Bác sĩ: BSCKI. Lê Thị Hoài Thanh
Chuyên khoa: Hô hấp
Năm kinh nghiệm: 22 năm
Áp xe não là ổ viêm sinh mủ trong nội sọ nguyên nhân do nhiều vi khuẩn và một số sinh vật (kí sinh trùng, nấm…) có thể vượt qua lớp bảo vệ sau đó “tấn công” não, gây nên tình trạng nhiễm trùng khi đó, với cơ chế tự bảo vệ, não bộ sẽ phản ứng lại sự xâm nhập của các vi khuẩn bằng cách hình thành các khoang trống nhỏ có chứa mủ, tạo thành các ổ áp xe não.
Hình ảnh minh họa ổ áp xe trong não
- Nhiễm trùng xâm nhập vào não thông qua ba con đường chính gồm:
+ Bộ phận khác bị nhiễm khuẩn và lây lan lên não: Thường nằm trong bệnh cảnh nhiễm trùng huyết, vi khuẩn đi lên não qua đường máu, thường thấy nhiễm trùng phổi như viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, u phổi bội nhiễm. Có thể nguồn gốc tim mạch như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn….
Nhiễm trùng huyết vi khuẩn đi lên não qua đường máu
+ Não bị nhiễm khuẩn do lây lan từ bộ phận gần đó như viêm tai xương chũm, viêm xoang bướm, viêm răng đặc biệt là răng hàm, viêm cấp tủy xương….
+ Do chấn thương hoặc phẫu thuật
- Bệnh nguyên: Cầu khuẩn Gram (+) đứng hàng đầu là tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, vi khuẩn đường ruột như trực khuẩn mủ xanh, proteus…, vi khuẩn kị khí thường có nguồn gốc từ xoang, amip, sán, nấm ….
Dấu hiệu của áp xe não khá đa dạng, ở mỗi trường hợp khác nhau tùy thuộc nguyên nhân, vị trí tổn thương, mức độ trầm trọng của bệnh, độc tính vi khuẩn và sự đề kháng của vi khuẩn, giai đoạn được khám. Thông thường, áp xe não biểu hiện với 3 hội chứng:
- Hội chứng nhiễm trùng: Không chỉ phụ thuộc vào ổ áp xe mà còn phụ thuộc vào ổ nhiễm trùng nguyên phát. Người bệnh có dấu hiệu sốt cao từ 39 - 40oC, tình trạng sốt cao thường xuất hiện khi ổ áp xe ở giai đoạn lan tỏa, với các trường hợp tổn thương khu trú, tình trạng sốt ít hơn. Tỉ lệ có sốt trong áp xe não chiếm 35% - 50% ở người lớn. Do sốt người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, khám có tình trạng lưỡi bẩn, hơi thở hôi….
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Đau đầu là triệu chứng thường gặp ở khoảng 70% bệnh nhân và không đặc hiệu.
Dấu hiệu của áp xe não khá đa dạng, ở mỗi trường hợp khác nhau tùy thuộc nguyên nhân, vị trí tổn thương
- Dấu hiệu thần kinh khu trú: Rất đa dạng phụ thuộc vào vị trí tổn thương
- Diễn biến tự nhiên nếu không được điều trị: Áp xe ngày càng tiến triển nặng lên vỡ hoặc gây tụt kẹt. Tụt kẹt thùy thái dương gây rối loạn ý thức, giãn đồng tử, lác ngoài do chèn ép dây TK số III, triệu chứng mất não như chi trên duỗi, chi dưới duỗi quá mức, rối loạn thần kinh thực vật (nhịp tim nhanh, tăng HA, suy hô hấp) tử vong trong vài giờ. Hay tụt kẹt hạnh nhân tiểu não gây cơn tăng trương lực cơ hố sau.. Ngoài ra có thể tiến triển 2- 3 pha: giai đoạn đầu giai đoạn nhiễm trùng rầm rộ, giai đoạn 2 tăng áp lực nội sọ, giai đoạn 3dấu hiệu thần kinh khu trú.
- Dù tiến triển theo cách nào thì áp xe não cũng không thể tự khỏi, tỉ lệ tử vong có thể đạt 25% dù đã được điều trị kháng sinh. Một số có thể lại di chứng thiếu sót thần kinh, động kinh sau này.
Áp xe não có thể dẫn đến tử vong
- Áp xe não là bệnh không thường gặp trên lâm sàng. Hay gặp trên một số nhóm đối tượng có một hệ thống miễn dịch yếu như:
+ Hội chứng suy giảm miễn dịch HIV/AIDS;
+ Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi;
+ Người bệnh đang được điều trị bằng phương pháp hóa trị;
Người bệnh đang được điều trị bằng phương pháp hóa trị có hệ thống miễn dịch yếu dễ bị áp xe não nếu vi khuẩn tấn công
+ Người bệnh đang sử dụng thuốc steroid dài hạn;
+ Người bệnh đã được cấy ghép nội tạng vì các nguyên nhân khác và dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa đào thải nội tạng đã được ghép.
