Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Bệnh amip ăn não hay bệnh do Naegleria fowleri là bệnh gây ra bởi ký sinh trùng, tổn thương não nặng nề, chẩn đoán bệnh thường khó và chậm chễ, dẫn đến tiên lượng tử vong cao. Bệnh hiếm gặp, amip xâm nhập vào não bộ của cơ thể qua đường mũi. Người bệnh có các triệu chứng của viêm não – màng não, tiến triển nhanh, khó phân biệt với viêm màng não do căn nguyên vi khuẩn. Chẩn đoán bệnh cần dựa vào các yếu tố khai thác tiền sử phơi nhiễm, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên như tìm amip trong dịch não tủy, xét nghiệm PCR xác định DNA của amip,…
Bệnh amip ăn não
Hiện nay các phương pháp điều trị bệnh còn tranh cãi, một số thuốc đã được sử dụng như amphotericin B, miltefosine,… tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu, đánh giá thêm.
Naegleria fowleri được gọi là amip “ăn não” người, là ký sinh trùng đơn bào, thuộc lớp chân giả, là loài Naegleria duy nhất gây bệnh ở người. Amip là vi sinh vật khá ưu nhiệt, sống được ở nhiệt độ trên 30 độ C và chịu được nhiệt độ lên đến 45 độ C, trong môi trường tự nhiên, amip có thể tìm thấy ở trong môi trường nước ngọt đặc biệt môi trường nước ấm như suối nước nóng, đất ẩm, chưa có bằng chứng ghi nhận ký sinh trùng có thể tồn tại trong môi trường nước biển. Amip gây bệnh cho người khi gặp điều kiện thuận lợi.
Naegleria fowleri được gọi là amip “ăn não” người
Chu kỳ sinh học của amip tồn tại 3 thể là thể nang, thể tư dưỡng và thể roi. Chúng phả hủy và ăn các tế bào não của cơ thể người, gây bệnh lý viêm não màng não do amip (primary amoebic meningoencephalitis – PAM)
Biểu hiện bệnh thường cấp tính, tỉ lệ tử vong tương đối cao. Trong một số báo cáo, tỉ lệ này có thể lên đến 99%. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày, trung bình khoảng 5 ngày, người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt. Thời gian tử vong sau khi bất đầu khởi phát triệu chứng thường trong 1 đến 12 ngày, thời gian tử vong kể từ khi phơi nhiễm với nguồn bệnh khoảng 6 đến 17 ngày. Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán bệnh qua khám nghiệm tử thi.
Người bệnh biểu hiện các triệu chứng lâm sàng viêm não - màng não: sốt cao, sốt nóng hoặc sốt rét run kèm theo đau đầu dữ dội, đau tăng khi thay đổi tư thế, sợ ánh sáng và sợ tiếng động mạnh. Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, nôn dữ dội, nôn dễ dàng không liên quan đến bữa ăn. Các bất thường cơ năng khác như thay đổi hoặc giảm khứu giác có liên quan đến đường xâm nhập của amip; thay đổi hành vi nhận thức, có hành vi bất thường; tình trạng tâm thần bị thay đổi; người bệnh có thể có các cơn co giật.
Các triệu chứng lâm sàng viêm não - màng não: sốt cao, sốt nóng hoặc sốt rét run kèm theo đau đầu dữ dội
Thăm khám thực thể thấy hội chứng màng não với các biểu hiện như gáy cứng, vạch màng não dương tính, dấu hiệu kernig dương tính,… các dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt các dây thần kinh sọ,... Người bệnh thường tiến triển bệnh rất nhanh, các triệu chứng nặng lên, ý thức và tri giác thay đổi nhanh dẫn tới hôn mê, hội chứng tăng áp lực nội sọ biểu hiện rõ. Một số người bệnh có thể ghi nhận rối loạn nhịp tim.
Cần chọc dịch não tủy khi không có chống chỉ định. Áp lực dịch não tủy thường tăng, trường hợp nặng tăng rất cao; màu sắc biến đổi từ trắng vàng đến xám, sau đó là dịch xuất huyết khi người bệnh tiến triển. Số lượng bạch cầu dịch não tủy tăng, trung bình từ vài trăm đến vài chục nghìn tế bào/ mm3 trong đó bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế. Số lượng tế bào hồng cầu dịch não tủy tăng, khoảng 200 đến 30.000 tế bào/mm3. Đường dịch não tủy giảm rõ rệt, đôi khi còn vết giống viêm màng não do vi khuẩn. Nồng độ protein dịch não tủy tăng. Khi xét nghiệm các căn nguyên vi khuẩn như nhuộm soi, nuôi cấy thường âm tính. Tuy nhiên đã ghi nhận có bội nhiễm trực khuẩn Burkholderia cepacia ở những bệnh nhân bị bệnh amip ăn não.
Trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não và cộng hưởng từ sọ não thấy tổn thương viêm não, hoại tử lan rộng, phù nề nhu mô não và xuất huyết nhu mô não hoặc nhồi máu não, não úng thủy. Các tổn thương có xu hướng ở thùy trán, thùy thái dương, vùng thân não, tiểu não, đoạn đầu của tủy sống. Phim cộng hưởng từ sọ não có độ nhạy tốt hơn so với cắt lớp vi tính trong đánh giá mô mềm của não.
Bệnh amip ăn não là bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán và điều trị, các biến chứng của bệnh thường là tổn thương nhu mô não gây ảnh hưởng nặng nề đến chức năng não bộ, ý thức, tri thức người bệnh, phù não, tăng áp lực nội sọ gây hậu quả tụt kẹt não, … cuối cùng người bệnh tử vong. Tỉ lệ tử vong rất cao. Người bệnh sống sót với nhiều di chứng về như động kinh, nhận thức kém, tình trạng tâm thần thay đổi, liệt vận động,…
Bệnh amip ăn não người có thể dẫn đến biến chứng tử vong
Amip xâm nhập vào cơ thể người bằng con đường chính là qua đường mũi. Từ mũi, amip di chuyển đến nhu mô não và ký sinh tại đó. Con người khi bơi, tắm tại các hồ bơi nước ngọt, suối nước nóng, vùng nước ấm như sông, hồ, hoặc nước bẩn vào mũi trực tiếp bằng các con đường khác như sử dụng nước bẩn để rửa mũi,… có thể bị amip xâm nhập. Con người không bị nhiễm bệnh khi uống các nguồn nước bị nhiễm bệnh.
Amip xâm nhập vào cơ thể người bằng con đường chính là qua đường mũi.
Hiện nay chưa ghi nhận bằng chứng bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành bằng các con đường thông thường.
Naegleria fowleri là vi sinh vật ưa nhiệt, do đó có thể tìm thấy rất nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên không phải tất cả các đối tượng tiếp xúc với amip đều gây bệnh. Hàng ngày có hàng triệu người tiếp xúc với nguồn nước có thể chứa amip, tuy nhiên số ca mắc bệnh amip ăn não hàng năm rất ít người. Theo số liệu thống kê của CDC, ghi nhận 34 ca mắc bệnh tại Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2018, trong đó trẻ nhỏ và người trẻ dễ bị ảnh hưởng nhất. Nguyên nhân vẫn chưa được lý giải được. Một số các yếu tố có thể có nguy cơ mắc bệnh đó là: bơi/tắm ở sông, ao, hồ nước ngọt, suối nước nóng; sử dụng hồ bơi/ tắm chưa được khử trùng; sử dụng trực tiếp nước bị nhiễm bệnh xịt mũi, rửa trực tiếp mũi,…
Hiện không có các biện pháp phòng tránh bệnh đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh chung là hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa mũi với nguồn nước có nguy cơ: có thể hạn chế các hoạt động ở suối nước nóng, hồ/ao/sông nước ấm; hạn chế tiếp xúc với các nguồn nước bị ô nhiễm; sử dụng các phương tiện bảo vệ mũi khi có thể; không được sử dụng trực tiếp các nguồn nước bẩn, nước ô nhiễm xịt rửa mũi,..
Cần nghĩ đến bệnh lý amip ăn não trong trường hợp viêm não màng não cấp tính, tiến triển nhanh với kết quả nhuộm soi và nuôi cấy âm tính với các vi khuẩn thông thường, biện pháp xác định căn nguyên vi rút hay gặp âm tính. Yếu tố dịch tễ có phơi nhiễm với nguồn nước nguy cơ cũng gợi ý chẩn đoán tuy nhiên không phải trong tất cả các trường hợp đều khai thác được.
Các phương pháp phát hiện amip gây bệnh thường không dễ thực hiện tại nhiều cơ sở y tế.
Naegleria fowleri có thể phát triển trong một số môi trường trong phòng thí nghiệm như các đĩa thạch agar không có chất dinh dưỡng được phủ bởi các vi khuẩn như E.Coli. Điều kiện ủ các đĩa thạch thường ở nhiệt độ 37 độ C trong phòng thí nghiệm, cần quan sát hàng ngày để đánh giá và xác định thể tư dưỡng của amip đã ăn vi khuẩn. Ngoài ra phát hiện amip thông qua các phương pháp kiểm tra hình thái học, hóa sinh khác.
