Từ điển bệnh lý

Bụi phổi silic : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 04-06-2021

Tổng quan Bụi phổi silic

Silic là tinh thể nhỏ, có hình dạng màu sắc giống như pha lê, có thể tìm thấy trong đá, cát hoặc quặng khoáng sản như thạch anh.

Bệnh bụi phổi silic (tiếng Anh: Silicosis) nằm trong nhóm bệnh phổi do nhiễm bụi. Đây là loại bệnh vô cùng nguy hiểm vì hệ hô hấp của người mắc có thể bị tổn thương nghiêm trọng do những hạt bụi silic xâm nhập, tích tụ lâu ngày trong phổi mà không đào thải ra ngoài được.

Tuỳ thuộc vào nồng độ của bụi silic trong không khí mà bệnh nhân hít phải, các chuyên gia y tế chia bệnh này thành 3 loại như sau:

  • Cấp tính: Bệnh phát triển sau thời gian khoảng vài tuần đến vài năm tiếp xúc, hít phải bụi silic tại môi trường sinh sống hoặc làm việc. Bệnh phát triển rất nhanh khi phổi viêm nặng, chứa đầy chất lỏng và gây khó thở nghiêm trọng, lượng oxy trong máu của bệnh nhân rất thấp.
  • Mạn tính: Tình trạng này sẽ xảy ra sau một khoảng thời gian dài (10 - 30 năm) người bệnh tiếp xúc trực tiếp với các bụi silic ở nồng độ thấp trong môi trường làm việc. Thường bệnh sẽ không có triệu chứng rõ ràng nhưng thông qua việc chụp X-quang có thể sẽ phát hiện ra tình trạng nhiễm trùng của phổi. Dấu hiệu điển hình nhất của bệnh này đó là bệnh nhân bị sưng phổi, sưng hạch bạch huyết ở ngực gây khó khăn cho việc hô hấp của người bệnh.
  • Bệnh tiến triển: xảy ra khi người bệnh thường xuyên làm việc trong môi trường có nồng độ bụi silic cao trong khoảng thời gian từ 5 - 10 năm. Biểu hiện là bệnh nhân bị sưng phổi, các dấu hiệu khác cũng xuất hiện nhanh hơn so với cấp độ mạn tính. 

Nhiễm bụi là nguyên nhân gây bệnh bụi phổi silic

Nhiễm bụi là nguyên nhân gây bệnh bụi phổi silic

Ngoài ra còn có một loại bệnh bụi phổi ít gặp khác được gọi là bệnh phổi silic phức tạp (hay được biết đến với cái tên bụi phổi tụ huyết), hình thành nên nhiều vết sần lớn hơn 1cm và để lại nhiều sẹo ở phổi. Những nốt sần nhỏ sẽ hợp lại với nhau và tạo nên những nốt sần viêm lớn hơn. Nếu người bệnh còn mắc các bệnh viêm phổi khác như lao, ung thư phổi nhiễm nấm, nhiễm khuẩn mycobacteria không lao thì tình trạng trên sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó phải kể đến một số loại bệnh bụi phổi khác cũng thường gặp đó là bệnh bụi phổi than (đối tượng mắc thường là những công nhân lao động trong ngành than), bệnh phổi amiang, bệnh phổi bông (những người làm trong xưởng dệt hay bị mắc),... Điểm chung của các bệnh này đó là nguyên nhân gây bệnh do hít phải các hạt bụi nhỏ trong quá trình làm việc. Hầu hết sau này đều sẽ dẫn đến nguy cơ bị suy hô hấp nếu bệnh không được phát hiện cũng như được điều trị kịp thời, đúng cách.


Nguyên nhân Bụi phổi silic

Bản chất các hạt bụi silic là rất giống với tinh thể pha lê nên khi người bệnh hít phải các hạt bụi này qua đường miệng hoặc mũi, chúng sẽ như những lưỡi dao nhỏ cắt vào phổi gây ra các vết sẹo tại đây. Phổi khi đã bị tổn thương như vậy trong thời gian dài sẽ không thể tự mở và tự đóng lại, khiến bệnh nhân rất khó khăn trong việc tự thở.


Triệu chứng Bụi phổi silic

Khi bệnh mới khởi phát, triệu chứng của bệnh khá khó để phát hiện và thường được tìm ra trong các đợt thăm khám sức khỏe định kỳ khi chụp X-quang phổi, thấy có nhiễm trùng. Tuy nhiên cũng có một số biểu hiện người bệnh cần lưu ý như sau:

  • Cảm giác khó thở
  • Bị hụt hơi
  • Ho dai dẳng, có khi ho kèm theo đờm

Ho có đờm là một trong những triệu chúng bệnh bụi phổi silic

Lâu dần khi bệnh nặng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng khác bao gồm:

  • Biểu hiện sốt
  • Ho khạc, đờm có màu đen (đặc biệt hay gặp ở công nhân ngành than)
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Sụt cân bất thường
  • Ngực cảm thấy đau, khó chịu, tức ngực
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Môi chuyển màu xanh xao
  • Chân sưng phù
  • Suy hô hấp
  • Khi bệnh ở giai đoạn cấp tính: bệnh nhân bị khó thở đột ngột, tiến triển nhanh kèm theo sốt, có thể bị tử vong nhanh chỉ trong vòng vài tháng.

