Bác sĩ: Bác sĩ Trần Văn Thụ
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh
Năm kinh nghiệm:
Ái kỷ hay còn gọi là rối loạn nhân cách thể tự yêu mình. Rối loạn này được đặc trưng bởi sự phóng đại ý thức về tầm quan trọng của bản thân mà thiếu đi sự quan tâm tích cực lâu dài đối với người khác. Ngoài ra những người này có ý thức cao về tầm quan trọng của bản thân. Tuy nhiên, sâu bên trong họ có lòng tự trọng rất mong manh và dễ bị tổn thương trước những lời chỉ trích của người khác dù là nhỏ nhặt. Rối loạn nhân cách này thường gặp sớm trước tuổi trưởng thành.
Người ái kỷ thường có ý nghĩ thái quá về bản thân
Tỷ lệ rối loạn nhân cách thể tự yêu mình là dưới 1% dân số. Một số nghiên cứu ở nước ngoài đưa ra tỷ lệ mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ trong cộng đồng là khoảng 0,5%. Và thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Họ luôn có sự đánh giá phi thực tế về bản thân mình và cho rằng mình rất xinh đẹp, vĩ đại, có nhiều năng khiếu ngay từ khi còn là thiếu niên, thanh niên. Tỷ lệ rối loạn nhân cách thể tự yêu mình dường như đang tăng lên.
Mặc dù chưa có bằng chứng nào cụ thể về cơ chế bệnh sinh của ái kỷ, tuy nhiên nhiều tác giả cho rằng bệnh này có yếu tố liên quan đến gen di truyền. Các bệnh nhân mắc rối loạn này hay có họ hàng cấp độ 1 bị rối loạn lo âu. Ngoài ra còn có cơ chế liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh, một số khía cạnh của lòng tự ái có thể liên quan đến sự xuất hiện của sự phấn khích và phần thưởng và liên quan đến những bất thường ở hệ thống khen thưởng. Đồng thời người ta cũng cho rằng sự thất vọng nặng nề với những sự việc ban đầu được coi là nguồn gốc đầu tiên của rối loạn này. Vấn đề cốt lõi của chứng ái kỷ là cái tôi quá lớn. Yếu tố gia đình, xã hội như những kỳ vọng quá cao của cha mẹ và những lời chỉ trích gay gắt đối với đứa trẻ cũng là một yếu tố gây ra rối loạn ái kỷ.
Sự kì vọng quá lớn của gia đình cũng có thể là yếu tố gây ra rối loạn ái kỷ
Người bệnh rối loạn nhân cách thể tự yêu mình luôn cho rằng mình là người rất quan trọng, có nhiều quyền lực. Họ không muốn bị chỉ trích và có thể nổi cáu nếu bị ai đó phê bình hoặc họ hoàn toàn không cho rằng mình có những điểm đáng bị phê bình.
Họ luôn mong muốn ý kiến của họ phải được mọi người lắng nghe và tuân theo, họ khát khao trở nên giàu có và nổi tiếng. Quan hệ bạn bè của họ rất mong manh, họ nổi cáu dễ dàng nếu họ bị từ chối một điều bình thường nào đó. Trong quan hệ với mọi người xung quanh, họ hay tìm cách bóc lột và thể hiện thái độ hoặc hành vi ngạo mạn, kiêu căng.
Những người ái kỷ có thể tràn đầy năng lượng, có khả năng làm việc tốt và thành công về mặt xã hội, nhưng điều này được thực hiện chỉ để nhận được sự ngưỡng mộ. Thành công của họ không mang lại sự hài lòng bên trong mà luôn kết thúc bằng sự thất vọng và cảm giác trống rỗng. Sự tự cao tự đại thường bị che đậy bởi những khuynh hướng đối lập ví dụ như sự khiêm tốn giả tạo, sự xa cách xã hội và sự khinh thường giả tạo. Và họ thường hay nói dối về tình trạng của mình.
Ngoài ra họ cảm thấy nhàm chán khi vẻ hào nhoáng bên ngoài bị mất đi, không có cảm giác buồn bã hay khao khát thực sự, thiếu chiều sâu về cảm xúc. Khi lòng tự trọng của mình bị tổn thương, họ thường tức giận thậm chí là nung nấu sự báo thù mãnh liệt. Họ thường xuyên thay đổi tâm trạng và đôi khi có trạng thái hưng cảm nhẹ.
Những người ái kỉ thường bị ảo tưởng về tình yêu lý tưởng. Tình dục bị tầm thường hóa và được cho một niềm vui thuần túy về mặt thể chất. Trong các mối quan hệ họ thường bị thao túng và bóc lột. Họ lý tưởng hóa những người mà họ yêu tuy nhiên họ lại coi thường người khác
Họ không thể đồng cảm với những người xung quanh vì lúc nào cũng nghĩ mình là quan trọng nhất. Khi không khẳng định được sự quan trọng của mình đối với mọi người thì họ dễ bị trầm cảm. Khó khăn trong các mối quan hệ với mọi người, thất bại trong công việc, bị loại khỏi tập thể là rất phổ biến ở người bệnh rối loạn nhân cách thể tự yêu mình. Họ luôn ghen tỵ với người khác và luôn cho rằng những người xung quanh ghen tỵ với mình.