Phản ứng khuếch đại chuỗi polymerase PCR có thể giúp phát hiện vật chất di truyền (DNA) của amip trong dịch não tủy. Thời gian trả lời kết quả thường sau vài tiếng. Tuy nhiên phương pháp này không có sẵn ở rất nhiều cơ sở y tế, yêu cầu kỹ thuật và máy móc hiện đại.
Xét nghiệm dịch não tủy chẩn đoán bệnh amip ăn não
Các xét nghiệm huyết thanh học không được đánh giá cao trong chẩn đoán. Trong một số báo cáo, tỉ lệ người có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với amip gây bệnh có thể lưu hành trong cộng đồng, tuy nhiên số người bệnh mắc bệnh amip ăn não lại cực hiếm. Bên cạnh đó, kết quả có thể dương tính với một số loài amip khác.
Tổn thương nhu mô não trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não hoặc chụp cổng hưởng từ thường không đặc hiệu .
Bệnh amip ăn não cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như: viêm màng não mủ (thực hiện nhuộm soi và nuôi cấy vi khuẩn dịch não tủy,…), tổn thương viêm não do các căn nguyên khác,…
Hiện nay, chưa có phác đồ được cho là tối ưu và khuyến cáo hàng đầu đối với bệnh nhân mắc Naegleria fowleri, các phác đồ đơn trị liệu hoặc phối hợp thuốc vẫn còn đang tranh cãi. Bên cạnh đó, bệnh thường tiến triển nhanh, thường được chẩn đoán chậm hoặc chẩn đoán nhầm với viêm màng não do vi khuẩn. Tỉ lệ tử vong rất cao, người bệnh sống sót thường có nhiều di chứng. Trên lý thuyết, phác đồ điều trị cần sử thuốc diệt amip (đơn trị liệu hoặc phối hợp thuốc) có thể ngấm tốt qua hàng rào máu não. Một số thuốc đã được sử dụng để điều trị bệnh đó là:
- Amphotericin B được chứng minh có hiệu quả diệt amip trong in vitro mặc dù trên lâm sàng tiên lượng còn dè dặt. Liều thường dùng là 0,7 – 1 mg/kg/ lần tiêm truyền tĩnh mạch.
- Rifampin liều 10 mg/kg/ngày mặc dù hiệu quả trên in vitro với amip ăn não là không chắc chắn.
- Fluconazole 10 mg/kg/ngày đường tĩnh mạch
Sự phối hợp giữa amphotericin B với Rifampin hoặc Fluconazole cũng được nghiên cứu. Tuy nhiên số lượng người bệnh sống sót sau khi điều trị phác đồ kết hợp thuốc trong các báo cáo với cỡ mẫu rất thấp, cần đánh giá thêm.
- Miltefosine liều 50 mg/ lần x 2 lần/ ngày với người bệnh dưới 45 kg, liều 50 mg/lần x 3 lần/ ngày với người bệnh trên 45 kg. Nhiều tác giả ủng hộ việc sử dụng miltefosine trong điều trị bệnh amip ăn não do đã ghi nhân tác dụng chống lại amip trên in vitro và in vivo ở chuột, trên người bệnh vẫn còn tranh cãi.
- Azithromycin có tác dụng trên mô hình in vitro và in vivo ở động vật, được cho có tác dụng hiệp đồng với amphotericin B.
- Posaconazole có khả năng ức chế amip trong vòng 12 giờ trên in vitro và được kỳ vọng trong tương lai có thể là thuốc hữu ích trong điều trị bệnh amip ăn não. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu đánh giá hơn.
1. Naegleria - Frequently Asked Questions (FAQs)". Centers for Disease Control and Prevention. July 5, 2011. http://www.cdc.gov/parasites/naegleria/faqs.html. Retrieved 2011-08-17
2. Bauman, Robert W. (2009). "Microbial Diseases of the Nervous System and Eyes". Microbiology, With Diseases by Body System (2nd ed.). San Francisco: Pearson Education. p. 617
3. Capewell LG, Harris AM, Yoder JS, Cope JR . Diagnosis, Clinical Course, and Treatment of Primary Amoebic Meningoencephalitis in the United States, 1937-2013. J Pediatric Infect Dis Soc. 2015;4(4):e68. Epub 2014 Oct 23
4. Gharpure R, Bliton J, Goodman A. Epidemiology and Clinical Characteristics of Primary Amebic Meningoencephalitis Caused by Naegleria fowleri: A Global Review. Clin Infect Dis. 2021;73(1):e19.
5. Linam WM, Ahmed M. Successful treatment of an adolescent with Naegleria fowleri primary amebic meningoencephalitis. Pediatrics. 2015;135(3):e744. Epub 2015 Feb 9.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!