Từ điển bệnh lý

Bất tương xứng đầu chậu : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 22-09-2021

Tổng quan Bất tương xứng đầu chậu

Có khoảng 5% tỷ lệ các bà mẹ gặp tình trạng đẻ khó do các bất thường đến từ vùng khung chậu. Đây là vấn đề được y học đặc biệt quan tâm và cần phải thăm khám một cách cẩn thận để tránh nguy cơ sản phụ chuyển dạ đẻ non, bất tương xứng đầu chậu giữa mẹ và thai nhi để bé được ra đời khi đã đủ tháng.

Hiện nay nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ áp dụng trong y học, kết hợp với các bước tiến trong nhi khoa, chế độ dinh dưỡng, nội tiết,... các trường hợp đẻ khó do bất tương xứng đầu chậu đã ngày một giảm dần. Bên cạnh đó, các công tác hỗ trợ sinh sản được cải thiện rất hiệu quả như sinh đẻ có kế hoạch, lộ trình thăm khám thai nghén khoa học, cải tiến trong công nghệ gây mê hồi sức, nhất là phương pháp mổ lấy thai ở đầu thế kỷ XX đã tạo nền móng cho việc áp dụng rộng rãi chỉ định này trong các ca sinh khó và nghiệm pháp lọt ngôi chỏm ngày càng được hoàn thiện,... nên vấn đề đẻ khó do bất tương xứng đầu chậu đã không còn trở thành một vấn đề đáng lo ngại nhờ được phát hiện sớm và có phương án xử trí hợp lý, kịp thời.

Xét về giải phẫu học, khung chậu bao gồm 2 phần chính đó là: Khung chậu to (đại khung) và khung chậu nhỏ (tiểu khung). 

Người ta thường sử dụng một loại dụng cụ dạng compa trong sản khoa (compa Baudelocque) để đo các đường kính của đại khung. Khung chậu to do 3 đường kính sau đây phân định giới hạn:

  • Đường kính lưỡng mào chậu: 25,5 cm;

  • Đường kính lưỡng gai chậu trước trên: 22,5 cm;

  • Đường kính lưỡng mấu chuyển xương đùi: 27,5 cm và có một đường kính Baudelocque - đường kính trước sau có kích thước là 17,5 cm.

Đại khung đóng vai trò khá nhạt nhòa trong sản khoa, nhưng nếu kích thước của đại khung mà quá nhỏ thì kích thước của tiểu khung cũng sẽ nhỏ theo, từ đó làm cho tiểu khung bị thu hẹp gây nên sự bất tương xứng giữa đầu thai nhi và khung chậu của mẹ làm cho quá trình sinh nở trở nên khó khăn hơn.

Các loại khung chậu hẹp được phân chia theo 2 cách loại chính sau đây:

  • Khung chậu hẹp đối xứng: tuy có kích thước hẹp nhưng khung chậu lại hoàn toàn cân đối, khung chậu có thể hẹp ngang, khung chậu dẹt hoặc khung chậu vừa hẹp vừa dẹt;

  • Khung chậu hẹp không đối xứng: xảy ra khi khung chậu có các đường kính hẹp không đều nhau. Sự biến dạng này phổ biến ở những người bị dị tật hoặc gặp các chấn thương như: vẹo cột sống, lao khớp háng hoặc trật khớp háng,... hay sau khi trải qua phẫu thuật chỉnh hình xương.

Hinh ảnh mô tả bất tương xứng đầu chậu

Hinh ảnh mô tả bất tương xứng đầu chậu


Nguyên nhân Bất tương xứng đầu chậu

Có nhiều nguyên nhân gây nên sự bất tương xứng giữa đầu thai nhi và khung chậu của mẹ, ví dụ như:

  • Do thai nhi quá lớn so với kích thước khung chậu;

  • Đầu em bé quá to;

  • Do đầu thai nhi không cúi xuống tốt để có thể chui qua khung chậu của mẹ;

  • Hẹp hoặc giới hạn khung chậu;

  • Khung chậu dị dạng hoặc gặp bất thường.


