Tin tức

Ý nghĩa xét nghiệm máu trong thăm khám và điều trị bệnh

Ngày 13/12/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Xét nghiệm máu là xét nghiệm thường quy thường được chỉ định thực hiện trong khám chữa bệnh, nhằm phân tích xác định và định lượng nhiều thông số khác nhau. Kết quả xét nghiệm máu giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe, chẩn đoán, theo dõi bệnh và hiệu quả điều trị. Trong bài viết này, các bác sĩ của MEDLATEC sẽ giải thích chi tiết hơn về ý nghĩa xét nghiệm máu để bệnh nhân hiểu rõ trước khi thực hiện.

1. Xét nghiệm máu gồm những xét nghiệm cơ bản nào?

Hầu hết mọi người chỉ biết đến xét nghiệm máu thường quy, thường được sử dụng trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên có rất nhiều loại xét nghiệm máu khác nhau do kiểm tra đánh giá và định lượng những thành phần hay nhóm chất khác nhau có trong máu.

ý nghĩa xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là xét nghiệm thường quy trong khám sức khỏe

Những xét nghiệm máu cơ bản thường được chỉ định trong khám chữa bệnh thông thường bao gồm:

1.1. Xét nghiệm công thức máu toàn phần

Xét nghiệm công thức máu toàn phần sẽ kiểm tra các thành phần máu bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Kết quả xét nghiệm giúp chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan đến tạo máu như suy tủy, ung thư máu, thiếu máu hay các viêm nhiễm gặp phải.

1.2. Xét nghiệm mỡ máu

Xét nghiệm định lượng mỡ máu cholesterol các loại và triglyceride giúp phát hiện sớm bệnh rối loạn mỡ máu để điều trị, phòng ngừa biến chứng.

1.3. Xét nghiệm đường huyết

Nồng độ Glucose trong máu thể hiện tình trạng sức khỏe cũng như nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

1.4. Xét nghiệm men gan

Men gan bao gồm men ALT và men AST được giải phóng khi tế bào gan bị tổn thương, do đó xét nghiệm kiểm tra thấy có chất này có thể tiết lộ bệnh lý về gan.

1.5. Xét nghiệm chức năng thận

Xét nghiệm này giúp đánh giá các bệnh lý về thận như suy thận.

1.6. Xét nghiệm điện giải đồ

Xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng rối loạn các chất điện giải như natri, kali,...

Xét nghiệm men gan trong máu đánh giá chức năng gan

Xét nghiệm men gan trong máu đánh giá chức năng gan

Các xét nghiệm máu cơ bản trên nằm trong các hạng mục khám sức khỏe thông thường cũng như chẩn đoán bệnh lý. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán bệnh chính xác.

2. Ý nghĩa xét nghiệm máu là gì?

Mỗi chỉ số xét nghiệm máu có ý nghĩa khác nhau, phản ánh các vấn đề sức khỏe và bệnh lý khác nhau. Phạm vi mục này sẽ đề cập đến các chỉ số được thực hiện trong tổng phân tích tế bào máu - một trong các xét nghiệm máu phổ biến nhất hiện nay.

Cụ thể như sau:

2.1. Chỉ số WBC

Chỉ số WBC là chỉ số thể hiện số lượng bạch cầu có trong một thể tích máu, bình thường sẽ nằm trong khoảng từ 4300 đến 10800 tế bào/mm3.

Chỉ số WBC tăng cao bất thường có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp, bệnh bạch cầu lympho cấp, u bạch cầu hoặc do ảnh hưởng của thuốc điều trị như corticosteroid.

Ngược lại, chỉ số WBC giảm có thể do những nguyên nhân như nhiễm siêu vi, thiếu máu bất sản, thiếu vitamin B12 hoặc folate. Chỉ số này còn chịu ảnh hưởng của 1 số loại thuốc gây giảm thấp bất thường như Chloramphenicol, phenothiazine,…

Chỉ số LYM thể hiện số lượng tế bào bạch cầu

Chỉ số LYM thể hiện số lượng tế bào bạch cầu

2.2. Chỉ số LYM

Chỉ số LYM thể hiện số lượng tế bào bạch cầu lympho - tế bào có khả năng miễn dịch. Nếu chỉ số này tăng cao bất thường (lớn hơn 20 - 25%) thì khả năng cao người bệnh bị nhiễm khuẩn, suy tuyến thượng thận hay mắc bệnh bạch cầu dòng lympho,… Khi mắc lao, ung thư, sốt rét, thương hàn nặng hay HIV, chỉ số LYM sẽ giảm thấp.

2.3. Chỉ số MON

Chỉ số Mon có liên quan đến bạch cầu mono, bình thường sẽ nằm trong mức từ 4 - 8%. Bạch cầu mono là những bạch cầu đơn thân, sau sẽ phát triển và biệt hóa thành đại thực bào, các trường hợp tăng hay giảm bất thường đều chỉ ra vấn đề sức khỏe.