Người ái kỷ có thể trở nên thu mình lại
Theo DSM 5 của Hội tâm thần học Hoa Kỳ, tiêu chuẩn chẩn đoán ái kỷ như sau
Bệnh nhân luôn cho rằng mình là vĩ đại (trong suy nghĩ và trong hành vi), muốn mọi người ngưỡng mộ mình và thiếu sự cảm thông với người khác, bắt đầu sớm ở tuổi thanh niên và biểu hiện trong 5 (hoặc hơn) các triệu chứng sau:
- Các rối loạn nhân cách thể ranh giới, kịch tính và chống xã hội thường phối hợp với rối loạn nhân cách thể tự yêu mình nên chẩn đoán phân biệt là khó khăn.
- Người bệnh rối loạn nhân cách thể tự yêu mình ít tỏ ra lo lắng hơn người bệnh rối loạn nhân cách thể ranh giới. Cuộc sống của họ ít hỗn loạn và ít khi họ có ý định tự sát.
- Người bệnh rối loạn nhân cách thể chống xã hội trong tiền sử có nhiều hành vi xung động, thường kết hợp với lạm dụng rượu, ma túy và có nhiều vướng mắc với pháp luật.
- Người bệnh rối loạn nhân cách thể kịch tính có đặc điểm là thích phô trương, lôi cuốn trong quan hệ với mọi người hơn là rối loạn nhân cách thể tự yêu mình.
Ngoài ra, ái kỷ thường đi kèm với nhiều bệnh lý khác như trầm cảm, rối loạn loạn khí sắc, lạm dụng chất gây nghiện và chán ăn tâm lý.
Ái kỷ đôi khi có thể biểu hiện một số đặc điểm của rối loạn lưỡng cực (các giai đoạn hưng cảm và hưng cảm nhẹ). Tuy nhiên, sự thay đổi tâm trạng có giới hạn và thay đổi nhanh chóng, trong khi ý thức của bệnh nhân được duy trì.
Rối loạn nhân cách thể tự yêu mình là bệnh mạn tính và khó điều trị. Bệnh rất bền vững do kết quả của hành vi và kinh nghiệm sống của người bệnh tác động vào. Bệnh ít thuyên giảm theo lứa tuổi. Người bệnh luôn đánh giá cao một cách không phù hợp về ngoại hình, sức mạnh, sự trẻ trung của mình. Họ dễ bị tổn thương nên hay bị khủng hoảng ở tuổi trung niên hơn những người bị rối loạn nhân cách khác.
Đồng thời người bệnh thường trở nên trầm cảm hoặc hưng cảm nhẹ ở tuổi trung niên, khi đời sống nội tâm của họ dần sa sút do những thất vọng, sự tự ái của họ giảm. Ngoài ra họ có thể mắc phải rối loạn lo âu lan tỏa.
Liệu pháp tâm lý:
Điều trị tâm lý cho người bệnh rối loạn nhân cách thể tự yêu mình là rất khó. Tâm lý trị liệu cá nhân nhằm mục đích phân tích, giải thích tính tự cao, tự đại của người bệnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu chỉ nên dùng liệu pháp hỗ trợ bằng sự diễn giải cho đến khi có sự gắn bó giữa nhà trị liệu và người bệnh. Trị liệu đối với với những người ái kỷ chắc chắn sẽ khơi dậy sự phản kháng nghiêm trọng, bởi vì cảm xúc và hành vi của họ phải được hạ thấp xuống.
Liệu pháp tâm lý nhóm có thể giúp họ học cách chia sẻ, làm quen với việc bị phê bình và học thái độ ứng xử thích hợp khi bị chỉ trích.
Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị hiệu quả hàng đầu
Điều trị bằng thuốc
Thuốc chỉnh khí sắc và thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI có thể có tác dụng trên một số trường hợp khi người bệnh có những rối loạn tâm thần kèm theo.
Một số loại thuốc chống trầm cảm hay dùng là Zolof, Paroxetin, Citalopram… Đây là những thuốc ít tác dụng phụ, dễ dung nạp, có thể dùng kéo dài mà không gây tác dụng phụ lên các cơ quan trong cơ thể.
Thuốc chỉnh khí sắc thường dùng là Depakin, Lamotrigil.. cần được thận trọng khi kê đơn.
Như vậy, ái kỷ là một rối loạn nhân cách mà ta thường gặp nhưng có thể không phát hiện ra. Những người mắc rối loạn này có thể làm việc, đời sống sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên họ có thể gặp phải sự suy giảm về chất lượng cuộc sống. Việc can thiệp điều trị chủ yếu là liệu pháp tâm lí và dùng thuốc cho một vài trường hợp có bệnh lí tâm thần kèm theo.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!