Các biện pháp điều trị Bất tương xứng đầu chậu

 

Trong trường hợp nghi ngờ thai phụ bị bất tương xứng đầu bé và khung chậu và ngôi thai thuộc loại ngôi chỏm thì nên thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm. Đây là phương pháp được sử dụng để đánh giá cuộc sinh khi sản phụ có khung chậu giới hạn, thai nhi trọng lượng bình thường hoặc khi khung chậu bình thường nhưng em bé lại có kích thước khá to. Sau khi đánh giá bác sĩ có thể đưa ra chỉ định nên để mẹ sinh qua ngả âm đạo hay thực hiện mổ lấy thai.

Phương pháp này sẽ giúp hạn chế những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi và sản phụ. Những mẹ bầu gặp bất thường về khung chậu cần được theo dõi chặt chẽ khi sinh tại cơ sở có phòng phẫu thuật, đồng thời trong quá trình mang thai cũng cần phải được chăm sóc tỉ mỉ.

Trước đây ở những thai phụ hẹp khung chậu thường được kích thích chuyển dạ đẻ non nhưng ngày nay biện pháp này không còn được áp dụng nữa do kỹ thuật mổ bắt thai đã được hoàn thiện và đem lại hiệu quả cao hơn, giúp giảm gánh nặng cho khoa nhi khi phải chăm sóc các em bé sơ sinh chào đời với một cơ thể non yếu, sức khỏe có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn trong tương lai.

Bất tương xứng đầu chậu giữa mẹ và thai nhi

Hình ảnh mô tả thai nhi trong bụng mẹ

1. Điều kiện để tiến hành nghiệm pháp lọt ngôi chỏm

  • Điều kiện tiên quyết: thai nhi phải có tư thế ngôi chỏm - là khi em bé nằm xuôi, đầu thai nhi nằm ở dưới và cúi tốt, trục thai nhi song song với trục tử cung của mẹ. Ngôi thai này chiếm tỷ lệ 95% trong số các ca sinh nở;

  • Cơ co tử cung của sản phụ tốt: trung bình 10 phút sẽ có khoảng 4 - 5 cơn co và nếu tử cung co không tốt thì phải tăng cường cơn co bằng oxytocin;

  • Sản phụ đã bước vào giai đoạn chuyển dạ thực sự: phụ nữ sinh con đầu lòng cổ tử cung sẽ mở trên 5 cm, ở những người sinh con thứ thì mở trên 4 cm;

  • Cần làm nghiệm pháp ở những nơi có thể phẫu thuật mổ lấy thai được và phải theo dõi liên tục phòng trường hợp xảy ra các sự cố như suy thai, sa dây rốn, cơn co tử cung đến dồn dập hoặc thậm chí là vỡ tử cung;

2 Chỉ định và chống chỉ định khi làm nghiệm pháp lọt chỏm

Cần chỉ định tiến hành nghiệm pháp lọt thỏm đối với các trường hợp như:

  • Khung chậu mẹ có giới hạn, thai nhi bình thường;

  • Khung chậu bình thường nhưng thai to;

  • Khung chậu hẹp, thai nhỏ.

Chống chỉ định khi:

  • Thai không ở tư thế ngôi chỏm;

  • Có dấu hiệu suy thai;

  • Tử cung có sẹo mổ cũ.

3. Các bước thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm

Kiểm tra:

Rà soát lại để chắc chắn rằng nên tiến hành chỉ định nghiệm pháp thông qua các yếu tố:

  • Tình trạng của sản phụ: độ mở tử cung, khung chậu;

  • Tình trạng thai nhi: tim thai và trọng lượng;

  • Hồ sơ bệnh án, các xét nghiệm và thăm dò liên quan.

Bấm ối:

Đây là thao tác nhằm cho ngôi thai hướng vào eo trên của mẹ, nước ối sẽ chảy ra từ từ sau đó xé rộng. Khi hoàn tất chọc ối cần phải xem xét màu sắc và số lượng nước ối, mức độ tiến triển của ngôi thai. Bên cạnh đó cần phải kiểm tra và theo dõi tim thai, kiểm tra lại kiểu thế, ngôi thai nhằm đánh giá xem có nên tiếp tục thực hiện nghiệm pháp hay không. Nếu nước ối có màu xanh chứng tỏ thai có dấu hiệu suy, cần phải dừng nghiệm pháp và tiến hành mổ bắt thai.