- Chụp CT scan não có cản quang: Là phương pháp có độ nhạy phát hiện áp-xe 95% - 99%, chẩn đoán các giai đoạn của áp xe não gồm: Viêm não sớm (1-3 ngày), viêm não muộn (4-9 ngày), tạo bao sớm (10-13 ngày) và hình thành bao rõ ( trên 14 ngày).
Chụp CT xác định ổ áp xe não
- Chụp CT chưa bơm thuốc thấy hình ảnh vùng giảm đậm không đồng nhất do sự phù não, hoại tử, xuất huyết lấm tấm đôi khi có khí do vi trùng tạo ra, hoặc xuất hiện khối choán chỗ và phù não vận mạch dạng ngón tay găng, hoặc ổ giảm đậm độ được bao quanh bởi vòng tăng đậm độ.
- Chụp CT sau khi bơm thuốc xuất hiện dạng vòng nhẫn: Ổ giảm đậm độ ở trung tâm với vòng tăng đậm độ bao quanh bắt thuốc.
- MRI não có tiêm thuốc đối quang từ: Là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn CT, có thể phát hiện áp xe nhỏ, thương tổn vệ tinh dạng mẹ bồng con và đặc biệt có thể phát hiện tụ mủ dưới màng cứng kèm theo.
- Soii đáy mắt: Có thể phù gai thị.
- Vi sinh, giải phẫu bệnh: Chỉ thực hiện khi phẫu thuật, chẩn đoán xác định.Lấy Mủ Từ Ổ Áp-Xe, lấy mủ từ các ổ viêm nghi ngờ ( tai, phổi, xoang, răng..) có thể thực hiện nhuộm gram, AFB tìm vi trùng Lao, mực tàu (Cryptococcus neoformans). Cấy hiếu khí và kỵ khí, soi cấy nấm, PCR lao. Tuy nhiên có khoảng 25% trường hợp cấy mủ áp-xe không tìm thấy tác nhân
- Các Xét Nghiệm Khác
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, CT ngực; Chụp X-quang, CT xoang; Siêu âm tim, siêu âm bụng... mục đích để tìm các nguyên nhân gây viêm.
Kết hợp nội và ngoại khoa
Nội khoa: Khi chẩn đoán áp xe não bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh phổ rộng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên kháng sinh lựa chọn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: nguyên nhân nghi ngờ, kích thước ổ apxe, số lượng ổ áp xe….
- Kháng sinh: Điều trị vi khuẩn gây bệnh, liều điều trị từ 4 – 8 tuần
Sử dụng kháng sinh điều trị phụ thuộc vào các yếu tố như: nguyên nhân nghi ngờ, kích thước ổ apxe, số lượng ổ áp xe
Thường dùng: Cefotaxime (Claforan) 200 – 300mg/kg/24 giờ, chia 2 – 3 lần tiêm TM, hoặc Ceftriaxone (Rocephine) ; Ceftazidime pentahydrate (Fortum) 70 – 100mg/kg/24h, chia 2 – 3 lần tiêm TM.
Kết hợp Metronidazol 40mg/kg/24h truyền tĩnh mạch chia 2 lần.
- Điều trị tăng áp lực sọ não: Dùng Manitol 20% liều 0,5g/kg x 2 lần/ngày, từ 3 – 5 ngày, truyền Ringer Lactat 30 – 50mg/kg/ngày. Lưu ý cần kiểm soát điện giải đồ
- Chống co giật: Dùng Phenobarbital 3 – 5mg/kg/ngày chia 2 lần hoặc Seduxen 0,3 – 0,5mg/kg/1 lần, uống.
- Giảm sốt: Dùng thuốc Paracetamol 15mg/kg/lần, uống.
Ngoại khoa
- Được bác sĩ chỉ định khi điều trị kháng sinh không hiệu quả, ổ áp xe có kích thước lớn đe doạ tụt kẹt.
- Phương pháp chọc hút mủ, phân lập vi khuẩn gây bệnh và điều trị theo kháng sinh đồ; nếu là bọc mủ lớn cần cắt bỏ ổ áp xe.
- Sau mổ cần tiếp tục điều trị bằng kháng sinh 4 tuần theo đường tiêm tĩnh mạch, sau đó chuyển sang uống 2 - 4 tuần và hẹn tái khám lại.
- Trên phim chụp cắt lớp điện toán, phải mất một thời gian dài nhiều tháng mới thấy biến mất ổ áp xe và đặc biệt lưu ý cần theo dõi sau khi ra viện, hẹn tái khám lại.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!