Tin tức

Xoắn buồng trứng - biến chứng nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ thời kỳ thai sản

Ngày 23/02/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Xoắn buồng trứng là một bệnh lý hay gặp trong các cấp cứu phụ khoa, xảy ra khi một buồng trứng xoắn xung quanh các dây chằng giữ nó tại chỗ. Tình trạng có thể gây cắt đứt đột ngột lưu lượng máu đến buồng trứng, vòi trứng hoặc cả 2 thành phần này. Từ đó gây ra các cơn đau đớn ở vùng bụng và hạ vị.

1. Tổng quan về tình trạng

Tình trạng xoắn buồng trứng sẽ ngăn chặn máu lưu thông buồng trứng và vòi trứng, làm chết các mô xung quanh buồng trứng, dẫn đến hoại tử buồng trứng. Nhiều trường hợp hoại tử nghiêm trọng cần phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.

Minh họa tình trạng buồng trứng bị xoắn bởi các dây chằng

Minh họa tình trạng buồng trứng bị xoắn bởi các dây chằng

Xoắn buồng trứng có triệu chứng lâm sàng không rõ ràng và đa dạng phụ thuộc vào thời gian, vị trí, mức độ và tần suất xoắn. Các dấu hiệu của xoắn buồng trứng có thể kể đến như:

- Cơn đau dữ dội và bất ngờ ở vùng chậu: đau thường liên tục hoặc đôi khi là từng cơn. Triệu chứng đau thường không đỡ khi dùng các loại thuốc giảm đau thông thường. Trong các trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn, cơn đau có thể dịu đi.

- Nôn và buồn nôn.

- sốt: thường ở giai đoạn muộn.

Tuy nhiên, các dấu hiệu này này tương tự các bệnh: sỏi thận, viêm ruột thừa, viêm đường tiết niệu, viêm dạ dày ruột nên rất khó chẩn đoán.

Xoắn buồng trứng có thể gây ra những cơn đau đớn

Xoắn buồng trứng có thể gây ra những cơn đau đớn

Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng khác như khó tiêu, táo bón, phù chi dưới làm cho sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cần đến gặp bác sĩ để thăm khám mỗi khi phát hiện những triệu chứng bất thường như trên.

2. Xoắn buồng trứng có nguy hiểm không

Xoắn buồng trứng không chỉ gây đau đớn cho người mắc phải mà còn gây nhiễm trùng nặng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thậm chí là tính mạng của phái nữ.

Biến chứng lớn nhất của xoắn buồng trứng là hoại tử buồng trứng phải phẫu thuật cắt bỏ, làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con sau này của chị em phụ nữ. Nhưng nếu không cắt ổ xoắn sẽ gây nhiễm trùng nặng hoặc gây áp xe và viêm phúc mạc.

Sau khi làm phẫu thuật cắt buồng trứng cần tuân theo những biện pháp của bác sĩ để giảm nguy cơ tái phát và tránh các yếu tố nhiễm trùng của các dây chằng xung quanh buồng trứng.

Để giải quyết tình trạng xoắn buồng trứng cần phải phẫu thuật

Để giải quyết tình trạng xoắn buồng trứng cần phải phẫu thuật

3. Nguyên nhân gây xoắn buồng trứng

Buồng trứng bị xoắn ở nữ giới không loại trừ độ tuổi nào, từ sơ sinh cho đến phụ nữ tiền mãn kinh đều có thể mắc phải. Tuy nhiên,phổ biến nhất là ở độ tuổi từ 20 - 40 tuổi.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như:

  • U nang buồng trứng, u nang bì (u quái), u nang đơn thuần, u nang xuất huyết, kích thước u càng lớn, nguy cơ càng cao.

  • Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật ở vùng tiểu khung, chậu hông cũng có nguy cơ xoắn buồng trứng.

  • Phụ nữ được kích thích buồng trứng có nguy cơ xoắn buồng trứng cao hơn,

  • Phụ nữ khi mang thai có u nang buồng trứng, nồng độ hormone cao hơn bình thường làm cho các dây chằng xung quanh giãn ra, xoắn vào buồng trứng. Đặc biệt la trong 3 tháng đầu thai kỳ, đây cũng là thời điểm dễ bị xoắn buồng trứng.

