Từ điển bệnh lý
Bệnh do Chlamydia psittaci : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Bệnh do Chlamydia psittaci
Bệnh do Chlamydia psittaci (psittacosis, ornithosis) có căn nguyên gây bệnh là vi khuẩn Chlamydia psittaci; lây truyền bệnh cho con người chủ yếu từ loài chim. Bệnh có thể có biểu hiện toàn thân. Bệnh do Chlamydia psittaci có ở khắp các khu vực trên thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, châu Âu, khu vực Trung Đông và Australia. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh chính xác của bệnh do Chlamydia psittaci còn chưa rõ ràng do thiếu các xét nghiệm thường quy cũng như tính đồng nhất của các xét nghiệm chẩn đoán. Khi mắc bệnh, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ không triệu chứng đến suy đa tạng, dẫn đến tử vong. Phụ nữ có thai mắc bệnh do Chlamydia psittaci có thể gây nguy hiểm tính mạng, gây sảy thai.
Hình ảnh minh họa Chlamydia psittaci (psittacosis, ornithosis)
Nguyên nhân Bệnh do Chlamydia psittaci
Căn nguyên gây bệnh psittacosis là Chlamydia psittaci, là vi khuẩn nội bào bắt buộc. Hiện tại, có 10 kiểu gen đã biết dựa trên giải trình tự gen của lớp protein bên ngoài của vi khuẩn - ompA. Mỗi kiểu gen sở hữu đặc điểm và độc lực riêng; đôi khi, có sự trùng hợp giữa các kiểu gen.
Sau khi bị người bệnh hít phải, vi khuẩn Chlamydia psittaci sẽ xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp và nhân lên. Hình ảnh đại thể cho thấy có tổn thương thủy phổi, thường xuất huyết. Trên hình ảnh vi thể có thể thấy dịch tiết gồm fibrin, bạch cầu đa nhân và xuất huyết; khoảng kẽ thâm nhiêm cả bạch cầu đa nhân và lympho bào. Vi khuẩn Chlamydia psittaci tác động lên cả phế quản, phế nang và cả thùy phổi. Có thể có hoại tử biểu mô phế quản, huyết khối mao mạch, hoại tử phế nang.
Chlamydia psittaci sẽ xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp và nhân lên
Triệu chứng Bệnh do Chlamydia psittaci
Bệnh do Chlamydia psittaci thường xuất hiện ở người trẻ và độ tuổi trung niên, với biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu rõ rệt và ho khan. Đôi khi, nhiễm bệnh do Chlamydia psittaci có thể không có triệu chứng. Bệnh nhân nhiễm Chlamydia psittaci thường có tiền sử tiếp xúc với loài chim trước đó. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 14 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 39 ngày. Các triệu chứng ít gặp hơn gồm có viêm họng, tiêu chảy và thay đổi ý thức.
Biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu rõ rệt và ho khan
Khi thăm khám, phần lớn bệnh nhân có tổn thương phổi, nghe phổi có rale; đôi khi có thể phát hiện tràn dịch màng phổi, gan, lách to. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân nhiễm Chlamydia psittaci có thể có các biến chứng toàn thân như suy hô hấp, suy thận, rối loạn đông máu, tổn thương hệ thần kinh trung ương (như viêm màng não, viêm não, hội chứng Guillain-Barre,…), viêm khớp phản ứng, tiêu cơ vân cấp, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim,…
Phụ nữ có thai nhiễm Chlamydia psittaci có thể nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt ở tháng thứ hai và thứ ba của thai kỳ. Các biến chứng như suy thận, suy gan và rối loạn đông máu có thể khiến thai phụ tử vong. Vi khuẩn có thể qua rau thai và gây suy thai trong tử cung.
Các biến chứng Bệnh do Chlamydia psittaci
Bệnh nhân nhiễm Chlamydia psittaci tiến triển nặng có thể có các biến chứng toàn thân như suy hô hấp, suy thận, rối loạn đông máu, tổn thương hệ thần kinh trung ương (như viêm màng não, viêm não, hội chứng Guillain-Barre,…), viêm khớp phản ứng, tiêu cơ vân cấp, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim,…
- Biến chứng phổi: Bệnh nhân có thể có suy hô hấp, cần thông khí nhân tạo và tử vong. Bệnh nhân viêm phổi nặng thường đi kèm tổn thương thần kinh trung ương, biến chứng thận và đường tiêu hóa.
