Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Bệnh bạch hầu là một bệnh khá phổ biến và nguy hiểm. Trước đây, bệnh do trực khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae (hay còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên, đây là một bệnh lây qua đường hô hấp, vì thế có thể gây thành dịch, bệnh nhân mắc bệnh và tử vong do cơ chế nhiễm trùng nhiễm độc của vi khuẩn.
Lứa tuổi dễ bị mắc bệnh là trẻ em < 15 tuổi hoặc ở ngay cả những người lớn tuổi hơn do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ nên chưa có miễn dịch đặc hiệu với bệnh bạch hầu.
Vi khuẩn có thể xuất hiện ở đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản), gây nên những giả mạc dai và dính, khó bóc tách, nghiêm trọng hơn, chúng có thể sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh). Nguyên nhân tử vong chủ yếu do tắc đường thở hoặc viêm cơ tim.
Trước kia bệnh khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân nhiễm trùng quan trọng ở trẻ nhỏ, ngày nay, nhờ có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD), đặc biệt là trẻ được dự phòng bệnh bằng vắc-xin, nên bệnh chỉ còn xảy ra lẻ tẻ và không nghiêm trọng.
Bệnh gây nên do một loài vi khuẩn có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria, đây là vi khuẩn loại cầu trực khuẩn gram (+), hình chùy, kích thước dài và rộng lần lượt là 1-9 µm và 0,3 - 0,8 µm, tế bào vi khuẩn không có vỏ, không di động và không tạo nha bào. Khả năng tổn tại của vi khuẩn trong các môi trường khác nhau cũng có sự khác nhau: Trong giả mạc vùng hầu họng của bệnh nhân, vi khuẩn tồn tại được khá lâu. Ở ngoài môi trường, nếu sống ở điều kiện thiếu sáng, vi khuẩn có thể tồn tại đến 6 tháng trên các vật dụng như đồ chơi của trẻ hay áo choàng của nhân viên y tế. Vi khuẩn bạch hầu không tồn tại được lâu dưới ảnh hưởng của nhiệt độ và ánh sáng mặt trời, chúng sẽ chết ở nhiệt độ 58oC trong vòng 10 phút, và bị tiêu diệt sau khoảng vài giờ dưới ánh sáng mặt trời.
Hình ảnh vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây bệnh bạch hầu
Dựa vào tính chất tán huyết Corynebacterium diphtheriae có 4 biotyp là Corynebacterium diphtheria Gravis, Corynebacterium diphtheriae intermedius, Corynebacterium diphtheriae belfanti, Corynebacterium diphtheriae mitus. Trong đó, Corynebacterium diphtheriae Gravis là căn nguyên phổ biến nhất gây bệnh bạch hầu nặng.
Vi khuẩn bạch hầu có thể gây nhiều thể bệnh, phổ biến nhất bạch hầu họng (chiếm 70%), sau đó là bạch hầu thanh quản (chiếm 20-30%), các thể bệnh ít gặp hơn như: bạch hầu mũi (chiếm 4%), bạch hầu mắt (chiếm 3-8%), bạch hầu da,...
Bạch hầu họng
a. Thời kỳ ủ bệnh:
Khá ngắn, khoảng từ 2-5 ngày, thời kỳ này bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng.
b. Thời kỳ khởi phát:
- Sốt là triệu chứng hay gặp, thường sốt không quá cao, nhiệt độ: 37,5o - 38oC, bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, mệt mỏi, đau họng, ăn uống kém, da xanh, sổ mũi một hoặc 2 bên và xì nước mũi có thể lẫn máu.
- Họng hơi đỏ, amydan có điểm trắng mờ dạng giả mạc ở một bên. Có thể xuất hiện hạch nhỏ ở cổ, di động được, ấn không đau.
c. Thời kỳ toàn phát: Bắt đầu sau 2-3 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.
- Triệu chứng toàn thân: Nhiệt độ cơ thể tăng đến 38o - 38,5oC , cảm giác nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, chán ăn, mạch nhanh, huyết áp có thể hạ.
