Tin tức

Ý nghĩa chỉ số mức lọc cầu thận GFR

Ngày 14/05/2025
Tham vấn y khoa: Ths.BSNT Trần Hiền
Trong cơ thể con người, thận đảm nhận vai trò cực kỳ quan trọng, đó là lọc bỏ các chất độc hại, điều chỉnh huyết áp và giữ cho môi trường bên trong cơ thể luôn ổn định. Để theo dõi và đánh giá mức độ hoạt động của cơ quan này, các bác sĩ thường dựa vào chỉ số mức lọc cầu thận. Trong bài viết dưới đây MEDLATEC sẽ giúp bạn tìm hiểu chỉ số mức lọc cầu thận bao nhiêu là bình thường và cần làm gì khi chỉ số này có vấn đề.

1. Chỉ số mức lọc cầu thận là gì?

Mỗi quả thận chứa hàng triệu đơn vị lọc máu nhỏ bé gọi là nephron. Trong mỗi nephron lại có một cấu trúc đặc biệt gọi là cầu thận. Cầu thận chính là nơi thực hiện nhiệm vụ lọc máu, giống như một lớp lưới siêu nhỏ giúp giữ lại những thành phần có lợi như protein hay tế bào máu, và gạt ra ngoài các chất độc, nước thừa để tạo thành nước tiểu. 

Thận đảm nhận vai trò cực kỳ quan trọng, đó là lọc bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể

Thận đảm nhận vai trò cực kỳ quan trọng, đó là lọc bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể

Chỉ số mức lọc cầu thận (Glomerular Filtration Rate - GFR) thể hiện lượng máu được lọc qua thận trong một phút. Chỉ số này cho bác sĩ biết thận của bạn có đang làm việc hiệu quả hay không.

Khi GFR ở mức bình thường, điều đó đồng nghĩa với việc thận đang lọc sạch chất thải tốt, giúp cơ thể vận hành ổn định. Ngược lại, nếu GFR giảm, có thể đây là dấu hiệu cảnh báo rằng thận bạn đang gặp vấn đề và cần được quan tâm.

Thông qua chỉ số mức lọc cầu thận các bác sĩ có thể giúp bạn:

- Phát hiện sớm bệnh thận: Sự suy giảm chỉ số mức lọc cầu thận thường là dấu hiệu sớm nhất của bệnh thận mạn tính, ngay cả khi người bệnh chưa có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Theo dõi định kỳ chỉ số này giúp bác sĩ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời để làm chậm tiến triển của bệnh.

- Xác định mức độ tổn thương thận: Dựa trên chỉ số GFR, bác sĩ có thể phân loại bệnh thận mạn thành 5 giai đoạn - từ nhẹ (G1) đến nặng (G5). Việc biết rõ mình đang ở giai đoạn nào sẽ giúp bệnh nhân được tư vấn và điều trị theo hướng phù hợp nhất.

- Theo dõi tiến triển bệnh: Với những người đã được chẩn đoán bệnh thận, GFR giúp theo dõi xem liệu điều trị có hiệu quả hay không. Nếu chỉ số này giảm dần theo thời gian, bác sĩ sẽ thay đổi chiến lược điều trị để bảo vệ phần chức năng thận còn lại.

- Điều chỉnh thuốc cho phù hợp: Thận đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải nhiều loại thuốc ra khỏi cơ thể. Ở những người có chức năng thận suy giảm (thể hiện qua chỉ số mức lọc cầu thận thấp), khả năng đào thải thuốc cũng giảm đi, dẫn đến nguy cơ tích tụ thuốc trong cơ thể và gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, biết được chỉ số mức lọc cầu thận giúp bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp, đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.

- Đánh giá nguy cơ biến chứng: Chỉ số mức lọc cầu thận thấp có liên quan đến tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch, thiếu máu, rối loạn điện giải và các vấn đề sức khỏe khác. Theo dõi chỉ số này giúp bác sĩ đánh giá được nguy cơ tiềm ẩn và có các biện pháp phòng ngừa, quản lý các biến chứng hiệu quả.

2. Mức lọc cầu thận được ước tính như thế nào?

Trên thực tế lâm sàng, mức lọc cầu thận (GFR) thường không được đo trực tiếp mà được ước tính thông qua chỉ số eGFR từ công thức như CKD-EPI hoặc MDRD dựa vào creatinine huyết thanh, tuổi, giới, và chủng tộc.