Bệnh nhân có thể có suy hô hấp và tử vong
- Biến chứng thận: Bệnh nhân thường có protein niệu và thiểu niệu. Một số trường hợp có thể viêm ống thận cấp, viêm thận kẽ, viêm cầu thận cấp,…
- Biến chứng huyết học: Hội chứng thực bào máu, huyết khối giảm tiểu cầu
- Tổn thương gan: Viêm gan, hoàng đảm,…
- Biến chứng thần kinh trung ương: Bệnh nhân có thể có viêm não, viêm màng não, rối loạn tâm thần, tăng áp lực nội sọ. Có thể phát hiện DNA của Chlamydia trong dịch não tủy. Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm Chlamydia psittaci có thể viêm màng bồ đào, liệt dây thần kinh sọ số 4,6,7 và 12; nhìn đôi, điếc thoáng qua, viêm tủy cắt ngang, hội chứng Gullain-Barre,…
- Hệ thống cơ xương khớp: có thể gây viêm khớp nhỏ và lớn, viêm đa khớp đối xứng, viêm khớp phản ứng (hội chứng Reiter), tiêu cơ vân cấp.
- Biểu hiện da: xuất hiện chứng đỏ da, hồng ban đa dạng, hồng ban vòng, viêm mô mỡ dưới da,…
- Viêm kết mạc mạn tính
- Biến chứng tim mạch: Viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim thường hiếm khi xuất hiện.
Nhiễm Chlamydia psittaci gây nguy hiểm đến phụ nữ có thai, đặc biệt ở tháng thứ hai và thứ ba của thai kỳ. Các biến chứng như suy thận, suy gan và rối loạn đông máu có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ. Vi khuẩn có thể qua rau thai và gây tình trạng suy thai trong tử cung.
Đường lây truyền Bệnh do Chlamydia psittaci
Loài chim được coi là nguồn chứa vi khuẩn chính. Bệnh thường xuất hiện rải rác; tuy nhiên, dịch bệnh cũng có thể xảy ra khi con người tiếp xúc với chim nhiễm bệnh. Chlamydia psittaci được ghi nhận ở hơn 30 loài gia cầm, chim khác nhau như gà tây, gà lôi, đà điểu và chim cánh cụt; trong đó, vẹt là loài dễ mắc bệnh nhất. Một số loài chim di cư cũng có thể mang theo mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh ở chim rất đa dạng, từ 3 ngày với tình trạng cấp tính đến hàng năm với các đợt nhiễm bệnh tái phát. Chim mắc bệnh Chlamydia psittaci có thể không có triệu chứng hoặc xuất hiện lờ đờ, chán ăn, xù lông, chảy nước mắt, mũi hoặc tiêu chảy và có thể mất nước, chết nhanh sau đó. Vi khuẩn có ở phân, nước tiểu và dịch tiết đường hô hấp. Khi phân khô, vi khuẩn có thể tồn tại ở dạng giọt bắn hay lây truyền qua không khí; thậm chí vi khuẩn đã khô vẫn có thể tồn tại nhiều tháng ở nhiệt độ phòng. Do đó, lây truyền không nhất thiết qua tiếp xúc trực tiếp.
Loài chim được coi là nguồn chứa vi khuẩn chính.
Con người thường nhiễm bệnh khi hít phải vi khuẩn Chlamydia psittaci ở phân khô ở bụi lông chim hay khi chim đập cánh trong lồng. Vệ sinh chuồng chim thường tăng nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, có thể nhiễm bệnh khi bị chim cắn, tiếp xúc miệng với mỏ chim hay tiếp xúc thoáng qua như đến các vườn thú.
Lây truyền bệnh Chlamydia psittaci từ các động vật khác sang con người thường ít hơn. Một số động vật có thể mang mầm bệnh Chlamydia psittaci như cừu, dê, chó, gia súc, ngựa, biểu hiện là thiếu rau thai, sảy thai, viêm đường hô hấp mạn tính. Tiếp xúc với dịch lúc sinh đẻ và nhau thai các động vật nhiễm bệnh này có thể lây truyền bệnh cho con người. Lây truyền từ người sang người cũng có thể xảy ra,
Đối tượng nguy cơ Bệnh do Chlamydia psittaci
Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh do Chlamydia psittaci có tiền sử tiếp xúc với loài chim. Dịch bệnh thường xảy ra ở các của hàng thú nuôi, khu vực nuôi chim, chăn nuôi gia cầm, dịch vụ thú y,…Mặc dù có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, bệnh phổ biến nhất ở người trẻ và độ tuổi trung niên.
Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh do Chlamydia psittaci có tiền sử tiếp xúc với loài chim.
