Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Bệnh chấy, rận là bệnh do chấy, rận và rận mu ký sinh trên da người gây lên. Chúng ký sinh trên cơ thể người và gây bệnh chủ yếu ở da đầu, tóc, da và lông vùng mu,… Bệnh thường không nguy hiểm đến toàn thân hay tính mạng người bệnh, tuy nhiên gây khó chịu, ngứa ngáy, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh dễ lây nhiễm cho người khác trong môi trường đông đúc, chật chội, điều kiện vệ sinh kém. Chẩn đoán bệnh thường dựa vào các yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và tìm thấy chấy rận bằng thăm khám thông thường hoặc soi dưới sự hỗ trợ của kính lúp và kính hiển vi. Có nhiều phương pháp điều trị chấy rận như loại bỏ chấy rận bằng tay, lược chải hoặc biện pháp dùng thuốc.
Bệnh chấy, rận là bệnh do chấy, rận và rận mu ký sinh trên da người gây lên
Nguyên nhân gây bệnh là chấy, rận: loài côn trùng nhỏ, sống ký sinh trên da của con người và động vật. Chúng sinh sống bằng cách hút máu của vật chủ. Trên cơ thể con người, thường hay gặp ba loài chấy, rận gây bệnh đó là: Pediculus humanus capitis ( chấy), Pediculus humanus (rận) và Pthius pubis ( rận mu). Côn trùng thường không có cánh, có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Chấy, rận trải qua vòng đời gồm ba giai đoạn: giai đoạn trứng, giai đoạn thiếu trùng hoặc ấu trùng và giai đoạn trưởng thành. Trứng chấy, rận thường có màu trắng, bám dính chặt vào lông và tóc,… trung bình trứng cần khoảng 14 ngày để phát triển thành thiếu trùng hoặc ấu trùng. Kích thước của thiếu trùng nhỏ hơn so với con trưởng thành, cấu tạo cơ thể tương tự. Con trưởng thành to hơn và ký sinh bằng cách hút máu người. Khi ra khỏi cơ thể vật chủ nếu không tiếp tục hút máu, chúng thường bị tiêu diệt nhanh trong điều kiện ngoại cảnh.
Ngoài gây bệnh chấy rận, côn trùng còn có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh là chấy, rận: loài côn trùng nhỏ, sống ký sinh trên da của con người và động vật
Như trên đã trình bày, bệnh chấy rận thường ít khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn trạng của người bệnh hay các cơ quan, bộ phận khác. Tuy nhiên bệnh thường gây khó chịu, ngứa ngáy, mặc cảm,.. và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm việc của người bệnh.
- Khi bị chấy ký sinh, người bệnh thường xuất hiện triệu chứng ngứa là chủ yếu, ngứa nhiều, cả ngày và đêm, khiến người bệnh liên tục gãi vùng da có chấy, gãi nhiều có thể dẫn đến trầy xước da đầu, bong vảy da đầu, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bội nhiễm, thậm chí gãi mạnh có thể gây chảy máu. Khi chấy ký sinh và hút máu cơ thể con người, chúng sản sinh chất tiết ( nước bọt) hoặc thải phân, do đó da tăng tính nhạy cảm với các sản phẩm trên và sẽ ngứa nhiều. Bất kỳ vị trí nào trên da đầu đều có thể ngứa, phía trên tai và sau gáy thường thấy ngứa nhiều nhất. Có một tỉ lệ nhỏ người bệnh không biểu hiện triệu chứng ngứa rõ ràng và là nguồn lây bệnh quan trọng, khó kiểm soát. Các triệu chứng toàn thân hay cơ quan khác thường không có. Tuy nhiên, khi có bội nhiễm vi khuẩn, một số bệnh nhân có thể biểu hiện sốt nhẹ, sốt nóng, người mệt mỏi, khó chịu kèm theo phản ứng nổi hạch vùng lân cận ( thường là hạch sau tai).
Người bệnh thường xuất hiện triệu chứng ngứa là chủ yếu, ngứa nhiều, cả ngày và đêm, khiến người bệnh liên tục gãi vùng da có chấy, gãi nhiều có thể dẫn đến trầy xước da đầu, bong vảy da đầu
Khi thăm khám người bệnh, quan sát vùng da đầu, đặc biệt vùng phía trên tai và sau gáy, có thể thấy con chấy trưởng thành, thiếu trùng và cả trứng chấy. Trứng trấy màu trắng, mảnh và bám rất chắc vào chân tóc, cần phân biệt với gàu, nấm tóc. Con chấy trưởng thành có thể đang hút máu, hoặc di chuyển sát da đầu. Tại vị trí chấy hút máu đôi khi nhìn thấy chấm vảy máu nhỏ trên da dầu.