Cụ thể, MON tăng khi bị nhiễm virus, u lympho, ung thư hoặc lao,… và giảm khi thiếu máu bất sản.

2.4. Chỉ số NEUT

Chỉ số bạch cầu trung tính bình thường nằm trong mức từ 60 - 66%, song tế bào máu có chức năng miễn dịch quan trọng này sẽ tăng cao nếu cơ thể bị nhiễm trùng cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Khi thiếu máu bất sản, nhiễm độc kim loại hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, chỉ số NEUT sẽ giảm.

2.5. Chỉ số BASO

Chỉ số BASO là chỉ số bạch cầu ái kiềm, bình thường rơi vào khoảng 0,1 - 2,5%, có liên quan đến các phản ứng dị ứng của cơ thể. BASO tăng có liên quan đến bệnh đa hồng cầu, phẫu thuật cắt lách hoặc bệnh leukemia mạn tính,… Khi bị stress, dị ứng quá mẫn hoặc tổn thương tủy xương, BASO sẽ giảm.

Chỉ số BASO tăng có thể do bệnh về bạch cầu

Chỉ số BASO tăng có thể do bệnh về bạch cầu

2.6. Chỉ số EOS

EOS là chỉ số có liên quan đến tế bào bạch cầu ái toan - tế bào có khả năng thực bào yếu. EOS sẽ tăng trong trường hợp người bệnh bị bệnh lý dị ứng hoặc nhiễm ký sinh trùng, ngược lại giảm nếu sử dụng corticosteroid.

2.7. Chỉ số HBG

Chỉ số HBG thể hiện lượng huyết sắc tố trong một đơn vị thể tích máu hay còn gọi là hemoglobin. Thành phần máu này là một protein có vai trò vận chuyển oxy, tạo màu đỏ cho hồng cầu. Khi cơ thể mất nước, bị bỏng hoặc mắc bệnh tim mạch, chỉ số HBG sẽ tăng cao bất thường. Nếu bị xuất huyết, tán huyết hoặc thiếu máu, HBG sẽ giảm.

2.8. Chỉ số RBC

Để kiểm tra số lượng hồng cầu trong một đơn vị thể tích máu, chỉ số RBC thường được sử dụng. RBC sẽ tăng cao trong bệnh đa hồng cầu, bệnh tim mạch hoặc do mất nước. Người bệnh bị thiếu máu, suy tủy, sốt rét hoặc lupus ban đỏ hệ thống, RBC sẽ giảm thấp.

Ngoài ra còn rất nhiều chỉ số xét nghiệm máu khác có ý nghĩa khác nhau trong khám chữa bệnh như: chỉ số thể tích trung bình của tiểu cầu trong một thể tích máu MPV, chỉ số phân bố kích thước tiểu cầu PDW, chỉ số số lượng tiểu cầu trong một đơn vị thể tích máu PLT,…

3. Cần lưu ý gì trước khi xét nghiệm máu

Chỉ số xét nghiệm máu có thể bị ảnh hưởng và không thể hiện chính xác tình trạng bệnh do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: thực phẩm, các chất kích thích, thuốc điều trị,… Do đó trước khi lấy máu xét nghiệm, hãy trao đổi với bác sĩ về những điều cần lưu ý. 

Một số xét nghiệm máu yêu cầu người bệnh phải nhịn ăn từ 8 - 12 giờ, đặc biệt là xét nghiệm máu liên quan đến mỡ máu, đường huyết hay bệnh lý gan mật. Thuốc điều trị cũng gây nhiều ảnh hưởng cho kết quả xét nghiệm máu, hãy trao đổi với bác sĩ về ảnh hưởng này để xem xét có phải ngưng dùng thuốc trước điều trị hay không.

Kết quả xét nghiệm máu có thể bị ảnh hưởng do dùng thuốc điều trị

Kết quả xét nghiệm máu có thể bị ảnh hưởng do dùng thuốc điều trị

Ngoài ra, trước khi xét nghiệm máu, người bệnh không nên sử dụng những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,…

Có thể thấy, vai trò, ý nghĩa xét nghiệm máu là rất quan trọng trong khám chữa bệnh. Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, hãy thực hiện ở cơ sở y tế uy tín như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 198, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC,... Trong đó, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là cơ sở y tế dược đánh giá cao bởi sở hữu Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế ISO 15189:2012 và CAP (từ ngày 7/1/2022), đảm bảo cho kết quả nhanh và chính xác.

Ngoài xét nghiệm máu, bệnh viện còn thực hiện hàng nghìn xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu, hỗ trợ quá trình thăm khám và điều trị bệnh khác. Để tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi, bệnh viện đã cung cấp hình thức xét nghiệm tại nhà, giá xét nghiệm tại nhà bằng xét nghiệm tại bệnh viện, chỉ phụ thu thêm 10.000 đồng phí đi lại và được khách hàng đánh giá rất cao. 

Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

 

Xét nghiệm máu là kỹ thuật phân tích định lượng một hoặc định tính một vài thông số cơ bản từ mẫu máu tĩnh mạch của người thực hiện.

 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.