Phòng ngừa Bệnh do Chlamydia psittaci
Hiện tại chưa có vắc-xin phòng bệnh Chlamydia psittaci. Nhiều cơ quan y tế yêu cầu các bác sĩ lâm sàng báo cáo các ca mắc bệnh do Chlamydia psittaci. Các báo cáo giúp phát hiện ổ dịch, phát hiện sớm và điều trị các loài chim là nguồn lây nhiễm. Từ đó, phát hiện các trường hợp người tiếp xúc để cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh; đồng thời, cách ly và điều trị các loài chim mắc bệnh Chlamydia psittaci, tránh lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.
Điều kiện vệ sinh kém ở nơi giữ các loài chim có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Sử dụng biện pháp phòng hộ như găng tay, khẩu trang, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động các khu vực này là rất cần thiết.
Các biện pháp chẩn đoán Bệnh do Chlamydia psittaci
Bệnh nhân cần nghĩ đến chẩn đoán bệnh do Chlamydia psittaci khi có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu (sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, ho khan) và có tiền sử tiếp xúc với chim. Nếu bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi, đau đầu nhiều, lách to và không đáp ứng với điều trị kháng sinh nhóm beta-lactam cũng góp phần gợi ý chẩn đoán.
Các xét nghiệm giúp chấn đoán bệnh do Chlamydia psittaci, bao gồm:
- Huyết thanh chẩn đoán: Do nuôi cấy vi khuẩn thường khó và nguy hiểm, huyết thanh chẩn đoán là phương pháp chủ yếu để chẩn đoán bệnh do Chlamydia psittaci. Có hai phương pháp chẩn đoán huyết thanh gồm phản ứng vi miễn dịch huỳnh quang và phản ứng cố định bổ thể. Phản ứng cố định bổ thể có thể ứng dụng rộng rãi nhưng không thể phân biệt các chủng Chlamydia với nhau. Ngược lại, phản ứng vi miễn dịch huỳnh quang có độ nhạy và độ đặc hiệu cao với C.psittaci nhưng chỉ có thể làm ở các phòng xét nghiệm đặc hiệu.
Xét nghiệm PCR phát hiện C.psittaci
- Kỹ thuật kháng thể đơn dòng: Kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp có thể ứng dụng để làm test nhanh.
- Xét nghiệm PCR phát hiện C.psittaci
- Nuôi cấy vi khuẩn Chlamydia psittaci từ bệnh phẩm đờm, dịch màng phổi, bệnh phẩm sinh thiết tạng thường không được khuyến cáo, trừ khi ở phòng xét nghiệm chuyên biệt do nguy cơ cao khi nuôi cấy và lây truyền qua giọt bắn.
- Xét nghiệm công thức máu thường có số lượng bạch cầu bình thường; nhưng xét nghiệm máu lắng và CRP thường tăng.
- Xquang phổi thường có tổn thương ở thùy phổi; đôi khi có tràn dịch màng phổi. Trên phim chụp CT ngực, có thể thấy hình ảnh kính mờ.
- Dịch não tủy: Có thể có tăng protein dịch não tủy.
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh do Chlamydia psittaci với các căn nguyên gây viêm phổi không điển hình khác (gồm nhiễm Chlamydia pneumonia, Mycoplasma pneumonia và Legionella). Nếu bệnh nhân chỉ có sốt mà không có các dấu hiệu khu trú, triệu chứng cúm, viêm màng ngoài tim, viêm mạch, cần chẩn đoán phân biệt với nhiễm Coxiella burnetti, nhiễm Leptospira,…Ngược lại, với trường hợp biểu hiện ngoài phổi là chủ yếu, cần phân biệt với các căn nguyên gây viêm dạ dày ruột, viêm gan, viêm não, màng não,….
Các biện pháp điều trị Bệnh do Chlamydia psittaci
Kháng sinh nhóm tetracycline được ưu tiên trong điều trị nhiễm Chlamydia psittaci; tuy nhiên, cũng có thể lựa chọn thay thế bằng macrolide trong trường hợp viêm phổi cộng đồng và không có bằng chứng vi sinh.
Kháng sinh nhóm tetracyclines: Với trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Chlamydia psittaci ở mức độ nhẹ đến vừa, có thể lựa chọn doxycycline đường uống (100mg/lần x 02 lần/ngày) hoặc dùng đường tĩnh mạch trong những trường hợp bệnh nhân nặng. Thời gian điều trị thường từ 7 đến 10 ngày.
Kháng sinh nhóm macrolides (như erythromycin, azithromycin,…) thường được lựa chọn thay thế khi bệnh nhân có chống chỉ định với tetracyclines, và tình trạng bệnh nhẹ và trung bình. Thời gian điều trị trong 5 ngày.
Ngoài ra, có thể sử dụng các kháng sinh như chloramphenicol, rifampin, ofloxacin để điều trị bệnh do Chlamydia psittaci.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!