Mẹ cần được bác sĩ thăm khám, tư vấn

Mẹ cần được bác sĩ thăm khám, tư vấn

Theo dõi:

Theo dõi cơn co tử cung và tim thai:

Quan sát trên lâm sàng hoặc bằng Monitoring. Sau khoảng 20 phút chọc ối:

  • Nếu cơn co tử cung yếu dần cần phải cho truyền oxytocin, liều lượng phù hợp và tùy theo sự đáp ứng của tử cung sẽ tăng dần liều lượng;

  • Trường hợp cơn co tử cung tăng dần tương ứng với các giai đoạn trong chuyển dạ, nhịp tim thai bình thường thì tiếp tục theo dõi để cho sản phụ sinh theo ngả âm đạo;

  • Nếu bị rối loạn cơn co tử cung thì cần phải điều chỉnh, nếu không hiệu quả cần chấm dứt nghiệm pháp và thực hiện mổ lấy thai. 

Theo dõi tình trạng mở cổ tử cung:

Tử cung có thể mở dần đều theo thời gian trong trường hợp nghiệm pháp thành công, ngôi thai lọt và quá trình sinh nở sẽ thực hiện được theo đường tự nhiên. Nhiều trường hợp cổ tử cung không mở sẽ dẫn tới việc áp dụng nghiệm pháp bị thất bại. Tuy nhiên ngày nay ở những quốc gia phát triển có thuốc men đầy đủ, phương tiện theo dõi và điều trị hiện đại thì phần lớn khi thực hiện nghiệm pháp này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố cổ tử cung của sản phụ không mở.

Theo dõi tình trạng thai phụ:

Do thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ nên tình trạng của mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của thai nhi. Do đó việc theo dõi thể chất, tinh thần của mẹ qua các chỉ số nhiệt độ, mạch, huyết áp,... là vô cùng cần thiết.    

Theo dõi thai nhi:

Nên quan sát liên tục trên Monitoring, đặc biệt là biến động của nhịp tim thai như: tim đập theo sinh lý bình thường hay có bất thường làm xuất hiện cơn co tử cung. Nếu phát hiện ra tình trạng suy thai phải dừng ngay nghiệm pháp lọt ngôi chỏm và tiến hành hồi sức. Nếu hồi sức không đem lại hiệu quả cần chỉ định cho sản phụ mổ bắt thai.

Theo dõi đồng thời đánh giá sự tiến triển của ngôi thai:

Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm được áp dụng với mục đích thử thách xem ngôi thai có thể di chuyển xuống, lọt và sổ ra khỏi âm đạo của mẹ được hay không, tức là đánh giá khả năng sinh nở theo đường dưới của sản phụ. Chính vì vậy việc theo dõi và quan sát khả năng lọt của ngôi thai là rất quan trọng. Việc này cần được thực hiện liên tục thông qua khám ngoài, những hạn chế thăm âm đạo để tránh nguy cơ gây phù nề cổ tử cung, khiến bộ phận này bị nhiễm trùng ngược dòng và khó mở hơn do ban đầu đã thực hiện bấm ối rồi.

Thời gian thực hiện nghiệm pháp:

Trung bình phải mất từ 3 - 4 tiếng để làm nghiệm pháp lọt ngôi chỏm, tối đa là từ 6 - 8 tiếng nhằm tránh biến chứng suy thai và nhiễm trùng ối. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà khoảng thời gian này sẽ linh động và có các biện pháp xử lý khác nhau:

  • Nếu đã làm nghiệm pháp được 2 - 3 tiếng hoặc khi vừa mới bấm ối lại xảy ra biến cố suy thai thì cần ngừng nghiệm pháp lại ngay;

  • Nếu đã trải qua 6 giờ đồng hồ thực hiện nghiệm pháp nhưng chỉ tầm 30 phút - 1 tiếng sau là có thể kết thúc được cuộc sinh theo đường âm đạo (mẹ và em bé không gặp rủi ro gì) thì vẫn có thể tiếp tục tiến hành nghiệm pháp.

Như vậy, nghiệm pháp lọt ngôi chỏm được sử dụng phần lớn trong các trường hợp gặp tình trạng bất tương xứng đầu chậu (khi khung chậu bình thường nhưng thai to, hoặc khi thai nhi có trọng lượng bình thường nhưng khung chậu của mẹ lại hẹp). Sau khi sinh, sản phụ cần được theo dõi và có chế độ chăm sóc đặc biệt nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra các tai biến và có phương án xử lý kịp thời.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