Đối tượng nguy cơ Bụi phổi silic

Bệnh bụi phổi silic thường gặp ở những người trung niên tầm 40 tuổi trở lên. Lý do là vì những người này sau nhiều năm tiếp xúc với bụi silic thì mới xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Bệnh bụi phổi silic hiện nay không có khả năng chữa khỏi hoàn toàn, ngay cả khi người bệnh đã ngừng làm việc tại môi trường có nhiều bụi silic.

Đối tượng mắc bệnh thường làm việc tại các mỏ đá, nhà máy hoặc mỏ quặng, cụ thể như sau:

  • Khai thác, tán, nghiền, sàng lọc, đẽo mài các loại đá có chứa bụi silic tự do
  • Khai thác khoáng sản
  • Làm công việc thường xuyên phải tiếp xúc với bụi cát khuôn, làm sạch vật đúc
  • Sản xuất nhựa đường, thuỷ tinh, bê tông, đồ gốm, gạch chịu lửa,...
  • Làm nhẵn hoặc làm sạch các vật bằng tia cát

Phòng ngừa Bụi phổi silic

Thủ phạm gây ra bệnh là do các hạt bụi silic. Vì vậy để phòng ngừa bệnh bụi phổi silic, nếu bạn làm việc trong môi trường có nhiều loại bụi silic thì cần hạn chế tối đa khả năng cũng như khả năng tiếp xúc với bụi này, bao gồm:

Biện pháp cá nhân

  • Sử dụng mặt nạ lọc bụi và quần áo bảo hộ khi làm việc. Chọn loại mặt nạ có chất liệu nhẹ không gây kích ứng da, có thể hít thở dễ dàng và không bị cọ xát
  • Không tổ chức ăn uống tại nơi làm việc chứa nhiều bụi silic. Ăn tại khu vực riêng biệt, trước khi ăn cần rửa tay, rửa mặt dội sạch các hạt bụi silic bám trên bề mặt da
  • Sau khi làm việc xong cần tắm rửa sạch sẽ

Biện pháp kỹ thuật

  • Thực hiện quá trình sản xuất trong chu trình kín và có lắp đặt máy hút gió
  • Tổ chức kiểm tra điều kiện môi trường làm việc thường xuyên
  • Cần vận dụng phương pháp làm ướt vật liệu để cắt, mài hoặc bào vật liệu nhằm hạn chế những hạt bụi silic bay trong không khí
  • Cơ giới hoá sản xuất để giảm bớt sự tiếp xúc giữa người lao động và vật liệu, tránh lao động gắng sức khiến bụi có khả năng cao xâm nhập vào phổi
  • Nên nổ mìn vào cuối ngày, cuối ca lao động
  • Che đậy những máy móc phát sinh nhiều bụi, chú ý đến các hệ thống thoáng gió 

Biện pháp y tế:

  • Có chế độ khám chữa bệnh cho công nhân ít nhất 6 tháng 1 lần tại các xưởng, hầm mỏ trong ngành công nghiệp nhiều bụi
  • Đảm bảo vệ sinh nơi làm việc sạch sẽ

Còn đối với những người không lao động trong các môi trường chứa nhiều bụi silic, để phòng tránh bệnh này cần thực hiện những việc như sau:

  • Nên tiêm vắc xin phòng cúm và phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn 1 năm 1 lần
  • Nâng cao thể chất bằng cách chăm chỉ vận động, thường xuyên tập thể dục điều độ, không nên tập gắng sức
  • Áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và duy trì cân nặng phù hợp

Mặc bảo hộ lao động đúng cách phòng khói bụi


Các biện pháp chẩn đoán Bụi phổi silic

Đầu tiên là khám lâm sàng để thu thập tư liệu để chẩn đoán về triệu chứng, lối sống, môi trường làm việc của bệnh nhân như: các thông tin về nhịp thở của bệnh nhân khi nghỉ ngơi và trong lúc tập thể dục. Ngoài ra, tiểu sử môi trường làm việc và khả năng bệnh nhân có thường xuyên tiếp xúc với bụi silic không cũng sẽ được bác sĩ khai thác. Do vậy, người bệnh khi đến thăm khám cần lưu ý để cung cấp các thông tin như sau cho bác sĩ để việc chẩn đoán được chính xác hơn:

  • Những biểu hiện bất thường về hô hấp bệnh nhân đang gặp phải và thời điểm những triệu chứng này bắt đầu xuất hiện, kéo dài đến bây giờ
  • Những biện pháp đã từng được bệnh nhân áp dụng để kiểm soát, hạn chế các triệu chứng trên
  • Công việc người bệnh đã và đang làm là gì, trong khoảng thời gian bao lâu và tính chất của từng công việc như thế nào,...
  • Các chất bệnh nhân từng tiếp xúc tại nơi làm việc. Khi đó có sử dụng đồ bảo hộ lao động hay không
  • Người bệnh có hút thuốc lá lâu năm hay không
  • Cung cấp các hồ sơ bệnh án trước đây, gồm phim chụp X-quang phổi, phim chụp CT để phát hiện tổn thương ở phổi từ trước.