- Khi bị rận ký sinh: rận thường đẻ trứng trên da và quần áo. Khi rận ký sinh và hút máu thường gây ngứa rất nhiều. Các vị trí da đó là vùng dưới cánh tay, nách, vùng quanh thắt lưng, những điểm gấp quần áo tiếp xúc nhiều với cơ thể như chun quần, đai dây áo ngực,… Tại vị trí da bị rận hút máu, thường để lại các thương tổn da dạng dát đỏ, nhiều khi xung quanh hơi nề đỏ, vùng trung tâm có thể tìm thấy vết rận hút máu. Người bệnh thường gãi nhiều khiến da nề đỏ, chầy xước, thậm chí chảy máu, sau đó da đóng vảy tiết và bong vảy, theo tiến triển thời gian vùng da đó có thể bị dày sừng, thay đổi mảu sắc.
Khi thăm khám vị trí vùng da bị ngứa có thể thấy rận đang sinh sống và hút máu, đặc biệt tại những nơi quần áo siết chặt.
- Rận mu: người bệnh thường xuất hiện sớm triệu chứng ngứa vùng lông mu khiến người bệnh ngãi nhiều. Rận mu có thể tìm thấy những vị trí khác như lông ngực, lông bụng, vị trí quanh hậu môn, lông mày, lông mi, râu. Vùng lông nách và tóc thường không tìm thấy rận mu. Khi rận mu chưa hút máu, có thể nhìn thấy chúng giống vảy da nhỏ bám vào chân lông, khi chúng hút máu dễ nhận thấy hơn, là các chấm màu sắc từ xanh, nâu, đỏ hoặc đen, tương tự các chấm, đám xuất huyết ở chân lông. Khi nhìn bằng mắt thường, có thể thấy trứng rận mu nhỏ, màu trắng hơi đục, bám chặt vào chân lông
Bệnh chấy rận nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan, bộ phận khác hoặc toàn thân. Tuy nhiên người bệnh thường khó chịu, ngứa ngáy, ảnh hưởng đến tâm lý, cảm giác xấu hổ, mặc cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt. Bên cạnh đó, bệnh thường dễ tái phát. Khi bị nhiễm chẩy rận có thể tạo điều kiện thuận lợi cho bội nhiễm da do vi khuẩn. Ngoài ra, chấy rận còn là véc tơ lây truyền một số bệnh truyền nhiễm khác.
Con đường lây truyền chính của bệnh là lây qua tiếp xúc: con người tiếp xúc trực tiếp với nhau ( trẻ em khi chơi đùa với nhau, khi đi nhà trẻ, lớp học, người trong cùng gia đình, người cùng trọ,…); sử dụng chung đồ dùng cá nhân, vật dụng như quần áo, chăn màn, khăn tắm, lược chải đầu,… với người bệnh hoặc lây bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh tại giường chiếu, chăn màn, tủ quần áo.
Rận mu có thể lây từ người sang người qua sinh hoạt, quan hệ tình dục không an toàn.
Con người thuộc mọi giới tính, lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, do tính chất lây lan chủ yếu qua con đường tiếp xúc, các nhóm đối tượng sau thường hay mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đó là:
- Trẻ nhỏ đi học nhà trẻ, lớp học nội trú thường dễ mắc bệnh do trẻ chưa ý thức hết được việc cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường hay chơi đùa, tiếp xúc với trẻ bị chấy rận,… học sinh ở các trường nội trú, nơi ở đông đúc, chật chội, điều kiện vệ sinh không đảm bảo có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Người sống cùng trong gia đình, người cùng trọ với người bệnh dễ bị mắc bệnh. Những người có điều kiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân kém.
- Môi trường sinh sống và làm việc chật hẹp, ẩm thấp, đông đúc,….