- Họng có giả mạc tiến triển, ban đầu ở một bên hoặc 2 bên amydan, sau đó lan xuống lưỡi gà và màn hầu ở những trường hợp nặng. Giả mạc chuyển mầu từ trắng ngà lúc đầu, sau ngả màu vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách khó và dễ gây chảy máu, nếu cố bóc tách thì sẽ mọc lại rất nhanh sau vài giờ; giả mạc rất dai, không tan trong nước, và vùng niêm mạc quanh giả mạc hoàn toàn bình thường.
- Các triệu chứng đi kèm: Hạch góc hàm sưng và đau, sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ.
d. Thời kỳ lui bệnh: Nếu được điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu (SAD) và kháng sinh, giả mạc hết nhanh trong vòng 24-72 giờ, người bệnh hết sốt, nhưng còn mệt, da xanh, và sẽ hồi phục sau 2-3 tuần. Tuy nhiên cần lưu ý các biến chứng muộn.
Xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh, thường từ ngày 3-7 kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân có bệnh cảnh nhiễm trùng nhiễm độc nặng với sốt cao từ 39-40oC, giả mạc lan rộng, hạch cổ sưng to làm biến dạng cổ dẫn đến hình cổ bạnh. Biến chứng sớm và nặng như viêm cơ tim, tổn thương thần kinh và suy thận.
- Thường gặp bạch hầu họng-thanh quản kết hợp, ít gặp bạch hầu thanh quản đơn thuần
- Do giả mạc lan xuống thanh quản và hiện tượng xung huyết, phù nề tại thanh quản. Hay gặp ở trẻ từ 2-5 tuổi, hiếm gặp ở trẻ dưới 1 tuổi và người lớn.
- Bệnh cảnh lâm sàng bao gồm tình trạng viêm thanh quản cấp (khàn giọng, ho ông ổng, khó thở chậm thì hít vào, tiếng rít thanh quản khi thở) ở giai đoạn muộn bệnh nhân có thể bị ngạt thở và tử vong.
Các thể lâm sàng khác
a. Bạch hầu mũi
- Hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Trẻ sốt nhẹ hoặc không sốt, da xanh, sút cân, quấy khóc, ỉa chảy hoặc nôn, kèm theo viêm phế quản-phổi, suy kiệt và từ vong.
- Tại chỗ: trẻ sổ mũi một bên, nước mũi trong, đôi khi có giả mạc hoặc lờ lờ máu, loét lỗ mũi.
b. Bạch hầu mắt
- Thường xuất hiện sau bạch hầu họng hoặc bạch hầu mũi và lan truyền qua ống lệ. Biểu hiện viêm màng tiếp hợp có giả mạc, phù mi mắt trên. Lật mi mắt sẽ thấy giả mạc dính chặt và niêm mạc ở một bên mắt.
c. Bạch hầu da
- Hiếm gặp, thường do bị tổn thương trước như loét trợt ngoài da, da bị xây xát, chốc lở,.. không gặp ở người da lành.
- Biểu hiện: có giả mạc hơi xám bám vào vùng da bị tổn thương trước, khi bóc tách gây chảy máu.
d. Bạch hầu rốn
- Là hình thái của bạch hầu da, gặp ở trẻ sơ sinh, xuất hiện giả mạc ở rốn, dính chặt vào niêm mạc, tự rơi sau 2-3 tuần.
e. Bạch hầu âm đạo
- Ở trẻ gái, môi lớn bị viêm loét và có giả mạc dính chặt vào niêm mạc, bóc tách chảy máu. Toàn trạng tốt, không sốt.
Do độc tố bạch hầu gây thoái hóa nhu mô, thoái hóa mỡ ở cơ tim và rối loạn dẫn truyền.
- Viêm cơ tim: Nguyên nhân tử vong đột ngột trong bệnh bạch hầu
- Rối loạn dẫn truyền cơ tim: Rối loạn dẫn truyền tiên lượng nặng, người bệnh thường tử vong đột ngột do suy tim cấp hoặc trụy mạch.
- Huyết khối tim: Thường xuất hiện đột ngột, có thể vào ngày thứ 15 của bệnh.