Phim X-quang phổi giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh

Phim X-quang phổi giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh

Trên cơ sở các biểu hiện lâm sàng ở bệnh nhân, nếu nghi ngờ bệnh nhân có thể đã mắc bệnh bụi phổi silic, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để khẳng định xem trong phổi bệnh nhân có tồn tại hạt bụi silic hay không, bao gồm:

  • Chụp X-quang hoặc chụp CT phổi để bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng, mức độ tổn thương của phổi để xem bệnh nhân có bị bệnh hay không
  • Kiểm tra chức năng phổi để đánh giá khả năng hô hấp của phổi. Phép đo này được thực hiện bằng 2 phép thử riêng biệt đó là: phép đo khí dung - khả năng khuếch tán. Kết quả sẽ được dùng để đo độ tổn thương của phổi bệnh nhân
  • Phương pháp nội soi phế quản: Ống nội soi phế quản là loại ống nhỏ, mềm gắn máy quay phim ở đầu sẽ được đưa qua miệng hoặc mũi thông đến khí quản và phổi. Biện pháp nội soi sẽ giúp thu được hình ảnh của phổi rõ nét nhất. Ngoài ra trong quá trình nội soi phế quản bác sĩ cũng có thể lấy thêm các mẫu mô và chất lỏng.
  • Xét nghiệm dịch đờm: Chất nhầy sẽ được lấy ra từ cổ họng bệnh nhân để làm xét nghiệm, phân tích
  • Phẫu thuật sinh thiết phổi: Bác sĩ gây mê toàn thân để phẫu thuật lồng ngực, lấy mẫu mô phổi bệnh nhân để xét nghiệm

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị bệnh bụi phổi silic thông qua việc khám lâm sàng, chụp Xquang tim phổi hay chụp cắt lớp vi tính 128 dãy, đo chức năng hô hấp, cùng các xét nghiệm đờm hoặc xét nghiệm máu  chuyên sâu khác.


Các biện pháp điều trị Bụi phổi silic

Như ở trên đã đề cập, bệnh bụi phổi silic không có khả năng được chữa khỏi hoàn toàn vì bệnh này tiến triển âm thầm ở trong thời gian khá dài nên phổi không thể phục hồi. Mọi phương pháp điều trị được áp dụng là nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng và làm chậm sự phát triển của bệnh.

Thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định để thực hiện các phương pháp điều trị như sau:

  • Dùng thuốc giãn phế quản để giảm viêm, tăng khẩu kính đường thở
  • Đeo mặt nạ oxy để tăng lượng oxy trong máu cũng như bơm thêm không khí vào phổi
  • Sớm bỏ thuốc lá nếu bạn đã duy trì thói quen này qua nhiều năm. Hút thuốc lá có khả năng gây ung thư phổi và nếu bệnh nhân đã bị bệnh bụi phổi silic thì sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng hiện tại
  • Nếu bệnh ngày càng nặng và nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ phải thực hiện phẫu thuật ghép phổi

Trường hợp những bệnh nhân bị bụi phổi silic sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh lao cao hơn. Do đó người bệnh nếu bị bụi phổi silic nên xét nghiệm lao thường xuyên.

Để điều trị bệnh bụi phổi silic, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thường điều trị nội trú từng đợt với các thuốc chống viêm, giãn phế quản, hỗ trợ Oxy nếu nồng độ Oxy trong máu giảm thấp, điều trị kháng sinh trong các đợt bội nhiễm. Đồng thời sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập phục hồi chức năng phổi, hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc lá nếu có thói quen hút thuốc lá hàng ngày. Đồng thời bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ tầm soát các bệnh phổi khác như lao phổi, ung thư phổi, viêm phổi,... và các bệnh toàn thân khác để điều trị cho bệnh nhân một cách toàn diện nhất.

Danh sách các triệu chứng:

  • Cảm giác khó thở
  • Bị hụt hơi
  • Ho dai dẳng, có khi ho kèm theo đờm

Lâu dần khi bệnh nặng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng khác bao gồm:

  • Biểu hiện sốt
  • Ho khạc, đờm có màu đen (đặc biệt hay gặp ở công nhân ngành than)
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Sụt cân bất thường
  • Ngực cảm thấy đau, khó chịu, tức ngực
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Môi chuyển màu xanh xao
  • Chân sưng phù
  • Suy hô hấp
  • Khi bệnh ở giai đoạn cấp tính: bệnh nhân bị khó thở đột ngột, tiến triển nhanh kèm theo sốt, có thể bị tử vong nhanh chỉ trong vòng vài tháng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