4. Chẩn đoán và điều trị

Xoắn buồng trứng là một loại biến chứng nguy hiểm nhưng các triệu chứng lại không rõ ràng nên để kịp thời phát hiện và có những biện pháp điều trị hợp lý cần thực hiện những biện pháp y học sau:

Chẩn đoán

Để biết được chính xác buồng trứng có bị xoắn hay không thì cách những nhanh nhất chính là:

  • Siêu âm đầu dò âm đạo, siêu âm bụng.

  • Chụp CT, chụp MRI.

Ngoài ra cũng cần làm thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để loại trừ các nguyên nhân khác như: nhiễm trùng đường tiết niệu, thai ngoài tử cung, viêm ruột thừa.

Để xác định xoắn buồng trứng cần thực hiện siêu âm bụng

Để xác định xoắn buồng trứng cần thực hiện siêu âm bụng

Điều trị

Phẫu thuật là cách duy nhất để giải quyết tình trạng xoắn buồng trứng. Việc phẫu thuật thường được khuyến cáo thực hiện càng nhanh càng tốt (tốt nhất trước 6 giờ đồng hồ) để khôi phục lưu lượng máu cho buồng trứng. Lý tưởng nhất là phẫu thuật nội soi để xác định vị trí và tháo xoắn, nhiều trường hợp sẽ cần phải phẫu thuật mở

Sau khi làm phẫu thuật cắt bỏ, bệnh nhân cần được dùng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh để hạn chế những cơn đau và ngăn chặn việc tái phát.

Có 2 cách phẫu thuật thường được thực hiện:

  • Mổ nội soi: đây là cách phẫu thuật được đề xuất khi bệnh nhân đang mang thai. Các bác sĩ sẽ thực hiện một vết mổ nhỏ để đưa một camera vào trong và tiếp cận buồng trứng. Sau đó, thực hiện một vết mổ khác để đưa một dụng cụ phẫu thuật vào và dùng nó để giải quyết ổ xoắn. Trong quá trình phẫu thuật bạn sẽ được gây tê để giảm đau đớn.

  • Mổ mở bụng: Các bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường mổ lớn ở trên bụng và dùng tay để tháo ổ xoắn buồng trứng. Quá trình phẫu thuật này rất nguy hiểm và để lại nhiều di chứng nên bệnh nhân sẽ được gây mê hoàn toàn và sau phẫu thuật cũng cần có một chế độ nghỉ dưỡng phù hợp.

Sau một quá trình phẫu thuật kéo dài làm mất nhiều máu và các mô, dây chằng xung quanh bị chết nên cần tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ chúng.

  • Nếu một bên mô buồng trứng không hoạt động thì người ta sẽ tiến hành một cuộc phẫu thuật cắt bỏ một bên buồng trứng để loại bỏ nguy cơ nhiễm trùng và ảnh hưởng đến buồng trứng bên cạnh.

  • Nếu cả hai bên buồng trứng đều không hoạt động thì cần tiến hành cắt bỏ cả hai bên buồng trứng và các mô tế bào xung quanh đó để hạn chế nguy cơ xoắn buồng trứng tái phát. Biện pháp này được gợi ý đối với phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh vì nó có thể làm mất khả năng mang thai và sinh con sau này.

Có thể phải phẫu thuật để khắc phục hiện tượng buồng trứng bị xoắn

Có thể phải phẫu thuật để khắc phục hiện tượng buồng trứng bị xoắn

Xoắn buồng trứng là một loại biến chứng nguy hiểm xảy ra ở buồng trứng và các dây chằng xung quanh nó nhưng không có bất cứ biện pháp phòng ngừa nào. Cách duy nhất để ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm từ buồng trứng bị xoắn là thường xuyên thăm khám, để tâm đến những biểu hiện đau bất thường của cơ thể. Tập thể dục đều đặn và nhẹ nhàng, không thực hiện những bài tập nặng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng.

Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai cần cẩn trọng vận động trong suốt thai kỳ để phòng ngừa biến chứng của xoắn buồng trứng. Và hơn hết, hãy chọn những cơ sở y tế có uy tín để xét nghiệm chẩn đoán cũng như làm các phẫu thuật để đảm bảo an toàn sức khỏe của bản thân. Chúc bạn luôn tràn đầy sức khoẻ và hạnh phúc bên gia đình.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