- Tim có vấn đề.
Trong quá trình điều trị bệnh thiếu/quá tải sắt, xét nghiệm sắt huyết thanh sẽ giúp đánh giá hiệu quả điều trị khi thực hiện định kỳ.
5. Các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm sắt huyết thanh
Nếu cơ thể gần đây có uống thuốc sắt, truyền máu hay tiêu thụ thực phẩm giàu sắt thì kết quả xét nghiệm cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, rượu, ma túy, thuốc tránh thai, methotrexate sẽ làm tăng lượng sắt trong máu. Ngược lại, thuốc metformin, testosterone, ACTH hay aspirin liều lượng lớn làm giảm lượng sắt trong huyết thanh.
Căng thẳng hoặc thiếu ngủ cũng tạm thời làm giảm nồng độ sắt trong huyết thanh so với bình thường.
Ngoài ra, Ferritin tăng trong các phản ứng viêm và tăng kéo dài trong các viêm mạn tính. Do đó, không nên thực hiện xét nghiệm sắt huyết thanh riêng lẻ mà nên kết hợp với các xét nghiệm khác để tăng độ tin cậy của phép đo.
Mọi thắc mắc khác về xét nghiệm sắt huyết thanh hay cần tư vấn bệnh học, hãy liên hệ với MEDLATEC để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!