Đối với mức lọc cầu thận, có nhiều công thức tính khác nhau, trong đó, theo công văn của Bộ Y tế (số 8101/BYT-KCB) về hướng dẫn mức lọc cầu thận - khuyến cáo sử dụng công thức 2021 CKD-EPI (Creatinine) với độ chính xác cao hơn các công thức khác.

Hiện tại, Hệ thống Y tế MEDLATEC đang sử dụng công thức tính theo 2021 CKD-EPI (Creatinine) trong đo mức lọc cầu thận. Công thức này được áp dụng cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, không cần thông tin về cân nặng. 

3. Chỉ số mức lọc cầu thận GFR bao nhiêu là bình thường?

Nhiều người băn khoăn không biết chỉ số mức lọc cầu thận bao nhiêu là bình thường

Nhiều người băn khoăn không biết chỉ số mức lọc cầu thận bao nhiêu là bình thường

Không phải ai cũng có cùng một chỉ số GFR. Yếu tố tuổi tác, giới tính, thậm chí thể trạng cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến con số này. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn đưa ra một số mốc chung để theo dõi:

- Người trưởng thành khỏe mạnh: Thường có GFR từ 90 mL/phút/1.73m² trở lên. Đây được xem là chỉ số chuẩn cho thấy thận đang hoạt động tốt.

- Theo thời gian, GFR sẽ giảm dần theo tuổi: Đây là quá trình hoàn toàn tự nhiên, ngay cả ở những người khỏe mạnh, GFR vẫn có xu hướng giảm tự nhiên theo tuổi tác. Dưới đây là con số tham khảo:

  • 20 - 29 tuổi: Chỉ số khoảng 116 mL/phút/1.73 m².
  • 30 - 39 tuổi: Chỉ số khoảng 107 mL/phút/1.73 m².
  • 40 - 49 tuổi: Chỉ số khoảng 99 mL/phút/1.73 m².
  • 50 - 59 tuổi: Chỉ số khoảng 93 mL/phút/1.73 m².
  • 60 - 69 tuổi: Chỉ số khoảng 85 mL/phút/1.73 m².
  • 70 tuổi trở lên: Chỉ số khoảng 75 mL/phút/1.73 m².

Dưới đây là cách bác sĩ phân loại tình trạng chức năng thận dựa trên chỉ số GFR:

- Từ 90 mL/phút/1.73 m² trở lên: Thận hoạt động tốt. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu tổn thương khác (ví dụ như có protein trong nước tiểu), bạn vẫn có thể đang ở giai đoạn đầu của bệnh thận.

- Từ 60 đến 89 mL/phút/1.73 m²: Có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thận mạn, hay còn gọi là giai đoạn 2. Ở một số người lớn tuổi, mức này vẫn có thể xem là bình thường nếu không có thêm dấu hiệu bất thường nào khác.

- Từ 30 đến 59 mL/phút/1.73 m²: Đây là giai đoạn 3, cho thấy chức năng thận đã suy giảm mức độ trung bình. Lúc này, các biến chứng có thể bắt đầu xuất hiện nếu không được kiểm soát tốt.

- Từ 15 đến 29 mL/phút/1.73 m²: Chức năng thận suy giảm nặng - giai đoạn 4. Người bệnh cần được theo dõi sát sao và chuẩn bị cho các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu hoặc ghép thận.

- Dưới 15 mL/phút/1.73 m²: Thận gần như không còn khả năng lọc máu - giai đoạn cuối (giai đoạn 5). Cần điều trị thay thế thận để duy trì sự sống.

Lưu ý, đây chỉ là thông tin tham khảo, kết luận chính xác về chỉ số lọc cầu thận cần được bác sĩ đọc kết quả. Bác sĩ sẽ cần kết hợp chỉ số lọc cầu thận với nhiều yếu tố như các xét nghiệm khác, lịch sử bệnh lý và tình trạng sức khỏe tổng thể để có kết luận chính xác. 

Kết luận chính xác về chỉ số lọc cầu thận cần được đưa ra bởi bác sĩ chuyên khoa

Kết luận chính xác về chỉ số lọc cầu thận cần được đưa ra bởi bác sĩ chuyên khoa

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về kết quả chỉ số mức lọc cầu thận hay cảm thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, tốt nhất là nên gặp bác sĩ để được tư vấn đúng và kịp thời. Đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được đội ngũ chuyên gia y tế tận tâm hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