- Có quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh rận mu. Các đối tượng dễ mắc bệnh như nhiều bạn tình, gái mại dâm, quan hệ đồng tính nam,…
Các biện pháp phòng ngừa bệnh chấy rận chủ yếu là các biện pháp phòng ngừa con đường lây nhiễm. Cần giáo dục, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và nâng cao sức khỏe. Cải thiện điều kiện sinh hoạt và làm việc, không gian rộng rãi, thoáng mát, không ẩm thấp. Vệ sinh môi trường sống và thực hiện vệ sinh cá nhân, thân thể tốt. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, quần áo, chăn màn, ga đệm,… với người bệnh. Đối với người bệnh cần phát hiện sớm và điều trị sớm, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh, tránh xa nơi đông người và khu sinh hoạt chung với người khác, tuân thủ điều trị và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chẩn đoán bệnh chấy rận dựa vào các yếu tố khai thác dịch tễ, triệu chứng trên lâm sàng và tìm thấy chấy rận bằng các phương pháp đơn giản, dễ thực hiện. Thông thường, có thể tìm thấy trứng chấy rận hoặc con trưởng thành ở các vùng da, lông bị nhiễm bệnh qua mắt thường. Một số trường hợp có thể sử dụng băng dính dán nhặt trứng chấy rận và con trưởng thành trên vùng da, lông bị tổn thương và soi dưới kính lúp hoặc kính hiển vi điện tử. Trứng chấy có màu vàng lục khi kiểm tra đèn gỗ. Một số trường hợp không rõ ràng có thể nạo tổn thương để chẩn đoán phân biệt với nhiễm vi nấm.
Đối với rận mu, có thể sử dụng kính lúp hoặc soi bệnh phẩm cạo tổn thương trên lam kính và soi dưới kính hiển vi.
Bệnh chấy rận cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như bệnh ghẻ, ngứa vùng hậu môn sinh dục do các căn nguyên khác, nhiễm nấm nông, viêm da nhờn,…
Biện pháp điều trị thông thường và dễ thực hiện như loại bỏ chấy rận bằng tay, cạo tổn thương, loại bỏ bằng lược chải (làm ướt tóc và lông và chải từ gốc đến ngọn). Khi áp dụng điều trị bằng phương pháp này, tỉ lệ chữa khỏi tương đối khác nhau. Ngoài ra việc loại bỏ chấy rận bằng phương pháp này có thể không loại trừ hết được trứng chấy rận.
Các thuốc điều trị chấy rận thường có hai cơ chế chính: bôi thuốc tại chỗ khiến chấy rận bị ức chế hô hấp và làm chẩy rận bị tê liệt do nhiễm độc thần kinh trung ương. Tác dụng lên trứng chấy rận đôi khi kém hơn so với con trưởng thành. Do đó các bác sĩ thường áp dụng điều trị nhắc lại các thuốc sau 7 – 10 ngày. Các thuốc thường được sử dụng đó là: permethrin 1%, malathion, benzyl alcohol,….
Permethrin 1% là một trong những thuốc bôi ngoài da trị chấy rận thường được sử dụng nhất và khá an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên ký sinh trùng đề kháng với thuốc này đã được ghi nhận.
Thuốc điều trị chấy Permethrin 1% là một trong những thuốc bôi ngoài da trị chấy rận thường được sử dụng nhất
Malathion 0,5% có tác dụng ức chế hô hấp ở các loài chân đốt, nhược điểm mùi gây khó chịu và thời gian sử dụng thuốc thường lâu khoảng 8 – 12 giờ mỗi lần.
Lindane 1% tương tự như malathion 0,5% gây ức chế hô hấp với mầm bệnh. Thuốc nên hạn chế ở trẻ nhỏ, người già và người dưới 50 kg.
Dung dịch benzyl alcohol 5% có tác dụng diệt chấy rận do tác dụng ức chế hô hấp của mầm bệnh.
Spinosad 0,9%: gây độc thần kinh với mầm bệnh, thường được sử dụng là biện pháp thay thế khi các phương pháp khác không hiệu quả.
Ivermectin là thuốc uống duy nhất có thể sử dụng để diệt chấy rận trong một số thử nghiệm lâm sàng, được cho là biện pháp thay thế khi các biện pháp khác không hiệu quả..
Bên cạnh đó, cần xử lý quần áo và đồ dùng cá nhân của người bệnh đúng cách như đun sôi quần áo, chân màn, giặt sạch,… Tầm soát và điều trị nếu có đối với người sống cùng gia đình, trẻ cùng nhà trẻ.
1. Peterson AR, Nash E, Anderson BJ. Infectious Disease in Contact Sports. Sports Health. 2019 Jan/Feb;11(1):47-58
2. Sweileh WM. Global output of research on epidermal parasitic skin diseases from 1967 to 2017. Infect Dis Poverty. 2018 Aug 06;7(1):74.
3. Dagrosa AT, Elston DM. What's eating you? head lice (Pediculus humanus capitis). Cutis. 2017 Dec;100(6):389-392
4. Packer H, Heiberger AL. Getting Ahead of Head Lice: Treatment in the Setting of Resistance. S D Med. 2016 Oct;69(10):468-470.
5. Salavastru CM, Chosidow O, Janier M, Tiplica GS. European guideline for the management of pediculosis pubis. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2017 Sep;31(9):1425-1428.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!