Bạch hầu có thể dẫn đến biến chứng tim mạch
Do độc tố bạch hầu gây tổn thương hệ thần kinh, gây liệt.
- Liệt màn hầu: Người bệnh rối loạn nuốt và nói. Liệt diễn biến kéo dài vài ngày đến vài tuần.
- Liệt mắt: Liệt dây III, liệt dây VI gây lác, sụp mi. Liệt điều tiết gây viễn thị.
- Liệt chi dưới: Thường xuất hiện sau liệt màn hầu, thường liệt cả hai chân.
- Liệt chi trên: Ít gặp, thường xuất hiện sau liệt chi dưới, biểu hiện rõ nhất ở bàn tay.
- Liệt các cơ quan khác: Liệt thực quản, liệt thanh quản, liệt các cơ vùng gáy, liệt cơ hoành, liệt dây thần kinh số 10, liệt hành tủy.
- Nói chung các biểu hiện liệt do bạch hầu sau một thời gian tự hồi phục hoàn toàn.
Do tổn thương cầu thận hoặc ống thận. Biểu hiện dưới 3 thể
- Thể nhẹ: Thiểu niệu, nước tiểu có albumin, ít bạch cầu và vài tế bào thận.
- Thể nặng: Thiểu niệu rõ rệt, nước tiểu có albumin nhiều hơn, có nhiều bạch cầu và tế bào thận, đôi khi có trụ hạt.
- Thể ác tính: Thiểu niệu rất rõ, số lượng nước tiểu ít, xuất hiện sớm và kéo dài. Ure máu tăng cao, trong nước tiểu có albumin, bạch cầu và trụ hạt.
- Nguồn bệnh duy nhất là ở người, bao gồm những người đang bị bệnh, người mới khỏi bệnh còn thải vi khuẩn ra môi trường và ngay cả ở những người lành mang vi khuẩn.
- Bệnh chủ yếu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh nói, ho, hắt hơi, và người bệnh sẽ bị nhiễm vi khuẩn khi tiếp xúc gần và hít phải
- Qua đồ dùng của người bệnh, thức ăn mang vi khuẩn, bệnh cũng có thể lây, đây là con đường lây bệnh gián tiếp. Ngoài ra, vi khuẩn cũng lây qua các tổn thương trên da như vết thương, nốt đốt côn trùng,… dẫn đến bạch hầu da.
Cơ thể cảm thụ là người chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu. Người ta làm phản ứng Schick để đánh giá miễn dịch của một người với vi khuẩn bạch hầu. Phản ứng này giúp xác định kháng độc tố bạch hầu trong huyết thanh của người. Ở người bị bệnh bạch hầu, sau khi khỏi bệnh khoảng 1 tháng, 30% số người bệnh có phản ứng Schick dương tính. Như vậy, miễn dịch sau khi mắc bệnh bạch hầu là không bền vững.
- Tất cả bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh đều phải được cách ly cho đến khi có kêt quả xét nghiệm âm tính ít nhất 2 lần, với điều kiện mỗi mẫu bệnh phẩm phải được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi bệnh nhân bắt đầu được điều trị bằng kháng sinh. Cách ly tối thiểu 14 ngày sau điều trị kháng sinh với những bệnh nhân không có điều kiện làm xét nghiệm.
- Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng
- Sát khuẩn và tẩy uế khu vực nhà ở, đồ dùng trong phòng, quần áo của bệnh nhân.
- Tiêm phòng vắc-xin: Nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc-xin đa giá kết hợp bạch hầu- ho gà- uốn ván,…lịch tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu
- Với người tiếp xúc hoặc phơi nhiễm: Xét nghiệm và theo dõi trong vòng ít nhất 7 ngày. Có thể dự phòng bằng:
+ Tiêm Benzathine penicillin liều duy nhất
+ Hoặc uống Erythromycin trong 7 ngày
+ Hoặc uống Azithromycin trong 7 ngày.
Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào các yếu tố sau:
- Dịch tễ học: Sống trong vùng dịch bệnh đang lưu hành, tiếp xúc với người nghi mắc bệnh hoặc đã được chẩn đoán xác định bệnh.
- Lâm sàng: Triệu chứng điển hình như mô tả, dặc biệt là có giả mạc ở vùng tổn thương
- Xét nghiệm:
Xác định căn nguyên
+ Bệnh phẩm: Lấy dịch hầu họng ở rìa xung quanh vùng giả mạc
+ Nhuộm soi dưới kính hiển vi, vi khuẩn bạch hầu có hình dạng trực khuẩn gram (+), có hình chuỳ.
+ Nuôi cấy trên môi trường thích hợp tìm vi khuẩn bạch hầu, xác định độc tố bạch hầu (Toxigenicity testing bằng VD: Elek test).
+ Dùng kĩ thuật khuếch đại gen PCR xác định gen của độc tố bạch hầu ở cơ sở có điều kiện.
Các xét nghiệm cơ bản khác nhằm theo dõi, phát hiện các biến chứng: Công thức máu, sinh hóa máu, men tim, khí máu nếu cần, xét nghiệm nước tiểu, điện tâm đồ, X- quang ngực…
Xét nghiệm là phương pháp giúp phát hiện bệnh Bạch cầu
- Phát hiện sớm và cách ly kịp thời khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
- Sử dụng các biện pháp điều trị đặc hiệu (kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh) ngay để ngăn chặn các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong
- Theo dõi sát bệnh nhân để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng có thể xảy ra
- Chăm sóc toàn diện cho người bệnh, nâng cao thể trạng, dinh dưỡng hợp lý
Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD)
Sử dụng càng sớm càng tốt ngay khi bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Cần thử phản ứng trước khi tiêm, nếu có biểu hiện dị ứng tiến hành giải mẫn cảm. Liều lượng tiêm phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, không phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhân. Liều lượng cụ thể như sau:
- Bạch hầu ác tính: Tiêm SAD 80.000 - 100.000 UI
- Bạch hầu mũi họng: Tiêm SAD 40.000 - 60.000 UI
- Bạch hầu hầu họng hoặc thanh quản sớm trong 2 ngày đầu: Tiêm SAD 20.000 - 40.000 UI
Nếu tình trạng bệnh nhân quá nặng, có thể cân nhắc pha truyền tĩnh mạch chậm SAD với nước muối sinh lý trong 2-4 giờ và theo dõi sát các dấu hiệu phản vệ.
* Phương pháp giải mẫn cảm SAD (Besredka)
a) Tiêm 0,1 ml huyết thanh bạch hầu trong da và theo dõi 15 phút. Nếu không có phản ứng thì tiêm tiếp 0,25 ml huyết thanh bạch hầu. Nếu tiếp tục sau 15 phút không có phản ứng thì tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch nốt phần còn lại.
b) Nếu người bệnh có biểu hiện nhạy cảm hoặc dị ứng khi thử thuốc, thì không nên dùng toàn bộ liều. Có thể tiến hành giải mẫn cảm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Kháng sinh
- Penicillin G: Liều 50.000 - 100.000 đơn vị/kg/ngày chia 2 lần, tiêm bắp 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
- Hoặc Erythromycin uống: trẻ em 30-50mg/kg/ngày; người lớn 500mg x 4 lần/ngày dùng 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
- Hoặc Azithromycin: trẻ em: 10-12mg/kg/ngày, người lớn: 500mg/ngày x 14 ngày.
Các điều trị khác
- Hỗ trợ hô hấp: Khai thông đường thở (chỉ định mở khí quản cấp cứu nếu khó thở thanh quản độ II). Cho bệnh nhân thở Oxy sớm, nếu không đáp ứng chuyển sang thở máy xâm nhập
- Hỗ trợ tuần hoàn: Cung cấp đầy đủ nước và điện giải theo nhu cầu và phải tính đến lượng bù trừ nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao, khó thở, nôn…
- Điều chỉnh các rối loạn nhịp tim và viêm cơ tim do độc tố bạch hầu
- Có thể điều trị kết hợp với corticoid trong những thể bạch hầu ác tính hay bạch hầu thanh quản có tình trạng phù nề nhiều.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, kết hợp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch hay dạ dày tùy thuộc tình trạng của bệnh nhân.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!